Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có nền kinh tế nào cứ mãi mãi đi lên được. Nó đi lên rồi sẽ phải dừng lại, có khi lại đi xuống. Cũng như người ta đấy, đang lúc khỏe, trái gió trở trời lại ốm. Cho nên các cụ ngày xưa mới dạy: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, rồi “ăn bữa nay, lo bữa mai”.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 2)
Bình lẳng lặng tách Giám đốc Thiều ra, xem giấy mời và ngồi vào vị trí của mình. Nhưng Bình cứ ngọ nguậy không yên, ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 1)
Tiểu thuyết "Đặc biệt nguy hiểm" của nhà văn Nguyễn Như Phong được giải Nhì ở thể loại tiểu thuyết cuộc thi sáng tác văn học ... |
Bình chỉ vào ghế:
- Em ngồi xuống đây. Uống cái gì nào?
Thúy:
- Anh cho em xin cốc nước cam.
Trúc thấy Thúy đến thì đứng dậy và bảo:
- Thôi em xin phép anh. Ngày mai em sẽ đến gặp anh Hoành.
Bình:
- Ừ. Chú nhớ đấy nhé. Nếu mà chú không đến, đừng trách anh.
Trúc cúi đầu, lễ phép:
- Dạ em chào anh, chào chị.
Chờ đến lúc Trúc đi khuất, Thúy mới hỏi:
- Người nào mà anh nói chuyện say sưa thế? Lại còn cho cả tiền nữa?
Bình:
- Ái chà, theo dõi kỹ nhỉ? Thằng này ngày xưa cùng ở tù với anh. Ngày trước chẳng hiểu thế nào nó lại làm nghề thầy cúng và bảo rằng “thánh cho ăn lộc”. Rồi bịp bợm, xúi bẩy người ta cúng lễ, dùng roi dâu nhúng nước đánh trừ ma, mà không hiểu đánh kiểu gì mà một bà cụ sau khi bị ăn roi trừ ma của nó về tới nhà thì chết. Nó bị kết án 8 năm tù. Một lần nó đi phát rừng, bị rắn cắn suýt chết, may mà anh cứu được. Khi cu cậu ra tù thì bố mẹ mất cả, vợ đi lấy chồng khác, ném lại cho hai đứa con, giờ thì chạy xe ôm. Lúc nãy tình cờ anh lại lên xe của nó.
Thúy nghe kể mà cười ngặt ngẽo rồi nói:
- Ồ, một người như thế, đã từng ở với anh ngày xưa. Lúc khó khăn như thế này mà không đến nhờ vả, xin xỏ anh thì cũng là người đáng trọng đấy.
Thúy nhìn Bình âu yếm:
- Vừa rồi em phải đi công tác suốt, công việc cũng bận quá. Dạo này sức khỏe anh thế nào? Lâu lắm rồi chúng mình chẳng gặp được nhau.
Bình cười gượng trả lời:
- Công việc của anh cũng chậm lắm. Em thấy đấy, tình hình tài chính như thế, làm sao mà khá lên được. Anh cũng đang cố cầm cự cho nó qua một hai năm nữa. Cũng rất may là vừa rồi anh đã lường trước được cuộc suy thoái này nên cũng không khó khăn lắm. Nhiều doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng đầu tư vào bất động sản. Bây giờ đất đai, nhà cửa không bán được, dở sống dở chết.
Bình trầm ngâm nói tiếp:
- Anh hiện còn dư hơn hai trăm tỉ. Có lẽ anh chờ đến cuối năm nay, giá đất sẽ xuống đến tận đáy, anh sẽ mua vào.
Thúy nhăn mặt, lắc đầu:
- Anh phải nhớ bảo toàn vốn đừng có làm ăn linh tinh, buôn đất làm gì. Tình hình này biết bao giờ mới nóng trở lại.
Bình bảo Thúy:
- Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có nền kinh tế nào cứ mãi mãi đi lên được. Nó đi lên rồi sẽ phải dừng lại, có khi lại đi xuống. Cũng như người ta đấy, đang lúc khỏe, trái gió trở trời lại ốm. Cho nên các cụ ngày xưa mới dạy: “Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, rồi “ăn bữa nay, lo bữa mai”. Anh thấy nhiều doanh nghiệp, khi ăn nên làm ra có một tí tiền, các ông, các bà ấy sắm xe sang, nhà xịn, sắm cả máy bay, du thuyền, làm đủ trò gây danh, tạo tiếng, rồi tuyên bố huênh hoang, khoác lác, “một tấc đến giời”. Thật chẳng ra sao cả.
Rồi Bình nói tiếp:
- Phải nói là cuộc sống nhà tù cũng dạy cho anh được nhiều điều. “Phi nhà tù bất thành lãnh tụ”. Hay thật! Em thấy đấy, ngày xưa các vị lãnh tụ nước mình có ai thoát tù đâu. Chính nhà tù lại được coi là một trường đại học lớn.
Thúy bĩu môi nói:
- Anh nói rõ hay. Nhà tù là trường đại học lớn là đối với những người cộng sản. Họ vào tù để rèn luyện ý chí chiến đấu, rèn luyện bản lĩnh, đấu tranh với kẻ thù, rồi để học tập chính trị. Còn mấy cái thằng đầu trộm đuôi cướp vào tù thì nó học được cái gì ở trong tù?
Bình gật gù:
- Nếu như chịu học ở trong tù thì cuộc sống nhà tù cũng dạy được khối thứ đấy.
Hai người đang nói chuyện thì Chung đến.
Nhìn thấy Chung, Thúy lúng túng cười gượng:
- Ôi chào chị Chung. Kín đáo thế?
Chung cười nhẹ. Không trả lời câu hỏi của Thúy, Chung quay sang Bình hỏi:
- Sao anh bỏ đi? Em biết là họ nói như vậy làm anh bực mình nhưng nhịn đi một tí thì đã làm sao?
Bình quắc mắt bảo:
- Anh không thể chịu được cái lối ăn nói như chúng nó. Mà em ra đây lúc nào vậy?
Chung cười và nói:
- Anh không cho em đi nhưng em vẫn đi theo anh. Em vào hội trường mấy phút sau anh. Lúc thấy anh bật đứng dậy đi ra ngoài, em biết là anh tự ái bỏ đi nên em đi theo lỡ có chuyện gì xảy ra thôi.
Thúy cười bảo Chung:
- Dạo này em làm trinh sát cũng giỏi ghê? Chắc là em lại đi trinh sát chị với anh Bình chứ gì?
Chung lắc đầu và nói:
- Không. Em xin thề có trời không bao giờ em nghĩ sai về chị. Chỉ có điều là cuộc đời anh ấy oan khuất nhiều quá cho nên em không muốn có một điều gì không hay xảy ra với anh ấy nữa.
Nói rồi, Chung bảo:
- Thôi, chị với anh Bình cứ ngồi bàn việc đi, em về trước.
Chung vừa toan đứng dậy thì Thúy kéo tay áo Chung giữ lại và nói:
- Không. Em cứ ngồi đây. Chị có việc này muốn trao đổi với anh Bình.
Rồi Thúy quay sang Bình:
- Anh Bình, anh có nhớ ngày xưa anh hứa với em điều gì không?
Bình gật đầu và bảo:
- Có. Anh có nhớ.
Thúy:
- Anh nhắc lại đi. Anh đã hứa với em điều gì?
Bình:
- Ngày ấy anh có hứa với em rằng khi nào anh ổn định, anh sẽ kể cuộc đời anh cho em nghe để em muốn viết gì thì viết.
Thúy khẽ gật đầu:
- Có một nơi họ đang đặt em viết kịch bản để dựng thành phim về cuộc đời anh đấy. Bây giờ là lúc mà em đòi nợ anh đây.
Bình:
- Em nghĩ thế thì sai rồi. Em muốn viết kịch bản về cuộc đời anh thì anh đâu có gì đáng để viết. Nhưng thôi, nếu như em đã nói phải trả nợ em thì anh đồng ý. Vậy em sắp xếp thời gian đi, bao giờ có thể đến được.
Thúy:
- Em thì lúc nào cũng được nhưng vấn đề là anh, bởi em biết công việc của anh rất bận.
Bình gật đầu:
- Vậy như thế này nhé. Mỗi ngày anh dành cho em đúng hai tiếng đồng hồ, từ 3 giờ đến 5 giờ chiều, được không?
Thúy băn khoăn:
- Giá mà anh dành cho em luôn một, hoặc hai ngày thì tốt.
Bình đồng ý:
- Thế cũng được. Vậy thì thứ Bảy, Chủ nhật tuần này, anh mời em đến nhà anh, được không?
Thúy vui hẳn lên:
- Vâng. Có thế chứ. Mà này, phải cho ăn cơm luôn đấy nhé.
Chung hỏi vui:
- Vậy chị Thúy thích ăn món gì, em chuẩn bị trước?
Thúy cười :
- Cái gì mà chẳng được. Chị tuổi Hợi, dễ ăn, dễ ngủ lắm.
***
Chiều ngày Chủ nhật, đúng 3 giờ, Thúy đến nhà Phạm Bình.
Kim Chung đang xới đất, nhặt cỏ ở vườn rau nhỏ sau nhà, nghe tiếng chuông, cô biết là Thúy tới nên bỏ dụng cụ xuống chạy ra.
Thúy dắt xe máy vào, thấy Chung mồ hôi lấm tấm trên mặt, liền hỏi:
- Em làm gì mà nom vất vả thế?
Chung:
- Em làm vườn… Đang rặm lại ít rau thơm, rau húng. Nhà em trồng nhiều rau lắm, chả phải đi mua bao giờ. Em gửi rau cho chị nhé?
Thúy gạt đi:
- Thôi, mất công quá. Từ nhà Chung đến nhà chị, hơn bốn cây số chứ, ít gì.
Chung:
- Đáng gì. Em bảo xe ôm mang tới cho chị. Em đã chứng kiến cảnh người ta lấy nước cống để tưới làm tươi rau mà sợ chết khiếp. Lâu lắm rồi em không dám mua rau ngoài chợ. Bây giờ là sống theo kiểu tự cung, tự cấp. Gà lợn em nuôi lấy, không dùng thức ăn tăng trọng, cá dưới ao, rau thì tự trồng…
Thúy cười:
- Khiếp quá, người ta bảo thế gian được vợ hỏng chồng. Đằng này, được cả đôi.
Thúy vào nhà và đã thấy Bình ngồi nghiêm trang trước chiếc bàn tròn. Và cô ngạc nhiên, khi thấy bàn được kê sát ban thờ.
Nhận thấy vẻ mặt của Thúy, Bình thắp ba nén hương lên ban thờ rồi giải thích:
- Câu chuyện anh kể cho em liên quan đến ba người, là bố anh, bố nuôi anh và mẹ anh. Cho nên anh muốn ông bà được nghe thấy và chứng dám.
Thúy ngẩn người trước vẻ mặt kính cẩn của Bình. Cô không biết nói gì hơn nữa, mà mở sổ ra…
Và dưới đây là câu chuyện Phạm Bình kể.
***
“Tôi sinh ra trong một gia đình không gọi là nghèo nhưng cũng chẳng giàu. Mà cũng phải thôi, ở đất nước này vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước thì làm gì có nhà giàu. Cả phố huyện của tôi ngày đấy – gọi là phố huyện chứ chưa được gọi là thành phố như bây giờ. Nghe nói rằng, chỉ hai gia đình là có đủ cơm ăn, nghĩa là ăn cơm trắng, không phải ăn độn ngô, khoai, hoặc độn mỳ như nhiều gia đình khác. Đó là hai nhà buôn bán vàng từ thời Pháp. Sau này do cải tạo tư sản, họ không được buôn bán vàng. Tuy vậy, họ vẫn làm nhưng cũng chỉ là vụng trộm, dù sao thì họ cũng khá hơn rất nhiều các gia đình khác.
Bố tôi là thương binh từ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông là một thợ sửa chữa ôtô có tiếng ở Trung đoàn Vận tải 51, trong một trận cứu xe vượt lầy ở đèo Pha Đin, ông bị trúng mảnh bom và cụt mất tay trái. Ông trở về nhà với chế độ thương binh. Mà chế độ thương binh ngày ấy chẳng có gì cả, nhưng ông lại có cái nghề chữa xe, thế là ông mở một quán chữa xe nhỏ ở gốc đa đầu huyện lỵ. Lúc đầu, ông chữa xe đạp, sau này ông chữa cả xe máy. Thực ra, là người sửa chữa ô tô, nay đi sửa xe đạp, xe máy thì đó là quá đơn giản. Nhưng vì ông bị cụt tay, nên việc chữa xe cũng rất vất vả.
Khi tôi mới 5 tuổi thì ông đã bắt đầu dạy tôi việc chữa xe, ông thường sai tôi lấy cho ông lúc thì cái cờ-lê lúc thì cái mỏ-lết. Khi tôi bắt đầu đi học vỡ lòng thì tôi đã có thể giúp ông làm các việc như là: vá săm xe đạp, lên nan hoa, cân vành… Tôi cũng phải tự hào rằng mình có năng khiếu đặc biệt về cơ khí. Đến năm 8 tuổi thì tôi đã phụ giúp bố tôi được khá nhiều việc, thậm chí còn tự chữa được các hỏng hóc lặt vặt ở xe đạp như chỉnh côn, lên vành, vá săm. Tôi chẳng bao giờ có thể quên được cánh tay trái của ông buông lõng thõng, còn tay phải ông cầm cờ-lê và ông sai tôi giữ bánh xe để cho ông chữa. Không chỉ chữa xe đạp mà ông còn chữa cả xe máy. Thời đấy tôi nhớ cả phố huyện tôi chỉ có 2 chiếc xe máy, 1 chiếc là cái Sô-lếch của một thầy giáo và 1 chiếc nữa là chiếc xe Java 05 của một ông cán bộ nghe nói là đi học ở Tiệp Khắc từ thời nào đấy mang về được. Nhưng vì bố tôi là thợ sửa chữa có tiếng cho nên không ít người ở nơi khác đã mang xe đến cho ông chữa. Đó là những chiếc xe Sim Sơn, xe Java 350, xe Peugio, xe Hạnh Phúc của Trung Quốc. Ông bắt bệnh cho xe, sửa chữa và giảng giải cho tôi. Nhiều khi ông nói với tôi như nói với người thợ nào đó. Chính xem ông chữa xe rồi nghe ông giảng giải, tôi cũng học ra được rất nhiều điều.
Thậm chí tôi còn biết “phán” cả bệnh cho xe máy. Tôi rất sung sướng khi được khách hàng nào bảo: “Thằng Bình, mày xem cho bác cái xe, tại sao nó chạy kém bốc”. Hoặc “ Thằng Bình, mày thính tai, nghe cho chú xem tay biên đã dơ chưa”. Mỗi lần như thế, tôi lại lấy chiếc tuốc-nơ-vít chuôi sắt, gí một đầu vào thân máy, còn áp tai vào chuôi và lim dim nghe ngóng tiếng máy nổ. Tôi nghe tiếng các bộ phận trong máy chạy mà phân biệt được đâu là tiếng kêu lá côn, đâu là tiếng kêu xéc-măng; đâu là tiếng bi trục cơ. Và thật lạ, cũng chưa khi nào tôi “phán bệnh” cho xe sai cả. Tiếng thằng Phạm Bình, con ông Thiếu “cụt” chẩn bệnh cho xe máy rất hay vang khắp vùng. Vì thế bố tôi lúc nào cũng bận rộn bởi khách mang xe đến. Có người mang xe đến, bắt tôi phải “xem” bệnh, rồi chữa cho họ xem, như thể họ muốn thử trình độ của tôi có đúng như lời đồn không.
Nói thêm một chút về bố tôi.
Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho, ông nội tôi là một thầy đồ. Gặp thời chữ nho mạt vận cho nên ông nội tôi đã chuyển sang học tiếng Pháp và cũng trở thành một người dạy tiếng Pháp. Chính vì thế bố tôi am hiểu cả chữ Nho và biết không ít tiếng Pháp. Một lần tôi được nghe kể chuyện rằng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi bộ đội ta bắt được tù binh Pháp, ông còn được gọi làm phiên dịch cho một cuộc hỏi cung. Ông biết tiếng Pháp nhiều nhưng rất ít khi nói mà thường chỉ dùng khi sửa chữa môtô, xe máy. Ông thích đọc chữ Hán, trong nhà tôi thậm chí có những bộ sách bằng nguyên bản chữ Hán, đó là bộ “Tam Quốc chí”, bộ “Thủy Hử” rồi cả bộ “Phong thần diễn nghĩa”, tất nhiên là có cả “Kinh thi”, “Luận ngữ”, “Mạnh Tử”… Ông đọc bằng chữ Hán rồi giảng giải dịch cho chúng tôi nghe. Năm tôi lên 9 tuổi thì đã thuộc lòng gần như hết bộ “Tam Quốc”, tôi thuộc đến nỗi chỉ cần nhắc câu đầu thì tôi biết được nội dung câu sau là gì.
Thấy trí nhớ của tôi tốt, ông bảo tôi mày phải chịu khó mà đọc sách con ạ. Thế rồi ông kiếm một cái phên cót và giã than củi ra hòa lấy nước, ông viết lên đó 3 chữ “Độc thư hảo” treo lên góc học tập của tôi, rồi ông giảng giải: Đọc sách là tốt. Ông lại viết một đôi câu đối cũng bằng chữ Hán đó là “Hữu thư chân phú quý” và “Vô sự tiểu thần tiên” nghĩa là: Có sách vở ấy là cái gốc của sự giàu có phú quý sau này, ít lo nghĩ thì sống được như thần tiên. Rồi không chỉ cho tôi đọc “Tam Quốc”, “Thủy Hử” mà ông còn đi mượn sách khắp nơi, thậm chí còn ăn cắp mang về cho tôi đọc. Trong đó có những cuốn mà tôi đọc rất mê say như Thép đã tôi thế đấy, “Không gia đình”, “Lá cờ thêu Sáu chữ vàng”… Ông còn giảng giải cho tôi cả những điều mà Khổng Tử dạy trong “Luận ngữ”. Tôi nghe những điều đó, nhưng trẻ con, tôi nào có hiểu gì. Nhưng những điều đó cứ ngấm vào tôi dần dần mà mãi đến sau này khi mắc vào vòng lao lý, tôi mới thấy những lời cổ nhân dạy là đúng.
Nhà tôi có 5 anh em, tôi là con cả. Khi tôi được một tuổi rưỡi, mẹ tôi lại sinh em thứ hai và ông đặt tên em tôi là Phạm Thị Thu Ngân. Sau này mẹ tôi kể lại rằng, “Bố mày bảo đặt tên là Thu Ngân để cho em mày sau này nó giàu có”. Rồi đến em thứ ba của tôi thì ông lại đặt tên là Phạm Văn Triệu, ý của ông là sau này lúc nào nó cũng có tiền triệu. Tới em thứ tư của tôi lại là em gái thì ông đặt tên là Phạm Thị Thu Tiền. Chao ôi, cái ước mơ được no đủ, ước mơ được giàu có đã được gắn với tên tuổi con cái mình. Bố tôi là người tài hoa, không những khéo tay, giỏi nghề cơ khí mà ông còn viết chữ Hán rất đẹp, lại còn biết thổi sáo, kéo nhị, biết cả chơi đàn tam, đàn tứ. Nhưng vì cụt một tay nên ông không chơi được những nhạc cụ đó nữa mà ông thường ngồi gõ phách cho hát chầu văn hoặc hát chèo.
Mẹ tôi ngày xưa đẹp lắm. Ông nội tôi bảo rằng: Mẹ tôi là người đẹp nhất ở huyện bên, phiêu dạt ra ngoài Hà Nội từ nhỏ và được một nghệ nhân truyền cho nghề hát xẩm. Thế là mẹ tôi đi theo một cặp vợ chồng mù, suốt ngày lang thang trên các bến tàu điện để hát xẩm. Mãi cho đến năm mẹ tôi 16, 17 tuổi thì bố tôi trong một lần ra Hà Nội thăm người nhà đã gặp mẹ tôi trên chuyến tàu điện. Và rồi chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, hôm đó mẹ tôi bị ốm không gõ được phách để giữ nhịp cho ông mù hát xẩm, thế là bố tôi ngồi gõ phách thay. Câu chuyện ấy tưởng như lãng quên, thì một thời gian sau bố tôi lại gặp mẹ tôi khi đang lang thang trên đường phố Hà Nội. Hỏi chuyện ra mới biết là vợ chồng ông già mù đã chết trong một tai nạn và mẹ tôi thành kẻ “tứ cố vô thân”, lúc đấy đang đi xin việc làm thuê. Thế rồi ông đón mẹ tôi về làng và nên vợ nên chồng. Nghe nói rằng, khi bố tôi đưa mẹ tôi về, bà nội tôi phản ứng quyết liệt, dứt khoát không cho vào nhà.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 5)
Ông Biểu chạy ra mở cổng. Từ ngoài ngõ, một cô gái dắt chiếc xe đạp Peugeut vào nhà. Đó là Thủy Tiên, con gái ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 4)
Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở ... |
Nguyễn Như Phong
Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân