Lâu nay, dư luận chỉ chú ý đến cát sê của ca sĩ mà không biết rằng, các nhạc sĩ đang nổi cũng được đặt hàng với mức giá khá “khủng”, từ 50 triệu đến 200 triệu đồng cho một ca khúc.
Lâu nay, dư luận chỉ chú ý đến cát sê của ca sĩ mà không biết rằng, các nhạc sĩ đang nổi cũng được đặt hàng với mức giá khá “khủng”, từ 50 triệu đến 200 triệu đồng cho một ca khúc.
Vừa qua, nhạc sĩ Tiên Cookie lên tiếng về tin đồn “mức cát sê 100 triệu 3 bài hát”, người ta mới giật mình vì các nhà sản xuất nhạc bây giờ cũng thu về khá bộn tiền, không thua kém ca sĩ.
Đầu tư “khủng” vào công nghệ làm nhạc
Trong thời buổi khan hiếm ca khúc tạo hit, các ca sĩ bằng mọi giá đặt hàng các nhạc sĩ ăn khách, những người chịu khó đầu tư vào công nghệ làm nhạc để cho ra sản phẩm gây chú ý với khán giả. Chính vì thế mới có chuyện Hương Tràm thổ lộ trên sóng truyền hình, rằng cô đặt hàng ca khúc cho Tiên Cookie 2 năm vẫn… chưa có.
Nhiều nhạc sĩ không ít lần lỗi hẹn với các ca sĩ chỉ vì họ quá bận bịu với nhiều dự án khác mà không thực hiện nổi đơn đặt hàng.
Tuy không nói rõ cát sê của mình là bao nhiêu, nhưng Tiên Cookie cho biết cô cảm thấy bị tổn thương khi bị coi nhạc của mình như món hàng sỉ trong chợ nhạc. Cũng có thể, mức cát sê của cô có khi còn cao hơn (tùy trường hợp), và cũng có thể nhạc sĩ biếu không cho ca sĩ nếu thích.
Ngay sau đó, Slim V - nhà sản xuất có cát sê cao nhất làng nhạc Việt hiện nay cũng lên tiếng trên mặt báo là mức cát sê của anh dao động từ 2.500 USD (hơn 50 triệu đồng) đến 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng). Điều này còn tuỳ thuộc vào từng dự án.
Riêng với dự án lớn như ca khúc “Phượng hoàng lửa” của Thu Minh, chi phí của Slim V vào tầm 10.000 USD, là tác phẩm âm nhạc thị trường hiếm hoi hiện nay kết hợp giữa nhạc giao hưởng và EDM.
Người ta tìm đến nhà sản xuất ăn khách này, vì anh chịu khó cập nhật và tiệm cận với những xu hướng mới của âm nhạc thế giới. Không những thế, nhà sản xuất cũng phải đưa ra được định hướng cho ca sĩ theo những xu hướng đang thịnh hành trong làng nhạc.
Đặc biệt, để có phần hòa âm mới lạ, nhà sản xuất buộc phải đầu tư cho những bộ tiếng đắt tiền và thu nhạc cụ thật. Riêng với phần mềm để làm nhạc, Slim V cho biết, anh đầu tư hàng chục nghìn USD. Có các mức cát sê khác nhau tùy theo tính chất, mức độ và thời gian, công sức bỏ ra cho ca sĩ.
Hiện Slim V sở hữu nhiều bản hit: “Âm thầm bên em”, “Thái Bình mồ hôi rơi”, “Remember me”, “Khuôn mặt đáng thương” (Sơn Tùng M-TP), “Thu cuối” (Yanbi, Mr.T, Hằng Bingboong). Anh còn là nhà sản xuất trong đội của Noo Phước Thịnh quán quân The Remix 2016.
Cách đây nhiều năm, Đức Trí từng giữ “kỷ lục” khi ca khúc nhạc phim “Ước mơ trong đời” được trả 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nhạc sĩ cho biết có sự hiểu lầm ở cái giá này, vì thực chất 100 triệu đồng là toàn bộ kinh phí thực hiện nhạc phim, trong đó có cả chi phí bay ra Hà Nội thực hiện, trả tiền phòng thu, trả tiền cho ban nhạc, ca sĩ...
Đừng biến mình thành “robot” viết nhạc
Dù được trả cát sê cao bao nhiêu đi chăng nữa, cơ bản vẫn là ca khúc có hay hay không, có trụ lại trong lòng khán giả theo thời gian hay không. Chính vì thế, sử dụng các phần mềm để hòa âm phối khí, hay tạo âm thanh hay… cũng chỉ là phương tiện, còn lại vẫn là cảm xúc của ca khúc, sự trau chuốt và sức liên tưởng của ca từ… Những điều đó không phải nhờ công nghệ là tạo ra được, nếu không nói là phải xuất phát từ tâm hồn và tài năng của nhạc sĩ. Thế cho nên, sáng tác luôn đòi hỏi rất cao tính sáng tạo ở nhạc sĩ, nếu không, họ sẽ chỉ là “robot” viết nhạc, hay nhà sản xuất “hàng chợ”.
Mới đây, sau phản hồi với thông tin cát sê 100 triệu đồng cho 3 bài hát “bao ăn khách”, Tiên Cookie buồn bã tuyên bố sẽ tạm ngừng sáng tác nhạc một thời gian. Cô cho biết, là người sống bằng cảm xúc, khi sáng tác nhạc, cô chưa bao giờ đặt mục đích “ăn khách” hay “không ăn khách”. Với nữ nhạc sĩ, các khái niệm “chợ nhạc ăn khách” hay “bao ăn khách” cũng rất xa lạ với cô.
Như Slim V từng tiết lộ, các phần mềm đóng góp không nhỏ vào thành công của ca khúc hit. Tuy nhiên, điều đặt ra ở đây là khi có phần mềm công nghệ viết nhạc mới, thì tương lai của các nhạc sĩ thời thượng sẽ ra sao, nếu cảm xúc được thay thế bằng các số liệu thu được từ sự tiếp nhận của khách hàng để cho ra sản phẩm mà khán giả ưng ý?
Mới đây, ông Lê Văn Chính - cố vấn kỹ thuật Công ty Cổ phần truyền thông Sơn Ca (Soncamedia) cho biết, sắp tới sẽ tung ra thị trường những ca khúc được phần mềm viết nhạc sáng tác để quan sát cách tiếp nhận của thính giả. Trên cơ sở thông tin thu được, họ sẽ có sự điều chỉnh phù hợp để hoàn thiện robot viết nhạc.
Phần mềm có thể viết ra những ca khúc theo phong cách của Đan Trường, Quang Vinh, Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Cẩm Ly... hay theo Phan Mạnh Quỳnh, Tiên Tiên, Anh Tú, Vũ Cát Tường...
Khi phần mềm tạo hit được ứng dụng, sẽ ra sao khi những ca khúc được trí thông minh nhân tạo sản xuất ra? Nghề viết nhạc hẳn sẽ mai một, nếu nhạc sĩ không tự biến mình thành “thợ” nhạc. Thế cho nên, vấn đề cát sê của nhạc sĩ đang gây tranh cãi không là gì cả, vì nếu ca khúc đó sống mãi với thời gian, thì đó là ca khúc vô giá. Còn mức giá vài trăm triệu đồng mà lấy được vài ngàn like, sau đó rơi vào quên lãng - thật buồn thay.
SlimV nói gì về mức thù lao lên đến 200 triệu cho một ca khúc?
Nhà sản xuất có cát xê cao bậc nhất làng nhạc Việt (đến 200 triệu/bài) đầu tư hàng chục nghìn USD cho phần mềm và ... |
Sau tranh cãi giọng hát, Chi Pu vướng nghi án đạo nhạc
Với ca khúc mới "Từ hôm nay", Chi Pu liên tiếp vướng phải tranh cãi. Mới đây, bài hát tiếp tục bị so sánh với ... |
https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/200-trieu-dongbai-ma-do-cung-bang-khong-571986.ldo