Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đạt được thỏa thuận về chiến tranh thương mại nhưng quá trình \"đối phó Huawei\" của Washington chỉ mới bắt đầu
Tập đoàn Sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) hôm 7-3 cho biết đang kiện chính phủ Mỹ liên quan đến điều khoản 889 của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ (NDAA), theo đó, hạn chế hoạt động kinh doanh của họ tại nước này.
Chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Guo Ping, cho biết đơn kiện của họ đã được trình lên tòa án ở bang Texas, cáo buộc chính phủ Mỹ "vi hiến" và làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của họ tại Mỹ. "Lệnh cấm này không chỉ bất hợp pháp mà còn hạn chế Huawei cạnh tranh công bằng, gây tổn hại đến người tiêu dùng Mỹ" - ông Guo khẳng định.
Theo Reuters, mặc dù nắm thị phần rất nhỏ trong thị trường thiết bị viễn thông Mỹ trước khi NDAA nói trên được Tổng thống Donald Trump ký ban hành vào năm ngoái, Huawei xem điều khoản 889 là một trở ngại lớn trong tiến trình giải quyết những vấn đề rộng lớn hơn với Washington. "Việc dỡ bỏ lệnh cấm NDAA sẽ mang đến cho chính phủ Mỹ sự linh hoạt cần thiết để hợp tác với Huawei và giải quyết những vấn đề an ninh thực sự" - ông Guo giải thích.
Các quan chức cấp cao của Huawei tại cuộc họp báo công bố vụ kiện chính phủ Mỹ tại TP Thâm Quyến - Trung Quốc hôm 7-3. Ảnh: REUTERS
Trong thời gian qua, Washington nỗ lực thuyết phục đồng minh "tẩy chay" Huawei vì cho rằng các thiết bị của tập đoàn này có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp. Huawei liên tục phủ nhận cáo buộc này trong khi kêu gọi các nước trên toàn thế giới phớt lờ cảnh báo của Washington.
Không những thế, ông Guo hôm 7-3 còn cáo buộc chính phủ Mỹ "tấn công mạng các máy chủ, đánh cắp nhiều thư điện tử và mã nguồn" của Huawei nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Theo các chuyên gia pháp lý Mỹ, Huawei đang sử dụng ảnh hưởng tài chính và chính trị để chống lại hàng loạt cáo buộc của Mỹ, từ gian lận ngân hàng, ăn cắp công nghệ đến hoạt động gián điệp. Tuy nhiên, ông Peter Henning, Trường ĐH Luật Wayne State (Mỹ), nhận định nỗ lực của Huawei sẽ không hiệu quả vì "Mỹ sẽ không chùn bước bởi những vụ kiện cáo này".
Trong khi đó, ông Alexander Capri, chuyên gia tại Trường ĐH Quốc gia Singapore, cho rằng động thái đáp trả cứng rắn của Huawei đối với các cáo buộc của Mỹ phản ánh 2 mong muốn của tập đoàn đến từ Trung Quốc: Phá vỡ hệ thống tư pháp Mỹ và chống lại những tuyên bố có thể làm mất hàng tỉ USD doanh thu bán hàng của họ tại thị trường quốc tế. Cáo buộc gián điệp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Huawei và nếu bị nhiều nước đồng minh Mỹ tẩy chay, họ sẽ gặp rắc rối lớn - ông Capri cho biết.
Theo Bloomberg, các công tố viên Mỹ nhiều khả năng theo đuổi quá trình tố tụng Huawei đến cùng, bất chấp điều này có thể gây ảnh hưởng đến đàm phán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Một trong những nguyên nhân là nó liên quan đến nghi vấn Huawei ăn cắp bí mật thương mại của công ty Mỹ và vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran - 2 vấn đề được chính quyền ông Trump xem là ưu tiên hàng đầu.
Nói theo cách của CNN: Mỹ và Trung Quốc có thể sớm đạt được một thỏa thuận về chiến tranh thương mại nhưng quá trình đối phó Huawei của Washington chỉ mới bắt đầu, với tâm điểm là bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính Huawei. Nhân vật này đã bị Canada bắt giữ hồi tháng 12-2018 theo yêu cầu của Mỹ. Các công tố viên Mỹ muốn bà Meng ra hầu tòa ở New York và Canada vừa bắt đầu quá trình xem xét dẫn độ người phụ nữ này sang Mỹ.
Reuters hôm 7-3 dẫn một số nguồn tin mật cho biết giới chức Mỹ đã theo dõi hoạt động của Huawei từ trước khi Tổng thống Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Theo 2 quan chức Mỹ giấu tên, một cột mốc quan trọng diễn ra hồi tháng 8-2017 khi Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein giao cho các công tố viên ở Brooklyn phụ trách cuộc điều tra nghi vấn Huawei gian lận ngân hàng.
Không có lựa chọn Một số chuyên gia nhận định với đài CNBC (Mỹ) rằng Huawei sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giao nộp dữ liệu mạng cho nhà chức trách Trung Quốc nếu được yêu cầu bởi các đạo luật về an ninh quốc gia ở nước này. Washington đang cáo buộc thiết bị mạng của Huawei có thể cung cấp cửa hậu để Bắc Kinh xâm nhập vào các mạng ở Mỹ. Trong khi đó, chính phủ Úc nêu bật nỗi lo của một số nước, theo đó, luật pháp Trung Quốc đòi hỏi doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ nhà chức trách trong "công việc tình báo". Điều này có nghĩa các công ty liên quan có thể buộc phải giao nộp dữ liệu mạng dù muốn hay không. Có 2 đạo luật đặc biệt gây lo ngại là Luật Tình báo quốc gia thông qua năm 2017 và Luật Chống gián điệp năm 2014. Dù vậy, phát ngôn viên Quốc hội Trung Quốc Zhang Yesui vào đầu tuần này chỉ trích một số quan chức Mỹ tìm cách phóng đại cái gọi là rủi ro an ninh liên quan đến sản phẩm của một số công ty Trung Quốc và gắn kết nó với luật tình báo quốc gia nước này. Huawei cho đến giờ vẫn liên tục bác bỏ cáo buộc trên của Mỹ, đồng thời khẳng định không bao giờ giao nộp dữ liệu khách hàng. Đại diện công ty cũng nhấn mạnh với CNBC rằng họ chưa bao giờ được yêu cầu làm thế. Trả lời phỏng vấn kênh CBS News vào tháng rồi, nhà sáng lập Huawei Ren Zhengfei thậm chí nói cứng rằng công ty của ông sẽ không bao giờ giúp Trung Quốc do thám Mỹ ngay cả khi được luật pháp yêu cầu. Tuy nhiên, một số chuyên gia bên ngoài Trung Quốc nhận định Huawei hầu như không thể khước từ yêu cầu cung cấp dữ liệu từ Bắc Kinh. "Huawei sẽ phải giao nộp mọi dữ liệu và tiến hành bất kỳ hoạt động giám sát nào được yêu cầu" - ông Jerome Cohen, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ), khẳng định. |
Trung Quốc chỉ trích Mỹ "đàn áp chính trị" khi chống lại Huawei Ngoại trưởng Vương Nghị cam kết bảo vệ doanh nghiệp và công dân Trung Quốc, đồng thời ủng hộ việc Huawei kiện chính phủ Mỹ. |
Huawei phản đòn, tấn công chính phủ Mỹ liên tiếp Tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) hôm 7-3 thông báo đang kiện chính phủ Mỹ liên quan tới Đạo luật ... |
Canada tiếp tục dẫn độ giám đốc tài chính Huawei: Luật sư lên tiếng Một luật sư của giám đốc tài chính công ty công nghệ Huawei – Meng Wanzhou cáo buộc Canada để Mỹ tiếp tục quá trình ... |