Các đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt nhiều vấn đề xung quanh đề xuất “tù tại gia” của Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.
Trong phiên thảo luận tại tổ ngày 12/11 về dự thảo Luật Thi hành án hình sự, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc lần đầu tiên đề nghị nghiên cứu hình thức “tù tại gia” để giảm bớt áp lực quá tải trại giam và áp dụng đối với những trường hợp phạm tội nhẹ, ít có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Đề xuất này ngay lập tức đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều.
Đại biểu Quốc hội Hồ Đức Phớc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tại phiên họp tổ.
Sáng 13/11, Bộ trưởng Công an, Thượng tướng Tô Lâm cho biết Bộ sẽ tiếp nhận đề xuất của đại biểu Quốc hội về hình thức "tù tại gia" để nghiên cứu. "Đây là nội dung mới, chúng tôi sẽ xem xét", ông nói.
Bình luận về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định vấn đề "tù tại gia" rất mới đối với Việt Nam nên đề xuất này cần được nghiên cứu thận trọng, trong đó phải đánh giá tác động của vấn đề này lên xã hội.
Đặc biệt, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh đến những tác động về mặt đạo đức, tâm lý xã hội, như đặt trong mối quan hệ thành viên với người phạm tội trong gia đình.
Đại biểu Lê Thanh Vân.
“Chẳng hạn, người cha là phạm nhân bị giam trong lồng sắt, có ảnh hưởng gì tới các con đang đến tuổi hình thành nhân cách? Ngược lại, tình cảm người cha, người mẹ hàng ngày nhìn con cái giam cầm trong chính không gian gia đình nhà mình như thế nào?…”, ông Lê Thanh Vân đặt vấn đề.
Đại biểu Vân cho rằng từ lâu không gian gia đình là nơi tác động đến các hành vi đạo đức, nhân cách con người nên khi trở về nhà ai cũng thấy ấm áp, hạnh phúc.
“Nhưng nếu áp dụng, khi ta trở về nhà lại có một không gian giam cầm riêng đặt trong không gian đấy thì xem nó tác động đến tâm lý, đạo đức, giáo dục của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là con trẻ không?…”, ông Lê Thanh Vân nói.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
Trả lời VTC News, ngày 15/11 bên hành lang quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đánh giá đề xuất này là một ý tưởng hay nhưng cần được nghiên cứu thấu đáo để tránh rất nhiều hệ luỵ có thể xảy ra.
Theo giải thích của vị đại biểu, “tù tại gia” có nghĩa là người đó vẫn phải tù giam nhưng địa điểm không phải trại giam mà bị giam tại gia đình.
Theo cách thức áp dụng của Trung Quốc, thì trong gia đình sẽ có phòng giam, cũi để giam người tù tại nhà. Việc giam giữ, trông cai được giao cho người trong gia đình thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền. Đây là hình thức để giảm tải cho các trại tạm giam, trại giam của Nhà nước.
Cũng theo ông Nhưỡng, hình thức giam giữ trên cũng là cách để chính bản thân gia đình phải có trách nhiệm đối với thành viên, tạo điều kiện cho gia đình không phải đi thăm nom, người nhà của phạm nhân chăm sóc phạm nhân luôn.
Tuy nhiên, vị đại biểu đoàn Bến Tre cũng băn khoăn sẽ rất khó thực thi. Cụ thể trong trường hợp không đưa ra được điều kiện cụ thể, gia đình tù nhân để xổng thì sao? Chìa khóa anh có thể cầm nhưng người ta phá khóa thì sao?
Hơn nữa, việc quy định đối tượng thuộc diện "tù tại gia" cũng phải đưa ra các tiêu chuẩn, quy định cụ thể.
"Trong trường hợp đối tượng có đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao? Chúng ta có thể thấy rất khó để xử lý vấn đề này", ông Nhưỡng đặt vấn đề.
Ông Nhưỡng cho rằng, muốn áp dụng cách này cần có đề tài nghiên cứu khoa học, lấy ý kiến của nhiều nhà chuyên gia, khoa học thậm chí lấy ý kiến của người dân để đánh giá tác động, thậm chí lấy ý kiến cả những người đang thụ án tù xem quan điểm của người ta như thế nào, có mong muốn thế không.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đây là một đề xuất cũng đáng chú ý.
"Đặt trong hoàn cảnh như hiện nay các nhà giam của chúng ta luôn trong tình trạng quá tải. Đề xuất này cũng phù hợp với Hiến pháp 2013 đó là đề cao quyền con người để việc cải tạo giúp phạm nhân thực sự nhìn được lỗi lầm của mình, sau đó tái hòa nhập cộng đồng", đại biểu Lan nói.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng để áp dụng được đề xuất này có lẽ chúng ta cần có lộ trình và cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt cần tham khảo tại một số quốc gia đã triển khai. Chúng ta cần xem xét về tỷ lệ dành cho đối tượng này như thế nào bởi nếu không sẽ tạo kẽ hở cho những người phạm tội thoát án tù đồng thời dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực.
"Nếu chúng ta không có quy định rõ ràng trường hợp nào áp dụng tù tại gia và trường hợp nào không. Tù tại gia có nhiều điểm tương tự với án treo, như vậy làm cách nào để không có nhầm lẫn giữa hai loại trên. Bởi đối với án treo hoặc tù trong trại giam thì trong Bộ luật Hình sự đã có mức phạt rõ ràng, cụ thể. Do đó, với loại hình tù tại gia này chúng ta cũng cần có những nghiên cứu hết sức thận trọng", nữ đại biểu TP.HCM đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết ở một số nước có áp dụng biện pháp gắn chip theo dõi. Còn ở nước ta có tha tù trước thời hạn có điều kiện để thể hiện tính nhân đạo và cũng là giải pháp để một số lượng lớn người cố gắng cải tạo tốt thì được ở ngoài. Theo bà Nga, giai đoạn này tiếp tục nghiên cứu tù tại gia cũng là một cách.
"Tù tại gia" được áp dụng như thế nào trên thế giới?
Thụ án tại gia giải quyết được nhiều bài toán về chi ngân sách, cơ sở vật chất. Hình thức này chỉ áp dụng với ... |
Đề xuất ‘tù tại gia’: Nếu đồng bọn đến giải cứu hoặc thủ tiêu tại gia đình thì sao?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn nếu đồng bọn của những kẻ “tù tại gia” đến giải cứu hoặc thủ tiêu ngay tại gia ... |
Bộ trưởng Công an: Sẽ nghiên cứu đề xuất "đi tù tại gia"
Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết ông ghi nhận ý kiến đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu đề xuất cho đi ... |