“Tuyệt vọng, đói khát và sợ hãi”, đó là cảnh báo về tình hình người dân ở Palestine do ông Philippe Lazzarini, Tổng ủy viên Cơ quan cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA) đưa ra.
Không còn là nơi con người có thể sống
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 14/12, Tổng ủy viên UNRWA Philippe Lazzarini cho biết, hơn hai tháng xung đột đã biến Dải Gaza thành nơi không còn thích hợp cho con người sinh sống.
Trước nạn đói và bệnh tật tràn lan, các hầm trú ẩn của Liên hợp quốc quá tải trầm trọng, UNRWA đã yêu cầu Israel chấm dứt ngay lập tức hành động bao vây khu vực này.
Ông Philippe Lazzarini cũng cho biết, cuộc đổ bộ của Israel đã đẩy hơn 1,3 triệu người Palestine về phía nam thành phố Rafah, khu vực vốn được cho là nghèo nhất nằm tại cực nam, giáp biên giới Ai Cập.
Những căn lều tạm bợ dưới nền đất bùn nước của người tị nạn tại TP Rafah (Gaza) (Ảnh: Reuters)
“Hiện nay có một kho chứa của Liên hợp quốc đang trở thành nơi trú ẩn cho 30.000 người. Trong khi đó nhiều người khác hoàn toàn không có nơi để trú ẩn”, ông Philippe Lazzarini chia sẻ.
“Họ sống ngoài trời, trong giá rét, nhem nhuốc vì bùn đất và phải chịu dầm mưa. Nhìn đâu cũng đầy rẫy những nơi ở tạm bợ. Đi đến đâu cũng thấy sự tuyệt vọng, đói khát và sợ hãi trên gương mặt tất cả mọi người”, ông Lazzarini xót xa nói.
Trước đó 13/12, người phát ngôn Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) còn chia sẻ một mối đe dọa khác với người dân Gaza: “Cơn bão dịch bệnh khủng khiếp đã bắt đầu. Bây giờ chỉ là về vấn đề rằng nó sẽ thảm khốc đến mức nào.”
Quan chức LHQ: Israel cần dỡ bỏ bao vây Gaza ngay lập tức
Khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 10, Israel đã kêu gọi người dân khu vực phía bắc Dải Gaza di chuyển xuống phía nam để đảm bảo an toàn.
Nhưng sau khi đã di cư về phía Nam, họ tiếp tục phải sơ tán tiếp đến Rafah, cực nam của dải đất vì xe tăng bắt đầu quần thảo và máy bay Israel ném bom vào thành phố Khan Younis, trung tâm miền nam Gaza.
Lãnh đạo UNRWA cho biết, hơn 1,3 triệu người đổ về Rafah, khu vực nghèo nhất của Gaza, gây quá tải nguồn tài nguyên của khu vực.
Cuộc bao vây gần như toàn diện của Israel đã dẫn tới thiếu lương thực và nước uống trầm trọng, trong khi các cơ quan nhân đạo báo cáo các đoàn xe tải viện trợ qua cửa khẩu Ai Cập-Rafah không thể đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người tị nạn.
Bản đồ Dải Gaza, trong đó Rafah nằm ở cực nam, giáp biên giới Ai Cập
“Vài tuần qua, chúng tôi gặp ngày càng nhiều người đã không ăn gì trong một, hai, thậm chí là ba ngày. Khi xe tải dừng để cung cấp viện trợ, mọi người vội lấy thực phẩm và ăn ngay lập tức”, ông Philippe Lazzarini mô tả.
“Tôi luôn tâm niệm mọi chuyện không thể tồi tệ hơn được nữa. Nhưng mỗi lần quay trở lại Gaza, tôi lại thấy thêm khốn khổ, đau xót, buồn thảm hơn. Tôi có cảm giác Gaza thực sự không còn là nơi có thể sinh sống được nữa” - vị quan chức Liên hợp quốc chia sẻ thêm.
Trước tình hình này, lãnh đạo UNRWA tuyên bố, chỉ khi Israel dỡ bỏ ngay lập tức cuộc bao vây toàn diện, cho phép dòng hàng hóa viện trợ không bị gián đoạn vào dải đất này thì mới đảo ngược được tình hình thảm họa nhân đạo tại đây.
Khung cảnh hoang tàn tại Dải Gaza (Ảnh: AP)
Theo Reuters, cơ quan y tế Gaza cho biết, cuộc tấn công của Israel vào Gaza từ đầu tháng 10 khiến ít nhất 18.787 người Palestine thiệt mạng, hơn 50.000 người bị thương, 1/5 tòa nhà ở Gaza đã bị phá hủy.
Hệ thống y tế quá tải nghiêm trọng khi 21 trong tổng số 36 bệnh viện dừng hoạt động. Số còn lại dần tê liệt do thiếu hụt mọi nguồn lực, bao gồm cả năng lượng để duy trì hoạt động tối thiểu.
Dịch bệnh như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, viêm màng não, nhiễm trùng đường hô hấp, thủy đậu và ghẻ lở đang lan rộng khắp khu vực này.