Chọn sách giáo khoa mới: Nghiên cứu, cân nhắc kỹ

Năm học 2023-2024, lần đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 triển khai với học sinh lớp 4, lớp 8 và lớp 11 trên cả nước. Điểm mới so với khi triển khai chương trình hiện hành là địa phương được lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Với mục tiêu chọn được cuốn sách phù hợp, đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận, nghiên cứu, cân nhắc kỹ, qua đó phát huy vai trò trong khâu chọn sách...

Giáo viên Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) trao đổi về sách giáo khoa mới. Ảnh: Quang Thái

Lựa chọn sách phù hợp

Thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai đến năm thứ ba với sáu khối lớp, gồm: Lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Năm học 2023-2024, chương trình mới sẽ được triển khai ở các lớp 4, 8 và 11. Một trong những việc quan trọng của các địa phương thời điểm này là tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để đưa vào giảng dạy từ năm học mới.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong 3 năm qua, chất lượng giáo dục của Thủ đô tiếp tục được giữ vững, học sinh tiếp cận tốt với sách giáo khoa mới, thể hiện việc lựa chọn sách của các nhà trường là phù hợp, hiệu quả. Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại các trường học ở Hà Nội vào đầu năm 2023 đã đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa và tổ chức giảng dạy.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, trong quá trình làm việc, đoàn đặt nhiều câu hỏi với giáo viên, như: Trường có được chủ động lựa chọn sách giáo khoa hay không? Các sách giáo khoa được chọn có nằm trong danh mục do thành phố phê duyệt không? Nhà trường có được giảng dạy theo các sách mà mình đã lựa chọn không?... Giáo viên ở các trường đều có chung câu trả lời là “Có”. Điều này khẳng định, thành phố Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện đúng quy trình và tôn trọng quyết định lựa chọn sách giáo khoa của từng trường.

Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 10D3 Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) cho biết: “Em thích nhất ở chương trình mới là được tự chọn một số môn học. Sách giáo khoa các môn học không quá nặng về kiến thức, có phần mở rộng với những nội dung gắn với thực tế nên chúng em được tự học, tự trải nghiệm”.

Một buổi tập huấn trực tuyến sách giáo khoa lớp 8 mới tại Trường Trung học cơ sở Dục Tú (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Đề cao vai trò giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt danh mục gồm 136 sách giáo khoa sử dụng trong các trường học từ năm học 2023-2024, gồm 44 đầu sách lớp 4; 42 đầu sách lớp 8; 50 đầu sách lớp 11. Căn cứ danh mục này, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Với kinh nghiệm đã triển khai ở các năm học trước, việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa đang được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai bài bản, trong đó giáo viên được xác định là lực lượng chủ chốt để chọn được cuốn sách phù hợp nhất...

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận Hà Đông) Lê Minh Nguyệt cho biết, 100% giáo viên của trường đều tham dự hội nghị giới thiệu sách do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức vào ngày 25-2-2023. Nhà trường yêu cầu giáo viên ở các tổ, nhóm nghiên cứu, thảo luận về ưu điểm của từng cuốn sách, đánh giá mức độ phù hợp đối với tình hình thực tế của trường về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, học sinh… Để bảo đảm hiệu quả khi triển khai, nhà trường lưu ý giáo viên khi dự kiến đề xuất lựa chọn cuốn sách nào, cần xác định gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ ra sao…

Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương, hiện sách giáo khoa mới, gồm cả bản in và bản điện tử đã được gửi tới giáo viên để nghiên cứu. Nhà trường thực hiện nghiêm túc quy trình đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa. Các tổ chuyên môn sẽ tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá về từng cuốn sách và bỏ phiếu kín lựa chọn sách cho từng môn học…

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu thông tin, dù việc lựa chọn sách giáo khoa mới đã thực hiện đến năm thứ tư, song không vì thế mà chủ quan. Phòng yêu cầu các trường tăng cường phổ biến toàn bộ quy trình, tiêu chí lựa chọn sách; tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên nghiên cứu, thảo luận, đánh giá về từng cuốn sách. Phòng cũng yêu cầu các giáo viên phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để quyết định lựa chọn, đề xuất cuốn sách phù hợp với điều kiện của trường và học sinh trên địa bàn.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến, để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình khung, sách giáo khoa của các nhà xuất bản đều biên soạn dựa theo chương trình khung, vì vậy, chuẩn kiến thức, kỹ năng ở các cuốn sách là thống nhất, nhưng cách đặt vấn đề có thể khác nhau. Căn cứ điều kiện dạy học và đối tượng học sinh ở địa bàn mình, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị giáo viên các trường nghiên cứu thật kỹ sách giáo khoa mới, từ đó đề xuất cuốn sách phù hợp, làm căn cứ cho Hội đồng lựa chọn sách thành phố phê duyệt đưa vào giảng dạy từ năm học 2023-2024.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1056882/chon-sach-giao-khoa-moi-nghien-cuu-can-nhac-ky

Thống Nhất / Hà Nội mới