Con hổ Leng (Kỳ 23)

"Tôi biết các cậu ở đây vẫn hay lén sang Lào rồi sang cả Campuchia mua xương hổ về nấu cao. Nhưng một bộ xương hổ có khi các cậu pha thêm hai bộ xương bò. Tôi nói lại, các anh lãnh đạo bây giờ cần một nồi cao hổ với đúng nghĩa là cao hổ".

con ho leng ky 23 Con hổ Leng (Kỳ 22)
con ho leng ky 23 Con hổ Leng (Kỳ 21)
con ho leng ky 23 Con hổ Leng (Kỳ 20)

Cuộc họp tan, ông Quý ngồi nán lại nói với ông Hoán:

- Anh ạ. Theo em nghĩ. Về chuyện con hổ thì trước mắt cứ để ông ấy nuôi. Sau này nó lớn, thì mình yêu cầu mang về nộp cho kiểm lâm. Còn tính cho ông ấy một ít chi phí, công lao nuôi con hổ.

Ông Hoán cười khẩy:

- Tôi thì tôi chả tin những chuyện nuôi hổ báo với mục đích từ thiện. Cậu biết một bộ xương hổ bây giờ là bao tiền không? Hàng cây vàng đấy. Hôm nọ mình ngượng chết đi được thằng Páo, bố nó là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy nghe nói rằng bấy lâu nay nó nấu cao hổ. Mình đặt nó nửa cân để mang về biếu mấy anh lãnh đạo dưới xuôi. Nó mang cho nửa cân cao đẹp lắm, nhìn thì ai cũng công nhận thấy đấy là cao hổ. Mang về Hà Nội biếu một ông lãnh đạo công an, ai ngờ ông ấy đưa cho Viện Khoa học Hình sự giám định, rồi gọi mình đến rồi bảo: “Cái mảnh cao anh cho tôi rất cảm ơn anh, nhưng mà tôi cũng khuyên anh chớ nên uống loại này. Tôi ngạc nhiên hỏi lại thì ông ấy bảo, tôi cho anh em hình sự giám định, hóa ra toàn là chất liệu xương chó. Rồi ông ấy kể cho mình nghe rằng ở Hà Nội có phố thịt chó ở Nhật Tân, mỗi ngày họ bán cả hàng trăm con chó và toàn bộ số xương chó được gom lại, cho vào thuốc tẩy làm sạch, rồi lại mang lên trên này nấu cao... Ông ấy nói xong mà mình muốn độn thổ.

Ông Quý gật đầu đế thêm:

- Thưa anh, em cũng biết bây giờ người ta nấu cao hổ toàn làm giả, rồi thậm chí nấu cả cao hổ tồn tính, uống chả có tích sự gì cả.

Ông Hoán bảo:

- Anh gọi sang cho cậu Ðạt kiểm lâm, bảo nó chú ý việc này.

Ngay sau đó, Quý đi sang Chi cục Kiểm lâm và gặp Hoàng Văn Ðạt - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm.

Ông Quý nói giọng kể cả:

- Ðồng chí bí thư giao cho tôi về việc có ông nào đấy trong Mường Mun nuôi con hổ, anh đã nhận được báo cáo chưa?

Ðạt gãi đầu:

- Thưa anh, việc này anh em có báo cáo nhưng vì con hổ còn nhỏ quá. Nếu mang ra tỉnh bây giờ cũng không ai chăm nuôi được, cho nên chúng em cứ định để ông ta nuôi một thời gian, rồi sẽ đưa về sau.

Ông Quý gật đầu rồi bảo:

- Các cậu phải có kế hoạch bảo vệ con hổ đấy. Giao cho ông ta trông nhưng phải có giám sát. Và cụ thể nhất là giao cho Trạm Kiểm lâm Mường Mun chịu trách nhiệm về việc này. Hằng tháng phải có báo cáo về Chi cục tình hình sức khỏe con hổ. Tất nhiên, các cậu cũng phải có cách động viên ông ta.

Ðạt cười cầu tài:

- Ông anh cứ yên tâm. Cá vào trong ao chạy đâu cho thoát. Chúng em cũng đang tính, sau này mình mở khu du lịch thì làm cái chuồng lớn, thả con hổ vào đấy và nếu hổ thuần dưỡng được, nó lại làm diễn viên, cho du khách đến chụp ảnh chung thì cũng kiếm khối tiền đấy.

Ông Quý cười khẩy:

- Cậu cứ lo đến tương lai xa. Cậu nhớ thế này: Bao giờ con hổ đấy nó được khoảng dăm bảy chục cân thì cho nó vào nấu cao. Bây giờ đang cần cao hổ thật, cao hổ xịn. Và phải nấu theo đúng kiểu ngày xưa. Tôi biết các cậu ở đây vẫn hay lén sang Lào rồi sang cả Campuchia mua xương hổ về nấu cao. Nhưng một bộ xương hổ có khi các cậu pha thêm hai bộ xương bò. Tôi nói lại, các anh lãnh đạo bây giờ cần một nồi cao hổ với đúng nghĩa là cao hổ.

Ðạt hiểu ra:

- Anh cứ yên tâm. Mọi việc chúng em sẽ lo.

Thế rồi ngay buổi chiều hôm đấy trong cuộc họp giao ban của Chi cục, Ðạt lệnh cho Trưởng phòng Bảo vệ tên là Tú phải vào trong Mường Mun gặp ông Tài thông báo rõ ý kiến của lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Chi cục với nội dung: "Giao cho ông Tài nuôi con hổ, nhưng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nó. Trạm Kiểm lâm Mường Mun theo dõi, giám sát và giúp đỡ ông Tài chăm sóc con hổ. Hằng tháng phải có báo cáo về Chi cục tình hình sức khỏe con hổ. Cá nhân ông Tài chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu xảy ra mất hổ, còn trong trường hợp bất luận con hổ bị làm sao thì phải mang xác nó ra tỉnh”.

Sau khi Ðạt chỉ đạo, bà Chi cục Phó đứng lên phát biểu: “Báo cáo các anh, tôi thấy các anh chỉ quen ra mệnh lệnh và yêu cầu ông Tài phải làm thế nọ, thế kia. Nhưng không ai nghĩ đến là ông ấy nuôi con hổ tốn kém bao nhiêu. Tôi nghe anh em trong đấy kể rằng, suốt ngày ông ấy phải đi bẫy thú, thậm chí bẫy cả chuột để lấy cái cho hổ ăn. Con hổ nó nhỏ như vậy nhưng mỗi ngày nó cũng ngốn hết hơn cân thịt đấy. Tôi lại còn nghe bà con ở trong Mường Mun nói rằng, mọi người còn góp gà, góp vịt để cho con hổ ăn. Bây giờ giao cho ông ấy nuôi rồi sau này định mang con hổ về thì chế độ chính sách cho ông ấy thế nào, tại sao chúng ta không trích một khoản tiền từ nguồn nào đó giúp ông ấy nuôi con hổ”.

Nghe bà Thu nói vậy mọi người ngẩn ra. Hoàng Văn Ðạt lúng túng: “Các anh các chị rà xem có chế độ chính sách nào cho người nuôi hổ không”. Bà Thu cười nhạt: “Chả có chế độ chính sách nào cả. Chỉ có mỗi quy định cấm săn bắt, cấm nuôi. Nhưng tôi nghĩ, chúng ta có thể vận dụng được, lấy tiền từ Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã. Mỗi tháng, trợ cấp cho ông ấy một khoản tiền bằng nửa tiền lương, thì mới đủ nuôi con hổ”. Tay Trưởng phòng Tú đứng phắt dậy phản đối: “Tôi thấy việc này không ổn. Bây giờ mỗi một tháng lại tốn mấy nghìn đồng để nuôi con hổ, rõ là vô lý. Theo tôi, tỉnh cứ ra lệnh tịch thu. Rồi chúng ta tổ chức nuôi, chăm sóc nó”. Bà Thu nhìn Tú bằng ánh mắt khó chịu: “Các anh chỉ nói lấy được, mang ra đây ai chăm, ai nuôi? Mà muốn nuôi nó phải xây chuồng, phải cắt cử người chăm sóc. Tôi đọc báo thấy người ta nói nuôi hổ trong miền Nam giống hổ khôn lắm, thịt bò, thịt lợn ngấm thuốc tăng trọng nó không ăn đâu. Hơn nữa, nuôi con vật có phải chỉ là cho nó ăn là xong đâu, mà người nuôi còn phải có tình thương yêu, che chở. Tôi đã được nghe rất nhiều chuyện về ông Tài này, ông là người yêu thú rừng và bảo vệ rừng. Có thể nói bậc nhất ở tỉnh này...”.

Cuộc họp tranh cãi một hồi rồi cuối cùng quyết định hằng tháng sẽ chi cho ông Tài một khoản tiền bằng một phần ba tháng lương của ông để nuôi con hổ, số tiền đấy chắc chỉ đủ mua năm cân thịt lợn.

con ho leng ky 23
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Nhận lệnh của Hoàng Văn Ðạt, Trưởng phòng Bảo vệ Tú cùng với một cán bộ tổ chức của Chi cục vào Trạm Kiểm lâm Mường Mun và mời ông Tài đến họp.

Mở đầu cuộc họp, bằng một giọng kẻ cả, khệnh khạng. Tú lên án gay gắt việc các nhân viên kiểm lâm bắn chết con hổ mẹ, đồng thời cũng nói luôn việc ông Tài nuôi con hổ con là một việc làm vi phạm pháp luật.

Ông Tài nóng mắt, đứng phắt dậy: “Tôi không hiểu anh nói tôi vi phạm pháp luật là vi phạm cái gì? Quân của các anh bắn mẹ nó chết, bây giờ tôi phải thay mẹ nó trông nom nó, các anh không khen, không thưởng tôi thì thôi, lại bảo tôi vi phạm pháp luật. Các anh có giỏi thì mang về mà nuôi?”.

Thấy ông Tài nổi nóng, Tú vội vàng xuống giọng: “Ấy chết, bác đừng nóng. Em đã nói hết đâu” - Ngừng một lát, Tú thong thả: “Tại cuộc họp vừa qua, lãnh đạo Chi cục cũng đã bàn nhiều về tương lai của con hổ Leng và thấy rằng, trước mắt cứ để bác Tài nuôi con hổ. Tuy nhiên, vì đây là loài thú quý đang được cả thế giới bảo vệ, cho nên việc nuôi dưỡng nó phải được đảm bảo hết sức chu đáo, cẩn thận. Nếu xảy ra chuyện gì không hay với con Leng, sẽ rất mang tiếng. Tôi nghe nói, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và một số tổ chức bảo vệ động vật quý hiếm trên thế giới cũng rất quan tâm đến số phận con hổ này. Lãnh đạo vườn thú Hà Nội cũng muốn đưa nó về dưới xuôi. À, nếu không có gì thay đổi thì Chi cục sẽ mời một bác sĩ thú y ở Hà Nội, người đã từng chăm sóc nhiều hổ, báo, sư tử lên đây giúp bác Tài cách nhận biết một số loại bệnh mà loài hổ hay gặp và cách chữa trị. Chi cục cũng giao cho Trạm Kiểm lâm Mường Mun có trách nhiệm giúp bác Tài bảo vệ con hổ, đồng thời theo dõi cách chăm sóc. Hằng tháng, Trạm phải báo cáo ra Chi cục về tình hình sức khỏe con hổ và đề xuất những gì cần thiết. Cũng xin thông báo luôn với bác Tài, để giúp cho bác có nguồn kinh phí nuôi con hổ, Chi cục đã quyết định lấy quỹ dự phòng ra, mỗi một tháng cấp cho bác thêm 3 ngàn đồng. Bác biết đấy! Ba ngàn đồng là một số tiền không lớn nhưng cũng chẳng nhỏ, bởi lẽ lương Trưởng phòng như của tôi cũng chỉ được hơn chục ngàn”.

Ông Tài nhíu mày suy nghĩ trước những câu nói của Tú, rồi ông lại đứng lên: “Tôi có đề nghị thế này, việc tôi nuôi con hổ đó là vì tôi thương nó. Ðây là việc tôi hoàn toàn tự giác, tự nguyện. Cho nên con hổ này tôi nuôi cũng sẽ như con chó, con mèo trong nhà. Tôi không cần sự giúp đỡ tiền bạc gì của Chi cục. Nhưng con hổ này là của tôi, chứ không phải bây giờ các anh cho tôi mấy đồng bạc rồi sau này khi nó lớn các anh bắt nó mang đi. Và cũng nhân đây, tôi nói luôn. Ðể có thời giờ chăm sóc con hổ, tôi cũng xin nghỉ việc. Ngày mai tôi sẽ nộp đơn”.

Nghe ông Tài nói thế, tất cả những người dự họp ngẩn người ra, hồi lâu sau tay Trạm phó mới có ý kiến: “Ðề nghị bác Tài bình tĩnh. Theo tôi, ý của lãnh đạo Chi cục là rất hợp tình, hợp lý. Hơn nữa bác Tài cũng phải nghĩ rằng, con hổ này đúng là bác đang nuôi nhưng nó là loài thú quý, được bảo vệ nghiêm ngặt. Cho nên, bác nuôi thì cấp trên sẽ ghi công cho bác, nhưng còn nó là tài sản quốc gia, cho nên bây giờ bác cứ chăm sóc nó, còn sau này nó lớn đương nhiên phải trả nó lại”.

Ông Tài đứng phắt dậy, đập bàn, làm cốc chén trên bàn nảy lên: “Các anh bảo tài sản quốc gia là thế nào? Quốc gia gì? Hai mẹ con nó đang chạy lụt, các anh bắn chết con mẹ, khi con nó vừa mở mắt. Lúc ấy, tôi đã can, nhưng mấy người ôm chặt tôi, bịt mồm tôi không cho tôi kêu… Lẽ ra, chỉ cần nổ súng bắn chỉ thiên là xong. Ðằng này… thằng Quân bắn nó chết. Tôi mang nó về nuôi, mà bây giờ các anh định cướp nó, các anh bảo nó là tài sản quốc gia. Tại sao hôm con mẹ nó bị bắn chết, không có “quốc gia” nào đến mang nó về mà nuôi. Tôi nói cho các anh biết, con Leng là của tôi. Còn các anh muốn về báo cáo với cấp trên thế nào, đấy là việc của các anh. Tiền các anh trợ cấp tôi không cần. Và cũng từ ngày hôm nay, tôi xin thôi việc”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới