Một số doanh nghiệp trong nước đã theo đuổi chiến lược chủ động – trực tiếp xây dựng hạ tầng sạc để đồng hành lâu dài với người dùng.
Khó khăn khi tìm trạm sạc từ bên thứ ba
Anh Nguyễn Sơn, hiện sinh sống tại TP.HCM, mới đây chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội về những khó khăn khi sử dụng xe điện nhập khẩu. Khi chiếc xe vừa mới xuất hiện trên thị trường, anh chủ động mua và trải nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh khi anh tìm cách sạc pin cho xe. Có lần, dù xe còn hơn 80% pin, anh vẫn quyết định sạc thêm để chuẩn bị cho chuyến đi cuối tuần. Thế nhưng, hành trình tìm trạm sạc lại trở thành chuỗi “bốn lần thất bại”.
Tại trạm sạc đầu tiên, thiết bị không hoạt động dù anh đã thử nhiều lần. Ở điểm thứ hai, anh bị từ chối vì không phải khách hàng của hãng xe. Đến điểm thứ ba – một showroom của chính hãng xe anh đang sử dụng – anh cũng không được hỗ trợ vì không mua xe tại đó. Sau nhiều lần vòng vèo khắp thành phố, anh Sơn cuối cùng cũng tìm được trạm sạc tại một trung tâm thương mại, nhưng phải trả thêm phí gửi xe.
“Tôi không hối hận khi mua xe điện, nhưng trải nghiệm tìm trạm sạc đó thực sự đáng thất vọng,” anh chia sẻ.
Đầu tư hệ thống trạm sạc toàn quốc
Hiện nay, một số doanh nghiệp trong nước theo đuổi chiến lược chủ động hơn – trực tiếp xây dựng hạ tầng sạc để đồng hành lâu dài với người dùng. Trong số này có VinFast, với mạng lưới trạm sạc được phát triển quy mô thông qua công ty thành viên V-Green.
V-Green đã ký thỏa thuận triển khai 3.000 trụ sạc tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên – một phần trong kế hoạch phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2025.
Tính đến tháng 3/2025, mạng lưới của doanh nghiệp này đạt hơn 150.000 cổng sạc – thuộc nhóm cao nhất trong khu vực ASEAN – và đặt mục tiêu nâng lên 500.000 cổng trong ba năm tới. Tốc độ phát triển hạ tầng sạc của VinFast được đánh giá là nhanh hơn nhiều so với một số quốc gia phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc.

Vinfast đặt mục tiêu nâng lên 500.000 cổng sạc trong ba năm tới. (Ảnh: Thanh Trà)
Chị Lê Thị Minh, người dùng xe điện tại TP.HCM, chia sẻ: “Tôi chọn VinFast vì thấy trạm sạc ở khắp nơi, từ khu dân cư đến trung tâm thương mại. Không phải canh pin từng ngày hay đi vòng vòng tìm chỗ sạc như mấy người bạn dùng xe khác.”
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), nhận định: “Doanh nghiệp nào muốn bán xe điện tại Việt Nam thì phải có trách nhiệm đầu tư hạ tầng. Không thể chỉ đến để bán xe rồi phó mặc cho hạ tầng của người khác. Nếu không có ràng buộc cụ thể, sẽ có những hãng chỉ lo bán hàng mà không chịu đầu tư dài hạn, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.”
Không dừng lại ở trong nước, VinFast còn có tham vọng mở rộng mô hình hạ tầng ra nước ngoài. Doanh nghiệp này đang nghiên cứu áp dụng chiến lược tương tự tại các thị trường mới nổi như Indonesia và Philippines – nơi xe điện đang bước vào giai đoạn khởi phát.
Để thúc đẩy người dùng chuyển đổi sang xe điện, VinFast còn đưa ra chính sách ưu đãi sạc miễn phí đến năm 2027. Chiến lược này không chỉ gia tăng sức hút với người mua mà còn khuyến khích thói quen sử dụng xe điện lâu dài.