Bình lẳng lặng tách Giám đốc Thiều ra, xem giấy mời và ngồi vào vị trí của mình. Nhưng Bình cứ ngọ nguậy không yên, dường như có điều gì đó làm Bình không thích. Phạm Bình cũng không biết rằng ở hàng ghế cuối cùng có một người đang lặng lẽ theo dõi anh, đó là Chung.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 1)
Tiểu thuyết "Đặc biệt nguy hiểm" của nhà văn Nguyễn Như Phong được giải Nhì ở thể loại tiểu thuyết cuộc thi sáng tác văn học ... |
Phạm Bình nói luôn:
- Thưa anh, hôm nọ em có đến đề nghị với anh Huân – Phó giám đốc phụ trách hậu cần. Em muốn giúp đỡ công an tỉnh nhà làm một hệ thống lưu trữ về thông tin tội phạm trên toàn tỉnh. Ví dụ, có một vụ cướp xảy ra ở bất cứ địa bàn nào thì chỉ trong vòng 5 đến 10 phút là toàn tỉnh sẽ biết vừa xảy ra một vụ như thế và có ý kiến chỉ đạo truy bắt, hoặc cần sự phối hợp của các đơn vị. Chứ em thấy thời buổi bây giờ công nghệ thì cao, tội phạm hoạt động ngày càng manh động, trong khi công an vẫn thiếu thiết bị hiện đại.
Giám đốc Thiều gật gù:
- Có. Tôi đã nghe anh Huân nói về đề án của cậu. Quả thực, nếu làm được thì rất hay, sẽ giúp cho chúng tôi nhiều. Nhưng mà… cứ từ từ đã, bởi vì nếu tình hình kinh tế cứ diễn tiến như thế này, tiền nong của cậu chưa khá được thì đừng làm vội. Lúc này cần phải bảo toàn vốn, bảo vệ đồng tiền của mình đã.
Bình:
- Anh yên tâm. Khi nghĩ đến việc này thì em cũng đã phải “trông giỏ bỏ thóc”. Em giúp công an tỉnh phòng chống tội phạm là một kiểu… đầu tư đấy. Nếu như tội phạm ở tỉnh mình giảm, trật tự trị an tốt, thì có nghĩa là sẽ có nhiều người về tỉnh mình đầu tư. Chả ai người ta dại gì đầu tư vào một tỉnh, một địa bàn mà trật tự trị an luôn luôn là một vấn đề nóng. Cho nên, em có một quan điểm: muốn đầu tư kinh tế thì trước hết hãy đầu tư cho công tác an ninh trật tự.
Giám đốc Thiều cười:
- Cậu có cái lý hay thật.
Hai người đi vào phòng.
Rất nhiều cán bộ có sẵn trong hội trường đứng dậy chào hỏi giám đốc.
Bình lẳng lặng tách Giám đốc Thiều ra, xem giấy mời và ngồi vào vị trí của mình. Nhưng Bình cứ ngọ nguậy không yên, dường như có điều gì đó làm Bình không thích. Phạm Bình cũng không biết rằng ở hàng ghế cuối cùng có một người đang lặng lẽ theo dõi anh, đó là Chung.
***
Chương trình Tôn vinh doanh nhân văn hóa Việt bắt đầu.
Sau những lời khai mạc của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là mấy tiết mục ca nhạc, rồi tiếp đó là lễ vinh danh các doanh nhân.
Người ta xướng lên theo vần ABC thì Phạm Bình lên hàng thứ 3, sau 2 người nữa. Khi giới thiệu về Phạm Bình, cô MC nói liến thoắng: “Doanh nhân Phạm Bình là một người đã từng có những năm tháng mắc vòng lao lý và suýt bị tử hình, nhưng ông đã vượt ngục, đã hoàn lương và trở thành một doanh nhân có nhiều đóng góp cho tỉnh. Doanh nghiệp của ông hiện nay là doanh nghiệp xây dựng đứng đầu tỉnh. Và không chỉ làm tốt việc đầu tư xây dựng cho doanh nghiệp mình, ông còn tích cực tham gia vào công tác an sinh xã hội. Cụ thể, ông đã xây dựng được 10 trường học cho con em bà con vùng sâu, vùng xa; phụng dưỡng 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn tỉnh… ”.
Nghe thấy nói thế, Phạm Bình đứng phắt dậy và anh lẳng lặng đi ra ngoài. Mọi người ngơ ngác nhìn theo, không hiểu thế nào.
Khi Phạm Bình ra đến cửa, một người trong Ban Tổ chức vội vàng chạy theo và nói:
- Ấy anh Bình, mời anh lên nhận giải. Anh bỏ đi như thế thì… xấu cả tỉnh nhà.
Bình quay ngoắt lại và nói như dằn từng tiếng:
- Tôi không phải là một kẻ tù tội. Và tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình phải cải tạo hoàn lương. Các anh mở miệng ra nói như thế à.
Nói xong, Bình bỏ đi luôn.
Anh cán bộ tổ chức vội vàng chạy lên nói thầm vào tai người dẫn chương trình, Cô ta khẽ gật đầu rồi nói: “Xin lỗi quý vị. Doanh nhân Phạm Bình do sức khỏe không được tốt nên không thể tới nhận giải thưởng được. Ban Tổ chức sẽ trao tận tay doanh nhân Phạm Bình giải thưởng cao quý này”. Nghe MC nói vậy, cả hội trường cười ồ lên, vì họ thấy rõ ràng Phạm Bình vừa đi ra.
Ở hàng ghế đầu, ông Thiều, Giám đốc Công an tỉnh nói với ông Phó chủ tịch tỉnh ngồi bên:
- Ai lại viết lời dốt thế không biết. Bới móc chuyện người ta bị tù đày ra làm gì?
Ông Phó chủ tịch bực bội:
- Giới thiệu thế thì người ta còn mặt mũi nào mà lên nhận giải.
Ông lại quay sang người bên cạnh, hỏi:
- Thằng nào viết lời dẫn thế? Ngu hết chỗ ngu của người khác. Quá thiếu văn hóa.
Người ngồi bên cạnh lại quay sang hỏi… một lát sau, anh ta nói với Phó chủ tịch:
- Báo cáo anh, lời đề dẫn hôm nay, riêng đoạn của Phạm Bình là do tổng biên tập báo của tỉnh nhà viết đấy ạ.
Phó chủ tịch cằn nhằn:
- Sao lại viết thiếu văn hóa đến vậy. Thế mà cũng làm tổng biên tập.
Tất cả hành động Bình đều được một người đứng ở phía dưới hội trường theo dõi rất chặt. Đó chính là Vũ Thị Minh Thúy và Chung.
Phạm Bình buồn bã đi ra ngoài. Trong lòng anh tự hỏi: “Tại sao người ta cứ phải bới cái chuyện cũ của mình ra như thế? Tại sao họ không thể để cho mình yên thân?”.
***
Bình lững thững đi ra ngoài cửa và vẫn thấy mấy người xe ôm đứng ở đấy. Anh chợt nhớ ra ánh mắt của người xe ôm lúc nãy. Bình đến gần và vỗ vai anh ta:
- Anh chở tôi ra quán cà phê gần bờ sông đi.
Người lái xe ôm mừng rỡ, vội vàng lấy mũ bảo hiểm đưa cho Bình, vồn vã:
- Vâng ạ. Anh lên xe em chở.
Thúy đã nhìn thấy Bình lên xe và cũng nhanh chóng lấy xe máy phóng theo Bình. Bám theo Bình, còn có cả chị Chung vợ Bình.
Vừa lái xe, người lái xe ôm hơi ngoái lại, hỏi:
- Anh Bình, anh còn nhớ em không?
Bình nghe không rõ. Anh bảo:
- Cậu cho xe chạy chậm chậm lại. Cậu nói gì?
Xe chạy chậm lại, người lái xe nhắc lại câu hỏi ban nãy:
- Anh có nhớ em không?
Bình:
- Thú thực là lúc nãy tôi trông cậu, tôi thấy ngờ ngợ nhưng mà không nhớ được.
Người lái xe ôm:
- Anh không nhớ được em là phải. Vì hồi ấy em ở bên đội trồng rau, anh ở đội sửa chữa.
Nghe anh ta nói thế thì Bình à lên một tiếng và bảo:
- Úi giời. Mày có phải là thằng Trúc “thầy cúng” không?
- Dạ vâng. Em Trúc đây ạ.
Bình vỗ vai Trúc bảo:
- Trời ạ. Bao nhiêu năm… thi thoảng tao cũng nghĩ đến mày mà cũng không biết mày ra tù rồi thì làm ăn ra làm sao.
Trúc quay lại nói với Bình:
- Anh ra được ba năm thì em mới ra. Nhiều lần em cũng định đến tìm anh nhưng ngại, bởi vì anh thành đại gia rồi. Anh nhìn bọn em chắc gì anh đã nhận.
Bình:
- Nói vớ vẩn. Thôi, ra đây ngồi uống cà phê với anh.
Hai người vào quán cà phê. Trúc “thầy cúng” có vẻ ngập ngừng không dám ngồi. Bình bảo:
- Nào, mày cứ ngồi xuống đây, để anh hỏi chuyện đã.
Rồi trong lúc chờ đợi nhân viên mang cà phê ra, Bình hồi tưởng lại những ngày ở tù.
***
Lần ấy, Trúc “thầy cúng” cùng các phạm nhân đi rừng phát cây lấy đất trồng lúa. Chả biết thế nào, Trúc bị một con rắn hổ mang lớn cắn vào bắp tay. Trong lúc mọi người còn lúng túng thì Bình đã lao đến. Anh nhanh chóng lấy dây thít chặt cánh tay của Trúc lại, rồi nặn máu ở vết rắn cắn. Không ngần ngại, anh còn ngậm mồm vào vết thương và mút thật lực. Rồi sau đó anh hò hét mọi người cõng Trúc chạy về trại. Chạy về được đến bệnh xá của trại giam thì người Trúc đã tím tái cả, may mà bác sĩ của trại giam có huyết thanh cấp cứu kịp.
***
Người phục vụ mang cà phê ra. Trúc “thầy cúng” rụt rè hỏi Bình:
- Thưa anh. Liệu em ngồi với anh như thế này có ảnh hưởng gì không?
Bình cười nhạt:
- Thằng này hay nhỉ. Thế nào là ảnh hưởng? Mày cứ ngồi đây, anh hỏi chuyện đã. Thế cuộc sống của mày bây giờ thế nào?
Trúc “thầy cúng” nhấp một ngụm cà phê rồi thở dài:
- Chán lắm anh ạ. Em được ra tù, về nhà thì bố mẹ đã mất cả. Con vợ bỏ đi lấy chồng khác, vứt lại 2 đứa con cho cụ nội trông. Em về tay trắng, chẳng có gì, thôi thì dặt dẹo đi chạy xe ôm kiếm ngày mấy đồng nuôi các cháu. Nói thật, biết anh là đại gia giàu có, công ty lại lớn, nhiều lúc em cũng muốn đến xin anh giúp đỡ, nhưng rồi cũng thấy ngại bởi vì em chẳng biết nghề gì. Mà em thì cứ nghĩ rằng ở đời bây giờ tráo trở lắm. Khi người ta đói khổ thì lại dễ làm bạn với nhau, còn khi đã giàu có thì chả coi bạn cũ ra gì.
Bình nghe Trúc nói mà cũng thấy mủi lòng.
- Tại sao mày lại nghĩ thế? Vậy ngày xưa, khi mày bị rắn cắn, bao nhiêu đứa đứng nhìn mày giãy chết, tao đã hút nọc độc từ tay mày ra, cõng mày chạy về, lúc ấy tao có nghĩ gì đâu.
Trúc cười như mếu:
- Vâng. Ngày ấy thì khác, bây giờ biết đâu cũng khác.
Bình:
- Bây giờ, chú cần gì, anh giúp đỡ.
Trúc:
- Em chẳng cần gì cả nhưng em có một ý tưởng thế này. Em trình bày, ông anh nghe xem có lọt tai không. Nếu ông anh thấy được thì xem có cách nào giúp em với. Ngày xưa ông anh đã cứu mạng sống cho em một lần, bây giờ nếu cứu được đời em, thì ơn này “sống để dạ, chết mang đi”, em không bao giờ dám quên.
Bình nhăn mặt:
- Sao tự nhiên hôm nay mày khéo mồm khéo miệng thế. Nào, bây giờ việc gì anh giúp được chú, nói đi.
Trúc “thầy cúng” ngồi gật gù rồi bảo:
- Em thấy càng ngày cái chuyện đưa đón con cái đi học càng tốn lắm thời gian. Bây giờ để chống ách tắc giao thông, giờ làm việc đổi lung tung cả. Nhiều ông bố, bà mẹ hoặc là phải dậy thật sớm, hoặc là phải dậy thật muộn, hoặc là phải đi làm muộn để đưa con đi, cả chiều cũng như vậy. Nhiều người họ cũng muốn thuê bọn em chở con họ đi học, sáng đưa đi, chiều đón về. Nhưng mà mình không có cái gì để cho họ tin được cả. Mà anh bảo, đời này tin ai chứ lại tin thằng xe ôm như bọn em thì có ngày có mà rước họa vào thân. Không khéo rồi có ngày nó vác cả con người ta đi bán không biết chừng. Mà đâu có phải chỉ chở trẻ con đi học, phải chở tất…
Bình bật cười ngắt lời:
- Ồ, cái ý này của chú hay thật. Nghĩa là chú muốn có một tư cách pháp nhân để cho người ta tin chú, giao con người ta cho chú, đúng không nào?
Trúc gật đầu và bảo:
- Vâng ạ. Nhưng mà nói thật với anh, em chẳng dám thành lập công ty, công tiếc gì đâu. Bởi vì em lấy đâu ra tiền mà thành lập. Em định làm một cái tổ, gọi là gì nhỉ, à, hợp tác xã vận tải xe ôm. Thế thì ông anh xem giúp em bằng cách nào. Mà em nghĩ, hợp tác xã vận tải xe ôm thì cũng chẳng phải đầu tư tiền nong gì lớn. À không, cũng có phải đầu tư một hệ thống điện thoại.
Bình cười và bảo:
- Anh hiểu rồi, hiểu rồi. Thôi bây giờ thế này. Những ngày tới đây anh rất bận nhưng mà anh sẽ giúp chú.
Thế rồi cô phục vụ vừa đi đến, anh vẫy cô lại và bảo:
- Cháu cho chú xin một mảnh giấy.
Cô bé chạy đi một lát rồi cầm lại cho Bình một tờ giấy A4. Bình cầm giấy và viết:
“Gửi anh Hoàn – Phó tổng giám đốc Tổng Công ty. Tôi xin giới thiệu với anh, người cầm giấy này tên là Trúc đã từng có thời gian ở với tôi khá lâu. Bây giờ hoàn cảnh anh ấy gặp rất nhiều khó khăn. Anh Trúc có ý định thành lập một hợp tác xã vận tải xe ôm. Cụ thể như thế nào anh ấy sẽ trình bày cho anh biết. Tôi đề nghị anh giúp đỡ anh Trúc thành lập hợp tác xã này, giúp về vốn, về xây dựng mô hình tổ chức và tất cả kinh phí để giúp cho hợp tác xã vận tải này hoạt động trong 3 tháng đầu. Anh thông báo cho kế toán trừ vào tiền riêng của tôi”.
Bình viết xong, gấp giấy lại, đưa cho Trúc và bảo:
- Ngày mai chú đến công ty tôi, gặp anh Hoàn, Phó tổng giám đốc, đưa cho anh ấy tờ giấy này. Anh ấy sẽ giúp chú mọi việc.
Rồi Bình hỏi:
- Con chú hiện học hành thế nào?
Chúc nói nhăn nhó:
- Thưa anh. Em có hai thằng con trai. Thằng lớn thì ngoan ngoãn, học hành tử tế. Nó biết thương bố, biết hoàn cảnh của gia đình. Nhưng thằng thứ hai, năm nay mới 13 tuổi thì quả thật là “rạch giời rơi xuống”. Nó suốt ngày chỉ mê trò chơi điện tử, chẳng chịu học hành gì cả. Sao em căm cái bọn nó sáng chế ra cái trò chơi điện tử thế! Em nói thật với anh, ở quanh chỗ nhà em có cái xóm nhà lá, có đến mười mấy quán trò chơi điện tử. Em đang định lừa lừa hôm nào gió to, em cho mồi lửa cháy hết.
Bình bật cười và bảo:
- Mày vẫn chứng nào tật nấy. Con mình thì mình phải lo, phải dạy. Còn cái chuyện chơi trò chơi điện tử, muốn trị nó thì cần phải nghĩ cách khác.
Trúc lại gân cổ cãi:
- Anh ạ. Anh lạ gì nữa. Ở đời có những thứ, có những loại người, có những loại việc nó có sợ gì pháp luật Nhà nước đâu, mà chúng nó sợ là sợ luật rừng. Anh thấy ngày xưa anh em mình ở trại, nội quy trại giam thì có cả, nhưng có những thằng có coi nội quy ra cái gì đâu. Nhưng mà nó lại sợ anh em mình… Nếu bố láo, trùm túi lên đầu, tẩn cho trận, thế là khiếp. Việc gì cứ phải lôi luật lệ, quy định ra. Em nghĩ muốn trị cái bọn đó, chỉ cần một mồi lửa là xong.
Rồi Trúc lại cười khì khì bảo:
- Ông anh ạ. Em thấy anh lúc nãy bá vai bá cổ với Giám đốc Công an. Anh tham mưu cho giám đốc là muốn trị cái bọn đua xe ở thành phố này, giao cho em, chỉ ba ngày là xong hết.
Bình ngạc nhiên hỏi:
- Chú bảo ba ngày là xong… Chú định làm kiểu gì? Chẳng lẽ bắt chúng nó lại rồi đem đi giết à?
Trúc xua tay:
- Không. Em không làm thế. Sáng kiến của em là thế này: Em cứ lừa cho chúng nó lúc nào đua xe, em đứng ở trên vỉa hè chờ chúng nó sắp phóng qua là em cứ hắt một chậu dầu máy ra đường. Thế là nó đi, nó trượt, nó ngã, nó đè lên nhau, nó chết bớt đi, thế là xong. Vài lần là sợ. Việc gì mà phải giam giữ xe, xử phạt lôi thôi. Bây giờ, anh thấy, bãi xe có đến hàng nghìn cái, bán chẳng bán được, đốt chẳng đốt được, cho thì cũng chẳng cho được, có phải là gánh nặng cho xã hội không. Mà rồi nhỡ vì đuổi theo chúng nó mà chẳng may công an chết, có ai thương xót đâu, được mấy lời đãi bôi, gia đình thì chịu thiệt. Còn nhỡ chúng nó mà chết thì khổ cả chính quyền, khổ cả công an. Rồi lại còn mất sao, mất vạch, có khi ngồi tù thay…
Bình bật cười vỗ vai Trúc:
- Chú này bây giờ hay thật, cũng quan tâm nhiều đến chuyện xã hội cơ đấy. Thôi, ngày mai cứ đến công ty nhé.
Rồi Bình móc túi, mở ví lấy ra đưa cho Trúc một tập tiền 50 nghìn. Bình bảo Chúc:
- Này, anh cho chú. Nhưng mà lẽ ra là anh phải phạt.
Trúc cầm tập tiền, cảm động:
- Em rất cảm ơn anh. Em chẳng biết nói gì. Nhưng mà… tiền anh cho em xin nhưng anh lại bảo anh phạt em là như thế nào? Em làm gì đâu mà để anh phạt?
Bình lại cười và bảo:
- Phạt chú vì lẽ ra khi chú ra tù chú thấy anh ăn nên làm ra thì chú phải đến. Ngày xưa giúp chú anh có đòi hỏi gì đâu. Vậy bây giờ tại sao chú không dám đến với anh?
Trong lúc hai người đang nói chuyện say sưa, thì ở hai góc quán, có hai người đang chăm chú theo dõi câu chuyện của họ. Người thứ nhất là nữ nhà báo Vũ Thị Minh Thúy. Người thứ hai, theo dõi lại Thúy, đó là Kim Chung.
Sau khi nhìn thấy Bình đưa tiền cho Trúc, Thúy biết rằng câu chuyện giữa hai người có vẻ sắp kết thúc nên cô tiến đến bàn Bình và cười chào:
- Chào Tổng giám đốc.
Bình giật mình, quay ra nhìn Thúy ngạc nhiên:
- Ơ, sao em lại đến đây. Anh tưởng em phải ở trong lễ trao giải cơ mà.
Thúy:
- Em ra đây từ lâu rồi. Em biết thế nào anh cũng ra đây. Lúc thấy anh đứng dậy bỏ đi, em biết là anh bực mình, tự ái. Mà cái thằng nào viết lời dẫn chương trình hôm nay cũng ngu thật. Việc gì nó lại phải bới quá khứ của người ta ra làm gì.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 4)
Năm tôi 7 tuổi thì cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ ra miền Bắc ngày càng ác liệt. Nhà tôi nằm ở ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 3)
Làm ăn kinh tế cũng giống như con người ta, có lúc khỏe, lúc yếu. Làm gì có ai khỏe mãi được. Làm gì có ... |
Nguyễn Như Phong
Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân