Từ thực tế nhiều công chức được bổ nhiệm sai vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt diễn ra thời gian gần đây, cho thấy động thái “nâng đỡ không trong sáng” đang xảy ra khá phổ biến. Xin giới thiệu bài viết chia sẻ ý kiến của bạn đọc Vĩnh Linh ở TP. Kon Tum.
Có một thực tế là hiện nay nhiều trường hợp cán bộ, công chức yếu về chuyên môn, thiếu năng lực, kỹ năng công tác nhưng vẫn được đề bạt, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm, tiêu cực, cố ý làm trái xảy ra ngày càng nhiều, thiệt hại ngày càng lớn.
Không ít cán bộ yếu kém được bổ nhiệm dễ dãi
Các nguyên nhân bổ nhiệm sai bao gồm bè phái, cục bộ, “con ông cháu cha”, thậm chí còn là để dễ dàng sai khiến họ. Những cán bộ được bổ nhiệm kiểu này thường không có chính kiến, “ba phải” hoặc sẳn sàng thực hiện công việc sai nguyên tắc, thậm chí vi phạm pháp luật theo chỉ đạo của cấp trên.
Trong khi đó, tiêu chí quan trọng nhất của cán bộ, công chức ngoài đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải có khả năng tư duy, có lập trường và quyết đoán.
Không có chính kiến, họ rất khó điều hành cơ quan, đơn vị và quản lý tốt nhân viên dưới quyền. Mặt khác, dưới sự lãnh đạo của những người này thì nguy cơ đẩy đơn vị do họ phụ trách vào con đường sai trái, vi phạm pháp luật hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao là rất cao.
Nhiều người vì không có năng lực, lập trường nên đã bị những kẻ vụ lợi, ích kỷ giật dây, dắt mũi để rồi ra các quyết định sai trái hoặc thiếu quyết đoán, quyết liệt khi thực hiện nhiệm vụ được giao làm giảm hiệu quả công tác.
Mặc dù thời gian gần đây, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn đã bị xử lý và có xu hướng giảm nhưng việc bổ nhiệm cán bộ “dễ bảo” vẫn diễn ra nơi này, nơi kia. Đáng buồn hơn là nhiều trường hợp cán bộ yếu chuyên môn, thiếu kinh nghiệm, uy tín nhưng vẫn được đề bạt, bố trí vào các chức vụ cao, vị trí quan trọng.
Cán bộ yếu năng lực, không có chính kiến đã làm cho hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức của cơ quan nhà nước giảm đi. Đây là rào cản đối với công cuộc cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy nhà nước, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết chấn chỉnh, tuyệt đối không nên bố trí, bổ nhiệm những cán bộ thiếu năng lực, không có chính kiến hoặc “ba phải” vào các chức vụ quan trọng, chủ chốt trong bộ máy nhà nước.
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vĩnh Linh
Bổ nhiệm vợ làm lãnh đạo, giám đốc điện lực bị đình chỉ
Với hàng loạt sai phạm, trong đó có việc bổ nhiệm vợ làm lãnh đạo phòng, Giám đốc Chi nhánh Điện cao thế Kiên Giang ... |
Quan nhất thời
Ông Lê Phước Hoài Bảo vừa mất hết các chức vụ, bao gồm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cùng ... |
Cách chức giám đốc bệnh viện bổ nhiệm con trai làm phó khoa
Ông Phạm Nông bị cách chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thanh Bình, cách toàn bộ chức vụ trong Đảng do sai phạm trong ... |