Phần lớn những gia đình phải sơ tán khẩn cấp trong trận sạt lở sông Vàm Nao (An Giang) một năm trước vẫn tá túc nhà người thân, trường học...
Khu vực sạt lở kinh hoàng tại bờ sông Vàm Nao tại xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang một năm trước nay rất đìu hiu, hoang tàn, vắng vẻ. Biển cảnh báo "nguy hiểm" và rào chắn vẫn được duy trì. Bên trong, hàng loạt ngôi nhà bị tháo dỡ nham nhở. Nhiều căn nhà rộng làm cơ sở sản xuất kinh doanh, kho bãi thì khóa kín cửa, không còn hoạt động.
Điểm sạt lở cuốn trôi hàng chục căn nhà dài 160 m, ăn sâu hơn 30 m, cùng hố xoáy sâu 22 m nằm sát đường liên xã đã được lấp đầy bằng các bao cát. Phần tiếp giáp mé sông được bảo vệ bằng kè rọ đá dài hàng trăm mét.
Vị trí hố xoáy sạt lở cuốn trôi hàng loạt nhà dân ở bồ sông Vàm Nao được lấp đầy, kè đá bên ngoài. Ảnh: Cửu Long.
Dân về liều nhà cũ, ở tạm trường học
Thỉnh thoảng người dân vẫn ra vào khu vực sạt lở để thăm nhà. Một số hộ trong lúc chờ được cấp nền tái định cư đã liều dọn về ở trong nhà cũ của mình, dù chính quyền địa phương không cho phép.
Đi trên bờ kè đá tại khu vực sạt lở vừa được xử lý, ông Lê Phước Hòa, 72 tuổi, nói: "Nhà nước đầu tư lấp vị trí sạt lở và hố xoáy như thế này, dân thấy an toàn lắm và đến nay không có sạt lở tại đây nữa".
Người đàn ông sống tại bờ sông Vàm Nao mấy chục năm cho hay, người dân có nguyện vọng là chính quyền và ngành chức năng đo đạc, xem xét độ an toàn của khu vực này, nếu đảm bảo thì cho những hộ bị ảnh hưởng ít trở về nhà sinh sống vì họ gắn bó công ăn việc làm, buôn bán vùng sông nước.
"Chẳng hạn như nhà tôi cặp bờ sông trước đây bán bún, con tôi có ghe đi chở đồ thuê. Từ khi sơ tán đến nay không có nơi làm ăn, nên vợ chồng phải đẩy xe bún ra chợ bán, kiếm sống, vất vả lắm", ông Hòa cho biết.
Cũng giống như ông Hòa, thấy bờ sông được lấp cát, kè rọ đá chắc chắn nên ông Bùi Cần Thơ (56 tuổi) cũng đưa gia đình về nhà cũ làm bằng gỗ ở tạm. "Khu tái định cư chính quyền làm chưa xong, cuộc sống khó khăn quá nên ở đại chứ nhiều đêm không dám ngủ vì nghĩ tới trận sạt lở kinh hoàng năm trước", ông Thơ nói.
Một năm qua, gia đình ông Huỳnh Trung Dũng cùng vài hộ khác tá túc trong Trường tiểu học Mỹ HộI Đông, chờ được bố trí nền tái định cư. Ảnh: Cửu Long.
Tại Trường tiểu học Mỹ Hội Đông, cách nơi sạt lở khoảng 100 m, còn ba hộ ở tạm. Họ dựng dựng lều, bạt trong các dãy nhà kho của trường để ở. Đa số các hộ này đều "buôn gánh bán bưng" nên ban ngày đều đi làm, đêm về ngủ.
"Nhà trường tốt lắm, cho dân nghèo chúng tôi tá túc và thường xuyên hỏi thăm, động viên. Nếu không có chỗ này, chúng tôi không biết ở đâu", ông Huỳnh Trung Dũng (49 tuổi) nói và cho biết mình làm nghề thợ hồ còn vợ thì bán bánh bao nuôi hai con đi học nên khi nhận nền cũng không đủ tiền xây nhà.
14/106 hộ bị ảnh hưởng sạt lởđược cấp nền nhà
Trong ngôi nhà mới cất khang trang, ông Trần Văn Bi (55 tuổi) vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ lại trận sạt lở kinh hoàng năm trước. Gia đình ông bị thiệt hại nặng nhất khihai căn nhà kiên cố trị giá khoảng 5 tỷ đồng, ba xe SH cùng toàn bộ đồ đạc bị cuốn trôi xuống sông. "Gia tài hai vợ chồng gầy dựng hơn 30 năm bỗng dưng mất hết", ông chia sẻ.
Ban đầu ông có ý định về đồng lúa làm ăn vì ám ảnh cuộc sống bên bờ sông. Nhưng sau khi định thần và nhờ chính quyền, đoàn thể địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ, ông mới dời vào khu dân cư xây nhà cùng hơn 10 hộ khác. "Trong cái rủi có cái may, vợ con, cháu được an toàn là mừng lắm rồi. Một năm qua gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi động viên nhau từ từ gây dựng lại", ông nói.
Ông Phạm Văn Phúc - Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Hội Đông cho biết, vụ sạt lở khiến 106 hộ bị ảnh hưởng phải di dời khẩn cấp. Trong đó, 14 hộ dân có nhà bị trôi xuống sông Vàm Nao được chính quyền địa phương ưu tiên cấp nền và hỗ trợ kinh phí xây nhà trong khu dân cư tại trung tâm xã.
92 hộ còn lại cùng nằm trong vùng sạt lở nguy hiểm bắt buộc sơ tán tới nay vẫn ở tạm nhà người thân, trường học. "Khu dân cư mới ở cách hiện trường sạt lở khoảng hai km đang được xây dựng hạ tầng, sắp tới sẽ bố trí nền cho các hộ này", ông Phúc nói và cho biết sẽ đề nghị cấp trên có chính sách cho vay vốn hỗ trợ người dân cất nhà, làm ăn và đạo tạo nghề cho họ khi về nơi ở mới.
Khu tái định cư mới (cách hiện trường sạt lở khoảng 2 km) đang được xây dựng để bố trí cho hơn 90 hộ trong vùng nguy hiểm sạt lở còn lại. Ảnh: Cửu Long.
Sáng 22/4/2017, bờ sông Vàm Nao tại xã Mỹ Hội Đông sạt lở nhấn chìm hàng chục nhà dân. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 90 tỷ đồng.
Ba tháng sau, tỉnh An Giang thực hiện việc lấp hố xoáy điểm sạt lở này với kinh phí 47 tỷ đồng. Có khoảng 100.000 khối cát và 8.000 khối đá được sử dụng để lấp điểm sạt lở nguy hiểm. Việc lấp hố xoáy dựa trên cơ sở tư vấn của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp).
Đến nay, chính quyền các cấp và mạnh thường quân đã hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở hơn 8 tỷ đồng cùng nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm...
Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 562 điểm bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài 786 km. Dự báo những năm tới, xói lở sông, kênh và bờ biển sẽ nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân chính dẫn đến sạt lở do đây là vùng thuộc hạ lưu sông Mekong, đất thấp, mềm yếu, khả năng chịu lực thấp, đồng thời khá bằng phẳng, dễ bị xói lở do tác động của tự nhiên và nhân tạo. Bên cạnh đó, việc khai thác nước ngầm, cát quá mức cũng đang gây sụt lún đất tăng dần trong những năm qua. |
Cảnh báo lũ và sạt lở đất vùng núi phía Bắc
Từ ngày 15/4 đến ngày 16/4, trên thượng lưu sông Đà, sông Thao và sông Lô có khả năng xuất hiện lũ, nguy cơ xảy ... |
Sạt lở bờ kè đang thi công, uy hiếp nhà dân
Khu vực sạt lở dài 54 m, ăn vào đất liền 12 m và sâu 12 m, uy hiếp an toàn của 3 hộ dân ... |
Tin gió mùa đông bắc, cảnh báo lũ và sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc
Sáng 6/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ, gây mưa rào và dông diện rộng. |
Cửu Long