Để hai gói tín dụng bất động sản lớn thực sự đến được tay người dân?

Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi là vấn đề “nóng” đang được dư luận quan tâm.

Hai gói tín dụng lớn này được kỳ vọng sẽ “hâm nóng” lại thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề dư luận quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào để hai gói tín dụng này đến được với người có nhu cầu thật?

Hai gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc "tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đề xuất gói 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản.

1
Một góc dự án nhà ở xã hội ở xã An Đồng, huyện An Dương - Hải Phòng được bàn giao tháng 11/2021

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).

Trao đổi rõ hơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, gói 110.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào Nghị quyết sắp tới cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. "Chúng tôi đã phân định rõ 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay còn 55.000 tỷ đồng cho người dân vay. Gói này được đưa vào nghị quyết giống gói 30.000 tỷ đồng trước cho nhà ở xã hội”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng công bố rằng đã họp với 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Theo đó, các ngân hàng này cũng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% (lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ).

Bà Hồng cho biết thêm: Ngân hàng Nhà nước sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp.

thong-doc20230219164831
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: 4 ngân hàng lớn cũng thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2%.

Lãi suất của hai gói tín dụng sẽ khác nhau

Cả hai gói tín dụng trên đều hướng đến các đối tượng là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trao đổi thêm về hai gói tín dụng này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết gói 110.000 tỷ mà Bộ Xây dựng đang đề xuất thì sẽ phải nằm trong Đề án Tổng thể về phát triển nhà ở xã hội còn gói 120.000 tỷ là chương trình cam kết của các Ngân hàng thương mại với lãi suất ưu đãi hơn một chút.

Ông Lực cho hay: "Gói tín dụng 110.000 tỷ sẽ còn phải bàn thảo thêm một thời gian nữa còn gói 120.000 tỷ thì các Ngân hàng thương mại có thể triển khai cho vay luôn được nhưng phụ thuộc vào khả năng hấp thị của thị trường".

Về lãi suất của hai gói tín dụng này cũng sẽ khác nhau. Ông Lực cho biết, gói 110.000 tỷ nằm trong chương trình cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ có lãi suất hàng năm ở mức 4,8-5% giống như các gói cho vay mua nhà ở xã hội Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn đang làm. "Tuy nhiên, lãi suất của gói 120.000 tỷ đồng chỉ thấp hơn mức trên thị trường từ 1,5-2%. Như vậy, nếu xét trên lãi suất hiện tại thì có thể lãi suất cho vay gói 120.000 tỷ đồng vẫn ở mức trên dưới 10%", ông Lực cho biết.

Cần phải có lộ trình rõ ràng cho hai gói tín dụng

Nhận định về hai gói tín dụng này, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc Cấp cao CBRE cho biết rất hoan nghênh gói tín dụng cho nhà ở xã hội. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, phải xem gói tín dụng này sẽ được ưu tiên đưa vào đâu, triển khai như thế nào là vấn đề cần được làm ngay.

Bà Dung nói: "Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất để phát triển nhà ở xã hội là quỹ đất. Tuy nhiên, sau khi triển khai bán giá thế nào? Không thể để giá nhà xã hội bán ngang giá nhà thương mại trung cấp".

Bà Dung cho rằng, gói tín dụng này phải có lộ trình rõ ràng mới khả thi. Cũng giống như cách đây 10 năm với gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khi mới bắt đầu triển khai cũng chưa được chuẩn. "Mình đã có bài học cách đây 10 năm, bây giờ số tiền hàng nghìn tỷ đồng làm sao đến tay được đúng đối tượng", bà Dung nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Lê Thành cho biết, đề xuất này của Bộ Xây dựng để thực hiện mục tiêu thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ. Nguồn tín dụng này để hỗ trợ chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, hỗ trợ người thuê mua. Hi vọng rằng với sự quyết liệt của Chính phủ của Bộ Xây dựng, giấc mơ người nghèo có nhà ở sẽ sớm thành hiện thực.

Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: việc đưa ra gói tín dụng 120.000 tỉ đồng không có nghĩa Ngân hàng Nhà nước mở rộng cung tiền để 4 Ngân hàng thương mại cho vay, mà có thể Ngân hàng thương mại dành ra khoản tín dụng để cơ cấu lại một số mảng gặp rủi ro cao và chuyển sang đối tượng vay có rủi ro thấp. Tuy nhiên, sự cam kết giảm lãi suất là một tín hiệu tốt với thị trường lúc này.

Còn đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỉ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội là cần thiết bởi sự phát triển của thị trường bất động sản thời gian qua đã khiến nhiều người phải "lùi về phía sau" trong việc tiếp cận nhà ở. Nếu đề xuất này được thực thi, hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ mở hạn mức (room) tín dụng để "tưới tiêu" phần nào cho thị trường, thúc đẩy thị trường chuyển động nhanh hơn.

Người dân mong mỏi: gói tín dụng được giải ngân đúng người, đúng mục đích

Trao đổi với Báo Công Thương, anh Nguyễn Văn Tuấn – đang thuê trọ tại phường Cổ Nhuế 1- Bắc Từ Liêm cho biết anh rất phấn khởi và háo hức với hai gói tín dụng này. Hi vọng những người chưa sở hữu nhà và có thu nhập ở mức trung bình như vợ chồng anh sẽ có cơ hội vay vốn và mua được nhà ở xã hội.

Chị Lê Thu Nga – công nhân khu công nghiệp Nam Thăng Long chia sẻ, có đọc thông tin về hai gói tín dụng lớn dành cho nhà ở xã hội. Nhưng chị vẫn phân vân không biết liệu mình có “lọt” được vào đối tượng được vay mua nhà ở xã hội hay không và rất mong gói tín dụng được giải ngân đúng người đúng mục đích.

Trên các diễn đàn, nhiều người dân cũng có ý kiến về hai gói tín dụng lớn này. Đa phần các ý kiến đều tranh luận về việc: Trong thời gian tới, các thông tin như doanh nghiệp nào làm nhà ở xã hội? Ai bán nhà ở xã hội? Thông tin đạt điều kiện mua nhà ở xã hội có phổ biến các phương tiện nơi người trong điều kiện được mua dễ dàng biết không? Ai là người duyệt hồ sơ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội?

Người dân cho rằng các thông tin này phải được minh bạch rõ ràng. Bởi thực tế, có rất nhiều người vượt điều kiện mua nhà ở xã hội vẫn được duyệt hồ sơ và tình trạng mua đi bán lại nhà ở xã hội vẫn diễn ra. Dẫn tới người có nhu cầu thực lại không tiếp cận được, trong khi vô hình chung lại tiếp tay, làm lợi cho các đối tượng “cò”, có quen biết theo cơ chế xin – cho.

Để minh bạch các thông tin về nhà ở xã hội, nhiều người dân còn đề nghị nên thành lập một kênh công khai để tiếp nhận thông tin tố cáo các trường hợp bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, công khai để cả nước biết nơi nào làm sai và công khai xử lý.

 
Nguyễn Duyên / Báo Công Thương