Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 16)

Bình đạp máy thử, thì chiếc xe chỉ nổ rú lên một tiếng rồi khói ục ra và chết lịm. Bình ngồi thừ ra và trong đầu nghĩ, không biết đây là căn bệnh gì, một loại bệnh chưa từng gặp.

dac biet nguy hiem ky 16 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 15)

Chiều hôm đó, đám tang của Thủy Tiên diễn ra một cách lặng lẽ. Trong đám tang không có giọt nước mắt của người thân. ...

dac biet nguy hiem ky 16 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 14)

Trong một căn nhà của một mụ chủ chứa hút thuốc phiện, Thủy Tiên và Bình nằm cạnh nhau. Bình nhìn Thủy Tiên sợ hãi ...

Bình bảo:

- Dạ, cháu cũng chưa biết ạ.

Thế rồi một anh sĩ quan chạy ra bảo ông Can:

- Anh Can ơi, ở đây có thằng cu này, nó biết sửa chữa xe máy đấy.

Ông Can nhìn Bình chòng chọc rồi phẩy tay:

- Thằng ranh này thì biết gì về xe.

Đang định dắt xe đi thì ông quay lại, hỏi:

- Này, thế trước mày chữa xe ở đâu?

- Dạ, cháu chữa xe ở nhà, ở cửa hiệu thôi ạ.

Ông hỏi:

- Mày đã bao giờ nhìn thấy cái xe này chưa?

Bình gật đầu:

- Dạ, thưa Ban, xe này cháu chưa chữa, nhưng cháu đã chữa những cái xe tương tự ạ.

Ông Can lại hỏi:

- Tương tự là xe gì?

Bình đáp:

- Dạ, thưa ban, cháu đã chữa xe Xít-đờ-ca, xe Hạnh phúc của Trung Quốc. Cháu chữa xe Java 360, xe của công an thì cháu cũng chữa nhiều loại rồi, cả cái xe Electron mới nữa.

Ông Can ngạc nhiên:

- Ô, thế cửa hàng của mày ở đâu mà chữa nhiều xe thế?

- Dạ, cửa hàng cháu ở gần Đồn Công an khu Đống Đa nên các chú công an ở đấy hỏng xe thì cứ đến nhờ cháu chữa hộ. Cháu chữa nhiều rồi nên cũng quen.

Ông Can nhìn Bình như xoáy rồi bảo:

- Được.

Rồi ông bảo anh cán bộ công an đang ghi sổ:

- Này, nếu thế ông đề xuất thì đưa thằng này vào đội kỹ thuật nhé.

Anh kia nói:

- Đây, danh sách của nó là đưa nó về đội chăn lợn rồi. Còn nếu anh muốn đưa nó về đội hậu cần kỹ thuật, thì anh phải nói với giám thị.

dac biet nguy hiem ky 16

Vừa lúc đó, ông trung tá giám thị trưởng đi đâu quay về. Ông Can túm lấy luôn và bảo:

- Anh ơi, tôi xin anh cho thằng cu này về đội kỹ thuật.

Anh trung tá giám thị hỏi:

- Anh đưa nó về đấy làm gì? Nó biết nghề gì mà đưa về đấy?

- Nó biết chữa xe máy anh ạ. Nó vốn làm nghề chữa xe máy đấy.

Anh trung tá nhìn Bình thì bảo:

- Trước học hành cái gì?

Bình đáp:

- Dạ thưa cán bộ, cháu không học hành gì.

Ông ngạc nhiên hỏi:

- Thế không học hành gì, sao lại chữa được xe?

Bình bảo:

- Dạ, bố cháu truyền nghề cho ạ.

Anh trung tá giám thị nhìn Bình vẫn bằng con mắt tò mò rồi bảo:

- Thôi được rồi. Nếu như anh Can đã muốn thế thì tôi đồng ý. Xem nó làm ăn thế nào. Nếu nó không chữa được thì lại cho về đội chăn lợn.

Ông lại bảo:

- Thằng này trông mặt mũi cũng tử tế đây. Lần đầu có tiền án phải không?

Bình cúi đầu:

- Dạ, vâng ạ.

Ông cầm lấy tập hồ sơ của Bình, lật lật xem lướt qua rồi bảo:

- Mười mấy tuổi đầu đã phạm tội giết người. Thời buổi này, đúng là chẳng biết ra làm sao nữa. Thôi, có khi số mày gặp may đấy, mày được bác Can đây nhận đưa về đội kỹ thuật. Cố mà làm cho nó tử tế.

Bình cúi đầu:

- Dạ vâng ạ.

Bình được xếp vào đội kỹ thuật. Ngay sau khi về nhập phòng giam, ông Can gọi Bình lên:

- Mày lên xem cho tao cái xe.

Bình lên thì đã thấy đã có năm người thợ cũng là phạm nhân đang xúm xít xung quanh cái xe, Bình hỏi:

- Tình trạng xe ra sao hả Ban?

Ông Can nói:

- Nó cứ nổ ặc ặc mấy tiếng rồi lại chết. Bọn ở đây nó đã kiểm tra hết rồi.

Bình nói:

- Vâng, để cháu xem.

Bình đạp máy thử, thì chiếc xe chỉ nổ rú lên một tiếng rồi khói ục ra và chết lịm. Bình ngồi thừ ra và trong đầu nghĩ, không biết đây là căn bệnh gì, một loại bệnh chưa từng gặp.

Thấy Bình ngồi thừ ra, ông Can sốt ruột hỏi:

- Sao? Mày phát hiện ra bệnh rồi à?

Bình lắc đầu nói:

- Dạ thưa Ban, Ban để cháu nghĩ một chút ạ.

Rồi Bình bảo ông Can:

- Dạ, cháu xin Ban cho cháu một chút dầu luyn sạch ạ.

Ông Can hất hàm ra hiệu. Một phạm nhân chạy đi cầm một chai dầu luyn loại AK15 - loại dầu luyn xanh lè của Liên Xô cũ ngày xưa mang đến. Bình hỏi:

- Dạ có cái vịt tra dầu không ạ?

Một phạm nhân lại chạy vào trong kho cầm cái vịt ra. Bình đổ một chút dầu luyn vào trong vịt rồi tháo buzi ra, bơm thẳng vào trong xi-lanh. Thấy cách làm của Bình nhiều người ngạc nhiên. Cho vào xi-lanh, Bình mở buzi ra, đạp mươi cái rồi bịt ngón tay lại, rồi lại đạp tiếp, hơi dầu luyn từ trong máy phụt ra. Rồi Bình lại lắp buzi vào. Lần này sau vài lần đạp, chiếc xe nổ máy, tiếng nổ tròn hẳn, giòn tan. Mọi người tròn mắt ngạc nhiên. Ông Can hỏi:

- Ô, thế là nó mắc bệnh gì thế mày?

Bình nói:

- Dạ thưa Ban, căn bệnh này không chữa được. Chỉ được một lúc rồi lại hỏng ạ.

Ông Can hỏi:

- Làm sao mà lại hỏng?

- Dạ thưa Ban, xéc-măng bị mòn quá rồi cho nên nó bị tụt hơi, nổ lên một cái rồi chết. Cho dầu luyn vào thì kín hơi, nổ được một lúc, nhưng đi không được lâu thì nó lại bị.

Ông Can hỏi:

- Thế có cách nào khắc phục được không?

Bình bảo:

- Dạ, bây giờ chỉ còn cách thay xéc-măng mới, doa lại xi-lanh, hoặc nâng cốt.

Ông Can thở hắt ra:

- Doa xi-lanh, nâng cốt… Thế thì đào đâu ra thợ ở cái xó này để doa xi-lanh? Vậy có cách nào để khắc phục không?

Bình nói:

- Dạ, cũng có cách khắc phục được. Nhưng hôm nào Ban để cho cháu mở máy ra xem tình trạng hỏng đến mức độ nào đã. Nhưng cháu chắc chắn, nghe tiếng máy nổ thế này thì thành xi-lanh đã có gờ và xe này cũng đã chạy khoảng bảy, tám vạn cây số rồi.

Ông Can nói:

- Ô thằng này giỏi, xe này cũng phải thế rồi đấy. Nó chạy ở đây gần bốn năm rồi đấy. Mà xe này luôn lên rừng xuống biển.

Bình nói:

- Nếu như vậy thì, xe giữ được đến thế này là giỏi rồi.

Ông Can bảo:

- Mày nói đúng đấy. Ngày trước, chú công an giữ cái xe này cũng là một tay thợ có tiếng đấy.

- Thưa Ban, thế giờ chú ấy ở đâu ạ? - Bình lễ phép hỏi.

Ông Can nói giọng buồn buồn:

- Hy sinh rồi. Bị phạm nhân giết chết.

Bình nghe mà thấy lạnh cả người.

Rồi ngày hôm sau, Bình tháo tung cả chiếc xe IJ ra và anh khắc phục được căn bệnh của chiếc xe ấy, làm xéc-măng căng lên và xe chạy tử tế hẳn.

Được làm ở tổ kỹ thuật nên cuộc sống của Bình ở trong trại giam, cũng khá hơn phần nào. Phạm nhân trong buồng của Bình có khoảng mười lăm người, tất cả đều từng võ vẽ biết kỹ thuật về xe cộ, lái ôtô, lái công nông nhưng tất cả cũng đều làm tay ngang. Ở trong buồng giam có một người phạm tội giết người, bị kết án chung thân cũng là thợ.

***

Một buổi tối, ăn cơm xong, đến giờ sinh hoạt, các phạm nhân ngồi kiểm điểm xem hôm nay làm được những việc gì, lao động chăm hay không chăm, năng suất như thế nào.

Buồng trưởng buồng giam của Bình có một cái tên rất lạ, đó là “Trần Văn Bĩ”. Bình không hiểu sao tên anh ta lại là Trần Văn Bĩ, nếu là Bí, Bi hoặc Bì thì còn có lý, nghe nó còn thuận mồm, đây lại là Bĩ. Mãi về sau này Bình mới biết rằng, anh ta được sinh ra đúng lúc nhà mạt vận, đồ ăn thức uống không còn gì cả. Bà mẹ sinh ra anh ấy nằm ở trạm xá, cho người chạy về nhà hỏi ông bố đặt tên con là gì, thì chả hiểu tại sao, ông bố nói luôn:

- Đang cơn bĩ cực đây, thôi đặt luôn là thằng Bĩ.

Thế là hắn có cái tên Trần Văn Bĩ.

Bĩ ngồi ở một góc phòng và các phạm nhân khác ngồi xung quanh. Sau khi mọi người kiểm điểm về công việc đã làm được, chưa làm được trong ngày, không hiểu sao Bĩ nhìn Bình gườm gườm và tự nhiên có hai thằng đến ngồi bên cạnh. Bình đã cảnh giác về điều này, đã ngồi xích ra nhưng chúng vẫn ngồi xán vào.

Thế rồi Bĩ cao giọng:

- Thằng Bình kia. Tao nghe nói rằng mày được lòng quản giáo Can, nên từ ngày mày vào đây, mày không coi ai ra gì phải không?

Bình khép nép nói:

- Dạ thưa anh, em đâu dám thế ạ.

Như chỉ chờ có thế, Bĩ quắc mắt nhìn Bình và đập tay xuống sàn:

- Thằng chó, mày tưởng bố ngồi như thế này để làm không công cho chúng mày đấy à?

Bình ngơ ngác hỏi lại:

- Anh bảo làm không công là như thế nào ạ?

Bĩ nói luôn:

- Câm mồm.

Rồi Bĩ bảo hai thằng hai bên:

- Vả vào mồm nó cho tao, mười cái.

Gã ngồi bên cạnh vừa đưa tay định vả Bình thì theo phản xạ của một người đã từng ẩu đả nhiều, và cũng là người giỏi võ, Bình bật ngửa người ra đằng sau và đạp cho cả hai gã bổ xoài về đằng trước. Bĩ gầm lên:

- Ơ, thằng này giỏi nhỉ. Mày lại dám chống lại bố mày à?

Thế rồi hai thằng kia vùng dậy lăn xả vào Bình. Bình lùi về một góc tường để đỡ được ba mặt, rồi tay đấm chân đá, Bình chống trả quyết liệt.

Đang lúc đánh nhau, chưa kịp phân thắng thua thì cánh cửa buồng giam bật mở. Các cán bộ quản giáo ùa vào.

Tiếng ông Can gầm lên như sấm:

- Tất cả đứng úp mặt vào tường.

Một gã còn lúng túng chưa kịp đứng, ông Can túm tóc, đập đầu vào tường “bốp” một cái, ông bảo:

- Chúng bay giỏi thật. Dám đánh nhau ở trong buồng giam, còn coi ai ra gì không?

Ông Can và một quản giáo khác túm mặt từng thằng quay ra, hỏi:

- Sao, những thằng nào đánh nhau?

Ông nhìn thấy hai gã vừa bị Bình đánh, một thằng mặt tím bầm, một thằng còn đang chảy máu mũi. Ông hỏi:

- Chúng mày đánh nhau phải không? Thằng nào đánh?

Một gã chỉ vào Bình.

Ông Can túm gáy Bình quay lại, hỏi:

- Tại sao mày đánh nhau?

Lúc này Bình nhìn mắt gã buồng trưởng thì thấy ánh mắt gã cụp xuống có vẻ sợ hãi. Bình bảo:

- Dạ thưa Ban, không phải đánh nhau đâu ạ.

Ông tát Bình “bốp” một cái, ông bảo:

- Không đánh nhau, hai thằng nó vừa khai kia, mày đánh chúng nó chảy máu mồm còn gì?

Bình cúi đầu:

- Dạ thưa Ban, anh em dạy võ nhau ạ.

Ông Can quắc mắt hỏi lại:

- Dạy võ? Mày biết võ?

Bình bảo luôn:

- Dạ thưa Ban, vâng ạ. Ở ngoài cháu cũng biết võ ạ.

Ông Can hỏi:

- Võ của mày trình độ thế nào mà mày dám dạy chúng nó?

Bình nhanh trí bảo ông Can:

- Dạ thưa Ban, ngày xưa cháu đi học đã được giải võ ở tỉnh rồi ạ.

Ông Can nghe có vẻ ngạc nhiên, ông hỏi Bình:

- Có đúng mày biết võ không?

Bình bảo:

- Dạ đúng ạ.

Ông Can cười khẩy rồi bảo anh sĩ quan đi bên cạnh:

- Nó nói nó biết võ, được rồi. Bây giờ thế này, nếu như mày biết võ thật thì mày phải đánh nhau với cán bộ này. Còn nếu mày không biết, tội nói dối, ăn đòn đừng có trách.

Và như chỉ chờ có thế, anh cán bộ quản giáo kia xông vào Bình. Nhưng Bình đứng im nhắm mắt, chịu hai cú đấm như trời giáng. Ông Can bảo:

- Mày biết cái gì đâu. Nếu người biết võ thì không thể đứng im được.

Bình bảo:

- Dạ thưa ban. Cháu không được phép đánh lại Ban ạ, dù là tập.

Câu nói của Bình khiến nét mặt ông Can giãn ra.

Ông Can bảo:

- Thế mày lấy cái gì để chứng minh là mày biết võ?

Bình bảo:

- Dạ, thưa ban, cháu chứng minh được ạ.

Rồi Bình cởi áo, đứng tấn:

- Dạ thưa Ban, Ban cứ đấm vào bụng, đá cũng được, hoặc lấy gậy vụt cũng được ạ.

Ông Can hất hàm ra lệnh cho anh quản giáo. Anh quản giáo cầm dùi cui bằng cao su thẳng tay đánh vụt vào bụng Bình. Dùi cui nẩy ra ngoài. Chỉ chờ có thế, ông Can nhìn Bình bảo:

- Ồ, thằng này đúng con nhà võ thật. Khá lắm, khá lắm. Thế mày dạy võ chúng nó thế nào mà lại đánh chúng nó chảy máu mồm máu mũi thế kia?

Bình bảo:

- Dạ cháu nhỡ tay ạ.

Ông Can có vẻ hài lòng, rồi nghiêm giọng:

- Này Bĩ, tao nói cho mày biết. Mày mà không cẩn thận là đi phòng giam khác ngay đấy nhé. Còn ở đây, tao cấm chúng mày tập võ, định nổi loạn à? Từ nay cấm tiệt, không có võ nghệ gì cả. Còn nếu dư thừa sức lực thì mai đi lao động.

Rồi ông Can nhìn Bình trìu mến rồi bảo:

- Còn thằng này, ở đây còn một số xe máy của cán bộ, ngày mai mày phải bảo dưỡng.

Ông Can và cán bộ quản giáo đi rồi, Bĩ mới đến cạnh Bình và nói:

- Được, chú mày khá lắm, rất khá. Tao cũng không ngờ chú mày võ nghệ được như vậy. Nhưng thôi, hôm nay chứng tỏ chú cũng là loại hảo hán. Từ nay, chú sẽ làm trợ lý cho anh.

Bình ngạc nhiên và hỏi:

- Dạ, trợ lý là làm gì hả anh?

Bĩ tự nhiên bật cười và bảo:

- Trợ lý, đây có phải công chức nhà nước đâu mà trợ lý. Thôi, mày cứ hiểu mày là người của tao. Và tao qua cái mồm mày để bảo bọn khác. Thôi, hôm nay coi như là một bữa ra mắt, lấy rượu ra đây.

Bình ngạc nhiên vô cùng. Ở trong trại giam vốn được kiểm tra cẩn mật như vậy mà nó giấu được rượu, giấu ngay ở trong gối. Hóa ra ở trong gối, chúng nhét vào đó một bao nilon dày, thế rồi đổ rượu vào đó, không hiểu cách nào mà lấy được rượu, nhưng không tiện hỏi.

Bình hỏi Bĩ:

- Gối thế này mà không sợ vỡ à?

Bĩ nói:

- Lại hỏi ngu rồi. Nó là cái gối, nhưng thực ra có ai dám gối lên nó đâu.

Một gã rót rượu ra một ca nhựa. Bĩ cầm ca nhấc lên:

- Thôi, hôm nay chúc mừng chú em.

Bĩ nâng lên tợp một ngụm rồi chuyển cho Bình. Bình nhấp một ngụm mà suýt phì ra ngoài, bởi vì một thứ rượu gì đã nặng còn nồng mùi cồn.

Thấy Bình nhăn mặt nhăn mũi, Bĩ hỏi:

- Khó uống lắm phải không?

Bình bảo:

- Vâng ạ. Rượu gì mà kinh thế hả anh?

Bĩ cười sằng sặc và bảo:

- Thằng này đúng là nhập kho lần đầu, thiếu sự hiểu biết. Đây là cồn, cồn này là cồn công nghiệp.

Bình trợn mắt:

- Cồn công nghiệp? Cồn này ở đâu ra?

- Cồn này là dưới bọn xưởng mộc, nó dùng để pha chế vécni. Bọn tao xin được, mang về đây pha loãng ra để uống. Cái này uống nhiều thì không được, nhưng thi thoảng nhấp một chút cho đời nó lên tiên thì không sao.

Về sau Bình mới biết, Bĩ cũng là một kẻ bị án tù chung thân về tội cướp. Hắn bị tội cướp, nhưng do người bị hại chạy, lao đầu vào cột điện mà chết nên hắn bị án nặng. Hơn nữa, bản thân hắn ngày xưa cũng đã có hai tiền án, còn tiền sự thì không thể đếm được.

Trong số phạm nhân ở đây, có một người kỳ lạ hơn cả, đó là Trí Thiện. Thiện còn khá trẻ và ngày xưa, theo như Thiện kể lại, được đi tu từ bé, nhưng lớn lên, Thiện bỏ cửa chùa đi làm ăn và rồi thế quái nào, gia nhập vào đám giang hồ.

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 16 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 18)

Lá thư Bình viết và ông Can ghi vào bên cạnh được một tuần thì mẹ và em gái Bình là Thu Ngân lên thăm.

dac biet nguy hiem ky 16 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 17)

Trại cải tạo số Ba là một trại khá lớn của Bộ Công an. Phạm nhân vào đây, người bị án thấp nhất cũng bảy ...

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân