Trong trường hợp trên phương tiện vi phạm có chứa tài sản lớn, CSGT cần thực hiện theo đúng quy trình ra sao?
Liên quan tới vụ việc người đàm ông cố thủ trên xe mercedes vì có nhiều tiền trên xe, sáng 25/7, trao đổi với PV, luật sư Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP.HCM) đã có những chia sẻ trước tình huống CSGT cần thực hiện ra sao để an toàn, đúng luật trong trường hợp trong xe vi phạm luật giao thông có số tài sản lớn.
Luật sư Bình cho rằng, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm luật giao thông, CSGT sẽ làm việc với lái xe.
Trong trường hợp này lái xe đã bỏ đi, người đại diện ngồi trong xe ô tô không xuống xe làm việc, không hợp tác với CSGT. Vì vậy việc yêu cầu người ngồi trên xe xuống ô tô để cẩu phương tiện về trụ sở là hoàn toàn phù hợp.
Người đàn ông chứng minh trên xe nhiều tiền nên không thể xuống xe |
Ngoài ra, quy trình tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông đã được quy định rõ tại Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Đối với trường hợp người vi phạm hoặc đại diện phương tiện không đồng ý xuống xe và để cẩu xe đi vì trong xe có khối tài sản lớn thì CSGT cần lập biên bản ghi lại hiện trạng và tiến hành niêm phong xe.
Trong quá trình cẩu xe về trụ sở công an phải có sự giám sát, trông coi phương tiện. Nếu có sự mất mát tài sản hay hư hỏng phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phải có trách nhiệm bồi thường.
Còn luật sư Nguyễn Anh Vũ (Đoàn luật sư TP Hải Phòng) nhìn nhận: "Người đàn ông trong trường hợp này phải xuống xe để làm việc với cơ quan chức năng. Tiền nhiều trong xe vẫn có lực lượng CSGT làm việc tại đây.
Hơn nữa, CSGT không tiến hành kiểm tra, khám xét xe, thậm chí nếu CSGT có khám xét xe thì việc này cũng được tiến hành công khai".
Khi lái xe bỏ đi và lực lượng chức năng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế cẩu về thì những người trong xe phải ra khỏi xe để đảm bảo an toàn đến tính mạng. Về tài sản bên trong xe sẽ được CSGT sẽ tiến hành niêm phong và có trách nhiệm bảo vệ, bảo quản phương tiện.
Sáng 25/7, Đội CSGT Cát Lái (PC08, TP.HCM) cho biết đã ra quyết định xử phạt hành chính 700.000 đồng đối với tài xế Mercedes GLS về lỗi dừng đỗ xe sai quy định và bàn giao ôtô cho chủ phương tiện.
Tại trụ sở công an, tài xế Mercedes GLS đã chấp hành ký vào biên bản, đóng tiền phạt và đưa xe về.
Thông tin thêm về sự việc, Trung tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng Tham mưu Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), cho rằng: "Chủ xe kéo dài thời gian xử lý vi phạm vào giờ cao điểm, gây ách tắc giao thông nên việc cưỡng chế, cẩu xe vi phạm này đi là cần thiết".
'CSGT chỉ có trách nhiệm tạm giữ phương tiện, ngoài ra không tạm giữ bất cứ tài sản cá nhân nào khác của chủ xe. Khi niêm phong ôtô, nếu chủ phương tiện không mang tài sản cá nhân bên trong đi thì mọi thứ vẫn ở yên trong xe', ông Bình nói.
Trước đó, vào chiều 23/7, 2 ô tô hiệu Hyundai Santafe mang BKS 51G-053… và Mercedes mang BKS 51G-947… bị CSGT kiểm tra hành chính vì có dấu hiệu vi phạm dừng đỗ trên xa lộ Hà Nội.
Hai tài xế sau đó mở cửa xe rời khỏi hiện trường, còn một người đàn ông ngồi trên xe Mercedes tự nhận là chủ xe, không chịu xuất trình giấy tờ và xuống xe làm việc với cơ quan chức năng.
Người đàn ông này cho rằng trên xe có rất nhiều tiền, sợ sẽ bị mất. Khi CSGT gọi xe cẩu đến đưa xe về xử lý thì người đàn ông muốn được cẩu chung với xe. Sau đó, CSGT đã thuyết phục được người này, tiến hành niêm phong xe và cẩu về.