- Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt các cuộc tấn công ở Biển Đỏ
- Houthi tấn công tàu thương mại, thách thức liên quân do Mỹ lập trên Biển Đỏ
- “Gã khổng lồ” hải vận Maersk chuẩn bị nối lại hoạt động ở Biển Đỏ
Một số nhà xuất khẩu tại Trung Quốc chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis tại Biển Đỏ.
Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), từ tháng 11/2023, nhóm vũ trang Houthis tại Yemen đã sử dụng phương tiện không người lái, tên lửa tấn công tàu thương mại di chuyển qua Biển Đỏ nhằm phản ứng trước chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza.
Động thái trên đã khiến nhiều hãng vận tải biển, bao gồm tập đoàn Maersk của Đan Mạch, công ty vận tải quốc doanh của Trung Quốc Cosco và tập đoàn năng lượng BP phải tạm dừng hoạt động vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez và Biển Đỏ.
Theo SCMP, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh các công ty vận tải đối mặt nhiều áp lực liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa trước dịp tết Nguyên đán.
Nguyên nhân do Trung Quốc thường sản xuất lượng lớn hàng hóa phục vụ xuất khẩu trước khi các nhà máy tạm dừng sản xuất trong dịp tết Nguyên đán. Nhưng trong tình hình nhiều chuyến tàu phải tạm hoãn hoặc chuyển hướng di chuyển qua Mũi Hảo Vọng, những tàu này có khả năng sẽ không cập cảng tại Trung Quốc kịp thời.
Bởi lẽ, việc chuyển hướng di chuyển vòng qua Nam Phi khiến hành trình của các tàu kéo dài thêm 3.500 hải lý, tương đương hơn hai tuần di chuyển. Tình trạng này sẽ làm chậm thời gian các container rỗng quay trở lại Trung Quốc.
Ông Rico Luman, nhà kinh tế học tại tổ chức ING Research cho rằng, việc tàu thuyền phải thay đổi lộ trình di chuyển dài hơn sẽ gây ra nhiều vấn đề tại các cảng biển trong tháng 1 và tháng 2, kéo theo ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng.
Đổ xô sang đường sắt
Trong bối cảnh này, một số nhà xuất khẩu Trung Quốc đã chuyển sang vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường sắt China-Europe Railway Express kết nối giữa Trung Quốc và châu Âu. Tuyến đường sắt này chạy qua hơn 100 thành phố tại 11 quốc gia, khu vực ở châu Á và 217 thành phố tại 25 quốc gia châu Âu.
Ông Marco Forgione, Tổng giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại Quốc tế cho biết, tổ chức này đã nhận được số lượng đề nghị cung cấp thông tin về tuyến đường sắt tăng mạnh trong thời gian qua.
"Tuyến đường sắt tới châu Âu là lộ trình thay thế khả thi và chúng tôi ghi nhận đề nghị cung cấp thông tin về tuyến đường này tăng mạnh. Hoạt động vận chuyển hàng hóa qua tuyến đường sắt sẽ tăng gấp đôi trong vài tuần tới nhằm thay thế cho việc vận chuyển bằng đường biển", ông Forgione nói.
Trao đổi với báo Global Times, Chủ tịch công ty Shanghai EPU Supply Chain Management Co, ông Tommy Tan cho biết, số lượng đơn hàng yêu cầu vận chuyển bằng tuyến đường sắt China-Europe Railway Express đã tăng gấp đôi kể từ sau các cuộc tấn công của lực lượng Houthis tại Biển Đỏ.
Do đó, Shanghai EPU Supply Chain Management Co đã phải tăng công suất vận tải trên các chuyến tàu khứ hồi để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng.
Dù phí vận tải hàng hóa bằng đường sắt cao hơn so với đường biển, nhưng hành trình tàu hỏa di chuyển từ Trung Quốc tới châu Âu chỉ mất khoảng 12 ngày, trong khi thời gian vận chuyển bằng đường biển thường kéo dài 35-45 ngày.
Tuy nhiên, nhà kinh tế học Luman lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng diễn biến tại Biển Đỏ sẽ không tác động nhiều tới việc vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu bằng đường sắt. Thay vào đó, ông Luman cho rằng, các hãng vận tải có nguy cơ chậm bàn giao những đơn hàng quan trọng, giá trị cao sẽ chuyển sang giao hàng bằng đường hàng không.
Ngoài ra, ông Luman lập luận, các nhà xuất khẩu cũng thận trọng khi cân nhắc chuyển sang vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt liên quan đến chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt do nhiều quốc gia phương Tây áp đặt đối với Nga.
Ông Luman chỉ ra thực tế rằng các chuyến tàu thường chạy qua Nga khiến các hãng vận tải phương Tây gặp rất nhiều khó khăn.
Theo dữ liệu từ Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc, trong 11 tháng đầu năm 2023, tuyến đường sắt China - Europe Railway Express đã vận hành 16.145 chuyến tàu, vận chuyển lượng hàng hóa tương đương gần 1,75 triệu container. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển trong giai đoạn trên đã vượt tổng lượng hàng hóa vận chuyển trong cả năm 2022.