Chuyên gia Mỹ-Trung tranh cãi ở hội thảo Biển Đông

Tại hội thảo quốc tế về Biển Đông , ý kiến của chuyên gia Trung Quốc về một số diễn biến trong khu vực bị phản bác.

Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 13 thu hút đông đảo sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Trong hai phiên đầu của hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng tình hình Biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, với những vấn đề lớn vẫn chưa được giải quyết. Điểm tích cực là các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam luôn đưa ra phản ứng kịp thời và có trách nhiệm.

Các xu hướng trên Biển Đông diễn biến phức tạp

Các diễn giả nhận xét trong tình hình toàn cầu đang thay đổi, trật tự khu vực cũng gặp nhiều thách thức và Biển Đông không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, trước quan ngại về căng thẳng có thể leo thang ở Biển Đông, EU luôn ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, ủng hộ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cũng như tiến trình đàm phán bộ quy tắc ứng xử của ASEAN.

Chuyên gia Mỹ-Trung tranh cãi ở hội thảo Biển Đông - 1
Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 13.

Chuyên gia Derek Grossman, nhà phân tích từ RAND, Mỹ, nhắc lại những sự kiện đã gây căng thẳng trên Biển Đông, kể từ năm 2009 khi Trung Quốc tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò phi pháp, đến việc Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể nhân tạo hay ban hành luật hải cảnh và những hành động đơn phương khác. “Tất cả điều này để nói là sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là một xu thế đáng lo ngại, đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực”, ông nói. Mỹ trong khi đó cũng thúc đẩy các hoạt động quân sự riêng, tổ chức tập trận ở Biển Đông.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, tín hiệu tích cực là các bên, như Việt Nam, đã phản ứng có trách nhiệm khi liên tục nhấn mạnh UNCLOS là cơ sở để giải quyết các vấn đề; hay Malaysia đã gửi công hàm. Bắc Kinh những ngày gần đây cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Dù vậy ông chưa tỏ ra lạc quan vì “cá nhân tôi nghĩ các bên còn nhiều khác biệt”.

Phó Đô đốc Yoji Koda (đã nghỉ hưu), cựu Tư lệnh Hạm đội Phòng vệ Nhật Bản (JSDF), nhận xét 3 vấn đề lớn ở Biển Đông - bao gồm những tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, các tranh chấp lãnh thổ và việc sử dụng vùng biển cả quốc tế (high-sea) - vẫn chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, ông khẳng định Mỹ, Nhật Bản hay Ấn Độ không phải là “người ngoài cuộc” trong các vấn đề Biển Đông.

Học giả Mỹ - Trung tranh cãi

Ông Ding Duo, chuyên gia Trung Quốc bình luận rằng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc – mà “Mỹ khởi xướng và sau đó kéo theo một số nước bên ngoài” – đã gây căng thẳng trong khu vực. Theo Duo, Trung Quốc cho rằng các quan hệ đối tác như QUAD và AUKUS là những bước đi chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc ở châu Á.

Phản hồi phát biểu của chuyên gia Mỹ, học giả Trung Quốc cho rằng các “hành động đơn phương” được nhắc đến chỉ là phản ánh của tình trạng mâu thuẫn đang diễn ra và chừng nào các mâu thuẫn chưa được giải quyết theo luật pháp quốc tế, các bên nên tránh leo thang căng thẳng và tránh “cường điệu hóa” các tác động.

Học giả Mỹ phản đối và cho rằng dù Trung Quốc liên tục nói ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ nhưng lại không đồng ý với phán quyết của tòa trọng tài năm 2016. Bên cạnh đó học giả này cũng chỉ trích việc Bắc Kinh “đe dọa” hàng xóm và nhấn mạnh Mỹ đang cố gắng đẩy lùi những hành động này, và không chỉ về quân sự mà còn cả kinh tế và chính trị.

ASEAN và các thách thức

Theo ông Yoji Koda, khi các quốc gia ASEAN tham gia đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cần xem xét các yếu tố cả trong và ngoài khu vực. COC cần phù hợp với UNCLOS vì những thủy thủ trên biển sẽ không muốn có quá nhiều các bộ quy tắc, cũng như cần xét đến vai trò của các “điểm nghẹt” (choke point) quan trọng.

Chuyên gia Mỹ-Trung tranh cãi ở hội thảo Biển Đông - 2
Ông Yoji Koda.

Theo cựu Ngoại trưởng Indonesia Natalagewa, Trung Quốc và ASEAN đã có nhiều năm đàm phán, và bên cạnh việc giảm căng thẳng thì đây là một quá trình dài đòi hỏi nỗ lực ngoại giao liên tục. “ASEAN đã làm điều này trong suốt thập kỷ qua, không chỉ ở Biển Đông mà còn ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Đại biểu cho rằng ASEAN đã có nhiều cơ chế và mô hình để giải quyết các vấn đề liên quan đến khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), có cả sự tham gia của Australia, New Zealand và Ấn Độ. “Câu hỏi là đứng trước các thách thức mới chúng ta đang đối mặt hôm nay thì những mô hình này cần phù hợp với mục đích như thế nào?”

Về bản chất, khi ASEAN đứng trước những thay đổi địa chính trị, cần phải có cách tiếp cận toàn diện không chỉ phụ thuộc vào thay đổi đó. Những thay đổi này ngoài liên quan đến quan hệ Mỹ-Trung còn có thể là Ấn-Trung hay Nhật-Trung, và bao phủ trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, thương mại, tài chính, hoặc thậm chí các lĩnh vực hợp tác chung như chống dịch bệnh, ông nói.

Hội thảo Biển Đông 13: "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn" Hội thảo Biển Đông 13: "Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn"

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ ...

/ vtc.vn