Người bên ngoài không thể chỉnh sửa Syria và chính quyền Tổng thống Donald Trump không nên lãng phí sinh mạng và nguồn lực của Mỹ để theo đuổi điều bất khả thi
Đối với vấn đề Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump thường khẳng định: "Chúng ta đến đó chỉ vì một mục tiêu: Tiêu diệt IS (tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). IS bị nhổ bỏ thì chúng ta về nhà".
Ngược lại, ê-kíp cố vấn của ông lại tin rằng sự can dự của Mỹ ở Syria có nhiều nguyên nhân hơn, như "không để Tổng thống Syria Bashar al-Assad tiếp tục hành xử tàn bạo với người dân" và "cản đường Iran mở rộng ảnh hưởng ở Syria".
Tuy nhiên, Washington không thể bào chữa cho hành động can thiệp quân sự vào Syria. Thêm vào đó, xử lý một cuộc nội chiến phức tạp như ở Syria - với sự có mặt chồng chéo của nhiều lực lượng từ đáng ngờ đến đáng sợ - là một bài toán vượt xa khả năng giải quyết của cả giới chức chính quyền, các chuyên gia hàng đầu lẫn những nhà ngoại giao lạc quan cao độ...
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại thị trấn Manbij - Syria Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Người ngoài không thể chỉnh sửa Syria. Chính quyền ông Trump không nên lãng phí sinh mạng và nguồn lực của Mỹ để theo đuổi một điều bất khả thi.
Xung đột Syria ảnh hưởng rất ít tới an ninh Mỹ. Syria chưa bao giờ nhằm vào Mỹ. Syria có quan hệ thù địch với Israel nhưng ngay cả trước khi loạn lạc, Syria cũng không phải là đối thủ của quân đội Israel. Tel Aviv thừa khả năng tự vệ, như họ từng thể hiện khi đánh sập một lò phản ứng hạt nhân của Syria trong chiến dịch không kích bí mật năm 2007. Giờ đây, dù được Nga và Iran trợ giúp nhưng Syria cũng phải mất nhiều năm mới khôi phục được.
Liên minh Moscow - Damascus không mang nhiều ý nghĩa chiến lược vào lúc này. Việc Nga can thiệp quân sự vào Syria phần lớn phản ánh tâm lý thời chiến tranh lạnh - tức muốn chọc tức Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết quốc gia khác ở Trung Đông - bao gồm Israel, Jordan và các nước vùng Vịnh - đều là đồng minh của Mỹ.
Với thực tế như vậy, sự hiện diện của Mỹ là không cần thiết. Ngay cả khi lực lượng Mỹ không kích đáp trả vụ một căn cứ của họ ở tỉnh Deir ez-Zour bị đe dọa tấn công - kết quả được cho là khiến hàng trăm lính đánh thuê Nga thiệt mạng, một số người vẫn tin rằng Mỹ không được lợi lộc gì trong một trận đánh như vậy.
Tương tự là Iran, nước đã có quan hệ đồng minh với Syria kể từ năm 1979. Thái độ thù địch của Iran (và nhóm Hezbollah) với Israel khó lòng chuyển hóa thành xung đột trực tiếp, đặc biệt là sau khi họ dính vào nội chiến Syria kéo dài. Hơn nữa, cả Damascus và Moscow muốn khôi phục Syria hơn là gây chiến với Israel, còn Iran đã tự nhận ra tình thế cô độc và dễ tổn thương của mình sau khi bị máy bay Israel đuổi theo trả đũa vụ phóng thiết bị bay không người lái vào không phận đối thủ.
Ý nghĩ Iran sẽ trở thành đế chế mới cũng chỉ là tưởng tượng quá đà. Trong nước, Iran đối mặt tình trạng chia rẽ chính trị và kinh tế suy yếu. Ngoài nước, họ phải đối phó một liên minh đang hình thành giữa Israel và các nước Ả Rập ở vùng Vịnh (với vũ khí hạt nhân trong tay).
Giành được một ít ảnh hưởng hạn hẹp ở Yemen (đang chịu đựng nội chiến trong hàng thập kỷ) và Lebanon (luôn bên bờ vực chực chờ bùng nổ xung đột giáo phái) là kiểu thành quả mơ hồ của Iran. Trên thực tế, cái giá phải trả có thể cao hơn lợi ích: Các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của Tehran quá tốn kém, gây ra làn sóng bất mãn trong nước.
Hiện tình Syria đang thêm hỗn loạn khi đồng minh trên danh nghĩa của Washington - Thổ Nhĩ Kỳ - và đồng minh chính thống - Đơn vị Bảo vệ nhân dân của người Kurd ở Syria (YPG) - đang đánh nhau. Trong lúc Mỹ vỗ về Ankara bằng cách buông dần YPG thì YPG cũng đi đến thỏa thuận với chính quyền ông Assad. Thay vì đâm đầu sâu hơn vào rắc rối, tốt nhất là Washington nên thoát ra.
Giờ thì "vương quốc" của IS đã chết. Nhưng cho dù IS tái trỗi dậy, vẫn còn chính phủ Syria cùng các nhóm nổi dậy và Israel, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất lo liệu. Nếu tất cả họ đều ngăn không nổi IS thì Washington cũng chào thua.
Cuối cùng, quốc hội Mỹ cho phép quân đội nước này đánh IS song chưa bao giờ cho phép mở rộng hoạt động đến mức lật đổ chính quyền ông Assad hay chiến đấu với các lực lượng của Iran, Nga... ở Syria.
Mỹ không còn lý do nào để ở lại Syria, nhất là trong lúc Syria đã trở thành chiến địa của một cuộc xung đột đa quốc gia. Tháng trước, cây bút David Ignatius viết trên báo The Washington Post: "Một nhánh cũ của mạng lưới khủng bố al-Qaeda dùng tên lửa do Trung Quốc sản xuất bắn rơi chiến đấu cơ Nga; lực lượng người Kurd bắn rơi trực thăng Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa do Iran chế tạo; Iran phóng thiết bị bay không người lái bay qua không phận Syria do Nga kiểm soát vào Israel và Israel ném bom 12 mục tiêu bên trong Syria để trả đũa...".
Tổng thống Trump hy vọng quân đội Mỹ gỡ được mớ chỉ rối này chăng? Đã đến lúc rút quân đội Mỹ về nhà rồi!
Thừa nhận thất bại, Thái tử Saudi Arabia chuyển từ đối đầu sang hợp tác với Syria
Ngay trên đất Mỹ, vị Thái tử 32 tuổi của Saudi Arabia thừa nhận từ bỏ mục tiêu thay đổi chính quyền ở Syria, trong ... |
Tình báo Iraq diệt thủ lĩnh IS ở gần biên giới Syria
Tình báo Iraq vừa tiến hành một chiến dịch đặc biệt vào hôm qua 1/4 nhằm vào một trong những thủ lĩnh tối cao của ... |
HẢI NGỌC (lược dịch theo tạp chí National Interest)