Nêu trường hợp khiếu nại của cử tri suốt 20 năm chưa được giải quyết, ông Trần Quang Thắng đề nghị phải chấm dứt kiểu tư duy theo nhiệm kỳ.
Sáng 6/12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP HCM khóa IX tiếp tục với phần chất vấn người đứng đầu các sở, ngành. Là người đầu tiên tham gia chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng nêu trường hợp khiếu nại của bà Trần Thị Ngọc Hóa đã kéo dài 20 năm nhưng chưa được giải quyết.
Hộ dân này có một nền nhà trước đây ở xã Bình Chánh, huyện Nhà Bè, phải giải tỏa và quy đổi nền khác. Tuy nhiên, bà Hóa và một số hộ khác không nhận được như đã thỏa thuận.
Đại biểu HĐND TP HCM Trần Quang Thắng. Ảnh: Hữu Khoa.
Thời điểm đó Công ty phát triển nhà ở Nam Sài Gòn (SADECO) thực hiện giải tỏa và hứa giao đất. Bây giờ, các hộ dân phải đi hết chỗ này chỗ kia hỏi về trường hợp của mình và cuối cùng được chỉ đến UBND quận 7. Tuy nhiên, khi họ đến thì không ai tiếp xúc, gọi điện thoại cho lãnh đạo quận 7 cũng không được.
"Nền nhà là có thật, địa chỉ là có thật nhưng sao họ không giao được. Cử tri cho biết đã gửi đơn đến Thanh tra thành phố, Trưởng ban quản lý khu Nam và cả Sở Tài nguyên - Môi trường nhưng chưa nhận được câu trả lời rõ ràng", ông Thắng nói.
"Đã xác định rõ và trường hợp của người dân là đúng tại sao không giải quyết? Chúng ta nên chấm dứt tư duy nhiệm kỳ ngay đi. Có thể những tồn đọng của quá khứ nhiệm kỳ trước không biết thì nhiệm kỳ này chúng ta phải cố gắng giải quyết hết cho người dân", ông Thắng nêu quan điểm.
Quận 7 hứa giải quyết trong tháng 12
Được Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm mời trả lời, ông Hà Phước Thắng (Trưởng ban quản lý khu Nam) cho biết, công tác bồi thường do quận 7 chủ trì và quận có Ban bồi thường. Khi nhận đơn từ đại biểu Quang Thắng, ông có công văn gửi quận 7 theo dõi.
"Hiện Công ty SADECO đã chuẩn bị xong nền nhà, quận 7 đang chỉ đạo Ban bồi thường kết hợp Phòng Tài nguyên rà soát các căn cứ pháp lý và làm việc với các bên liên quan để cấp lại nền nhà cho người dân", ông Thắng nói.
Chủ tịch UBND quận 7 Lê Hòa Bình. Ảnh: Hữu Khoa
"Vì sao vụ việc kéo dài 20 năm chưa giải quyết cho người dân", bà Quyết Tâm hỏi. Ông Thắng cho rằng "có thể vì tiến độ giải quyết và vướng mắc trong công tác bồi thường" rồi đề nghị lãnh đạo quận 7 nói rõ thêm.
Hơi ngập ngừng, Chủ tịch UBND quận 7 nhìn nhận, khoảng một năm trước có tiếp nhận vụ việc từ đại biểu Quang Thắng trong một hội nghị. "Sau khi kiểm tra thì đúng là bị... sai sót trong quá trình thực hiện đền bù cho người dân. Chúng tôi đã làm việc ngay với Ban quản lý khu Nam Sài Gòn và SADECO, trong tháng 12 này quận sẽ xem xét giải quyết", ông Bình cho hay.
Phạt nguội hành vi xả rác, công khai người vi phạm
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đề nghị Trung tâm chống ngập báo cáo tiến độ và hướng xử lý đối với dự án cải tạo kênh Hy Vọng - công trình thoát nước cho quận Tân Bình và cả sân bay Tân Sơn Nhất. Trong các lần tiếp xúc, cử tri cho rằng lực lượng xử lý không đủ nên tình trạng xả rác nơi công cộng vẫn tràn lan, ít bị xử phạt.
"Người dân đề nghị xã hội hóa lực lượng xử phạt hoặc giao ban chấp hành khu phố thực hiện được không?", ông Quang đặt vấn đề.
Phó giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, có ba hướng thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất là kênh Hy Vọng, A41 và mương Nhật Bản. Riêng mương Nhật Bản đã được cải tạo bằng ngân sách trong năm 2016-2017 và đã đưa vào sử dụng.
Thành phố đã làm việc với Ngân hàng thế giới về vay vốn, để cải tạo hai hướng thoát nước còn lại cho sân bay. Tuy nhiên, vấn đề này đang bị vướng nên thành phố quyết định dùng ngân sách để cải tạo kênh Hy Vọng, tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Công trình đã giao cho quận Tân Bình làm chủ đầu tư, công tác mặt bằng đang được triển khai để thi công.
Đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang. Ảnh: Hữu Khoa.
Còn Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, các quận huyện đã tập trung xử lý và có gần 300 trường hợp bị lập biên bản, trong đó chủ yếu là các hành vi xả rác nơi công cộng và kênh rạch.
Tuy nhiên, còn 5 điểm bất cập mà thành phố đang xin ý kiến các bộ, ngành. Đó là đề xuất trung ương cho phép được giao cho các lực lượng có sẵn như quản lý đô thị. Thành phố cũng đề xuất được dùng tiền xử phạt vi phạm để hỗ trợ cho các lực lượng này.
Bên cạnh đó, thành phố đề nghị sử dụng hình ảnh từ camera giao thông để lập biên bản xử lý nguội; bổ sung việc xử phạt đối với hành vi đổ bỏ chất thải rắn không đúng nơi quy định; và cuối cùng là đề xuất biện pháp công khai thông tin người vi phạm.
Tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu HĐND với Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Huy Toàn
Thường trực HĐND TP Nha Trang Khánh Hòa vừa ban hành nghị quyết “tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu ... |
Đề xuất ‘tù tại gia’: Đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt tác động tâm lý xã hội
Các đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt nhiều vấn đề xung quanh đề xuất “tù tại gia” của Tổng Kiểm toán Nhà nước ... |
Thiên Ngôn - Dương Trang