Mọi hoạt động kinh tế xã hội diễn ra bình thường, người dân không còn quan tâm đến nCoV, vậy đã đến lúc công bố hết dịch COVID-19?
Nhiều người tạm biệt khẩu trang
Cuối tuần qua, anh Nguyễn Văn Tuấn (35 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) có chuyến công tác đầu tiên trong năm 2023 bay vào TP.HCM. Khác với những gì anh nghĩ, suốt chuyến bay chỉ anh, tiếp viên hàng không và lác đác vài người phụ nữ mang bầu đeo khẩu trang.
Theo quy định ở môi trường kín, việc đeo khẩu trang là bắt buộc trong bối cảnh vẫn ghi nhận ca mắc COVID-19 và biến thể mới. Tuy nhiên dường như không ai thực hiện, nếu có cũng theo kiểu đối phó. Anh Tuấn chứng kiến khi nhân viên hàng không nhắc nhở thì hành khách lập tức đeo khẩu trang, nhưng sau đó họ đều tháo ra. Có nhóm bạn hoặc gia đình người thân đi cùng nhau còn tụm túm nói chuyện mà không đeo khẩu trang. Người đeo khẩu trang trên máy bay nhưng khi xuống lại bỏ ra. "Việc đeo khẩu trang thực hiện rất hình thức", anh Tuấn nói.
Không chỉ trên máy bay, tại các nhà hàng, bệnh viện, công viên... nhiều người cũng "tạm biệt" thói quen đeo khẩu trang, dùng nước khử khuẩn. Cuộc sống đã bình thường trở lại, trẻ đến trường, cha mẹ đi làm, việc kinh doanh, giao thương trong và ngoài nước hoạt động mạnh. Anh Tuấn chợt lóe lên thắc mắc "có lẽ cơ quan chức năng nên xem xét COVID-19 như bệnh truyền nhiễm thông thường".
Nhiều người không còn thói quen đeo khẩu trang khi đi máy bay. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Thực tế gần năm nay, nhiều người không còn lo sợ về COVID-19. Rất ít khi thấy chai khử khuẩn để ở nơi công cộng, bệnh viện, tòa nhà, hay trong dòng người đi lại tấp nập cũng còn mấy ai đeo khẩu trang. Mọi hoạt động đã trở lại bình thường như trước kia.
"Giờ này năm ngoái, dịch COVID-19 căng thẳng, khẩu trang được coi là công cụ sống còn mỗi khi di chuyển ra khỏi nhà. Nhưng giờ thì tôi gần như bỏ thói quen đeo khẩu trang mỗi khi đi chợ, đón cháu tan trường vào các buổi chiều", bà Trần Bích Liên (67 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Trước kia, mỗi lần thời sự, báo chí đưa thông tin phát hiện ca mắc COVID-19 ở cùng phường, cả nhà bà Liên lại nháo nhác tự liệt kê lịch sử di chuyển của các thành viên để cảnh giác nguy cơ lây nhiễm. Sau khi tiêm đủ 3 mũi vaccine, từng mắc COVID-19 vào hồi tháng 10 năm ngoái, nhà bà Liên dần buông lỏng cảnh giác. Đến nay cả nhà không ai còn nhắc đến dịch bệnh này nữa.
Ngày 10/2021, Chính phủ ban hành nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Một năm sau, dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả lĩnh vực với kết quả ấn tượng. Đây được đánh giá là quyết định cân não, quan trọng và quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Từ đầu năm 2022, Thủ tướng từng nhiều lần yêu cầu các đơn vị tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Đến nay các hoạt động sản xuất, dịch vụ, vui chơi, giải trí đã diễn ra bình thường, người dân cũng không còn quan tâm đến nCoV, nhiều chuyên gia y tế cùng đại biểu quốc hội nêu đề xuất đã đến lúc công bố hết dịch COVID-19.
Đề xuất sớm công bố hết dịch COVID-19
"Bộ Y tế có phần hơi chậm trong việc công bố hết dịch COVID-19 ở Việt Nam", đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương thẳng thắn.
Bà chỉ ra 2 lý do ngành Y tế chậm chễ trong việc này. Thứ nhất, nhiều nước trên thế giới vẫn đang xuất hiện các ca mắc, bùng dịch COVID-19. Đồng thời các nhà khoa học và WHO vẫn cảnh báo sẽ có biến thể mới nguy cơ làm giảm hiệu quả vaccine và hệ miễn dịch. Đây là nguồn cơn khiến đơn vị y tế còn lo ngại trong công bố.
Người dân không còn thói quen sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đường. (Ảnh minh hoạ: T.N)
Thứ hai, khi Bộ Y tế công bố hết dịch, thì các cơ chế chính sách đặc thù từng áp dụng trong thời gian dịch sẽ không còn như mua bán, cấp phép sinh phẩm y tế khẩn cấp.... Điều ảnh ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở y tế, đặc biệt hệ thống y tế dự phòng.
Theo nữ đại biểu, để thuận tiện cho cuộc sống, người dân, Bộ Y tế nên sớm có văn bản, tham mưu cho Chính phủ ban hành, công bố chấm dứt đại dịch COVID-19, "không nên kéo dài tình trạng này gây vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội".
Việt Nam là một trong những nước kiểm soát tốt, nhanh chóng dập dịch COVID-19 trong các năm 2021, 2022 và được thế giới công nhận. Trong 3 tháng đầu năm nay, số trường hợp mắc COVID-19 thấp, tỷ lệ tử vong gần bằng 0, số người tiêm đủ 3 - 4 mũi vaccine cao.
"Chúng ta có đầy đủ tiêu chuẩn để công bố hết dịch, trở lại cuộc sống bình thường vốn có. Khi đó, COVID-19 sẽ trở thành loại bệnh truyền nhiễm, bệnh cúm thông thường. Chúng ta nên là nước tiên phong, đi đầu trong công bố hết dịch COVID-19", bà Nga nói.
Hiện các cơ sở khám chữa bệnh vẫn đang để dành cơ sở, vật tư thiết bị, thuốc y tế cho chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo chung từ Bộ Y tế. Trong khi lượng bệnh nhân ở các cơ sở này đang ngày càng tăng, quá tải. Bà Nga cho rằng không nên lãnh phí thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế... mà nên để các cơ sở y tế bình thường trở lại, dành nguồn lực dự phòng này cho việc khác, đáp ứng nhu cầu người dân.
Đồng thời Bộ cũng cần tăng cường mảng y tế dự phòng cơ sở hơn, sẵn sàg ứng phó khi cần, không chủ quan, lơ là không chỉ SARS-CoV-2 mà còn nhiều dịch bệnh khác sẽ phải đối mặt.
Trực tiếp làm việc trong ngành Y tế, đại biểu Quốc hội Phạm Thị Kiều, đoàn Đắk Nông cũng mong Bộ Y tế sớm nghiên cứu, xem xét ban bố tình trạng coi COVID-19 như bệnh truyền nhiễm, cúm thông thường để các cơ sở y tế trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện các cơ sở y tế vẫn đang dành mnuồn lực nhất định cho ứng phó COVID-19, dù không ghi nhận người mắc hay cần điều trị.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm tuyên bố kết thúc giai đoạn đại dịch COVID-19.
"Chúng ta cần phải kết thúc để chuyển sang giai đoạn phòng, chống dịch khác. Thực tế chúng ta đã giảm mức độ phòng dịch, thậm chí nhiều nơi đã coi như hết dịch. Bằng chứng là tỷ lệ đeo khẩu trang, xét nghiệm COVID-19 hay các đơn vị điều trị COVID-19 ngày càng giảm", ông Hiếu nêu.
Ông Hiếu đề xuất Chính phủ tuyên bố chuyển giai đoạn chống dịch với các quy định cụ thể, để hạn chế tốn kém nguồn lực, cũng như sẵn sàng nếu dịch bùng lại hoặc dịch bệnh khác xuất hiện. Bên cạnh đó, thuốc và vật tư tiêu hao dự phòng đều có hạn sử dụng, cần ra quyết định để chuyển nguồn sử dụng sang điều trị bệnh lý khác. Bên cạnh đó, các trang thiết bị hiện đại được mua cho chống dịch như máy thở, ECMO, lọc máu, X-quang di động... nên thống kê, phân bố sử dụng để tránh hiện tượng nơi thừa nơi thiếu.
3 lý do yên tâm về dịch COVID-19
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tỷ lệ dịch bùng phát trong thời gian tới rất thấp nên có thể mạnh dạn nói "Việt Nam đã và đang ở những bước cuối cùng trong việc thanh toán dịch bệnh COVID-19".
Ông Dũng nêu 3 lý do COVID-19 không còn là vấn đề đáng lo ngại. Thứ nhất, dịch giảm cách đây khá lâu, Việt Nam lại có tỷ lệ người tiêm vaccine cao. Sức đề kháng tốt giúp ta kiểm soát được các nguy cơ tử vong do dịch bệnh.
Thứ hai, nhiều biến chủng mới xuất hiện thời gian qua nhưng hầu hết chúng đều không tăng độc lực, thậm chí còn giảm đi. Khi virus tiến hóa đến mức độ cao nhất định sẽ khó tiến hóa hơn được nữa, ít khả năng xuất hiện các biến chủng mới gây nguy hiểm.
Tỷ lệ bao phủ vaccine mũi 3 - 4 ở nước ta trong top cao của thế giới.
Thứ ba, các bệnh truyền nhiễm phát triển theo chu kỳ dịch. Thời gian gần đây tính chu kỳ của dịch COVID-19 không còn báo hiệu dịch khuynh hướng trở thành bệnh lưu hành.
"Việt Nam có thể đưa COVID-19 thành bệnh thông thường”, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đề nghị.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng bày tỏ, hiện gánh nặng do dịch COVID-19 rất thấp trong khi những dịch bệnh khác nhiều hơn. Nếu đầu tư lớn cho chống COVID-19 trong khi dịch bệnh khác không đáng kể sẽ làm phung phí nguồn lực. Vì vậy, cần giảm nguồn lực cho COVID-19 để thực hiện những biện pháp y tế khác cho an sinh và cuộc sống người dân.
Đồng quan điểm này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho rằng, nên lo các vấn đề khác của ngành y tế như thuốc men, dịch sởi... "Việc công bố hết dịch hay không cũng không thay đổi nhiều, vì thực tế người dân đã sinh hoạt bình thường như thời điểm chưa có đại dịch COVID-19", ông nói.
Nên ứng xử thế nào với COVID-19?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dù COVID-19 không còn nóng, xong cần phải đánh giá nguy cơ kỹ càng trước khi xem là bệnh đặc hữu.
Chúng ta chưa thể công bố hết dịch vì Tổ chức Y tế thế giới vẫn xem COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp. Tổ chức này cũng đưa ra cảnh báo, khuyến cáo các nước tiếp tục các biện pháp phòng bệnh, kiểm soát COVID-19 ổn định để tiến tới giai đoạn chuyển thành bệnh đặc hữu.
Các biện pháp dự phòng cá nhân như đeo khẩu trang ở những môi trường kín, nơi nguy cơ cao, vào các cơ sở y tế, tiếp xúc với người bị nhiễm, rửa tay khử khuẩn sau khi ra ngoài, tiếp xúc với môi trường dễ lây bệnh vẫn được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện.
Hiện ở một số nước vẫn ghi nhận ca mắc cao, bùng lên thành những đợt sóng dịch. Trong khi đó, biến chủng của COVID-19 vẫn rất phức tạp, cần theo dõi nó có phát triển thành biến chủng nguy hiểm hơn không, hay có xuất hiện biến chủng vô hiệu hoá vaccine đang sử dụng không.
Ông Phu cho hay, ở Việt Nam dịch đang được kiểm soát tốt hơn rất nhiều, tỷ lệ tiêm vaccine cao, nhiều tháng không có ca bệnh nặng, dịch không bùng phát, không ghi nhận số ca tử vong do COVID-19. Vấn đề từng lo ngại nhất là quá tải trong hệ thống y tế, nhưng nhiều tháng nay không bị. Tuy nhiên, COID-19 vẫn có nguy cơ cao bùng phát trở lại, không lường trước được nếu xuất hiện những chủng mới nguy hiểm.
Số liệu báo cáo hiện nay chưa sát thực tế vì nhiều người nhiễm bệnh nhưng không xét nghiệm hoặc xét nghiệm dương tính cũng không khai báo y tế. Những nhóm người như người già, bệnh nền, chưa tiêm chủng, người suy giảm miễn dịch vẫn có nguy cơ chuyển biến nặng dẫn tới tử vong khi nhiễm bệnh.
Ông Phu thông tin, vừa qua Bộ Y tế đưa ra mức độ phòng chống bệnh giảm hơn trước rất nhiều, chỉ yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc ở môi trường kín, nguy cơ lây nhiễm cao.
Về giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, ông Phu nói Việt Nam đã nới lỏng toàn bộ từ vấn đề đi lại, xuất nhập cảnh, vì thế Bộ Y tế phải luôn theo dõi, đánh giá để có thể xử lý tình huống nếu bệnh quay trở lại. Song song với đó, cơ quan chức năng có thể tiếp tục nghiên cứu đánh giá nguy cơ đưa ra các biện pháp như từ bắt buộc đeo khẩu trang thành khuyến khích. Đồng thời khuyến khích người dân tiêm chủng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tiến tới có thể bình thường hoá.
"Việc công bố kết thúc dịch COVID-19 trước hay sau không phải vấn đề, mà quan trọng, chúng ta đánh giá đúng nguy cơ tiềm ẩn, đưa ra biện pháp phòng bệnh", ông Phu nói.
https://vtc.vn/da-den-luc-cong-bo-het-dich-covid-19-ar748130.html