Chính trị gia Anh, Mỹ kêu gọi lập "NATO thương mại" đối phó Trung Quốc

Một số chính trị gia Anh và nhóm vận động hành lang ở Mỹ kêu gọi thành lập “NATO thương mại” đối phó với Trung Quốc.

SCMP đưa tin, các chính trị gia diều hâu ở Anh và một nhóm vận động hành lang ở Mỹ kêu gọi phương Tây lập ra tổ chức “NATO thương mại” để đối phó với việc Trung Quốc “vũ khí hoá các công cụ chính sách, trừng phạt các quốc gia không khuất phục Bắc Kinh”.

Liên minh thương mại được đề xuất thành lập có tên gọi Tổ chức Hiệp ước đồng minh các nền dân chủ (DATO), sẽ hoạt động song hành cùng với liên minh quân sự hiện nay. Những người ủng hộ đề xuất thành lập DATO muốn đưa ra phản ứng chung trước các biện pháp đe dọa mà Trung Quốc tung ra nhằm vào một thành viên.

Theo nguyên tắc hoạt động của NATO, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ bảo vệ nhau khi một thành viên trong khối quân sự này bị tấn công.

Chính trị gia Anh, Mỹ kêu gọi lập 'NATO thương mại' đối phó Trung Quốc - 1
Các chính trị gia Anh và Mỹ muốn thành lập liên minh "NATO thương mại" nhằm đối phó với Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg)

Ý tưởng thành lập liên minh “NATO thương mại” được đưa ra bởi nhóm nghiên cứu Trung Quốc - gồm các thành viên cứng rắn của đảng Bảo thủ trong Quốc hội Anh, và Quỹ Đổi mới và công nghệ thông tin - cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách về khoa học công nghệ có liên quan đến chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.

Theo báo cáo đề xuất, trong trường hợp Bắc Kinh đe dọa rút sinh viên khỏi một nước phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ sinh viên Trung Quốc, những nước khác trong khối sẽ cấm cửa các sinh viên Trung Quốc để trả đũa. Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc dọa liệt các công ty của một quốc gia vào danh sách đen, cả liên minh sẽ cùng hạn chế xuất khẩu từ các doanh nghiệp đến từ Bắc Kinh.

“Các quốc gia dân chủ sẽ được chào đón gia nhập liên minh. Tuy nhiên, nếu một quốc gia không có các bước đi đáp trả sau khi DATO ra quyết định, họ sẽ mất tư cách thành viên”, tài liệu báo cáo của nhóm cho biết.

Mặc dù đề xuất này chưa nhận được sự ủng hộ chính thức - chính phủ Anh chưa đưa ra bình luận về báo cáo này, song cũng cho thấy các nhà lập pháp diều hâu đang ra sức thúc đẩy hướng tiếp cận cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh.

Theo các tác giả của báo cáo đề xuất, đây là cách đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc, đồng thời khắc phục bế tắc lâu nay của phương Tây trước những hành động của Bắc Kinh.

Thời gian qua, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã gây nhiều sự chú ý, nhất là khi đại dịch COVID-19 hoành hành và các quan điểm phản đối Trung Quốc gia tăng.

Australia là ví dụ điển hình, nước này chịu ảnh hưởng mạnh từ hành động thương mại của Trung Quốc. Căng thẳng hai nước leo thang sau khi Canberra yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập làm rõ nguồn gốc của COVID-19. Bắc Kinh đáp trả gay gắt, cắt giảm hàng nhập khẩu từ Canberra như rượu, than đá, gỗ…

Ngoài ra, các tổ chức đa phương như NATO và G7 cũng đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc cáo buộc cả 2 nhóm này là can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước này.

KÔNG ANH (Nguồn: SCMP)

Bí quyết thành công của thủ phủ xe điện Trung Quốc Bí quyết thành công của thủ phủ xe điện Trung Quốc
Báo Trung Quốc chê Mỹ ứng phó chậm chập vụ sập chung cư Báo Trung Quốc chê Mỹ ứng phó chậm chập vụ sập chung cư
Ấn Độ bất ngờ điều động 50.000 quân áp sát biên giới Trung Quốc Ấn Độ bất ngờ điều động 50.000 quân áp sát biên giới Trung Quốc

/ vtc.vn