Kế hoạch của Washington nhằm vào các phần mềm nhận diện khuôn mặt từ Trung Quốc có thể mở ra mặt trận mới trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt sẽ sớm được phổ biến ở Trung Quốc trong tương lai. Ảnh: National Illustration.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Brian Schatz đang đề xuất dự luật ngăn các công ty của những quốc gia như Trung Quốc, Triều Tiên, Nga, Iran... tham gia chương trình Kiểm tra Công nghệ Nhận diện Khuôn mặt của Nhà cung cấp (FRVT) thuộc Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST). FRVT được xem là tiêu chuẩn vàng để quyết định độ tin cậy của các phần mềm nhận diện khuôn mặt.
Kết quả thẩm định từ FRVT thường xuyên được các công ty trích dẫn như thước đo độ tin cậy của họ và được các doanh nghiệp cũng như nhà hoạch định chính sách khuyến nghị khi mua công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Còn nhiều bước trước khi dự luật của Schatz được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội Mỹ và chỉ 5% dự luật do các nghị sĩ đề xuất được lưỡng viện thông qua, song sáng kiến của Schatz đã phản ánh một xu thế đang diễn ra ở Mỹ nhằm kiểm soát việc phổ biến công nghệ Trung Quốc do những lo ngại về an ninh quốc gia.
Theo Timothy Heath, nhà nghiên cứu từ tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu Rand Corporation, dự luật do Schatz đề xuất cho thấy rõ ràng mối quan tâm của chính quyền Mỹ xung quanh việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các công nghệ số hóa để giám sát người dân.
"Dự luật cũng phản ánh mối lo lắng ở Washington về xu hướng phổ biến các công nghệ như vậy trên khắp thế giới, có thể làm suy yếu các quy định bảo vệ quyền dân sự và riêng tư của người dân trên toàn cầu", Health nói.
Hồi tháng 5, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đưa hãng công nghệ Huawei của Trung Quốc vào danh sách đen, khiến họ không thể mua linh kiện và công nghệ của công ty Mỹ. Washington cũng gây sức ép buộc các đồng minh hạn chế hoặc cấm Huawei tham gia triển khai mạng lưới 5G trên đất nước họ.
Trong cuộc "chiến tranh công nghệ" đang dần trở nên khốc liệt giữa hai nước, các công ty công nghệ nhận diện khuôn mặt Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu tiếp theo của đòn triệt hạ tương tự từ Mỹ.
Những công ty này vài năm gần đây được FRVT đánh giá với điểm số rất tốt. Hàng chục nước như Singapore, Thái Lan, Philippines, Pakistan, Zimbabwe hay Ecuador đã mua sản phẩm của họ để sử dụng cho nhiều mục đích, từ trang bị camera gắn trên người cảnh sát đến lắp đặt mạng lưới camera giám sát an toàn, an ninh trên đường phố.
Năm 2018, 5 công ty Trung Quốc, trong đó có YITU Technology ở Thượng Hải và SenseTime ở Bắc Kinh, đã chiếm 5 vị trí dẫn đầu trong bảng đánh giá thuật toán nhận diện khuôn mặt của FRVT. Các nhà cung cấp công nghệ nhận diện khuôn mặt và truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi kết quả trên là minh chứng cho sức mạnh vượt trội của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Dù vậy, gần đây, truyền thông Mỹ đăng các bản tin cho rằng chính quyền Tổng thống Trump có thể áp đặt các biện pháp hạn chế đối với những nhà phát triển sản phẩm nhận diện khuôn mặt Trung Quốc, giống như đã làm với Huawei.
Hôm 12/6, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio, một trong những người có lập trường cứng rắn với Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng ở quốc hội Mỹ, đã gửi thư cho công ty MSCI, nhà cung cấp các chỉ số chứng khoán toàn cầu có trụ sở ở New York, yêu cầu họ giải thích về những khoản đầu tư ở một số công ty Trung Quốc, bao gồm cả Hikvision, nhà cung cấp phần mềm nhận diện khuôn mặt.
Các camera giám sát do công ty Hikvision sản xuất được gắn tại một trạm thử nghiệm gần trụ sở của công ty này ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Hikvision, công ty sản xuất thiết bị giám sát thuộc sở hữu nhà nước, có trụ sở ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, đã xuất khẩu công nghệ nhận diện khuôn mặt cho nhiều nước, trong đó có Singapore và Zimbabwe. Công ty này bị cáo buộc đã hỗ trợ chính quyền Trung Quốc thực hiện các hoạt động giám sát với cộng đồng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này.
Dự luật do Schatz khởi xướng có một điều khoản yêu cầu Ngoại trưởng và Bộ trưởng Thương mại Mỹ trong vòng 12 tháng phải nộp báo cáo đánh giá tình hình sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt và công nghệ trí tuệ nhân tạo khác bị cho là được các chính phủ nước ngoài sử dụng cho mục đích "quản lý độc đoán".
"Công nghệ nhận diện khuôn mặt có chút phức tạp hơn và không có mức độ nhất trí giống nhau về cách quản lý sử dụng nó. Tuy nhiên, có sự đồng thuận về việc ngăn chặn công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc vì mọi người nhìn vào Tân Cương và nhận ra rằng đó là một phần của vấn đề", James Andrew Lewis, chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), cho hay.
Yun Sun, học giả cao cấp từ Trung tâm Stimson, nhận định Washington giờ đây gần như đã đồng thuận tuyệt đối trước những nghi ngờ về công nghệ nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc. "Thực sự đáng lo ngại khi Trung Quốc đang xuất khẩu các công nghệ và thiết bị này đến nhiều nước khác. Tôi chắc chắn dự luật của Schatz sẽ được ủng hộ rộng rãi", Sun đánh giá.
"Bầu không khí ở Washington về các vấn đề riêng tư trên không gian số, mối quan hệ và hợp tác khoa học - công nghệ với Trung Quốc đang chuyển biến xấu. Với ba yếu tố trên, dự luật này nhiều khả năng sẽ được thông qua", Sourabh Gupta, học giả cấp cao từ Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung ở Washington, bình luận.
Dân TQ sắp đi tàu điện không cần mang vé
Trong tương lai, người dân Trung Quốc sẽ quét gương mặt để thanh toán tiền phí tàu điện. Tuy nhiên, họ có thể chịu sự ... |
TQ sẽ dùng nhận diện khuôn mặt để chặn trẻ em livestream
Liên đoàn Thanh niên Trung Quốc (ACYF) yêu cầu chặn trẻ em phát video trực tiếp lên mạng xã hội bằng công cụ nhận diện ... |