Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói trong ghi chú nội bộ rằng công ty đang ở “khoảnh khắc sống chết” và cảnh báo các nhân viên chưa làm việc hết công suất.
Ông Nhậm khuyên các nhân viên chưa làm việc hết công suất thành lập “đội biệt kích” thực hiện các dự án mới. Những nhân viên thất bại sẽ bị trừ lương hoặc có thể mất việc.
Từ tháng 5, công ty công nghệ toàn cầu Huawei bị liệt vào Danh sách Thực thể, khiến họ bị cấm mua hàng của các nhà cung cấp Mỹ. Dù được hưởng các lệnh tạm hoãn 90 ngày, mà mới nhất là ngày 19/8, sự bất ổn đến từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến công ty mất một phần lớn doanh thu.
Tác động của những "biến cố mùa hè" này với công ty Trung Quốc dự kiến sẽ còn lan rộng và nặng nề.
Chủ tịch Huawei Nhậm Chính Phi. |
Mất mát nhãn tiền của Huawei là thị trường điện thoại thông minh quốc tế. Các ước tính nội bộ cho thấy số lượng điện thoại tiêu thụ trong năm 2019 giảm 60 triệu chiếc so với những gì họ dự kiến đạt được nếu không có lệnh trừng phạt của Mỹ. Trong năm 2018, Huawei đã tăng 34% số đơn hàng điện thoại di động của mình lên 206 triệu, và trong quý đầu tiên của năm 2019, tốc độ này tăng lên 50% trong khi các đối thủ Samsung Electronics Co. và Apple Inc. đều giảm doanh số.
Tuy nhiên đến quý thứ hai, bị ảnh hưởng một phần bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, tăng trưởng của Huawei giảm xuống còn 8,3%.
Sau khi thâm nhập thành công vào thị trường di động châu Âu, Huawei đang trên đà trở thành nhà cung cấp điện thoại lớn nhất thế giới. Tuy nhiên việc mất Google Android, bộ não trong thiết bị cầm tay và hệ sinh thái ứng dụng Play Store liên quan khiến các thiết bị Huawei không còn được ưa chuộng bên ngoài Trung Quốc.
Ông Nhậm cảnh báo trong bản ghi nhớ rằng những nhân viên "dư thừa" cần tìm cách làm cho bản thân trở nên hữu ích.
"Họ hoặc thành lập một ‘biệt đội biệt kích' để thực thi các dự án mới - có thể được thăng chức thành chỉ huy nếu họ làm tốt. Hoặc có thể tìm việc làm trong thị trường nội bộ. Nếu họ không tìm được vị trí nào thích hợp, lương của họ sẽ bị cắt giảm cứ sau ba tháng một lần".
Bộ phận hàng tiêu dùng, theo Huawei, là động cơ tăng trưởng của công ty. Chiếm 45% doanh thu năm ngoái, doanh nghiệp bán điện thoại và các thiết bị khác này góp phần đáng kể vào sức mạnh tương lai của Huawei. Họ bị giáng một đòn mạnh từ tất cả các cáo buộc và lệnh trừng phạt, và để khắc phục được tình trạng này sẽ phải tốn một thời gian dài.
Trên cùng một mặt trận, Huawei mất thêm thời gian cho kỹ thuật phần mềm vì phải vật lộn tạo ra phần mềm thay thế cho Android. Trước lệnh cấm của Mỹ, công ty đã chuyển sang chế độ làm việc 24 giờ, với 10.000 nhà phát triển trong cả ba ca làm việc và ba văn phòng để loại bỏ sự phụ thuộc về phần mềm và mạch điện của Mỹ.
Cuối cùng, một phiên bản hệ điều hành HarmonyOS vội vã được trình làng trong tháng này, chỉ để Huawei chứng minh họ có thể phát triển hệ điều hành của riêng mình, mặc dù tính thuyết phục còn rất thấp.
Ít định lượng hơn nhưng vẫn đáng kể là sự "chảy máu" tài năng Huawei phải chịu khi danh tiếng toàn cầu bị ảnh hưởng và những nỗ lực phục hồi dẫn đến tình trạng làm việc quá tải. Công ty đã thu hẹp lao động của mình để đáp ứng với hoàn cảnh mới.
Ông Nhậm viết rằng công ty ưu tiên các nhân viên làm "những việc xứng đáng" và quản lý phải "thúc đẩy các nhân viên xuất sắc càng sớm càng tốt, truyền máu mới cho tổ chức của chúng ta."
Khi giải thích về việc tạm thời rút lại các lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói rằng một số công ty viễn thông Mỹ đang phụ thuộc vào công nghệ của Huawei và cần thời gian để loại bỏ điều này. Vì vậy, trong khi chính quyền Washington đang cho Huawei thêm một chút không gian, tình hình của công ty vẫn còn rất bấp bênh.
Nếu không có lệnh cấm của Mỹ, Huawei đe dọa giành vương miện của Samsung trong việc trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới và họ sẽ tận dụng được lợi thế dẫn đầu trong công nghệ 5G, thay vì phải ngồi tính toán mất mát như hiện tại.
(Nguồn: Bloomberg)