- "Bom nợ" Evergrande chực chờ vỡ, nhiều công ty bất động sản Trung Quốc điêu đứng
- Trung Quốc: Căng thẳng Evergrande rồi sẽ qua, "thịnh vượng chung" ở lại
- "Bom nợ" Evergrande hủy kế hoạch bán 2,6 tỷ USD cổ phần trả nợ
Trong khi Evergrande vẫn nỗ lực vớt vát tình hình thua lỗ và chưa bị tòa án tuyên phá sản, một số chủ nợ đã nhanh tay giành phần.
Nội dung chính:
- Nhiều tài sản của Evergrande đã bị chủ nợ chiếm giữ dù chưa tuyên bố hay bị tòa tuyên phá sản.
- Một nhóm chủ nợ nước ngoài đề nghị Chủ tịch Evergrande dùng tài sản riêng để trang trải nợ, một chủ nợ khác nộp đơn ra Tòa án Tối cao Hồng Kông yêu cầu phát mại tài sản của Evergrande.
- Giải pháp Evergrande đưa ra vẫn là hàng đổi hàng và giãn thời hạn thanh toán lãi vay.
Từng là niềm tự hào của ngành bất động sản Trung Quốc, Tập đoàn Evergrande giờ đây phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ lên tới hơn 300 tỷ USD (tương đương 1,7% GDP quốc gia này năm 2021) với các chủ nợ trong và ngoài nước.
Những kẻ nhanh tay
Tới thời điểm hiện tại, Evergrande vẫn chưa tuyên bố phá sản hay bị tòa tuyên phá sản. Tuy nhiên, Tập đoàn đã mất quyền kiểm soát đối với một số tài sản giá trị lớn của mình, trong đó có tòa nhà trụ sở ở khu Wan Chai, Hồng Kông.
Tòa nhà trụ sở của Evergrande ở Hồng Kông. Ảnh: Kyle Lam/Bloomberg
Theo nguồn tin của Financial Times, vào tháng Chín, tòa cao ốc 26 tầng được định giá từ 1,02 - 1,15 tỷ USD đã bị một nhóm ngân hàng trong nước đứng đầu là China Citic Bank International chiếm giữ. Tòa nhà sau đó được chỉ định giao cho công ty tư vấn tái cấu trúc Alvarez & Marsal mang bán đấu giá.
Bất động sản này được cho là có liên quan đến khoản vay thế chấp gần 1 tỷ USD của Evergrande tại nhóm ngân hàng kể trên.
Theo nguồn tin của Financial Times, hồi tháng Chín năm ngoái khi Evergrande bắt đầu không trả được lãi trái phiếu đến hạn, Citic Bank đã trấn an cổ đông của mình rằng những khoản cho Evergrande vay đều được thế chấp bằng tài sản đảm bảo có giá trị.
Do vậy, tòa nhà trụ sở bị chiếm giữ có thể là tài sản đảm bảo được nói đến ở đây. Cả Evergrande, Citic Bank và Alvarez & Marsal đều không phản hồi về vụ việc, Financial Times cho biết.
Hạn cuối nhận hồ sơ đấu giá tòa nhà là ngày 31/10 tới đây, theo nguồn tin của Reuters. Tiền thu được sau phiên đấu giá dự kiến dùng để trả cho nhóm ngân hàng nói trên, nên phần còn lại cho Evergrande và các trái chủ nước ngoài sẽ không còn là bao.
Dù vậy, nhóm chủ nợ trên vẫn chưa tranh thủ bằng quỹ đầu tư chuyên mua nợ xấu Oaktree Capital của Mỹ.
Hồi đầu năm nay, hai tài sản tổng trị giá 1 tỷ USD của Evergrande cũng lần lượt bị quỹ này âm thầm thu giữ. Một là dự án Project Castle rộng tới 204 nghìn m2 mà Evergrande dự định xây dựng 268 căn biệt thự cao cấp tại Hồng Kông. Hai là dự án nghỉ dưỡng Venice ở Trung Quốc đại lục.
Góc trên cùng bên trái là lô đất 204 nghìn m2 của Project Castle. Ảnh: SCMP chụp từ Google Map
Trong khi hầu hết trái chủ nước ngoài của Evergrande có thể chỉ thu được xu lẻ trên khoản nợ tổng 20 tỷ USD, Oaktree có thể kiếm lời hơn 200 triệu USD nếu bán thành công hai mảnh đất này.
“Chúng tôi chỉ thực hiện quyền của mình với tài sản đảm bảo, thông qua rất nhiều hợp tác và thương lượng”, nhà sáng lập Oaktree Howard Marks nói.
Theo tìm hiểu của Financial Times, trong số các trái chủ quốc tế còn lại của Evergrande, có tên các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới như BlackRock, Ashmore, Prudential và BNP Paribas. Không nhanh tay giành phần, họ phải vắt óc nghĩ ra cách thu hồi số tiền đầu tư.
Đề nghị trả nợ bằng tài sản cá nhân
Theo tư vấn của hãng luật Kirkland & Ellis và ngân hàng đầu tư Moelis & Co, một nhóm trái chủ quốc tế đã đề nghị Evergrande phát hành lô trái phiếu mới và chủ tịch Tập đoàn - tỷ phú Hứa Gia Ấn, bỏ tiền riêng mua lại lô trái phiếu này, rồi lấy số tiền đó trả lại cho họ, theo nguồn tin của Financial Times hồi cuối tháng Tám.
Tài sản của ông Hứa Gia Ấn, dù đã co lại rất nhiều, nhưng hiện vẫn còn hơn 6 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg. Ông đã rao bán nhiều tài sản cá nhân để trang trải lãi vay, bao gồm nhiều máy bay riêng và dinh thự của gia đình trị giá 227 triệu USD ở khu vực đắt giá nhất London (Anh).
Theo người cung cấp tin cho Financial Times, đề nghị của nhóm chủ nợ nước ngoài là hợp lý vì ông Hứa đã “hút được cả đống tiền từ doanh nghiệp”.
Đây được coi là đề nghị sơ khởi để đưa ra giải pháp mang tính xây dựng hơn, thay vì kiện ra tòa án yêu cầu phát mại tài sản của Evergrande nhằm đòi lại 110 triệu USD như cách làm của quỹ đầu tư Top Shine Global. Evergrande cho biết sẽ sẽ quyết liệt chống trả đơn kiện trên tại tòa Hồng Kông vào tháng 11 tới.
Theo Ronald Thompson, một giám đốc của Alvarez & Marsal, tại Hồng Kông, “việc kiện ra tòa có thể khiến chủ nợ và doanh nghiệp thương thảo nghiêm túc hơn hoặc tìm giải pháp thông qua tố tụng”.
Tuy nhiên, nếu tòa ra quyết định phát mại, công ty sẽ mất quyền kiểm soát và bị tịch thu tài sản để phân chia cho chủ nợ. Việc yêu cầu phát mại chứng tỏ chủ nợ nước ngoài đã hết hy vọng vào quá trình tái cấu trúc của doanh nghiệp.
Dù vậy, Evergrande khó lòng đồng ý yêu cầu lấy tiền từ trái phiếu mới phát hành để trả nợ, vì Tập đoàn vẫn ưu tiên vốn để hoàn thành các dự án xây dựng đang dang dở.
“Ưu tiên hàng đầu sẽ là bảo vệ những người mua nhà đã trả tiền Evergrande nhưng vẫn chưa nhận được căn hộ”, theo Wei He, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics.
Các trái chủ của China Evergrande Group được đề nghị đổi trái phiếu của mình bằng cổ phiếu của hai công ty con niêm yết tại Hồng Kông là Evergrande Property Services và Evergrande New Energy Vehicle. Như vậy, kế hoạch trả nợ Evergrande vạch ra vẫn là “hàng đổi hàng”, bên cạnh việc kéo dài thời hạn thanh toán.
https://markettimes.vn/chua-tuyen-bo-pha-san-tai-san-evergrande-da-bi-chu-no-xau-xe-6464.html