Con hổ Leng (Kỳ 21)

Hôm ấy bắt được nó ở bờ suối Leng, tôi sẽ đặt tên nó là con Leng.
Rồi ông bế con hổ lên, nói như thầm thì vào tai nó: 
Từ nay, con tên là Leng, con nhé... Nào! Leng ơi! Leng ơi.

con ho leng ky 21 Con hổ Leng (Kỳ 20)
con ho leng ky 21 Con hổ Leng (Kỳ 19)
con ho leng ky 21 Con hổ Leng (Kỳ 18)

Nhiều lúc ông Tài ngồi ngắm con Lếch chăm con hổ mà không thấy chán mắt. Càng nhìn chúng, ông Tài như ngộ ra nhiều điều mà xưa kia hoặc là ông không biết, hoặc là ông mới chỉ lờ mờ cảm thấy mà không hiểu đó là thứ tình cảm gì.

Ngày xưa khi còn là lính công an vũ trang, ông Tài từng được giao nhiệm vụ nuôi ngựa và trông đàn chó của đồn biên phòng, trong đó có 3 con béc-giê nhưng cũng là chó lai đời F2, F3. Cổ nhân có câu “Khuyển mã chi tình” sao mà đúng thế. Ông đã chứng kiến cảnh có những con chó béc-giê ngồi chết gục bên mộ chủ. Ấy là trường hợp Lê Văn Hùng, một chiến sĩ công an người Thái Bình được giao điều khiển và huấn luyện con chó béc-giê giống Ðức có cái tên rất hào sảng: Victoria - chiến thắng. Hùng học lớp huấn luyện chó nghiệp vụ 6 tháng ở Sơn Tây, rồi anh mang con chó lên Mường Mun. Anh và con Victoria gắn bó với nhau như hình với bóng. Nếu nói anh thương con chó, yêu nó như con đẻ của mình thì cũng không có gì là quá, mặc dù hồi đó anh chưa có vợ con. Nhiều người không thể hiểu nổi, tại sao anh và con Victoria có thể ăn chung một miếng bánh. Người cắn một miếng, chó lại cắn một miếng. Những đêm đông giá rét, nó được lên nằm cùng với anh. Con Victoria đã lập nhiều chiến công lừng lẫy. Nó đã giúp đồn truy bắt nhiều toán phỉ, khám phá ra một số vụ án lớn bằng biệt tài giám biệt hơi của nó. Người dân quanh vùng đấy gọi nó là con chó thần, bởi vì nó có thể phát hiện ra hơi chủ, phát hiện ra chủ từ cách xa nửa cây số. Nó đang nằm ở sân đồn, mà bỗng dưng thấy nó ngoe nguẩy đuôi ra cổng đứng thì chắc chắn chỉ mười lăm phút sau là thấy Hùng về. Trong một trận truy đuổi bọn biệt kích, Hùng hy sinh. Con Victoria bỏ ăn và cứ đi lang thang ở quanh mộ của Hùng trong rừng. Anh em trong đồn dỗ dành thế nào nó cũng không chịu về, thậm chí anh em bắt nó về nhốt vào cũi thì suốt ngày đêm nó cứ tru lên từng hồi dài thê thảm. Mọi người chịu không nổi đành thả nó ra. Vào một buổi sáng khi anh em ra dọn nghĩa trang thì thấy nó chết gục bên mộ Hùng. Anh em ở đồn đào một cái huyệt bên cạnh mộ Hùng và chôn nó ở đấy.

Con chó có mối quan hệ mật thiết và gắn bó với con người từ thời cổ xưa đến nay.

Chó là người chiến đấu cùng ta.

Chó là người bảo vệ ta.

Chó là người bạn tuyệt đối trung thành.

Giữa chó và người chỉ có một thứ tình cảm: Chó tận tụy trung thành, tôn thờ chủ. Dù có những lúc nó bị chủ đối xử bạc bẽo, dù có những lúc nó bị oan ức về chuyện này chuyện khác nhưng chó không bao giờ phản chủ. Nhưng con người đối với chó lại không được thế, con người sử dụng chó vào tất cả mục đích riêng cho mình. Cũng có những lúc con người coi chó là bè bạn, là kẻ ăn người ở, cũng có những tình cảm con người yêu thương chó... nhưng cũng có những lúc con người thịt chó để ăn. Và thật bi kịch cho loài chó khi mà xương thịt mình được coi là một món ăn khoái khẩu của rất nhiều người. Ở đồn Mường Mun ngày ấy nuôi hàng chục con chó, chúng vừa đi săn thú, chúng vừa bảo vệ đồn và chúng cũng là nguồn thực phẩm dành cho những bữa liên hoan.

Bọn chó rất tự giác chia nhau canh gác đồn. Chúng tự phân công nhau, còn gác ngoài cổng, con gác kho gạo, con ngoài vườn rau, con ở kho vũ khí... Con nào có nhiệm vụ của con ấy. Dù đêm đông giá rét, dù mưa gió bão bùng... chúng không bao giờ rời vị trí.

Có một con chó mà ông Tài không thể nào quên được, đó là một con chó cái được đặt tên là Bà. Sở dĩ có tên này là vì nó đẻ rất nhiều lứa và không ai có thể nhớ được nó có bao nhiêu con, cháu chắt, chút chít, chụt, chịt... Cũng không ai còn nhớ nó đã ở đồn bao nhiêu năm. Con Bà có uy quyền tuyệt đối trong cả đàn chó, bọn chó nghiệp vụ, được nuôi bằng chế độ riêng, thậm chí khẩu phần của chúng con cao hơn khẩu phần ăn của sĩ quan sơ cấp, cũng không dám sủa khi con Bà đi qua. Không một con chó nào dám tranh ăn với con Bà, kể cả sau này, khi nó đã già, lông rụng từng mảng, răng rụng gần hết và cặp mắt mờ đục, dáng đi liêu xiêu. Mỗi lần anh em bắt con, cháu chắt của nó đi thịt là nó lại lẳng lặng đi ra suối, nằm gối đầu lên một hòn đá cuội, hai chân trước bịt lấy tai như thể không muốn nghe thấy tiếng kêu của con chó kia.

Một buổi sáng, anh em trong đồn ngạc nhiên khi không thấy bọn chó chạy ở sân đồn. Vắng đàn chó, sân đồn như rộng hơn và hiu quạnh lạ thường. Mọi người gọi, chẳng thấy chúng đâu. Mãi sau mới có một con lủi thủi đi về, rồi nó đưa anh em ra bìa rừng... Hóa ra cả đàn chó đang vây quanh xác con Bà. Anh em làm mộ cho con Bà và dựng lên đó một tấm bia. Chôn con Bà xong, bỗng chính trị viên của đồn nói: “Con Bà này gắn bó với đồn Mường Mun mười mấy năm rồi. Nó đồng cam cộng khổ với anh em mình. Nó cũng đã giúp mình trừ rắn độc, phát hiện biệt kích, thổ phỉ. Bây giờ trên mộ nó, phải có dòng chữ gì đó chứ để cho thế hệ sau này biết rằng, đây là mộ của một con chó, nhưng lại không phải con chó”. Mọi người ngẩn ra, không biết viết chữ gì, cuối cùng việc ghi bia mộ cho con Bà được giao cho một chiến sĩ trinh sát tên là Quý, người biết làm thơ, làm bích báo. Phải mất gần tuần sau, Quý mới đưa ra dòng văn bia: “Nơi đây, yên nghỉ một người bạn, một chiến sĩ của đồn công an vũ trang Mường Mun”.

Trong buổi họp sinh hoạt chính trị của đồn, chính trị viên đưa ra dòng chữ này và đề nghị mọi người góp ý. Nhưng tất cả im lặng. Lúc lâu sau, anh nuôi của đồn là ông Bình “già” giơ tay xin phát biểu. Ông đứng lên và chỉ nói được một câu: “Tôi đồng ý” rồi òa lên khóc. Và cũng ngay trong buổi đó, mọi người biểu quyết: “Từ nay không được ăn thịt chó”. Anh em lấy một tấm ván bào nhẵn, rồi khắc dòng chữ lên đó. Và từ khi có tấm bia mộ cho con Bà, người Hà Nhì, người Mông, người La Hủ, người Pu Péo, người Mảng ở Mường Mun, hễ đi qua mộ con Bà là lại ném một viên đá cuội... Trải qua năm tháng, ngôi mộ con chó cao lên, như một cái gò nhỏ. Khi đồn Mường Mun được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang, một cán bộ của Bộ Tư lệnh về thăm đồn. Buổi chiều tà, ông lững thững đi ra suối, khi nhìn thấy tâm bia trên mộ con Bà, ông rất ngạc nhiên. Ông gọi đồn trưởng ra và hỏi: “Tại sao chiến sĩ của mình lại không đưa vào nghĩa trang liệt sĩ của đồn”. Anh đại úy đồn trưởng kể lại câu chuyện về con Bà và cũng nói lại chuyện anh em hứa không ăn thịt chó. Ông ngồi lặng đi. Mãi hồi lâu, ông mới nói được: “Các cậu hãy làm một tấm bia đá”.

Phận chó sao mà khổ đến thế. Có những lúc được chủ chiều hết mực, được nghe bằng những ngôn từ đẫm yêu thương... nhưng chỉ cần một tiếng sủa không đúng lúc, hoặc không hợp tâm trạng chủ, là có thể bị chửi mắng, thậm chí bị ăn đòn... Nhưng giống chó chóng quên. Vừa bị chủ đánh cho chí tử, nhưng chỉ cần chủ ném cho khúc xương, thế là lại ngoe nguẩy đuôi ra nhặt khúc xương và lại nhìn chủ bằng ánh mắt tôn thờ, biết ơn.

Ông Tài cũng không hiểu tại sao con Lếch lại chăm sóc con hổ tận tình, chu đáo và mang đầy phẩm chất của một người mẹ chăm con như thế. Hầu như suốt ngày nó chỉ quanh quẩn bên con hổ và người dân ở bản hiếu kỳ đến nhà ông xem con chó nuôi hổ là nó lại quắc mắt lên rồi nhe hàm răng có hai chiếc răng nanh trắng nhởn ra dọa. Cứ nói chó nuôi con là dữ lắm, nhưng bây giờ mới biết chó nuôi hổ còn dữ hơn rất nhiều.

Chú hổ con bú rất khỏe, một mình nó bú bằng mấy con chó con. Thế nên, chẳng lâu sau con Lếch đã không còn đủ sữa cho con hổ bú nữa.

Trưởng bản Pờ Văn Minh tới ngó con hổ, rồi nói với ông Tài:

- Bây giờ ông phải cho nó ăn thêm các thứ khác đi. Con chó bé thế kia thì làm sao đủ sữa cho con hổ bú.

Ông Tài nhăn nhó:

- Anh bảo mua sữa ở đâu bây giờ?

Pờ Văn Minh nghĩ một hồi, rồi nói:

- Tôi còn một cân tam thất. Hôm này về huyện có việc, tôi sẽ bán tam thất đi, rồi mua sữa cho nó.

Sau đó, không hiểu anh trưởng bản nói gì với bà con, mà người mang đến góp mấy củ tam thất, người góp chai mật ong, người mang tới nấm hương chất đầy hai gùi lên lưng con ngựa để mang ra huyện bán. Pờ Văn Minh bán hết hai gùi toàn sản vật hiếm, mua được 12 hộp sữa bò Thống Nhất mang về.

Không biết pha sữa bò như thế nào để chú hổ con chịu ăn, ông Tài đành phải vắt sữa con Lếch ra rồi nếm thử. Thấy sữa chó nhàn nhạt, ông cũng pha sữa bò nhạt như thế để con hổ uống.

Ông Tài gọi con hổ, khi là “hổ ơi”, khi thì lại gọi “cháu ơi”, “con ơi”.

Nghe vậy, trưởng bản hỏi:

- Sao ông không đặt tên cho nó?

Ông Tài ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói:

- Ừ nhỉ? Hôm ấy bắt được nó ở bờ suối Leng, tôi sẽ đặt tên nó là con Leng.

Rồi ông bế con hổ lên, nói như thầm thì vào tai nó:

- Từ nay, con tên là Leng, con nhé... Nào! Leng ơi! Leng ơi.

Con Leng ngơ ngác nhìn ông lạ lẫm. Nhưng rồi dường như nó hiểu ra.

con ho leng ky 21
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thật kỳ lạ! Chỉ sau nửa ngày, con Leng đã quen với cái tên mới của mình. Nó đang nằm trong gầm giường hay ở chỗ nào đấy, nghe tiếng ông Tài vỗ tay nhè nhẹ và gọi “Leng ơi” là nó bò ra.

Nhưng thật không may, chả hiểu sao con Lếch bị ốm mất hai ngày và khi khỏe lại thì sữa cứ ít dần rồi mất hẳn... Bởi vì, con Leng ăn hoàn toàn bằng sữa bò mà ông trưởng bản mang đến. Ngoài sữa, ông Tài phải cho nó ăn thêm cháo loãng. Nhưng con hổ không thích cháo. Nhiều lúc ông phải cạy mồm nó ra để đổ cháo.

Một sáng, sau khi thức dậy, ông Tài nhìn thấy con Leng nằm thiêm thiếp cạnh con Lếch chẳng thấy nó ngoe nguẩy đuôi như mọi ngày. Ông gọi mà nó không dậy, ông đến lay thì nó uể oải ngóc đầu dậy nhìn ông, rồi lại nằm gục xuống.

Nghĩ là con Leng đói, ông Tài đi pha sữa, nhưng con Leng không ăn.

Ông Tài cuống quýt đi gọi mọi người ở bản tới. Nhìn con Leng nằm đó, mỗi người góp một câu, nhưng không ai biết con Leng bị bệnh gì và tại sao nó lại nằm thiêm thiếp như vậy.

Ðến buổi trưa, con Leng bỗng nhiên khỏe hơn và nhúc nhắc đi lại. Nhưng đến chiều thì nó lại nằm bệt.

Ông Tài ôm con Leng vào lòng rủ rỉ:

- Con ơi, mẹ con đã chết rồi, con cố sống với ta. Con đừng bỏ ta mà đi. Ta thương con lắm.

Như hiểu lòng ông Tài, con Leng mở đôi mắt ướt rượt vài giọt nước mắt ứa ra.

Ông Tài nói với lòng mình: “Ồ! Con Leng hiểu tiếng người, hiểu cái tình của ta. Làm thế nào để cứu được nó đây?”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới