Triều Tiên bù đắp thua kém về không quân và hải quân bằng hàng nghìn tổ hợp pháo phản lực, đủ sức đe dọa thủ đô Seoul của Hàn Quốc.
Những bức ảnh được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố sau đó cho thấy bên cạnh một quả tên lửa tầm ngắn, các tổ hợp pháo phản lực tầm xa của nước này đồng loạt khai hỏa trong cuộc thử nghiệm. Các chuyên gia quân sự cho rằng Triều Tiên dường như muốn phô diễn uy lực của các hệ thống vũ khí chiến thuật trong biên chế qua vụ thử này, đặc biệt là sức mạnh của các dàn pháo phản lực phóng loạt.
Tuy có quân số thường trực hơn một triệu người, quân đội Triều Tiên không được trang bị những vũ khí hiện đại như Mỹ hay Hàn Quốc, các đơn vị tăng thiết giáp nước này cũng khó có cơ hội giành ưu thế chủ động trước đối phương. Bù lại, pháo binh Triều Tiên được Mỹ đánh giá là lực lượng lớn nhất thế giới, cũng là mối đe dọa lớn trong bất kỳ xung đột quân sự nào trong khu vực.
Yếu tố đáng sợ nhất của pháo binh Triều Tiên nằm ở các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) với khả năng phóng hàng nghìn quả đạn trong thời gian rất ngắn. Bình Nhưỡng đã tự phát triển nhiều pháo phản lực phóng loạt với cỡ nòng từ 107 mm đến 300 mm, sở hữu tầm bắn xa và sức công phá mạnh.
Đợt diễn tập sáng 4/5 đánh dấu lần đầu Triều Tiên công khai sử dụng tổ hợp KN-09 do nước này tự phát triển, biên chế từ năm 2016 và ra mắt trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào ngày 9/9/2018.
Pháo phản lực phóng loạt tầm xa KN-09 được đánh giá là bản sao từ hệ thống BM-30 Smerch của Nga và áp dụng nhiều cải tiến của riêng Triều Tiên, đặt trên khung gầm xe tải do Trung Quốc chế tạo. Mỗi xe chiến đấu gồm 8 ống phóng cỡ nòng 300 mm.
Tình báo Hàn Quốc ước tính hệ thống này có tầm bắn 180-200 km, gấp ba lần tổ hợp MLRS uy lực nhất của Triều Tiên trước đó. Với tầm bắn này, các tổ hợp KN-09 có thể bao trùm một nửa lãnh thổ Hàn Quốc, trong đó có nhiều căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ. Ngoài đầu đạn nổ mảnh thông thường, dường như Triều Tiên cũng đang chế tạo đầu đạn xuyên phá lô cốt và mìn để tăng tối đa sức chiến đấu.
Phiên bản KN-09 cải tiến trong một đợt bắn thử. Ảnh: Military Edge.
Các hệ thống KN-09 liên tục được cải tiến, trong đó biến thể đời sau sử dụng cụm ống phóng hình hộp. Thiết kế này cho phép thay cùng lúc 4 quả đạn, giảm đáng kể thời gian nạp đạn so với việc lắp từng quả vào ống phóng riêng lẻ.
Cơ cấu dẫn đường của KN-09 chưa được tiết lộ, nhưng mỗi quả đạn có hai cánh lái ở đầu để tăng độ chính xác, đặc điểm không xuất hiện trên BM-30 Nga và tương tự tổ hợp M31 Mỹ. Bình Nhưỡng nhiều khả năng đã hoàn thiện đầu dò khớp ảnh và định vị vệ tinh, biến KN-09 thành tổ hợp vũ khí dẫn đường với độ chính xác rất cao.
Pháo phản lực M1991 cũng phóng nhiều quả đạn trong đợt diễn tập ngày 4/5. Đây là mẫu pháo phản lực mạnh nhất của Triều Tiên trước khi hệ thống KN-09 được biên chế. M1991 là định danh do Bộ Quốc phòng Mỹ đặt, cho thấy loại vũ khí này xuất hiện lần đầu từ năm 1991.
Mỗi xe chiến đấu M1991 được lắp 22 ống phóng cỡ nòng 240 mm, tăng thêm 6 ống so với mẫu M1985 nguyên bản. Quả đạn có thể lắp nhiều loại đầu đạn như nổ mảnh, tạo khói, gây cháy và hóa học, trong đó đạn nổ mảnh tiêu chuẩn chứa khối thuốc nổ nặng 45 kg. Phiên bản M1991 mới nhất đạt tầm bắn khoảng 65-70 km.
Khẩu đội M1991 tiêu chuẩn gồm 5 xe phóng, cùng các xe hậu cần kỹ thuật. Quá trình nạp đạn thường diễn ra cách xa trận địa nhằm tránh thiệt hại do đối phương phản pháo. Triều Tiên ước tính đang vận hành 200 tổ hợp M1985 và M1991, cùng khoảng 700 xe phóng BM-24 và BMD-20 có tính năng tương tự.
Một khẩu đội M1991 khai hỏa trong đợt diễn tập sáng 4/5. Ảnh: KCNA.
Ngoài các hệ thống pháo phản lực tầm xa với cỡ nòng trên 200 mm, Bình Nhưỡng còn sở hữu hàng nghìn tổ hợp MLRS tầm ngắn cỡ nòng 122 mm và 107 mm, phần lớn đều là biến thể phát triển từ tổ hợp BM-21 Grad do Liên Xô phát triển với 40 ống phóng trên mỗi xe.
Các ống phóng có rãnh xoắn (khương tuyến) để ổn định đường đạn, tăng độ chính xác tương tự nòng súng trường. Cụm ống phóng Grad có tầm bắn tối đa hơn 20 km.
Hàng loạt mẫu đạn khác nhau được phát triển cho Grad, nhằm đáp ứng yêu cầu từng nhiệm vụ. Biến thể phổ biến nhất là 9M22U, có đầu đạn nổ mảnh nặng 18,4 kg. Đầu đạn cháy, mìn chống tăng, nổ mảnh, pháo sáng và đạn khói cũng làm tăng tính tiện dụng của các biến thể BM-21 trong cả tấn công và phòng thủ.
"Tuy không có độ chính xác cao như pháo thông thường, MLRS rất lợi hại khi tấn công mục tiêu trên diện rộng, gây sốc cho đối phương. Đây sẽ là vũ khí được triển khai đầu tiên nếu có chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng Mỹ và Hàn Quốc. Điều đó khiến pháo phản lực phóng loạt luôn là vũ khí khiến Washington và Seoul e ngại", chuyên gia quân sự Dave Majumdar nhận xét.
Hệ thống M1991 và KN-09 tham gia duyệt binh năm 2018. Ảnh: KCNA.
Vũ Anh (Theo National Interest)
Vũ khí của Triều Tiên đã vô hiệu hóa các hệ thống phòng thủ của Mỹ?
Vũ khí được cho là tên lửa do Triều Tiên thử nghiệm cuối tuần trước đã đi vào tầng bình lưu và bay ở một ... |
'Iskander Triều Tiên' sẽ trở thành cơn ác mộng của Mỹ?
Theo giới chuyên gia quân sự, tên lửa mới mang biệt danh ‘Iskander Triều Tiên’ là nguy cơ lớn đối với quân đội Mỹ ở ... |