Nghi phạm khủng bố ở Nga có thể đối mặt với án tử ở Belarus?

Sau vụ tấn công khủng bố chết người tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô Matxcơva, một số chính trị gia Nga đang tranh luận về đưa các nghi phạm ra xét xử ở Belarus, quốc gia vẫn áp dụng án tử hình. Nhưng việc này không đơn giản như vậy.

Có ý kiến cho rằng nên đưa các nghi phạm khủng bố ở Nga ra xét xử ở Belarus, quốc gia vẫn áp dụng án tử hình, nhưng việc này không đơn giản

Có ý kiến cho rằng nên đưa các nghi phạm khủng bố ở Nga ra xét xử ở Belarus, quốc gia vẫn áp dụng án tử hình, nhưng việc này không đơn giản

Vụ tấn công khủng bố vào nhà hát Crocus City Hall hôm 22-3 đã làm dấy lên cuộc tranh luận về việc áp dụng lại án tử hình ở Nga. Đây là một sự việc nghiêm trọng khiến dư luận không khỏi phẫn nộ khi đã có 140 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương. Nhưng việc khôi phục hình phạt tử hình có nghĩa là phải thay đổi Hiến pháp hiện hành.

Tội phạm khủng bố thoát án tử hình?

Hơn 10 đối tượng đã bị bắt sau vụ tấn công nói trên, trong đó 4 người được cho là thủ phạm trực tiếp gây án. Ở Nga, chúng phải đối mặt với mức án tối thiểu là 15 năm tù nhưng có thể bị tù chung thân. Như một giải pháp tiềm năng, một số chính trị gia Nga đang đề xuất chuyển những kẻ tình nghi khủng bố đến Belarus, nơi thủ phạm có thể bị xử tử. Belarus là quốc gia duy nhất ở châu Âu và Liên Xô trước đây vẫn áp dụng hình phạt tử hình.

Người đầu tiên lên tiếng ủng hộ việc khôi phục án tử hình là ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống, hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga. Ông Vladimir Vasilyev, Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất cầm quyền tại Duma Quốc gia cũng cho biết, vấn đề này sẽ được xem xét tại Hạ viện và quyết định sẽ được đưa ra “phù hợp với mong đợi của công chúng”.

Thượng nghị sĩ Andrey Klishas cũng cân nhắc về cuộc tranh luận, cho rằng ngay cả khi lệnh cấm được dỡ bỏ, vẫn không thể áp dụng hình phạt tử hình vì khủng bố không thuộc loại trường hợp ngoại lệ được phép trước khi có lệnh cấm. Bà Maria Butina - thành viên Duma Quốc gia đã đề nghị chuyển những thủ phạm bị nghi ngờ sang Belarus. Bà chỉ ra rằng, Belarus và Nga là “quốc gia liên minh”, có nghĩa là Belarus có quyền xét xử các bị cáo như Liên bang Nga, vì các công dân Belarus cũng thiệt mạng trong vụ tấn công. “Các bị cáo tin rằng họ có thể thoát khỏi án tử hình nhờ lệnh cấm ở Nga. Nhưng chúng ta sẽ thấy, vì các cuộc đàm phán đang được tiến hành”, bà Butina nói với Đài truyền hình Nhà nước Belarus1. Tuy nhiên, đến nay, cả chính quyền Nga và Belarus đều chưa xác nhận các cuộc đàm phán như vậy.

Việc chuyển giao nghi phạm là khó xảy ra

Để một vụ án được xét xử tại tòa án Belarus, việc điều tra phải do các quan chức địa phương tiến hành. Bà Maria Kolesova-Gudilina, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Belarus, không tin rằng chính quyền Nga sẽ giao cho người Belarus một vụ án quan trọng như vậy vì điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền kiểm soát thủ tục tố tụng. Hơn nữa, một phiên tòa như vậy sẽ đặt ra câu hỏi về chủ quyền của cả hai quốc gia. “Người ta sẽ tự hỏi liệu Nga, với tư cách là một quốc gia độc lập và tự trị, có thể giải quyết các vấn đề an ninh và công lý trong biên giới của chính mình hay không”, bà Maria Kolesova-Gudilina nói.

Thỏa thuận pháp lý giữa Nga và Belarus nói đến sự hợp tác của hai bên trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng không nêu rõ cơ chế chuyển giao các vụ án hình sự giữa hai quốc gia. Vì công dân Belarus cũng thiệt mạng trong vụ tấn công ở Matxcơva nên Belarus có thể yêu cầu dẫn độ các nghi phạm. Nhưng sau khi dẫn độ, những cá nhân đó sẽ không thể bị truy tố ở Nga nữa.

Bà Kolesova-Gudilina cho rằng, việc dẫn độ khó có thể xảy ra vì vụ tấn công diễn ra trên lãnh thổ Nga và hầu hết nạn nhân là công dân Nga. Luật sư này nói thêm rằng, Nga cũng đã phê chuẩn Công ước Chisinau, cấm chuyển giao ai đó nếu họ có nguy cơ phải chịu án tử hình. Như vậy, nếu Belarus yêu cầu dẫn độ, nước này phải đảm bảo với Matxcơva rằng các bị cáo sẽ không bị xử tử và nhiều nhất chỉ nhận mức án chung thân.

Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra. Ví dụ, vào năm 2022, Nga đã dẫn độ thành viên băng đảng Sergei Derbenev đến Belarus, nơi anh ta bị kết án 15 năm tù vì tội giết nhiều người. Đây là mức án tối đa mà tòa án Belarus có thể áp dụng. Vì Derbenev đã bị dẫn độ khỏi Nga nên Văn phòng Tổng công tố Belarus đã đảm bảo rằng họ sẽ không yêu cầu án tử hình.

Bà Kolesova - Gudilina cũng tin rằng việc chuyển giao bất hợp pháp những kẻ bị cáo buộc khủng bố sang Belarus là khó xảy ra. “Ngay cả khi người ta cho rằng chúng sẽ được thả ở biên giới với Belarus, thủ tục tố tụng chống lại bị cáo ở Nga sẽ phải bị hủy bỏ. Do tính chất của vụ việc, khó có khả năng chính quyền Nga sẽ đồng ý với điều này”, bà nói.

https://www.anninhthudo.vn/nghi-pham-khung-bo-o-nga-co-the-doi-mat-voi-an-tu-o-belarus-post574532.antd

Yến Chi / ANTD