Chiều hôm đó, đám tang của Thủy Tiên diễn ra một cách lặng lẽ. Trong đám tang không có giọt nước mắt của người thân. Ông Biểu thì như người mất hồn và dường như ông cảm thấy rằng cái chết này đối với Thủy Tiên là chuyện nó sẽ phải đến và đến rất sớm.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 14)
Trong một căn nhà của một mụ chủ chứa hút thuốc phiện, Thủy Tiên và Bình nằm cạnh nhau. Bình nhìn Thủy Tiên sợ hãi ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 13)
Sau cái lần ấy, Bình và Thủy Tiên xoắn lấy nhau và tình cảm của hai không lọt qua được cặp mắt của bà Tuyến. |
Câu chuyện hắn cứ huyên thuyên nói đêm ấy cũng khiến Bình tỉnh ngộ ra nhiều điều.
Nhưng nỗi ân hận về cái chết của Thủy Tiên đã khiến Bình không ăn, không ngủ được.
Hôm sau Bình xin gặp giám thị và nói:
- Chú ạ, cháu xin chú một điều này được không?
Người giám thị nhìn Bình bằng đôi mắt hiền từ và bảo:
- Cháu muốn cái gì?
Bình:
- Cháu biết tội của cháu đằng nào cũng phải chết, vì cháu đã giết người. Nhưng cháu xin chú, chú hỏi giúp cháu, bao giờ thì đưa tang cái Thủy Tiên? Cháu muốn đến, chú giúp cho cháu để cho cháu được thắp nén hương tiễn nó…
Người giám thị nghĩ một lúc lâu và nói:
- Ờ, thằng này, được đấy. Nghĩ được thế là khá. Rồi, tao sẽ hỏi cho.
Thế rồi khoảng 2 tiếng đồng hồ sau, ông quay lại và bảo:
- Tao đã hỏi rồi, chiều nay gia đình nó mới đưa tang. Chôn ở nghĩa trang Văn Điển. Nhưng bây giờ, nếu đưa mày đến đúng lúc đám tang, không khéo họ hàng nhà nó giết mày chết. Cho nên phải chờ mọi người về hết đã.
***
Chiều hôm đó, đám tang của Thủy Tiên diễn ra một cách lặng lẽ. Trong đám tang không có giọt nước mắt của người thân. Ông Biểu thì như người mất hồn và dường như ông cảm thấy rằng cái chết này đối với Thủy Tiên là chuyện nó sẽ phải đến và đến rất sớm. Bởi ở trong nhà, Thủy Tiên đã gây ra cho gia đình quá nhiều điều tai tiếng.
Còn với bà Tuyến - mẹ của Thủy Tiên, thì trong đầu bà lại nghĩ về chuyện ngày xưa và bà cũng không biết được Thủy Tiên là con của ai bởi khi đó bà cũng có vài ông nhân tình. Một số bạn bè, cũng có người rơm rớm nước mắt. Nhưng khi chiếc xe tang vào đến nghĩa trang Văn Điển và quan tài được đưa xuống, thì bà Ất lặng lẽ đến. Bà đi cùng với Ngân.
Bà mang theo một nắm hương và một bó hoa trắng. Mọi người nhìn theo bằng con mắt không lấy gì làm tử tế, bà Tuyến mấy lần định xông ra chửi bới. Nhưng trong họ nhà bà Tuyến có một bà đã đứng tuổi trông có vẻ hiểu biết, gạt ra:
- Này, nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta đến thắp hương là đúng, cô đừng có làm điều gì không hay. Nó chết thiệt phận đã đành rồi.
Bà Tuyến nghiến răng trèo trẹo:
- Chị bảo nó tử tế cái gì? Con nó giết con em. Bây giờ lại giả nhân giả nghĩa đến thắp hương.
Người phụ nữ kia cứ túm áo bà Tuyến lôi lại:
- Việc nào đi việc nấy. Cứ để xong đã, rồi mời bà ấy về nhà nói chuyện sau.
Bà Tuyến nói:
- Em nghe luật sư nói, gia đình nhà nó còn phải đền tiền cho con Thủy Tiên. Bây giờ thằng kia bị bắt đi tù thì ai trả tiền cho em? Công em nuôi nấng nó bao nhiêu năm trời…
Người phụ nữ kia bảo:
- Thôi thím im mồm đi. Giờ lại còn nghĩ đến chuyện tiền nong gì? Việc đó để tòa xét sau.
Chờ cho đắp mộ xong, bà Ất bình thản, lặng lẽ đặt bó hoa trắng lên mộ, thắp hương, rồi bà vái ba vái, lầm rầm:
- Cháu ơi, bác có tội với cháu. Bác sinh con ra không biết dạy, để rồi đến nỗi nó hại cháu như thế này. Giá mà bác đền mạng để cháu sống lại, bác cũng làm. Bác biết cháu cũng là người có tình cảm, giúp đỡ nó suốt bao nhiêu năm trời. Thôi, cháu sống khôn chết thiêng thì cháu hãy nghĩ rằng, thằng Bình nó cũng thương yêu cháu lắm đấy. Con bác đẻ ra bác biết.
Rồi bỗng bà Ất quỳ thụp xuống, úp mặt vào lòng bàn tay khóc rưng rức. Tiếng khóc nghẹn ngào của bà Ất khiến mọi người xung quanh sững ra ngạc nhiên. Bà Tuyến gào lên:
- Ối con ơi là con ơi…
Trong lúc mọi người đang làm đám tang như thế, thì ở một góc nghĩa trang Văn Điển có một chiếc xe com-măng-ca đỗ ở một rặng cây.
Chờ cho mọi người về hết, hai anh công an mặc quần áo vàng đưa Bình từ trên xe xuống. Bình đến mộ, anh nói với người công an:
- Chú ơi, chú tháo còng cho cháu để cháu thắp một nén hương.
Người công an lắc đầu:
- Không được.
Rồi ông rút một thẻ hương còn lại chưa thắp hết, châm lửa đưa cho Bình. Bình thắp hương xong, anh đứng lặng lẽ trước mộ của Thủy Tiên và trong lòng ùa lên bao nhiêu cảm xúc. Bình nhớ lại những lần Thủy Tiên chăm sóc anh, những lần hai người tình tứ với nhau, những lúc hai người nằm bên nhau và nhớ cả những lúc Bình bảo vệ Thủy Tiên trước những kẻ lưu manh khác đến chọc ghẹo.
Rồi Bình khóc rũ rượi, khóc như một đứa trẻ. Hai người công an đứng lùi ra xa một chút để cho Bình khóc.
Họ châm thuốc cho nhau hút. Một anh công an đeo quân hàm trung úy, nhưng nét mặt đã khắc khổ nói:
- Nghe tiếng khóc của thằng này thì thấy nó cũng ân hận thực sự và cũng có tình cảm với cái đứa chết rồi kia ông ạ.
Người kia nói:
- Ừ, kể cũng lạ. Đánh chết con người ta, bây giờ ra mộ lại khóc.
Anh kia bảo:
- Tôi cho là nó khai đúng đấy, nó chả giấu gì cả. Nó nhỡ tay đánh chết thôi, ai bảo xông vào đánh mẹ nó. Thằng này thế là được. Phải tôi ấy, đánh mẹ tôi như thế, nhất thì bét, tôi cũng phải cho một nhát.
Thắp hương cho Thủy Tiên xong, trở về trại giam, Bình tự nhiên thấy nhẹ nhõm hơn hẳn. Và khi phiên tòa xét xử, có lẽ đây là một phiên tòa xử nhanh hiếm có. Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ đã xử xong. Bởi Bình nhận tất, không cãi gì cả và mong muốn của Bình là làm sao để kết thúc phiên tòa càng nhanh càng tốt để Bình khỏi phải chứng kiến cảnh này.
Tại phiên tòa, bà Ất có mặt, gia đình nhà Thủy Tiên có mặt. Và mọi người, gia đình nhà Thủy Tiên không ai căm ghét Bình mà đều tỏ ra thương cảm.
Khi vị chánh tòa nói: “Cho bị cáo được nói lời cuối cùng trước khi nghị án”.
Bình quay lại, chắp tay và nói:
- Con lạy mẹ, cháu lạy chú thím. Con làm nên tội, con phải chịu. Con chỉ xin chú thím khi nào giỗ Thủy Tiên thì nhớ thắp cho con xin một nén hương.
Bình nói đến thế rồi nghẹn lời. Tiếng nói của Bình đã động đến lòng trắc ẩn của mọi người.
Các cán bộ thẩm phán vào phòng nghị án.
Bình được ngồi với mẹ và hai cô em gái tại phòng dành cho bị cáo. Có ba cảnh sát bảo vệ ngồi kèm.
Bà Ất ngồi bên cạnh Bình, khóc sùi sụt.
Ngân nói với Bình:
- Anh được chuyển đi trại nào thì nhớ viết thư về ngay nhé.
Bình không nói gì, chỉ khẽ gật đầu. Ngân hỏi một sĩ quan cảnh sát bảo vệ:
- Anh ơi, phải đi mấy năm thì được ra ạ.
Anh cảnh sát trả lời:
- Ít nhất là hết hai phần ba thời gian thụ án. Nhưng mà không được vi phạm kỷ luật. Năm nào cũng phải được bầu là lao động tốt.
Ngân nhẩm tính rồi nói:
- Như thế là anh phải ở trại mất 6 hoặc 7 năm. Lúc về, mới chưa đến 25 tuổi.
Bình vẫn ngồi im lặng như kẻ mất hồn. Thực ra, lúc ấy, anh chỉ nghĩ đến gương mặt của Thủy Tiên trước khi chết. Dường như đọc được suy nghĩ của con trai, bà Ất xoa đầu Bình và bảo:
- Con ạ. Mẹ cũng thương cái Thủy Tiên lắm. Mẹ về rồi khi nào 49 ngày của nó, mẹ làm lễ, đưa nó lên chùa cho mát mẻ. Con đi cải tạo, phải nhớ học hành cho tốt, để sớm được về.
Đến giờ tuyên án. Tiếng chuông gọi mọi người vào phòng xét xử réo vang.
Thư ký phiên tòa dõng dạc xướng:
- Xin mời tất cả đứng dậy nghe tuyên án.
Vị thẩm phán là nữ còn khá trẻ, đọc bản án. Và sau khi đọc tình tiết vụ việc, cũng như quan điểm của Viện Kiểm sát và quá trình xét xử tại tòa, thẩm phán cao giọng:
- Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Bình 10 năm tù giam.
Nghe mức án xong, nhiều người ồ lên vì họ biết đây là một mức án quá nhẹ, nhưng cũng chẳng ai thắc mắc gì nữa.
Khi Bình lên xe tù trở về trại giam, bà Ất chạy theo con và nói:
- Con ơi, đừng có nghĩ liều nữa con nhé. Nhớ giữ sức khỏe rồi về với mẹ.
***
Trở lại cuộc đối thoại giữa Bình và Thúy.
Nhìn gương mặt vẫn còn xúc động của Bình, Thúy thấy ái ngại và bỗng dưng cô thấy thương anh vô cùng.
Thúy hỏi Bình:
- Thế sau này, anh còn quan hệ với nhà ông Biểu nữa không?
Bình gật đầu và nói:
- Có. Sau khi anh ra tù, anh có đến thì gia đình cũng đã tan nát cả. Từ sau khi Thủy Tiên mất, ông Biểu sinh ra nghiện rượu và cửa hàng thì bán cho người khác. Được ít tiền chia cho thằng con nó mang tiền đi cờ bạc, đề đóm hết sạch. Bà Tuyến thì vì cờ bạc, nợ nần nhiều quá rồi bị chúng nó xiết nợ, uất, thế là treo cổ tự tử. Còn anh con trai không biết bỏ xứ đi đâu mất tích. Bà vợ hai của ông ấy là bà Thu thì cũng bỏ nghề bán thịt lợn, giã giò chả. Hai đứa con lớn lên cũng chẳng đứa nào ra gì. Sau này anh có giúp đưa chú Biểu vào trại dưỡng lão.
Bình dẫn Thúy đi vào một căn phòng. Ở đấy là nơi đặt ban thờ ông bà tổ tiên của Bình, bên cạnh còn có một ban thờ nhỏ nữa. Trên ấy có một bức ảnh Thủy Tiên.
Bình nói:
- Anh lập bàn thờ cho cô ấy ở đây. Một linh hồn rất nhiều ngàn năm mới được trở lại kiếp làm người, nhưng rồi cái kiếp ấy cũng lại chẳng ra gì.
Rồi Bình cười buồn và bảo Thúy:
- Sau này những ngày ở trong tù, được học giáo lý nhà Phật, anh mới thấy rằng, muốn có kiếp sau được sống tốt thì kiếp này phải sống cho tử tế.
Thúy bỗng dưng bật cười và bảo:
- Em chưa bao giờ nghe anh nói là anh học giáo lý nhà Phật.
Bình bảo:
- Ừ, có phải cái gì biết cũng mang ra khoe với thiên hạ đâu. Nào, hôm nay em mệt chưa? Chắc là nghe những chuyện như thế này, nhà báo cũng không khoái lắm đúng không?
Thúy:
- Sao lại không? Tự nhiên em thấy thương cô Thủy Tiên ấy quá. Vậy thì trong sâu thẳm, cô ấy có tình yêu với anh không?
Bình nói với vẻ buồn:
- Lúc đầu có lẽ là không. Nhưng cô ấy thích anh, đầu tiên chỉ hoàn toàn là cái thích cảm tính. Còn anh lúc nào cũng tỏ ra là một người hùng bảo vệ cô ấy trong những lúc khó khăn, thì cô ấy có tình cảm. Nhưng về sau, có lẽ Thủy Tiên có tình yêu với anh thật. Mà thật ra cô ấy cũng chơi bời lăn lóc từ năm 14, 15 tuổi. Chính vì chơi với cái đám du thủ du thực ấy, nên sau này khi gặp anh, cô ấy hiểu anh là một người không giống chúng nó. Kể cả sau này, khi anh lao vào con đường cờ bạc, rồi anh đi buôn bán ma túy, rồi anh đi đâm thuê chém mướn, thì cô ấy cũng nhìn thấy trong anh có cái gì khác chúng nó. Chỉ tiếc là hồi ấy, anh trẻ người non dạ, ăn chưa no, lo chưa tới và cô ấy cũng thế.
Hai người trở lại bàn làm việc. Bình bảo:
- Trưa nay em ở đây ăn cơm với vợ chồng anh nhé. Sáng nay Chung bảo anh phải giữ em ở lại ăn cơm trưa đấy.
Thúy suy nghĩ, có vẻ băn khoăn rồi nói:
- Thôi em đi về, trưa em còn lo cơm cho cháu.
Bình cười nhạt nói:
- Em đừng nói chuyện lo cơm cho cháu. Em đã bao giờ lo cho nó được bữa cơm trưa đâu. Anh biết thừa buổi trưa nó ở nhà với bà phục vụ. Em làm báo thì làm gì có điều kiện về lo cho con ăn cơm trưa, có lý do gì khác chăng?
Thúy nheo mắt hỏi Bình:
- Vậy theo anh thì có lý do gì?
Bình suy nghĩ rồi nói:
- Có hai lý do. Một, là có một anh chàng nào đó.
Thúy bật cười nói:
- Đấy là lý do thứ nhất. Còn lý do thứ hai?
- À, lý do thứ hai, là em thấy ăn cơm ở đây, lại có mặt bà xã anh, em ngại.
Thúy bật cười và bảo:
- Cả hai lý do đều sai hết. Nếu em đã có một tay nào đó để ăn cơm trưa thì em đã nói với anh. Còn nói ngại Chung thì em chẳng có gì mà ngại. Bởi vì Chung là người tinh ý, Chung biết hết. Em nhìn mắt Chung em biết. Chẳng cần nói câu nào, nhưng Chung biết quan hệ giữa em và anh ra sao. Thực lòng, Chung cũng không thích đâu. Nhưng có lẽ Chung nghĩ rằng, em là người đã có công tìm lại sự trong sáng cho anh, cho nên Chung cũng nín lặng. Chính vì vậy, em không muốn sự có mặt của em quá nhiều mà làm cho Chung phải suy nghĩ. Nhiều lúc em ghen với anh. Anh có một cô vợ tốt quá, tử tế quá mà sao thời buổi này, tìm những người như vậy hiếm thế.
Bình hỏi:
- Sao lại hiếm?
Thúy nói:
- Hiếm chứ anh. Chung lo lắng cho anh trong những ngày anh ở trong tù như thế và theo dõi từng đường đi nước bước của anh. Làm gì có người nào như vậy. Không có đâu.
Bình cười bảo:
- Thế còn em, không là người tốt à?
Thúy lắc đầu:
- Em không tốt. Thật ra khi em quyết tâm lao vào vụ việc của anh, là vì em muốn thể hiện mình và đó là nổi máu nghề nghiệp của những người làm báo muốn tìm cho ra sự thật của việc nào đó. Chứ lúc đó em cũng chẳng có cảm tình với anh vì biết anh là người như thế nào. Mà thôi, chuyện ấy lúc khác sẽ nói lại. Nào bây giờ còn thời gian, anh kể tiếp cho em nghe đi.
Bình nói tiếp. Và câu chuyện lại được tái hiện.
***
Vào một ngày mùa đông năm 1980, Phạm Bình rời trại tạm giam của công an tỉnh để đi trại cải tạo của Bộ. Bình cùng với khoảng 20 phạm nhân khác, cứ hai người một xích lên một chiếc xe tải phủ bạt kín mít. Trên xe có một tốp 4 cảnh sát đi cùng, kèm theo là một con chó béc-giê. Con chó ngồi chồm hổm trên xe và nhìn đám phạm nhân bằng một ánh mắt hết sức cảnh giác. Bình được đưa vào trại cải tạo số 3 nằm ở một vùng trung du Bắc Bộ. Mọi người làm thủ tục nhập trại. Trong lúc chờ làm thủ tục, Bình nhìn thấy một sĩ quan đeo cấp hàm Đại úy nom nét mặt rất khắc khổ và u uất, hì hục đẩy một chiếc xe IJ của Liên Xô đi từ cổng vào.
Trời rét như thế, nhưng mồ hôi ông ướt đẫm lưng áo. Ông bảo với anh nhân viên bảo vệ:
- Tôi phải đẩy chiếc xe này gần 3 km rồi, mệt quá đi mất.
Anh hạ sĩ bảo vệ hỏi:
- Sao lại phải đẩy đến 3km? Không có chỗ nào sửa xe nữa à?
Ông đại úy nói:
- Đào đâu ra cái chỗ chữa loại xe này bây giờ? Mà tôi đã nói rồi, loại xe này, không có phụ tùng thay thế, thợ sửa chữa ở đây chả anh nào ra hồn. Đem mà vứt quách đi.
Đúng lúc ấy, giám thị trại giam, một sĩ quan đeo cấp hàm trung tá đến, ông nhìn thấy đại úy lại chuẩn bị đẩy xe, ông bảo:
- Ôi, anh Can, xe lại hỏng à?
Người đại úy tên là Can nói:
- Vâng, báo cáo anh, lại hỏng. Mà số tôi làm sao ấy, đi cái xe này, chỉ hỏng thôi.
Bình để ý vào chiếc xe máy và quên đến lượt mình làm thủ tục. Một sĩ quan bảo Bình:
- Cởi quần áo ra!
Bình líu ríu cởi quần áo.
- Vào trong phòng để khám - Anh ta lại hất hàm ra lệnh.
Bình vào trong phòng. Ở đó, đã có một số cán bộ nhân viên y tế của trại. Họ khám Bình, cân nặng, đo chiều cao, đo vòng ngực, đo huyết áp rồi bắt Bình chổng mông lên để khám hậu môn.
Bình lặng lẽ làm theo như một cái máy. Một người bảo Bình:
- Thằng này nom khỏe mạnh thật. Mày được đấy.
Rồi một người bảo Bình:
- Số mày cũng không may. Giá mà mày phạm tội sớm thêm ít ngày có phải thoát, đỡ được bao nhiêu không. Mày lại phạm tội đúng vào ngày sinh nhật.
Bình chẳng nói chẳng rằng, chỉ cười buồn buồn.
Một người hỏi:
- Xòe tay ra tao xem.
Bình xòe tay ra, người kia sờ tay Bình và bảo:
- Ừ, tay thằng này tay làm thợ đây, chắc chắn lắm. Sao, trước làm thợ máy à?
Bình gật đầu:
- Vâng, cháu làm thợ máy ạ.
- Thợ máy gì?
- Dạ, cháu là thợ sửa chữa xe đạp, xe máy thôi ạ.
- Ồ, mày biết sửa chữa xe máy à? Thế mày nhìn cái xe máy của ông Can kia kìa, liệu có chữa được cho ông ấy không?
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 17)
Trại cải tạo số Ba là một trại khá lớn của Bộ Công an. Phạm nhân vào đây, người bị án thấp nhất cũng bảy ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 16)
Bình đạp máy thử, thì chiếc xe chỉ nổ rú lên một tiếng rồi khói ục ra và chết lịm. Bình ngồi thừ ra và ... |