Những tín hiệu leo thang nguy hiểm từ xung đột Nga - Ukraine

Ngày 21/11, không quân Ukraine thông tin, thành phố Dnipro của nước này bị Nga tập kích bằng nhiều loại tên lửa, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau những thông tin cho rằng Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất và Storm Shadow do Anh viện trợ để tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Giới chuyên gia nhận định, những động thái đặc biệt như vậy cần được đánh giá từ mọi góc độ để ngăn ngừa tình huống xấu nhất là xảy ra chiến tranh hạt nhân.

The Guardian dẫn thông báo của Bộ Tư lệnh không quân Ukraine cho biết, quân đội Nga sáng 21/11 (giờ địa phương) đã tấn công các cơ sở hạ tầng trọng yếu tại thành phố Dnipro, thủ phủ tỉnh cùng tên ở miền Trung Ukraine, bằng nhiều loại tên lửa dẫn đường khác nhau, trong đó có một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) phóng từ tỉnh Astrakhan.

1 (1).png -0
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga trong một cuộc phóng thử. Nguồn: The Moscow Times

Thông báo của Bộ tư lệnh không quân Ukraine nêu rõ: "Nga tập kích Dnipro bằng nhiều loại tên lửa, trong đó có một ICBM được phóng từ vùng Astrakhan, một tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal từ máy bay chiến đấu MiG-31K, bảy tên lửa hành trình Kh-101 từ máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS". Phía Ukraine không nêu chủng loại ICBM và mục tiêu cụ thể, tuy nhiên, giới chức nước này cho biết, các đơn vị phòng không đã bắn hạ 6 quả đạn Kh-101 và những tên lửa khác không gây hậu quả đáng kể. Ngoài ra, Kiev cũng kêu gọi truyền thông đưa tin có trách nhiệm về hoạt động chiến đấu của lực lượng vũ trang Ukraine.

Đây là lần đầu xuất hiện thông tin Nga triển khai ICBM để tập kích mục tiêu tại Ukraine. Thông tin được công bố trong bối cảnh xung đột giữa Kiev và Moscow leo thang căng thẳng, sau khi truyền thông phương Tây dẫn lời các quan chức Mỹ và Ukraine xác nhận quân đội Ukraine lần lượt sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ sản xuất hôm 19/11 và Storm Shadow do Anh viện trợ hôm 20/11 để tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga gồm Kursk và Bryansk.

Hôm 20/11, Đại sứ quán Mỹ và một số cơ quan đại diện ngoại giao các nước phương Tây ở Kiev cũng hạn chế hoạt động trước khả năng Nga mở đợt tập kích quy mô lớn để đáp trả những hành động gần đây của Ukraine. Theo một số blogger chuyên theo dõi chiến sự Ukraine, mẫu ICBM được cho là Nga sử dụng lần này thuộc loại RS-26 Rubezh với đầu đạn thông thường, thiết kế dựa trên mẫu ICBM nổi tiếng Topol-M.

Hình ảnh mà các kênh này chia sẻ cho thấy nhiều đầu đạn độc lập lao xuống Dnipro ở tốc độ cao. ICBM là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn trên 5.500 km, được thiết kế chủ yếu để tấn công mục tiêu chiến lược bằng một hoặc nhiều đầu đạn hạt nhân có sức công phá lớn. ICBM cũng có thể mang đầu đạn nổ thông thường và vũ khí sinh hóa, nhưng các loại đầu đạn này chưa từng được triển khai trong thực tế. Bên phòng thủ cũng gần như không thể phân biệt được đâu là ICBM thông thường, đâu là vũ khí mang đầu đạn hạt nhân.

Các dòng ICBM đời đầu có độ chính xác thấp và thường chỉ dùng để tấn công mục tiêu cỡ lớn như đô thị. Tuy nhiên, các thế hệ ICBM mới nhất của Nga và Mỹ đã cải thiện đáng kể về khả năng tấn công, cho phép nhắm vào những mục tiêu đơn lẻ với độ chính xác cao.

Về phía Moscow, khi được hỏi thông tin liên quan đến việc Nga được cho là đã phóng ICBM vào Ukraine, ngày 21/11, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: "Tôi khuyến nghị liên hệ với quân đội. Hiện tại tôi không có gì để bàn về chủ đề này". Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh rằng Moscow khẳng định lập trường có trách nhiệm của nước này, nỗ lực tối đa trong việc ngăn ngừa xung đột hạt nhân và kỳ vọng các nước khác cũng có lập trường tương tự, không tham gia vào các hành động khiêu khích.

Theo The Guardian, nếu thông tin mà không quân Ukraine đưa ra được xác thực, đây sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại một ICBM được sử dụng để tấn công mục tiêu trong thực chiến. Giới chuyên gia phân tích chính trị thế giới nhận định, những động thái như vậy cần được đánh giá từ mọi góc độ để ngăn ngừa tình huống xấu nhất là nổ ra chiến tranh hạt nhân. Mặc dù các tuyên bố hạt nhân của Nga thường được xem là mang tính chất tâm lý chiến, khả năng họ sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình huống thật là điều khó loại trừ hoàn toàn.

Trước đó, ông Medvedev - Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo rằng hành động cấp phép để Ukraine sử dụng tên lửa tấn công lãnh thổ Nga đủ điều kiện được coi là mối đe dọa dẫn đến phản ứng hạt nhân theo học thuyết mới mà Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành hôm 19/11. "Nga có quyền trả đũa bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt chống lại Kiev và các cơ sở quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất kể là ở đâu. Điều này sẽ tương đương với Thế chiến III", ông Medvedev tuyên bố.

Được biết, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 21/11 cũng tuyên bố, Moscow sẵn sàng xem xét bất kỳ sáng kiến hòa bình thực tế nào về xung đột tại Ukraine có tính đến lợi ích của Nga và tình hình thực địa.

Reuters cũng đưa tin, Nga sẵn sàng thảo luận về thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với ông Donald Trump, nhưng loại trừ khả năng nhượng bộ lớn về lãnh thổ và khẳng định Kiev phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Trong khi đó, Washington Post dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ sẽ cung cấp mìn chống bộ binh cho Ukraine trong bối cảnh quân đội Nga được cho là đã chuyển từ việc sử dụng lực lượng cơ giới sang tập trung vào bộ binh.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, đây là cách hữu ích nhất mà chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể giúp Ukraine đạt ưu thế trên chiến trường trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Theo tuyên bố từ Mỹ, loại mìn được cung cấp là mìn không bền, có khả năng tự hủy trong vòng hai tuần hoặc vô hiệu hóa sau khi hết pin. Điều này, về lý thuyết, giúp giảm thiểu nguy cơ đối với dân thường. Trước đó, hồi năm 2022, ông Joe Biden từng tuyên bố Mỹ cấm sử dụng mìn chống bộ binh, nhằm phản đối việc Nga sử dụng vũ khí này ở Ukraine.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhung-tin-hieu-leo-thang-nguy-hiem-tu-xung-dot-nga-ukraine-i751032/

Kim Khánh / CAND