Chưa... nghĩ ra quy định chung về cấp phép ca khúc

Những vấn đề “nóng” như cấp phép ca khúc, quản lý ca khúc trên mạng, quy định về thuần phong mỹ tục... đã được đưa ra trong hội thảo chuyên đề Hoạt động sáng tác, lưu hành tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc trong thời kỳ hội nhập, phát triển hiện nay.

Hội thảo do Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) tổ chức, diễn ra vào ngày 31.10 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) Vương Duy Biên cho biết những ý kiến tại cuộc hội thảo sẽ được tham khảo để sửa đổi Nghị định 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu, lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, cũng như Nghị định 15/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 79/2012/ NĐ-CP.

Cấp phép ca khúc trước năm 1975: Chưa có quy định chung

Một trong những vấn đề được đưa ra “mổ xẻ” nhiều nhất là việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 vừa gây nên những dư luận trái chiều. Ông Phạm Sỹ Cần, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Hải Dương, cho rằng nên “nhặt sạn” những bài hát cấm, tức là công chúng chỉ cần tra bài hát đó có bị cấm hay không để hát. Trong khi đó, một số đại biểu cho rằng không thể đưa ra danh sách ca khúc cấm vì dễ gây tâm lý tò mò và vô tình quảng bá cho những ca khúc cấm này. Về việc này, ông Vương Duy Biên nhìn nhận: “Không thể kiểm soát hết danh sách ca khúc cấm”. Khi được hỏi về biện pháp kiểm soát có thể thắt chặt hậu kiểm, ông Biên nói: “Có những cái nhạy cảm không thể hậu kiểm được. Khi cơ quan lên danh sách, có thể hôm sau có người hát ca khúc mà mình không kiểm soát được. Nhiều ca khúc còn “đọng lại” ở nhà dân, người ta không muốn, hoặc chưa thích công bố”.

Hiện việc xin cấp phép bài hát được giao về địa phương

Vừa qua, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (NT-BD) đã nghiên cứu đề xuất phân cấp cấp phép bài hát cho địa phương. “Từ sau khi thấy cấp phép bài hát có bất cập, và có văn bản chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, mình sẽ mềm mại hơn. Trước mắt, khi chưa thay đổi nghị định, khi các đơn vị, cá nhân có nhu cầu cấp phép bài hát, chúng tôi xem xét nếu thấy nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, văn hóa của VN, sẽ đề nghị đơn vị xin phép tại địa phương. Sở nào cũng sẽ làm được”, ông Biên nói. Tuy nhiên, trước ý kiến về việc dựng quy định chung về cấp phép bài hát để các địa phương căn cứ vào đó thực hiện chứ không thể “mỗi nơi một phách”, ông Vương Duy Biên cho rằng nơi nào cũng như nhau, còn quy định chung thì đến giờ vẫn chưa… nghĩ ra.

Trong khi đó, nhạc sĩ Đinh Công Thuận, Chánh văn phòng Hội Nhạc sĩ VN, lại đặt ra vấn đề trong nghị định mới cần xem xét lại việc có cần cấp phép hay không đối với những tác phẩm nghệ thuật trước năm 1975. Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến đưa ý kiến nên bỏ quy định cấp phép đối với những tác phẩm như vậy. Theo nhạc sĩ Đinh Công Thuận, nếu nghị định vẫn quy định cần cấp phép thì phải rõ ràng để tránh gây ra những dư luận trái chiều, ảnh hưởng đến công chúng.

Khó với quy định “trái thuần phong mỹ tục”

Ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Nghệ thuật Sở VH-TT Hà Nội, cho hay một trong những cái khó của đơn vị cấp phép là việc thẩm định tác phẩm. “Bài hát không có nội dung gì vi phạm về chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước thì chúng ta phải cho biểu diễn. Nhưng có khi bài hát đó hạn chế về nghệ thuật, như có lời lẽ ngô nghê thì lại không thể kiểm soát được”, ông Trực nói. Ngoài ra, một trong những cái khó khác của các nhà quản lý, theo ông Lê Minh Tuấn, Cục phó Cục NT-BD là sự phát triển mạnh mẽ của internet cùng với việc lưu hành các tác phẩm sáng tác trên mạng hiện nay. “Sự phát triển này yêu cầu cần có sự điều chỉnh của các nhà quản lý”, ông Tuấn nói.

Trong văn bản pháp luật thường đưa ra quy định cấm trái với thuần phong mỹ tục, nhưng xác định như thế nào là trái thuần phong mỹ tục là câu hỏi được đưa ra trong hội thảo, cũng như lâu nay trong xã hội. Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo, ông Vương Duy Biên cho hay: “Chả nước nào quy định được, chả riêng gì là VN”.

Ông Biên cho rằng việc này cần phải trông mong vào dân trí cao lên, ý thức người dân tốt lên, trách nhiệm của nghệ sĩ khi ra trước công chúng phải được nâng lên, ngay cả báo chí thấy trường hợp nào lố lăng, phản cảm thì lên án, nâng cao nhận thức chung của xã hội.

Ca khúc Việt được dùng làm nhạc phim Hollywood \'Sinh nhật chết chóc\'

Nhà sản xuất "Sinh nhật chết chóc" đã liên hệ với nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng về việc sử dụng "Số nhọ" trong phim sau ...

Nhạc sĩ \'Em gái mưa\': Ai nghe nhạc tôi có thể chọn được người yêu

"Khi buồn, người ta có xu hướng chọn những ca khúc vui vẻ, yêu đời để vực dậy tinh thần. Còn những khi cần sự ...

200 triệu đồng/bài mà dở cũng bằng không!

Lâu nay, dư luận chỉ chú ý đến cát sê của ca sĩ mà không biết rằng, các nhạc sĩ đang nổi cũng được đặt ...

https://thanhnien.vn/van-hoa/chua-nghi-ra-quy-dinh-chung-ve-cap-phep-ca-khuc-895481.html

/ Theo Ngọc An/báo Thanh niên