Cuộc đối đầu Mỹ - Trung có thể làm nóng Đối thoại Shangri-La

Biển Đông được dự đoán là chủ đề nóng nhất tại Đối thoại Shangri-La 2019, khi Trung Quốc và Mỹ đều cử bộ trưởng quốc phòng tới phát biểu.

cuoc doi dau my trung co the lam nong doi thoai shangri la

Tàu chiến Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương. Ảnh: US Navy.

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á, còn gọi là Đối thoại Shangri-La (SLD) khai mạc hôm nay tại khách sạn Shangri-La ở Singapore với sự tham gia của quan chức từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á - Thái Bình Dương.

Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan tới dự hội nghị và dự kiến có bài phát biểu công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Washington vào ngày 1/6. Một ngày sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ đăng đàn để nói về vị thế của Trung Quốc tại khu vực. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tham dự hội nghị trong 8 năm qua.

Giới quan sát cho rằng hai bài phát biểu "rất được mong đợi" của ông Ngụy và Shanahan sẽ đánh dấu cuộc đối đầu gay gắt nhất tại Đối thoại Shangri-La, đặc biệt là vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng liên quan đến một loạt vấn đề, trong đó có chiến tranh thương mại.

"Sự xuất hiện của ông Ngụy và Shanahan sẽ dẫn tới cuộc đối đầu của hai quan điểm gồm 'Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do' được Mỹ - Nhật đề xướng và 'châu Á cho người châu Á' của Trung Quốc", William Choong, nhà nghiên cứu tham gia Đối thoại Shangri-La năm nay, nhận xét.

Sự hiện diện của quan chức quốc phòng cấp cao nhất từ Trung Quốc là yếu tố đáng chú ý trong sự kiện, bởi nước này trước đây thường cử các phái đoàn cấp thấp hơn dự Đối thoại Shangri-La. Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm Tình báo Liên quân, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc dường như nhận thấy giá trị từ các hội nghị quốc phòng đa phương và "muốn phá bỏ thế ảnh hưởng siêu cường độc quyền của Mỹ".

cuoc doi dau my trung co the lam nong doi thoai shangri la

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc (phải) gặp người đồng cấp Singapore hôm 30/5. Ảnh: AFP.

Bài phát biểu của hai quan chức quốc phòng hàng đầu Mỹ - Trung nhiều khả năng sẽ đề cập đến tình hình Biển Đông, nơi chứng kiến các hoạt động ngày càng gia tăng của hai bên gần đây.

Trong khi Trung Quốc trong vài năm qua thúc đẩy hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo phi pháp và tăng cường trang bị khí tài nhằm quân sự hóa các thực thể này, Lầu Năm Góc thường xuyên tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần như hàng tuần. Một chỉ huy Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương cũng cho biết máy bay quân sự của Washington bay qua Biển Đông hàng ngày.

Việc tăng cường lực lượng tác chiến đến khu vực dường như cũng nằm trong kế hoạch mới do Washington soạn thảo. Trong cuộc diễn tập chung với Philippines hồi tháng 4, tàu đổ bộ tấn công USS Wasp của Mỹ mang tới 10 tiêm kích tàng hình F-35B, nhiều hơn 4 chiếc so với thông thường. Con tàu cũng xuất hiện gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh trên Biển Đông.

Các đồng minh của Mỹ không đứng ngoài hoạt động này. Pháp từng điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, đồng thời triển khai tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle tới khu vực ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La.

Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Mỹ cùng diễn tập hải quân trên Biển Đông, trong khi Singapore tổ chức tập trận bắn đạn thật với Ấn Độ. Biên đội 4 tàu chiến Australia cũng cập cảng thăm nhiều nước Đông Nam Á trong tháng 5.

Cùng lúc đó, Washington cũng có kế hoạch đầy tham vọng cho những năm tới. Tư lệnh hải quân Mỹ John Richardson tái khẳng định ý định triển khai hai tàu chiến đấu ven biển (LCS) dài hạn tại Singapore trong năm nay. Đây sẽ là lực lượng tiền phương gần Biển Đông nhất của hải quân Mỹ.

Hồi tháng 3, tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương Robert Brown công bố kế hoạch huấn luyện 10.000 binh sĩ cho "kịch bản tác chiến ở Biển Đông". Thái Lan và Philippines là những địa điểm nhiều khả năng được dùng cho hoạt động này.

Các thượng nghị sĩ Mỹ tuần trước đề xuất dự luật nhằm trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc hỗ trợ quân đội nước này quân sự hóa Biển Đông. "Bắc Kinh đã hành động hung hăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, lấn chiếm và đe dọa các nước láng giềng. Không thể làm ngơ trước những động thái như vậy", thượng nghị sĩ Ben Cardin nói.

cuoc doi dau my trung co the lam nong doi thoai shangri la

Quyền Bộ trưởng Shanahan tới Singapore hôm 30/5. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Trung Quốc cũng không chịu lép vế khi liên tiếp hạ thủy tàu chiến hiện đại, phô trương nhiều vũ khí mới, duy trì lực lượng trên Biển Đông và quanh Đài Loan. Bắc Kinh cũng chỉ trích các chiến dịch tuần tra Biển Đông của Washington.

"Hành động khiêu khích của tàu chiến Mỹ đã đe dọa an toàn của chiến hạm, máy bay và binh sĩ hai nước, gây hại chủ quyền và an ninh Trung Quốc, vi phạm những quy tắc về quan hệ quốc tế và phá hoại hòa bình, ổn định khu vực", quân đội Trung Quốc ra thông cáo sau vụ tàu khu trục USS Preble của Mỹ áp sát bãi cạn Scarborough hôm 20/5.

Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Chiến khu Nam Bộ quân đội Trung Quốc, cho biết tàu chiến nước này đã tiếp cận khu trục hạm Mỹ và yêu cầu nó rời đi.

Giới phân tích cho rằng Trung Quốc vẫn liên tục mở rộng quy mô hải quân và không thiếu lực lượng để thực hiện nhiệm vụ theo dõi chiến hạm Mỹ. Bắc Kinh hôm 11/5 hạ thủy cùng lúc hai tàu khu trục đa năng lớp Type-052D, một trong những chiến hạm hiện đại nhất trong biên chế nước này. Đây là chiếc thứ 19 và 20 trong kế hoạch đóng 30 tàu Type-052D của Trung Quốc.

Báo cáo do Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 5 cho biết Trung Quốc đang sở hữu hải quân lớn nhất châu Á với hơn 300 tàu mặt nước và tàu ngầm.

Nhà phân tích Euan Graham, người có mặt trên chiến hạm Australia đi qua Biển Đông hồi đầu tháng, cho biết tàu hải quân Trung Quốc luôn theo sát lực lượng Mỹ và Australia trong các chiến dịch tuần tra. "Điều này cho thấy số tàu mặt nước Trung Quốc đã đủ lớn để triển khai tùy ý trên Biển Đông", Graham nói.

Hải quân Trung Quốc đã tổ chức huấn luyện chung với Nga và Thái Lan trong thời gian qua, trong khi không quân Trung Quốc hôm 31/3 điều tiêm kích vượt qua ranh giới trên eo biển Đài Loan. Động thái này buộc cơ quan phòng vệ Đài Loan triển khai lực lượng xua đuổi, cáo buộc Trung Quốc gây hấn và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn, ổn định trong khu vực

Ban tổ chức khẳng định Đối thoại Shangri-La là "nơi các bộ trưởng và quan chức thảo luận về thách thức an ninh nghiêm trọng nhất khu vực, tham gia đối thoại song phương và cùng nhau đưa ra những giải pháp mới". Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định căng thẳng Mỹ - Trung hiện nay nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho tranh luận nảy lửa giữa ông Ngụy và Shanahan tại diễn đàn.

Vũ Anh (Theo CNN)

cuoc doi dau my trung co the lam nong doi thoai shangri la Đối thoại Shangri-La khai mạc tại Singapore

Hội nghị an ninh hàng đầu châu Á hôm nay sẽ được mở đầu với bài phát biểu của Thủ tướng Singapore trước quan chức ...

cuoc doi dau my trung co the lam nong doi thoai shangri la Shangri-La 2019: Mỹ, Trung cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt

Lãnh đạo quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ đưa ra những thông điệp trái ngược tại diễn đàn năm nay trong bối cảnh hai ...

/ https://vnexpress.net