Con hổ Leng (Kỳ 49)

Nói xong ông Tài đập bàn đánh rầm một cái rồi đứng dậy về luôn. Mọi người ngồi chưng hửng. Một bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm khắp căn phòng.

con ho leng ky 49 Con hổ Leng (Kỳ 48)
con ho leng ky 49 Con hổ Leng (Kỳ 47)
con ho leng ky 49 Con hổ Leng (Kỳ 46)

Phó chi cục trưởng Toàn cười nhạt và nói:

- Hay nhỉ, các anh định chống đối cấp trên à? Tôi nói cho các anh biết. Nếu như thái độ của chính quyền xã thế này, thì chỉ tuần sau là sẽ có lệnh tịch thu con hổ. Để rồi xem các anh có chống lại được không.

Anh xã đội trưởng dân quân người Mông tên là Vàng Sính Phương đứng phắt dậy:

- Cán bộ Toàn nói cái lý đấy không nghe được. Người ta nuôi con hổ, người ta cứu nó, mà bây giờ lại đòi tịch thu. Anh về nói với lãnh đạo, dân Mường Mun chúng tôi sẽ bảo vệ con Leng.

Thấy tình hình có vẻ căng, Minh đứng lên nói điềm tĩnh:

- Tôi thấy các đồng chí cấp trên lo lắng về con hổ Leng là cũng có lý. Nhưng việc này, bố tôi và tôi cũng đã nghĩ lâu rồi cho nên chúng tôi đã làm chuồng trại hết sức cẩn thận. Lát nữa, mời các anh tới kiểm tra. Ngày trước, con Leng còn nhỏ, hay được thả đi chơi. Nhưng gần đây, các cán bộ kiểm lâm thường xuyên đến kiểm tra, nên con Leng cũng không được đi chơi như trước nữa. Cho nên các anh về báo cáo với lãnh đạo rằng cứ yên tâm, gia đình tôi chịu trách nhiệm.

Phó chi cục trưởng Toàn nhếch mép:

- Chịu trách nhiệm là chịu thế nào. Nó vồ chết con trâu, con bò thì còn đền tiền nhưng nếu nó gây chết người thì sao đây. Đền bao nhiêu cho đủ, dù có ngồi tù thay nó thì người cũng chết rồi.

con ho leng ky 49
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Minh nói luôn:

- Chúng tôi cam kết sẽ trông nom con Leng cẩn thận. Thế còn anh Toàn có kế sách gì để giữ cho con Leng không vồ chết trâu bò hay người? Chỉ còn mỗi cách nhốt nó trong cũi như ở trung tâm cứu hộ chứ gì?

Toàn lúng túng:

- Thì bây giờ chúng ta phải bàn. Nhưng trước mắt, tôi đề nghị từ nay con Leng không được thả cho đi về bản nữa. Và bác Tài phải làm một bản cam kết trước pháp luật, đồng thời giao cho Trạm Kiểm lâm và chính quyền xã giám sát. Nếu như thấy bác Tài thả con Leng ra thì phải báo cáo ngay.

Ông Tài buông thõng một câu:

- Làm cam kết thì làm, sợ gì. Còn tôi cũng sẽ không thả con Leng đi chơi trong bản, mà nếu nó đi đâu thì phải có tôi dắt. Còn tôi cũng nhờ anh về nói với lãnh đạo là đừng có ai nghĩ đến chuyện mang con hổ về tỉnh. Nếu các anh muốn mang nó về thì hãy mang xác tôi về trước.

Nói xong ông Tài đập bàn đánh rầm một cái rồi đứng dậy về luôn. Mọi người ngồi chưng hửng. Một bầu không khí im lặng nặng nề bao trùm khắp căn phòng.

Minh nói:

- Các anh thông cảm cho bố tôi. Ông là người yêu thú đến như thế nào các anh biết hết rồi đấy. Con Leng cũng như con chó Lếch, con gấu May, con khỉ Tiểu Hầu, con trăn Gió được ông nuôi dưỡng và coi như con cháu trong nhà. Đề nghị các anh báo cáo với lãnh đạo tỉnh gia đình chúng tôi có trách nhiệm chăm lo và quản lý con hổ Leng. Và cũng nói để các anh rõ luôn, sớm muộn bố tôi cũng thả con Leng về rừng. Bố tôi bảo nó là của rừng, phải trả nó về rừng.

Toàn đứng phắt dậy:

- Đồng chí Minh, đồng chí là cán bộ công an, lẽ ra đồng chí phải gương mẫu vận động bố mình chấp hành nghiêm luật pháp, đằng này lại có những lời thách thức chính quyền. Tôi nói cho đồng chí biết con hổ đấy không phải tài sản của ông Tài, mà là tài sản quốc gia. Nó phải được đưa về nơi nuôi dưỡng tốt nhất, an toàn nhất. Tôi đề nghị đồng chí về nói với ông Tài đừng có thách thức chính quyền.

Minh vẫn điềm tĩnh:

- Bố tôi không thách thức chính quyền. Nhưng con hổ đấy không phải là tài sản quốc gia, mà là của bố tôi. Còn bây giờ các anh bảo làm cam kết, các anh viết đi, tôi thay mặt bố tôi, tôi ký. Còn anh Toàn, các anh có trách nhiệm bảo vệ thú, nhưng chính anh cũng là người tham gia tận diệt thú rừng đấy.

Toàn quắc mắt nhìn Minh:

- Anh nói gì đấy? Tôi tận diệt thú rừng khi nào. Anh có chứng cứ gì không?

Minh cười nhạt:

- Tôi có chứng cứ. Anh ở nhà vẫn tổ chức nấu cao và còn cả nấu cao giả nữa. Năm trước, chính cảnh sát hình sự chúng tôi đã bắt được quả tang anh đang nấu cao tại sân nhà. Anh có nhớ không. Khi lập biên bản, anh đã van xin anh em cảnh sát thế nào. Sau vụ đấy, anh bị kỷ luật. Nhưng anh vẫn không chừa, anh vẫn tiếp tục cho đám đàn em của anh đi mua xương hổ ở Miến Điện về trộn với xương trâu, xương bò nấu cao, rồi lại còn cho người đi săn gấu lấy mật.

Toàn tái mặt rồi dịu giọng:

- Đấy là chuyện cũ. Đúng là tôi có nấu cao là tôi đi mua xương về nấu chứ không phải đi bắn thú.

Minh cười nhạt:

- Anh không bắn nhưng anh mua xương thì cũng có nghĩa là anh tiếp tay cho bọn săn trộm.

Đại úy Quán - Phó trưởng công an huyện ngăn lại và nói:

- Thôi thôi tôi đề nghị bây giờ không phải là lúc tố cáo nhau ở đây. Đồng chí về báo cáo với lãnh đạo chi cục rằng, Công an huyện chúng tôi cùng Kiểm lâm Mường Mun sẽ có trách nhiệm giúp đỡ bác Tài chăm sóc con hổ và có những biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ có thể xảy ra. Còn đồng chí Toàn, đồng chí cứ nói về pháp luật không cho nuôi hổ thế thì tại sao ở trong miền Nam người ta được nuôi, chẳng lẽ trong đấy không có chính quyền, không có kiểm lâm à. Mà có phải người ta nuôi một con đâu, người ta nuôi cả hai ba chục con, rồi người ta mang bán sang cả Trung Quốc. Ở đây có một con hổ mà chưa gì các anh đã cứ làm loạn cả lên. Thôi tôi đề nghị chấm dứt cuộc họp tại đây. Đồng chí Minh thay mặt bác Tài ký vào bản cam kết là xong.

Toàn xua tay:

- Thôi được rồi, làm đi.

Thế rồi một bản cam kết nhanh chóng được soạn ra, trong đó các điều khoản như ông Tài phải đảm bảo chuồng trại chắc chắn, không được thả rông hổ; Không được cho nó tự ý đi vào rừng; Trạm Kiểm lâm Mường Mun phải giám sát việc nuôi dưỡng và có các biện pháp an toàn.

Bản cam kết làm xong, Phó trưởng Công an huyện đưa cho Minh rồi nháy mắt ra ý “cứ ký vào”. Minh cũng chẳng cần đọc lại, anh ký luôn. Phó chi cục Toàn cố nở một nụ cười cầu tài:

- Nghe nói đồng chí Minh sắp được đi học ở Liên Xô, mà cả huyện Mường Báng được có một người, thật tự hào.

Minh đứng lên thong thả nói:

- Thưa các anh, bố tôi là người thế nào các anh đều biết rất rõ. Bố tôi không chỉ thương mấy con thú trong nhà, mà còn thương rừng Mường Mun, Mường Báng. Sở dĩ bố tôi không ra tỉnh để sống nhàn hạ hơn là vì, cả đời ông gắn bó với rừng. Cho nên các anh có thể yên tâm là bố tôi sẽ không làm một điều gì để gây hại cho rừng Mường Báng đâu. Tôi đi học ở Liên Xô ba năm, ở nhà tôi xin nhờ các đồng chí Công an huyện, Kiểm lâm Mường Mun và chính quyền xã giúp đỡ bố tôi chăm sóc con Leng.

***

Minh trở về nhà, thấy bố đang ngồi thừ ra vuốt ve con Leng. Anh bảo:

- Bố ạ, bố đừng buồn. Mọi người ở đây đều muốn bố giữ con hổ lại. Còn họ nói gì kệ họ.

Ông Tài nói thảng thốt:

- Nó sẽ tìm cách bắt con Leng. Thôi bố cũng phải tính thả nó về rừng sớm. Ở khu rừng giáp Lào cũng còn rộng lắm. Hôm nọ, Thoong Kẹo bảo bố còn vài con hổ. Bố sẽ sớm thả nó về với rừng.

***

Thời gian nghỉ phép đã hết. Trước hôm Minh đi, ông Tài thịt một con bò rồi mời bà con trong họ, anh em ở trạm kiểm lâm, cán bộ thôn bản, xã, rồi cả lãnh đạo công an huyện đến liên hoan mừng cho Minh được đi học Liên Xô.

Từ sáng sớm, ông Tài đã nhờ năm anh chàng ở bản chuyên nghề thịt lợn, thịt bò đến làm giúp. Nói là con bò thì có vẻ to tát, chứ thực ra đó chỉ là chú bê mới được 6 tháng tuổi.

Ông Tài có đàn bò hơn hai chục con, nên thịt đi một con bê cũng thấy nhẹ nhàng. Mà đàn bò của ông, quanh năm suốt tháng sống trong rừng, thi thoảng lắm chúng mới kéo nhau về. Mỗi đàn bò có một con đầu đàn và được chủ đánh dấu bằng cách cắt xẻ trên tai. Mỗi nhà có một kiểu đánh dấu bò trên tai và chẳng bao giờ có chuyện nhầm lẫn. Dạo này, cũng có xảy ra trộm trâu bò và chủ yếu do đám nghiện hút từ huyện Mường Phìn kéo sang. Chính quyền cũng vận động bà con nên nuôi trâu bò có chăn dắt, bảo vệ, nhưng chỉ nhà nào có dưới năm con thì họ còn làm theo, nhưng nhà có hàng chục con thì đành nhờ rừng giữ vậy.

Họ làm thịt bò theo kiểu mới, nghĩa là làm sạch sẽ con bò, lấy các loại lá thơm trong rừng về nhét vào bụng con bò rồi lại và đốt đống than to, để bò lên nướng.

Nhưng có một việc khiến mấy anh đồ tể nghiệp dư hết sức ngạc nhiên, đó là thái độ của con Leng. Sáng sớm, mổ con bê xong, một anh mang vào chuồng cho con Leng cả buồng phổi con bê và một đoạn cẳng chân. Nhưng con Leng chỉ ra ngửi ngửi rồi bỏ đi. Anh ta ngạc nhiên quá, chạy vào hỏi ông Tài. Ông cười:

- Nó không ăn của người lạ đâu. Nó chỉ ăn thịt con thú mà tự nó giết chết hoặc tôi cho nó ăn. Thằng Minh phải mất mấy ngày làm quen rồi mới cho nó ăn được đấy.

Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Tài dẫn anh quay trở lại chuồng. Ông chỉ vào lá phổi bò, bảo con Leng:

- Ăn đi Leng. Bò của nhà mình đấy.

Và thế là con Leng đang nằm liền vùng dậy, lôi lá phổi vào một góc khuất rồi ăn ngay. Anh ta nhìn và cứ xuýt xoa: “Sao nó khôn thế nhỉ? Khôn hơn cả chó”.

Đến khoảng hơn 9 giờ sáng thì bê đã nướng chín, mâm bát đã được bày ra và khách mời lục tục kéo đến. Dân bản này mỗi khi có ăn uống gì thường là rất sớm. Có như vậy, thời gian uống rượu mới được lâu. Đội quân phục vụ là mấy cô gái cũng trong nội tộc nhà ông Tài. Khi vào bữa, trên mâm chỉ có mấy cái bát, nước tương để chấm, các loại rau… Mọi người tự ra xẻo thịt bê nướng mang vào ăn. Nghe nói cách làm kiểu này là do đầu bếp dưới xuôi đem lên và du nhập về Mường Mun. Người Hà Nhì, người Mông thấy kiểu ăn này cũng hay nên đã học theo. Mà họ thấy tiện nhất là không phải nấu nướng, bày biện lích kích.

Khách đến mỗi lúc một đông, tiếng cười nói, tiếng hò hét và cả tiếng hát hò làm náo động cả một khu bản. Mọi người tự ngồi vào mâm rồi đi ra xẻo thịt bỏ vào bát và mang vào ăn. Rượu thì là rượu ngô do người Mông ở bản San nấu. Đây là loại rượu có tiếng ở Mường Báng. Muốn mua được vài chục lít thì phải đặt trước cả nửa tháng.

Vào lúc mọi người đến đông đủ nhất, Minh cầm chén rượu đứng lên nói:

- Thưa tất cả bà con, ngày mai tôi lên đường về Hà Nội để đi học ở Liên Xô. Tôi xin hứa với bà con Mường Mun là sẽ học thật giỏi để sau này được về công tác ở huyện. Thời gian tôi đi cũng lâu, ở nhà bố tôi có một mình, trăm sự nhờ cậy bà con và các đồng chí lãnh đạo giúp đỡ. Còn chuyện con hổ Leng, tôi và bố tôi đã bàn kỹ rồi. Con Leng nó là của rừng thì phải trả nó về rừng. Chỉ mong sau này, khi nó đã về rừng rồi, bà con nếu có đi săn mà thấy nó thì cũng đừng bắn. Nào, nếu ai đồng ý với tôi, xin uống cạn chén rượu này.

Hàng chục người giơ chén lên:

- Phải rồi, con Leng là của rừng, phải đưa nó về rừng.

- Con Leng là của Mường Mun, không ai được bắn nó.

- Pờ Minh cứ đi đi, ở nhà đã có dân bản.

Ông Tài rưng rưng nước mắt, ông cầm chén rượu đứng lên:

- Tôi xin cảm ơn bà con. Bây giờ tôi cho con Leng ra để chào mọi người.

Rồi ông Tài ra mở cửa chuồng và bảo: “Leng ra đây ông bảo”. Con Leng đang nằm với vẻ khó chịu, nó không thích sự ồn ào, hơn nữa nó cảm thấy bữa rượu hôm nay có điều gì không bình thường. Thấy ông Tài bảo: “Con ra chào mọi người, sao nom buồn thế”. Nó uể oải dậy, đi theo ông Tài vào nhà. Ông chỉ tay xuống bậu cửa và ra hiệu cho con Leng ngồi xuống. Rồi ông nói với mọi người:

- Bà con xem, con Leng đây này. Nào Leng, con chào đi.

Con Leng khẽ cúi đầu chào. Mọi người ồ lên. Có người cầm chén rượu lên, rồi hỏi ông Tài:

- Nó uống được rượu không?

Ông Tài vội ngăn lại:

- Ấy, đừng. Nó ghét rượu lắm đấy.

Con Leng thở phì ra một tiếng, tỏ ý khó chịu với mùi rượu và đưa cặp mắt màu vàng có lóe lên những tia thần khí, quét qua đám người đang mặt đỏ phừng phừng vì rượu. Rồi như không chịu nổi mùi rượu, nó lùi ra và lại đi vào chuồng, chui vào trong hang nằm im. Sự lạnh lùng của nó khiến những người đã từng quen thấy khó hiểu. Ông Tài giải thích:

- Giống hổ thích yên tĩnh. Nó chỉ đùa với tôi và thằng Minh, sang bên nhà thì chơi với bà Seo Mẩy. Thấy đông người thế này, nó không thích.

con ho leng ky 49
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Con Leng lại chui vào hang, gối đầu lên hai chân trước. Linh tính của nó mách bảo rằng, nó lại phải sắp xa một người mà nó cũng đang yêu quý như ông Tài. Bỗng dưng, nó nhớ lại cái hôm đã đè Minh ngã xuống và tự nhiên nó thấy một sự sợ hãi xâm chiếm toàn bộ cơ thể. Sự sợ hãi đó khiến lông gáy nó dựng lên... Nó nhớ lại tiếng của Minh có tiếng “Leng” vừa ngạc nhiên, vừa hoảng hốt lại pha chút van xin thì có lẽ hàm răng nó đã ngoạm ngang cổ Minh rồi. Và nếu như thế, bây giờ số phận nó sẽ ra sao? Có thể nó sẽ phải đền mạng và đó sẽ là cái chết mà sự ân hận sẽ mãi mãi đi theo linh hồn nó.

***

Hôm sau, ông Tài dậy từ sớm nấu cơm để Minh ăn rồi lên đường ra tỉnh. Theo lệnh của Giám đốc Trực, Công an huyện cho xe U-oát vào đón Minh ở bờ suối Leng, nơi ngăn cách bản Mun và bản Pó.

Cơm xong, ông Tài đưa Minh đi, con Leng và con Lếch cũng đi theo. Cả hai con vật biết rõ đây là cuộc đưa tiễn nên chúng cũng không vui vẻ, tung tăng đi như mọi ngày. Ra đến bờ suối, nhìn thấy chiếc xe đã chờ bên kia, Minh dừng lại, Minh bảo bố:

- Thôi con đi đây. Bố ở nhà giữ gìn sức khỏe. Còn con Leng, bố nhớ quản lý nó thật chặt. Kẻo xảy ra chuyện gì thì khổ đấy.

Ông Tài gật đầu:

- Con cứ yên tâm. Nhưng bố sẽ thả nó vào rừng.

Minh gật đầu:

- Vâng, con cũng muốn thế. Mà theo con, mùa xuân này, có thú về mỏ Muối, bố thả nó đi.

Rồi Minh ngồi xuống mỏm đá, Minh ôm cả con Leng, con Lếch vào lòng, anh thủ thỉ:

- Tao phải đi công tác đây. Chúng mày ở nhà ngoan nhé. Lếch phải nhớ trông con Leng, đừng cho nó đi chơi.

Cả con Leng và con Lếch đều hiểu đó là những lời chia tay. Chúng gục đầu vào lòng Minh, hít những hơi dài như muốn để luồng hơi ấm quen thuộc từ Minh ngấm vào từng tế bào trong cơ thể chúng. Nhìn cặp mắt thấm đẫm yêu thương và nỗi buồn của chúng, Minh thấy nao lòng. Anh vội cởi giày và đứng lên khoác balô lên vai qua suối. Ông Tài chỉnh lại quai balô cho Minh và chợt ông nói:

- Con à. Chuyện con với cái Mai phải cẩn thận. Không lấy nhau được đâu.

Minh thở dài:

- Con cũng thấy thế bố ạ.

Minh vỗ vào đầu con Leng, con Lếch và bước đi dứt khoát.

Sang đến bên kia suối, Minh quay lại vẫy chào. Bất chợt, con Lếch ngửa mặt lên trời, hú lên một tiếng dài như lời chào tiễn biệt. Con Leng cũng gầm lên một tiếng, tiếng của nó đập vào núi rừng, quay ngược trở lại vang rền.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới