Con hổ Leng (Kỳ 20)

Ông Tài bế hai con chó con ra ngoài, đặt con hổ con vào ổ, rồi dí mõm nó vào bầu vú của con Lếch. Hơi sữa làm con hổ con như bừng tỉnh, nó bú lấy bú để. Con Lếch thấy vậy cũng nằm im, dường như nó cũng thấy rằng mình phải có trách nhiệm đối với con hổ này. Thế là nó quay lại liếm con hổ như thể liếm hai con chó con của mình.

con ho leng ky 20 Con hổ Leng (Kỳ 19)
con ho leng ky 20 Con hổ Leng (Kỳ 18)
con ho leng ky 20 Con hổ Leng (Kỳ 17)

Sáng hôm sau, một tổ công an huyện và tỉnh đến nhà thằng Quân. Vợ hắn ra đón các cán bộ bằng cặp mắt như vô hồn. Chẳng cần chờ công an hỏi, chị đã bảo luôn:

- Nó đi rồi. Nó đi từ trưa hôm qua.

Mấy anh cảnh sát nhìn theo sững sờ, một anh hỏi:

- Nó có nói đi đâu không?

Vợ hắn bảo:

- Không biết nữa, nó chỉ bảo nó mắc tội to lắm, công an sắp về bắt nên nó bỏ trốn.

Mấy anh công an đi loanh quanh trong nhà, ngó xuống gầm giường, nhưng không phát hiện được gì cả. Chuyện thằng Quân bỏ trốn như lửa cháy lan nhanh khắp Mường Mun, ngày hôm sau, mấy nhân viên của trạm kiểm lâm Mường Mun họ rất ngạc nhiên khi thấy chai rượu vứt chỏng chơ và một đống chân hương. Mọi người đang ngơ ngác nhìn nhau không biết chuyện gì đã xảy ra ở đây, thì một người chỉ vào một gốc cây vả cổ thụ ngả ra suối: “Người chết, người chết...”. Rồi họ chạy ra gốc vả đang mắc vào sát mặt nước và họ nhận ngay ra đó là thằng Quân.

***

Trở lại chuyện ông Tài.

Ông Tài ôm chú hổ con về nhà, trong lòng thấy buồn vô hạn.

Dân bản đổ xô đến xem con hổ con bò nghều ngào ngoài sân và luôn mồm kêu gào mẹ. Tiếng kêu của hổ con cũng gần giống tiếng mèo, nhưng khàn hơn.

Một người nói:

- Ông Tài, ông không nuôi được nó đâu. Bây giờ ông mang về tỉnh để người ta giao cho vườn thú dưới Hà Nội nuôi.

Ông Tài cười nhạt:

- Ði về tỉnh mất 5 ngày đi bộ thì nó cũng chết rồi. Tôi sẽ nuôi con hổ này!

Mọi người đến nhìn con hổ bằng ánh mắt tò mò và mỗi người một ý. Người thì bảo nuôi con hổ cũng như nuôi con chó. Cứ nấu cháo loãng cho ăn là xong. Người lại bảo chưa ai nuôi sống hổ con cả, nên tốt nhất là mang ra huyện, giao cho kiểm lâm… Chẳng ai tin ông Tài có thể nuôi được con hổ. Cũng có vài người động viên ông Tài cố nuôi con hổ, trong đó có Trưởng bản Pờ Văn Minh. Anh Minh là người Hà Nhì, nhưng trừ mang họ “Pờ”, còn “Văn Minh” là tên cán bộ công an vũ trang của Ðồn Mường Mun Pờ Văn Minh bảo:

- Bác cứ cố gắng nuôi đi. Có khó khăn gì, em sẽ giúp bác. Em nghe nói ở trong miền Nam, người ta cũng nuôi được hổ đấy. Mình mà nuôi được hổ thì là mình cứu rừng Mường Mun. Rừng mà không có tiếng con hổ gầm, chỉ là rừng chết bác ạ.

Việc ở đâu nuôi được hổ, người ta mới nghe đồn đại vậy, chứ còn ở vùng Mường Mun, cách đây lâu lắm rồi cũng đã có người nuôi hổ con, nhưng được vài hôm là chú hổ con chết.

Ðó vào năm 1965, ông Lý A Sào, ở bản Gò Me, định xuống suối Gò Cứ lấy nước về dùng thì nhìn thấy một con hổ mẹ và hổ con đang ngồi bên bờ suối. Con hổ mẹ thì đang rình vồ cá, còn chú hổ con ngồi vờn đuôi mẹ. Dốc thì đứng, nên ông Sào bê một hòn đá to như cái bát ném xuống để con hổ mẹ chạy đi. Chẳng hiểu thế nào, hòn đá giáng đúng đầu con hổ mẹ. Con hổ mẹ chết, chú hổ con được ông mang về nuôi bằng sữa vắt từ con bò nhà mới đẻ, nhưng chỉ được vài hôm là nó không ăn uống gì và cứ nằm lịm đi, rồi chết.

Ông Tài ôm con hổ vào lòng và nói với con hổ con:

- Con ạ, nếu mẹ con có linh thiêng thì hãy phù hộ cho con được sống với ta. Ta sẽ nuôi con. Khi nào con lớn lên, ta lại thả con vào rừng. Rừng này mà không còn hổ thì buồn lắm. Con đừng phụ lòng ta. Hãy cố ăn! Cố mà sống.

May mắn cho ông Tài và con hổ con là đúng lúc ấy, con Lếch mới đẻ hai con chó con. Ông Tài bế con hổ con đến gần con Lếch thì con Lếch nhe nanh và gừ làm con hổ con sợ quá và bỏ chạy.

Ông Tài lại bế con hổ con lại và dỗ dành con Lếch:

- Lếch ơi, mày phải thương nó chứ. Mẹ nó chết rồi. Mày có sữa thì cho nó bú đi. Nào! Hãy nghe ông nào Lếch.

Ông cứ rủ rỉ rù rì, rồi vỗ nhẹ lên đầu con Lếch. Dường như con Lếch cũng hiểu ra nỗi lòng của ông. Nó không gừ con hổ nữa và nằm im.

Ông Tài bế hai con chó con ra ngoài, đặt con hổ con vào ổ, rồi dí mõm nó vào bầu vú của con Lếch. Hơi sữa làm con hổ con như bừng tỉnh, nó bú lấy bú để. Con Lếch thấy vậy cũng nằm im, dường như nó cũng thấy rằng mình phải có trách nhiệm đối với con hổ này. Thế là nó quay lại liếm con hổ như thể liếm hai con chó con của mình.

Đêm hôm ấy, con Lếch cũng nằm cuộn khoanh, để con hổ và hai đứa con của mình rúc vào bụng.

con ho leng ky 20
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Hóa ra giống vật cũng có lòng trắc ẩn. Giống chó vốn sợ hổ vô cùng. Chó săn, chúng đi cả bầy, nhưng chỉ nghe tiếng hổ gầm là rúm lại, cụp đuôi, rồi nhanh chóng chuồn ngay, không dám cất lên một tiếng sủa. Thậm chí, không cần nghe hổ gầm, mà chỉ ngửi thấy mùi nước đái hổ vương trên ngọn cỏ là chúng cũng không dám đi săn nữa. Ấy vậy mà con Lếch đã vượt qua nỗi sợ hãi mang tính di truyền từ tổ tiên truyền lại để nuôi con hổ. Và nó cũng yêu thương con hổ thật sự. Không chỉ cho nó bú mà con Lếch còn liếm láp vệ sinh khi con hổ con ỉa ra... Chú hổ con cũng nằm chung với hai con chó chưa mở mắt. Chỉ khổ nỗi, con hổ tuy vẫn còn bú nhưng đã to bằng chú chó nhỡ. Nhiều lúc nó ngủ say, đè lên chó con, thế là chúng lại kêu oăng oẳng làm con Lếch phải ủi con hổ ra.

Ðược mấy hôm chẳng hiểu sao, một con chó con lăn ra chết. Con Lếch thấy con chết. Nó rít lên ư ử, chạy vòng quanh và cứ hít cái xác lạnh dần. Ánh mắt nó cụp xuống buồn bã… Nhưng rồi như chợt nhớ ra mình còn phải có bổn phận trông nom con hổ và đứa con còn lại, con Lếch nhanh nhẹn hẳn lên. Nó càm xác đứa con yểu mệnh mang ra góc vườn, nó lấy hai chân trước bới như điên cuồng để đào huyệt cho con. Rồi nó đặt xác con xuống, gạt đất lấp lên. Khi đất đã đầy huyệt, nó nằm xuống như muốn để xóa đi dấu vết của ngôi mộ nhỏ. Nó đi vòng quanh ba lần rồi ngửa mặt lên trời tru lên một tiếng dài bất tận… rồi lủi thủi đi về.

Thấy con Lếch về, con hổ con nhao ra đòi bú, còn con chó con vẫn nằm bẹp một góc. Nhìn thấy con nằm như vậy, con Lếch hiểu ngay là số phận nó cũng lại giống đứa con mà nó vừa chôn xong. Nó đến bên đứa con đang đi dần vào cõi chết, rồi quay ra, buồn bã nằm xuống cho con hổ bú.

Ông Tài đang ở ngoài suối đang bắt cá thì nghe tiếng con Lếch tru thảm thiết… Ông giật bắn người, nhảy lên bờ và cắm đầu cắm cổ chạy về nhà. Ông biết lắm, chó nhà thì không mấy khi tru lên như chó sói… Nó chỉ cất lên tiếng tru thảm thiết khi có điều đau đớn đến cùng cực xảy ra với nó. Lúc sáng, ông đi ra suối, vẫn thấy nó cho con hổ bú… Và ông chợt nhớ là lúc ấy, ông không nhìn thấy hai con chó con đâu… ông chỉ thoáng nghĩ là chúng đang rúc ở đâu đó. Bây giờ, nghe con mẹ tru như vậy, chắc chắn có điều gì không may xảy ra với đàn con của chúng.

Ông Tài chạy như cơn gió ập vào nhà.

Thấy ông Tài về, con Lếch vẫn đang cho con hổ bú chỉ hơi ngóc đầu dậy, rồi lại nằm vật xuống.

Ông Tài đến bên nó, dỗ dành: “Sao thế con? Có chuyện gì vậy”. Con Lếch ngước đôi mắt ngấn nước nhìn ông rồi quay đầu về hướng con chó con đang sắp chết. Ông Tài hiểu ra. Ông đến bên chú chó con và thấy nó đã chết. Ông Tài quay lại hỏi con Lếch: “Còn đứa nữa đâu?”. Con Lếch vùng dậy, đi ra vườn. Ông tài đi sau nó và đến chỗ mảnh đất nhỏ vẫn còn mới tinh vết cào bới lộn xộn, nó dừng lại. Ông Tài hiểu ra. Ông lấy tay bới đất và lôi xác của con chó con mà mẹ nó vừa chôn xong lên rồi ông vào bếp lấy ra cái xẻng, đào cho huyệt sâu thêm, vuông vức. Ông lấy một đoạn ống bương to bỏ xác hai con chó vào rồi đặt xuống… Con Lếch nhìn ông Tài chôn hai đứa con của mình một cách chăm chú và ánh mắt pha vẻ tò mò. Ông Tài đắp mộ cho hai con chó thành nấm. Rồi ông đứng chắp tay, khấn lầm rầm: “Số các con không may, yểu mệnh… ta buồn lắm. Thôi, các con hãy nằm ở đây. Giúp ta giữ nhà, giữ rừng”. Khấn xong, ông vái ba vái cẩn thận rồi quay về. Con Lếch đứng nhìn ngôi mộ một lát rồi chạy theo ông Tài. Nó vượt lên trước rồi chặn ông lại nhìn ông bằng ánh mắt biết ơn…Và rồi như chỉ trong khoảnh khắc, nó thay đổi thái độ. Ánh mắt nó lóe sáng, mọi sự đau khổ như đã lùi lại rất xa. Cái đuôi nó lại ve vẩy và bước chân nó đã tung tăng hơn.

Chuyện chó con bị chết đột tử ông Tài chả lạ gì. Mà ở vùng rừng thiêng nước độc, thâm sơn cùng cốc này, có nhiều cái chết của cả con người lẫn loài vật mà không ai có thể giải thích nổi.

Có người bị sốt nhẹ buổi sáng, buổi trưa đã lăn ra chết. Có người buổi tối vẫn ăn uống, vẫn hát hò vui vẻ, nhưng sáng hôm sau đã thấy lạnh cứng trên giường.

Có đàn gà hàng chục con, đang rất khỏe mạnh… nhưng chỉ một ngày lăn ra chết sạch.

Có đàn vịt, đang yên đang lành, bỗng như lên cơn điên, nối đuôi nhau lao xuống ao và… chết đuối.

Còn giống chó cũng vậy.

Hồi còn làm lính công an vũ trang, ông Tài từng chứng kiến đàn chó 5 con mới được bốn tuần tuổi, chết chỉ trong một ngày.

Nhìn con hổ bú, hai chân thúc liên hồi vào bụng con Lếch, ông Tài thấy là lạ, tự dưng một cảm giác tâm linh dấy lên trong ông? Phải chăng hai con chó kia chết là để nhường bầu sữa ít ỏi cho con hổ? Chả lẽ số mệnh của con hổ lại gắn với con Lếch đến thế ư?

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong

/ Năng Lượng Mới