Con hổ Leng (Kỳ 46)

Nghĩ đến số phận con Leng, anh cứ áy náy không yên. Và điều anh lo lắng là không hiểu sống ở nhà này như vậy, nhưng bản tính hoang dã của nó triệt tiêu đi được bao nhiêu. Minh thấy ớn lạnh khi nhớ lại lúc con Leng vật anh ra và chỉ thiếu chút nữa thì nó đã cắn ngang cổ họng anh, như cắn ngang cổ một con lợn.

con ho leng ky 49 Con hổ Leng (Kỳ 45)
con ho leng ky 49 Con hổ Leng (Kỳ 44)
con ho leng ky 49 Con hổ Leng (Kỳ 43)

Minh về nhà với bố thấm thoát đã được ba tuần.

Những ngày ở nhà thật ấm áp, thanh thản. Anh chợt cảm thấy rất buồn và áy náy khi tới đây phải xa bố, xa những con vật trong nhà này đến ba năm. Anh không hiểu khi mình về thì mọi thứ sẽ thay đổi thế nào. Điều anh lo nhất đó chính là số phận của con Leng. Mặc dù bố đã nói với anh rằng sẽ thả con hổ về rừng, nhưng liệu nó có về nổi không? Nó có sống nổi trong rừng không? Và rồi không hiểu, nó đã quen với làng này, bản này, nó có mò về không? Anh rất biết rằng đang có nhiều kẻ dòm ngó con hổ, mà tất cả chỉ chung một mục đích là giết nó để nấu cao. Kể cả những lời có cánh của một số vị lãnh đạo tỉnh, Chi cục Kiểm lâm... Anh cũng biết rất rõ rằng con hổ này nếu như đưa ra tỉnh, thì tốt số lắm cũng chỉ kéo dài thêm vài tháng, bởi họ thiếu gì cách làm cho nó chết. Cao hổ bây giờ đang được coi là một thứ thần dược, đang được coi là một thứ quà biếu tặng nhau cực kỳ quý hiếm. Anh cũng đã được nghe nhiều người kể về các mánh khóe buôn lậu hổ từ Malaysia, Lào, Campuchia rồi thậm chí ở cả Myanmar, Ấn Độ. Những con hổ đông lạnh được đóng thùng mang về và rồi tất cả đều được đem nấu cao...

Nghĩ đến số phận con Leng, anh cứ áy náy không yên. Và điều anh lo lắng là không hiểu sống ở nhà này như vậy, nhưng bản tính hoang dã của nó triệt tiêu đi được bao nhiêu. Minh thấy ớn lạnh khi nhớ lại lúc con Leng vật anh ra và chỉ thiếu chút nữa thì nó đã cắn ngang cổ họng anh, như cắn ngang cổ một con lợn.

Buổi tối, Minh nói với bố về những lo lắng của mình với con Leng. Ông Tài gật đầu:

- Bố cũng biết lắm và bố cũng muốn thả nó về rừng sớm ngày nào hay ngày ấy. Ở khu rừng Tả Tùng giáp biên với Lào còn rất hoang sơ, nghe nói ở đấy cũng còn vài cặp hổ. Bố định khi nào nó đủ sức tự kiếm được cái ăn thì bố sẽ thả nó về.

con ho leng ky 49
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bỗng nhiên như chợt nhớ ra mình có một người bạn là thợ săn ở bên Lào và cũng là người đã từng cứu nhiều con thú quý khi chúng bị thương, bị bẫy, ông nuôi nấng nó cho khỏe mạnh rồi lại thả về rừng. Ông Tài bảo Minh:

- Mai bố đi sang Lào vài ngày. Con ở nhà đừng cho con Leng đi đâu nhé. Cứ nhốt nó ở trong chuồng ấy. Để cho nó đỡ buồn thì bảo con Lếch vào chơi với nó.

Minh hỏi:

- Bố sang Lào làm gì?

Ông Tài trả lời:

- Bố có quen ông Thoong Kẹo từ hồi còn ở công an vũ trang. Ông ấy đã nuôi dưỡng hổ, báo từ khi còn nhỏ, rồi thả vào rừng. Ông ấy cũng đã cứu nhiều con vật, trong đó có cả voi. Bố muốn sang hỏi ông ấy về con Leng.

Minh hỏi:

- Đi mất bao lâu hả bố?

Ông Tài mỉm cười:

- Qua đỉnh Tả Tùng là đến thôi, chắc 2 ngày. Như vậy cả đi cả về cũng phải mất 5 ngày bố mới về tới nhà.

Minh gật đầu:

- Bố cứ đi. Ở nhà con sẽ trông chúng nó, hay con cho con Leng đi săn ngoài nương nhé.

Ông Tài nhíu mày suy nghĩ một lát:

- Thôi con ạ, cứ nhốt nó lại cho yên tâm. Nếu nó đói, thì bắt lợn ở nhà thịt cho nó ăn.

Minh lại hỏi:

- Con thấy bên nhà kiểm lâm Phú có đàn lợn nhỡ, hay con mua vài con thả vào đó, cho con Leng tập vồ.

Ông Tài đồng ý:

- Cũng được, nhưng con nhớ ở nhà đừng cho nó đi chơi trong bản.

Đúng lúc hai bố con đang nói chuyện thì chiếc đài bán dẫn phát đi bản tin của Chương trình Phát thanh Vì an ninh Tổ quốc có vụ án mạng xảy ra có một vụ án hổ giết người mới xảy ra ở tỉnh Bình Phước. Minh mở to đài rồi hai bố con chăm chú nghe. Tiếng phát thanh viên đọc chậm rãi: “Ông Kso Tân là chủ một trang trại nuôi 5 con hổ. Đây là những con hổ mà ông mua được từ khi nó còn bé của những người thợ săn trong vùng và cả những người từ Campuchia mang sang bán. Trong những năm qua ông đã nuôi dưỡng chúng lớn, con to nhất đến gần 200kg. Đàn hổ của ông đã gây ra nhiều tranh cãi ở tỉnh và ở cả Bộ Lâm nghiệp. Tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm cũng đã cử các đoàn đến tham quan, xem xét và họ cho rằng, việc ông Kso Tân nuôi đàn hổ này là khuyến khích, động viên vì ông đã góp phần vào việc bảo vệ động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam lại chưa có điều khoản nào quy định một cách rõ ràng về việc nuôi hổ. Vào ngày Chủ nhật vừa rồi một sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Con hổ cái mang tên Simba ốm mệt bỏ ăn ba ngày. Người chăm sóc đàn hổ là anh Sắc mang thịt bò vào dỗ cho nó ăn. Nhưng không hiểu vì lý do gì, con hổ đã vật anh xuống, cắn thủng xương sọ, khiến anh chết tại chỗ. Sự việc này đã gióng lên một tiếng chuông báo động đối với những người nuôi thú hoang dã. Trong các loài thú ăn thịt, hổ báo là những loài giữ bản tính tự nhiên lâu nhất và bản năng săn mồi của chúng có thể trỗi dậy bất cứ lúc nào mà người nuôi không bao giờ lường trước được. Các chuyên gia lý giải việc con Simba giết chết anh Sắc là trong lúc nó đang mệt mỏi, bực mình lại có người quấy rầy nên nó đã nổi cáu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những dự đoán, bởi chúng ta đều biết rằng con hổ không biết nói để trình bày trước cơ quan điều tra. Hiện nay, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Phước đang giám sát chặt chẽ đàn hổ của ông Kso Tân”.

Nghe xong câu chuyện, cả ông Tài và Minh đều thẫn thờ. Ông Tài nói quả quyết:

- Bấy lâu nay, con Leng đối với dân bản này cứ như con chó, con mèo, ai cũng quý nó. Nhưng bây giờ thì phải cẩn thận.

Sáng hôm sau, ông Tài lên đường, xách theo khẩu súng CKC với chục viên đạn. Khẩu súng này là chiến lợi phẩm mà ông thu được hồi tham gia chiến dịch tiễu phỉ Trung Quốc. Ông giấu đơn vị giữ nó ở nhà và hãn hữu lắm ông mới mang ra sử dụng. Cũng có vài người biết ông có khẩu súng này, nhưng vì ông từng là công an vũ trang, sau lại làm kiểm lâm, nên cũng chẳng ai thắc mắc. Hơn nữa, ở nơi rừng sâu núi thẳm này, người đàn ông nào mà chẳng có súng.

Ông bỏ vào balô một bộ quần áo, hai ống cơm lam, một gói muối ớt và mấy đôi pin. Ông đi từ mờ sáng. Trước lúc đi ông vào chuồng nói thủ thỉ với con Leng: “Mày ở nhà nhé. Ông đi vài ngày ông về. Nhớ phải ngoan đấy. Xa mày ông lo lắm”. Ông Tài nhằm đỉnh Tả Tùng và đi gần như không nghỉ. Chiều tối hôm đấy, ông đến một bản người Lào Sủng ở trên đỉnh núi và nghỉ lại nhà Vàng Sua, là trưởng bản. Vàng Sua làm cơm thết đãi ông Tài rồi trong bữa cơm Vàng Sua nói:

- Tôi nghe nói ông nuôi được một con hổ to lắm. Ông định bao giờ bán?

Ông Tài lắc đầu:

- Ôi mình không bán đâu. Mình chờ nó lớn lên chút nữa rồi thả nó về rừng thôi.

Vàng Sua cười:

- Ông Tài ơi, tôi đã nghe tiếng ông là người yêu quý thú từ lâu rồi. Nhưng bây giờ khác ngày xưa nhiều lắm. Rừng làm gì còn chỗ để cho hổ sinh sống nữa. Tôi bây giờ có đi săn nữa đâu mà chỉ sống bằng mấy nương thuốc phiện thôi, thú bây giờ chẳng còn. Ngày xưa xách súng ra rừng, đi không được một quăng dao là đã bắn được nai, hoẵng, bò rừng. Còn bây giờ, có khi ba bốn ngày cũng chỉ được vài con lợn cỏ. Rừng bên Lào thì thú còn nhiều hơn. Nghe nói ở khu Hua Phăn vẫn còn nhiều thú. Người Lào họ không bắn thú tràn lan như mình.

Rồi ông Sua lại hỏi:

- Ông định sang Lào làm gì?

Ông Tài nói trí trá:

- Tôi đang muốn dựng lại cái nhà. Nhưng thiếu tiền quá, muốn sang bên ấy mua ít thuốc mang về bán.

Sua cười sằng sặc:

- Trời ơi! Nếu thế thì việc gì ông phải sang bên Lào, nhà tôi đây, thuốc phiện có cả chục cân. Hêrôin đang có mấy chục bánh. Ở bên Lào người ta mang sang nhiều lắm và họ cứ gửi ở đây, khi nào bán được thì trả tiền. Ông cứ cầm lấy dăm bánh hêrôin về tìm mối bán đi là đủ dựng căn nhà.

Ông Tài rụt rè hỏi:

- Ở đây bây giờ bán bao nhiêu?

Sua nhanh nhẹn chạy vào buồng, lấy ra một bánh hêrôin có in hình con sư tử đang chồm lên quả địa cầu mang cho ông Tài xem, rồi giảng giải:

- Một bánh này 350 gram, bên Lào nó lấy ở vùng Tam Giác Vàng về bao nhiêu mình không biết, nhưng mang về đấy nó bảo mình là năm đồng cân vàng một bánh. Bọn nó cất buôn về huyện, nó bán với giá 7 chỉ, mang ra đến tỉnh nó bán là 1 lạng vàng và nếu mang về dưới xuôi ở Hà Nội thì phải là 2 lạng, thậm chí hai lạng rưỡi vàng một bánh hêrôin này.

Rồi Sua nói hào phóng:

- Anh em mình tin nhau. Ông cứ cầm lấy năm bánh mang về bán xem sao. Nếu làm ăn được thì lại quay lại đây.

Ông Tài cười và hỏi:

- Thế nếu tôi không quay lại thì làm thế nào?

Sua cười:

- Thì cũng chẳng sao cả. Giời có mắt ấy mà.

Ông Tài nói:

- Cảm ơn anh. Khi tôi quay về tôi sẽ lấy. Còn tôi phải sang cũng để thăm ông bạn một chút. Nghe nói nó ốm đau lắm rồi. Anh cứ để thuốc đây cho tôi. Anh em mình biết nhau cả mà.

Ngày hôm sau từ đỉnh Tả Tùng, ông Tài tụt dốc và đi đến chiều tối thì tới nhà Thoong Kẹo.

Thoong Kẹo là người Lào Lum và cũng từng đi bộ đội, chiến đấu ở vùng Trung Lào. Thoong Kẹo nói tiếng Việt khá giỏi, bởi vì ngay từ khi còn là thiếu niên, ông đã được đưa sang Việt Nam học văn hóa rồi trở lại Lào và vào bộ đội. Sau này, khi Thoong Kẹo về phục viên, tham gia chính quyền và làm Chủ tịch xã thì đội trinh sát của đồn Công an Vũ trang Mường Mun thường sang bên đó phối hợp với chính quyền bạn, ngăn chặn nổi phỉ. Ông Tài có thời kỳ ở nhà Thoong Kẹo đến cả tháng, nhất là trong đợt quân ta mở chiến dịch 800 tiễu phỉ Trung Quốc. Bọn phỉ này vốn là tàn quân của Quốc Dân đảng, bị Quân giải phóng Trung Quốc đánh, chúng chạy dạt xuống khu tự trị người Thái Tây Song Bản Nạp (Xi Xoang Ba Na)thuộc tỉnh Vân Nam vùng ngã ba biên giới Myanmar - Lào - Trung Quốc. Một bộ phận lớn thì dạt sang Myanmar và lập Vương quốc Shan, dưới trướng của Khun Sa, sau này được coi là vua thuốc phiện ở vùng Tam Giác Vàng. Còn một số ít thì lại dạt về biên giới Lào - Trung Quốc - Việt Nam. Bọn này lấy Lào làm căn cứ và thi thoảng lại kéo về Việt Nam quấy nhiễu.

Thoong Kẹo có ba người con thì tất cả đều là cán bộ cao cấp, người con cả là Phó chủ tịch tỉnh, cô con gái thứ hai là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, còn người con trai út, mới ngoài 30 mà đã là Phó tư lệnh một sư đoàn, đóng quân ở gần Viêng Chăn. Vợ Thoong Kẹo là bà Vi Lay, cán bộ Mặt trận Lào yêu nước… Gia đình như vậy, nên Thoong Kẹo là người rất có uy tín trong tỉnh.

Thoong Kẹo là người rất sùng đạo Phật và thực là con người có tâm Phật, đặc biệt là Kẹo rất hay cứu giúp những con thú bị thương, bị ốm hay bọn thú nhỏ bị chết mẹ. Chính ông Tài đã từng chứng kiến việc Thoong Kẹo cứu sống một chú voi con, khi mẹ nó dẫm phải mìn của bọn phỉ. Lần ấy, chả hiểu thế nào con voi mẹ dẫn voi con tách đàn, đi ra đường quốc lộ. Voi mẹ dẫm phải mìn chống tăng chôn sát vệ đường. Sức nổ quả mìn hất tung con voi mẹ lên, khiến nó chết ngay. Chú voi con mới được khoảng 6 tháng tuổi đang tung tăng chạy phía trước mẹ thì thoát chết. Nó gục vào xác mẹ, rống lên thảm thiết. Nghe tiếng mìn nổ rồi tiếng voi rống, Thoong Kẹo cùng dân quân ở bản chạy ra… Thấy có người đến, chú voi con cũng không chạy và vẫn kêu. Thoong Kẹo đến vuốt ve, dỗ dành và anh ngồi nói chuyện với nó hàng tiếng đồng hồ. Cuối cùng, chả hiểu thế nào, chú voi con theo anh về bản. Anh nuôi nó được hơn 2 năm thì mang nó thả vào rừng… Sau lần ấy, anh được Chính phủ Lào tặng giấy khen.

Thấy ông Tài, Thoong Kẹo mừng lắm vì dễ có chừng tới hơn chục năm rồi hai người không gặp nhau. Và ở bên này, Thoong Kẹo cũng biết ông Tài nuôi con hổ Leng. Thoong Kẹo bảo đứa cháu thịt một con lợn nhỏ đãi ông Tài. Ông Tài biếu Thoong Kẹo ba đôi pin. Thoong Kẹo cười và bảo:

- Ô, ở bên này bây giờ không nghèo như ở Việt Nam đâu. Người ta vẫn mang dép tông, áo mút, mì chính, áo len về Việt Nam đấy. Còn những thứ như pin đèn thì sẵn lắm mà rẻ. Hàng Thái bây giờ chỗ nào cũng có, chỉ có điều là làm ra được đồng tiền ngày một khó hơn.

Ông Tài hỏi:

- Tôi nghe nói bên này ma túy sẵn lắm phải không?

Thoong Kẹo xua tay:

- Mai anh ra chợ mà xem. Họ bán ma túy như bán khoai.

Ông Tài thắc mắc:

- Không có công an nào bắt à?

Thoong Kẹo lắc đầu:

- Công an có biết thì cũng chỉ nhắc nhở thôi. Bởi vì vùng này có làm ăn được cái gì ngoài đi buôn ma túy đâu. Nghe nói cũng có đứa mang ma túy về Việt Nam bị bắt và bị xử bắn, nhưng người ta cũng chẳng sợ.

Rồi Thoong Kẹo hỏi ông Tài:

- Tôi đoán anh sang đây không phải vì buôn ma túy. Vì con anh là công an, chắc anh chẳng làm chuyện này. Có phải anh sang đây vì con hổ của anh không?

Ông Tài bật cười:

- Sao Thoong Kẹo đoán giỏi thế? Đúng là tôi sang đây vì chuyện con hổ. Tôi nhớ trước đây ông đã cứu được vài con, nuôi khỏe mạnh rồi thả nó về rừng. Tôi muốn hỏi ông, nuôi con hổ con thì khi nào thả được nó về rừng và liệu về rừng nó có sống được không?

Rồi ông Tài kể cho Thoong Kẹo nghe về chuyện mình đã nuôi nấng con Leng ra sao. Thoong Kẹo nghe chăm chú và lộ rõ vẻ thán phục.

- Tôi nuôi hổ rồi tôi biết. Nó còn bé thì như con chó, con mèo trong nhà. Yêu lắm, thương lắm. Nhưng khi nó lớn lên, cũng nguy hiểm đấy. Mà nó không chịu ở nhà đâu.

Ông Tài hỏi với vẻ lo lắng:

- Nó không chịu hiền mãi như con chó, con mèo à?

Thoong Kẹo lắc đầu:

- Muốn nó hiền lành, ngay từ bé, phải cho nó ăn thức chín. Tất cả thịt phải nấu chín và có thể cho nó ăn cơm như chó. Nhưng như thế nó không còn là hổ nữa, mà chỉ còn là thú cảnh thôi.

Ngừng một lát, Thoong Kẹo hỏi ông Tài:

- Anh định nuôi nó lớn rồi bán cho bọn nấu cao hay bán cho bọn diễn xiếc. Nếu định bán cho bọn xiếc, tôi mua cho. Hôm nọ, có người Trung Quốc sang đây nhờ tôi tìm mua hổ để họ mang về dạy làm xiếc. Con hổ như của anh, bây giờ mà bán là nhiều tiền lắm đấy.

Ông Tài hỏi:

- Bao nhiêu?

- Nếu là con hổ được nuôi từ bé như của anh, phải bán được năm lạng vàng.

Ông Tài giật bắn người. 5 lạng vàng? Trời ạ, cả đời ông nhặt nhạnh, gom góp mãi mới được vài đồng cân. 5 lạng vàng, số tiền ấy, đủ cho ông làm lại nhà cửa và còn ăn đến hết đời chả phải lo nghĩ gì. Mà bán nó đi bây giờ, cũng ai làm gì được ông. Ông đưa nó sang đây, giao cho Thoong Kẹo, thế là xong, chả ai biết… Còn kiểm lâm có hỏi thì bảo nó bỏ vào rừng rồi, muốn biết nó đi đâu thì… đi mà hỏi. Con số 5 lạng vàng khiến ông thấy bần thần. Thoong Kẹo nhận ra điều đó trên gương mặt ông Tài nên lại nói thong thả:

- Nên bán nó đi anh Tài ạ. Người ta đưa nó về, dạy nó làm xiếc cũng tốt. Nó sẽ không bị ăn đói, không phải chạy trốn những họng súng săn, mà anh thì có tiền. Việt Nam cũng như Lào thôi. Cuộc sống như ngày xưa khác lắm rồi, bây giờ cái gì cũng phải tiền. Không có tiền khổ lắm. Nhà tôi đây, kinh tế khá giả vì tôi có lương hưu cao, các con tôi đều khá giàu, nên cần gì chúng nó chu cấp. Còn xung quanh tôi, nhà nào mà anh thấy mới xây, mới dựng thì tất cả là từ ma túy đấy. Chỉ cần gùi được ba chục bánh hêrôin từ đây về Sốp Cộp, Mộc Châu, là có tiền xây được cái nhà. Việt Nam thì xử tội ma túy nặng, nhưng Lào thì nhẹ lắm.

Nhưng lời nói khẽ khàng và con số 5 lạng vàng mà Thoong Kẹo nói khiến ông Tài như mê đi.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới