Câu chuyện Hồ Gươm bị “tàn sát” sau đêm giao thừa, một số điểm vui chơi, giải trí thành bãi rác sau khi các cuộc chơi kết thúc. Một chuyện nói đi, nói lại không biết bao lần. Từ chuyện này nghĩ chuyện ồn ào của một bộ phận người Việt.
Chúng ta có nhiều điều để tự hào về chính mình, điều đó rõ rồi, được khẳng định bao đời nay rồi. Nhưng, có không ít điều xấu xí, mà điển hình là văn hóa nơi công cộng.
Nếu ở trong nước, sống chung với ồn ào, thỏa hiệp, chịu đựng với ồn ào nơi công cộng đến mức quá quen, thì đi ra nước ngoài, đến một số nước văn minh, khi có đối sánh, mới thấy xấu hổ. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận, thậm chí là một bộ phận nhỏ, nhưng sự mang tiếng xấu thì không chỉ mỗi bộ phận nhỏ này.
Thời đi học ở nước ngoài, lớp tôi có mấy chục người, khi băng qua các lớp đang học, lúc nào thầy giáo cũng đưa tay lên miệng, suỵt suỵt ra hiệu trật tự, giữ im lặng. Thế nhưng, vẫn cười nói, vẫn chỉ trỏ, cứ oang oang như chốn không người. Nhiều sinh viên bản địa, thò cổ ra nhìn xem có hiện tượng lạ nào ngoài cửa sổ. Vào lớp, bao giờ thầy cũng nhắc tắt điện thoại, nhưng chẳng có buổi học nào mà chuông từ túi quần ai đó không réo lên.
Rồi một chuyến công cán khác, có lần 5h sáng bước chân đến sân bay quốc tế một quốc gia Trung Đông. Có cả hàng ngàn người, ngăn nắp, lặng phắc, xếp hàng chờ đến lượt làm thủ tục. Một nhóm người Việt băng qua nhiều hàng người để đến chỗ làm thủ tục nhập cảnh, loẹt quẹt tiếng giầy dép, xôn xao tiếng cười nói, rôm rả chỉ trỏ, cười hô hố, đủ loại âm thanh từ nhúm người bé nhỏ, làm náo loạn ở sân bay.
“Tàn sát” Hồ Gươm chỉ sau một đêm, sạch sẽ chỗ mình, bẩn chỗ khác, là biểu hiện của sự xấu xí, ngày càng khó hòa nhập, từ thói quen coi thường nơi công cộng, như cái việc làm ồn kia vậy, cũng ô nhiễm cả. Chúng ta hằng ngày phàn nàn, phán xét thiếu ý thức này nọ, nhưng khi hòa vào đám đông lại làm điều ngược lại, vì cái lối nghĩ “chắc ai cũng làm thế”, “chỉ mỗi mình, giải quyết được gì đâu”…
Sẽ chẳng có gì thay đổi, sẽ chỉ là đòi hỏi, than phiền, trông chờ vào một giải pháp từ ai đó, từ một cơ quan nào đó, từ phép màu nào đó, trong khi chính mình hành động ngược lại. Xã hội chỉ tốt đẹp lên, xây đắp từ những hành động đẹp của mỗi người.
Đừng quét rác ra khỏi chân mình, đừng đẩy rắc rối khỏi nhà mình rồi mặc cộng đồng, để rồi lại ngồi đó than phiền, phê phán về một xã hội đâu đó chưa như ý của mình.
Những người có mặt ở Hồ Gươm đêm giao thừa, những ai xả rác ở các điểm vui chơi, đang nghĩ gì khi nhìn thấy những hình ảnh đáng xấu hổ trên báo chí? Có khi trên facebook, trên mạng xã hội, những người đó đang gõ phím than phiền, phê phán, đau khổ, xấu hổ vì những điều “không chấp nhận được”.
Rác ngập phố đi bộ và những thanh niên chỉ biết đẹp mặt mình
Dàn “nam thanh nữ tú” xúng xính váy áo check-in trong lễ đếm ngược chào năm 2018 đã tạo thêm việc cho các cô chú ... |
Vì sao vườn hoa ở Hồ Gươm bị san phẳng, ngập rác sau Tết Dương lịch?
Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, sau lễ đón năm mới, Hồ Gươm hay những khu vui chơi tại đồng bằng, miền núi ... |