Chiến lược của Tổng thống Nga Putin khi bất ngờ cải cách Hiến pháp

Vài năm trước, không hiểu vì lý do gì, Tổng thống Nga Vladimir Putin bỗng dưng “mất tích” trước công chúng trong hơn 1 tuần khiến dư luận Matxcơva rộ lên nhiều lời đồn đoán...

Có lẽ vì vậy, khi Tổng thống Putin dùng sự kiện lớn như Thông điệp liên bang hôm 15-1 để bất ngờ công bố sắp xếp lại chính phủ, 4 năm trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc, ông cũng đứng trước câu hỏi lớn: liệu Tổng thống có thể rời khỏi quyền lực mà không khiến nền chính trị cứng nhắc của Nga rơi vào hỗn loạn?

 

Ý tưởng đề xuất cải cách Hiến pháp

Tổng thống Putin công bố đề xuất cải cách trong Thông điệp liên bang trước các nhà lập pháp, đồng thời nhấn mạnh Quốc hội cần phải đóng một vai trò mạnh mẽ hơn trong việc điều hành đất nước. “Tôi cho rằng, cần phải tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất cải cách Hiến pháp. Chúng ta có thể xây dựng một nước Nga thịnh vượng, mạnh mẽ dựa trên cơ sở tôn trọng ý kiến nhân dân”, Tổng thống 68 tuổi nhấn mạnh. Ủy ban Bầu cử Nga dự kiến cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức trong năm nay.

Theo đó, cải cách Hiến pháp giúp Quốc hội có quyền lựa chọn Thủ tướng và các thành viên nội các cao cấp, thay vì Tổng thống như trong hệ thống hiện tại. Thủ tướng sẽ phải trình lên Quốc hội để phê chuẩn các ứng cử viên cho Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng. “Tổng thống sẽ có nghĩa vụ bổ nhiệm và không được phép bác bỏ các ứng cử viên được Quốc hội phê chuẩn. Bên cạnh đó, Tổng thống sẽ được giữ nguyên gần như tất cả các quyền lực. Nga phải là một nước cộng hòa vững mạnh theo hệ thống Tổng thống”, ông Putin nói.

Tương lai của ông Putin sẽ như thế nào?

Động thái này diễn ra trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội vào năm 2021, làm dấy lên thông tin đồn đoán về tương lai chính trị của ông Putin sau hơn 20 năm cầm quyền. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chưa đưa ra bất kỳ gợi ý nào về kế hoạch sắp tới khi nhiệm kỳ lần 4 của ông tại Điện Kremlin kết thúc vào năm 2024.

Ông Putin lần đầu tiên trở thành Tổng thống sau khi ông Boris Yeltsin bất ngờ từ chức vào đêm Giao thừa 1999. Kể từ đó, ông Putin đã điều hành đất nước, rồi giữ chức Thủ tướng khi đồng minh Dmitry Medvedev lên nắm quyền Tổng thống hồi 2008 trong nhiệm kỳ 4 năm. Ông Putin giữ chức Tổng thống kể từ năm 2012 và tái đắc cử nhiệm kỳ kéo dài 6 năm hồi 2018.

Hiện ông Putin vẫn được nhiều người Nga ủng hộ vì có công giữ ổn định cho đất nước, ngay cả khi các nhà phê bình chỉ trích ông nắm giữ quyền lực quá lâu. Các nhà phê bình cho rằng, ông Putin đang cân nhắc nhiều lựa chọn khác nhau để duy trì vị trí lãnh đạo, bao gồm cả việc chuyển quyền lực sang Quốc hội và sau đó đảm nhận vai trò Thủ tướng sau khi ông mãn nhiệm kỳ Tổng thống vào năm 2024. Một lựa chọn khác từng được nhắc tới là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga. Đây là cơ quan được trao thêm quyền lực theo đề xuất cải cách Hiến pháp của ông Putin. Hội đồng này được thành lập theo một sắc lệnh của Tổng thống ngày 1-9-2000.

Giáo sư xã hội học Konstantin Gaaze tại trường Khoa học Xã hội và kinh tế Matxcơva cho biết, ông Putin có thể giữ bất kỳ cương vị nào sau này - Thủ tướng, lãnh đạo Hội đồng An ninh Quốc gia, hoặc chủ tịch một đảng chiếm đa số trong quốc hội - mà vẫn đạt được mọi mục tiêu: vừa thôi giữ chức Tổng thống, vừa bảo vệ được bản thân và giữ ổn định cho hệ thống chính trị.

 

Hiện vẫn chưa rõ về tương lai chính trị của Tổng thống Nga V.Putin sau năm 2024

Chiến lược của nhà hòa giải

Nhưng về sâu xa, thay đổi Hiến pháp mà ông Putin vừa thực hiện cho thấy ông muốn an toàn và ngăn sự đấu đá nội bộ, trong trường hợp ông không tiếp tục giữ chức Tổng thống khi nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2024. Điểm mấu chốt ở đây là tín hiệu ông không có ý định từ bỏ quyền lực sau khi thôi chức Tổng thống. “Ông ấy khó có thể giao hẳn lại ghế cho người khác và rời đi một cách an toàn”, Sergey Belanovsky, nhà xã hội học, nhà quan sát chính trị Nga nhận định.

“Có một điều chắc chắn, ông Putin đề xuất những thay đổi trong hệ thống hiện tại với quá nhiều quyền lực tập trung vào Tổng thống, để tạo ra hệ thống phân quyền, có những cơ chế kiểm soát và cân bằng hơn. Sự phân quyền đó cơ bản sẽ cho phép ông Putin kiểm soát được Tổng thống kế nhiệm”.

Vladimir Minov, cựu Thứ trưởng phụ trách năng lượng Nga

Trong hệ thống chính trị Nga, các nhóm lợi ích gồm doanh nghiệp, tướng lĩnh, lãnh đạo các địa phương, trùm tình báo, trùm dầu lửa ngầm tranh giành quyền lực, tiền bạc... Họ công bố “kompromat”, tức những thông tin bê bối về nhau, tìm cách đẩy đối thủ vào tù hoặc buộc họ phải lưu vong. Với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất, Tổng thống Putin thường xuyên là người giải quyết các tranh chấp này, không để mâu thuẫn trở nên mất kiểm soát. “Nhưng khi nghỉ hưu, ông Putin không còn giữ vai trò này nữa, có thể sẽ có những đối đầu nội bộ”, Giáo sư Konstantin Gaaze nói.

Báo chí Nga từng phản ánh về những cuộc “đấu đá” này. Năm 2017, Aleksei Ulyukayev - cựu Bộ trưởng phụ trách kinh tế và trùm doanh nghiệp dầu lửa quốc gia Igor Sechin vướng vào cuộc chiến như vậy. Cuối cùng, ông Ulyukayev đi tù vì tội nhận hối lộ 2 triệu USD, dù ông phủ nhận mọi cáo buộc.

Những thay đổi mà ông Putin lên kế hoạch dường như là để ông vẫn giữ vị trí hòa giải những tranh chấp nói trên. Theo đó, ghế Tổng thống sẽ phải trao bớt quyền lực cho Quốc hội Nga và cơ quan mang tên Hội đồng An ninh quốc gia. Như vậy, chức Tổng thống mất đi nhiều quyền lực trước khi người kế nhiệm của ông nhậm chức. “Có một điều chắc chắn, ông Putin đề xuất những thay đổi trong hệ thống hiện tại với quá nhiều quyền lực tập trung vào Tổng thống để tạo ra hệ thống phân quyền, có những cơ chế kiểm soát và cân bằng hơn”, Vladimir Minov - cựu Thứ trưởng phụ trách năng lượng và cũng là một lãnh đạo phe đối lập cho biết. Sự phân quyền đó cơ bản sẽ cho phép ông Putin kiểm soát được Tổng thống kế nhiệm.

Nhằm “đánh tiếng” về tương lai của mình, ông Putin có nhắc đến việc Hội đồng An ninh quốc gia mở rộng quyền lực, đề xuất đưa hội đồng thành một cơ quan được quy định chính thức trong Hiến pháp. Ông Belanovsky, nhà quan sát chính trị Nga cho rằng, việc “đánh tiếng” về ý định nắm giữ ảnh hưởng này là điều quan trọng để giảm bớt cuộc chạy đua tranh giành quyền lực mà ông Putin đang nắm giữ. Tuy nhiên, lý do thực sự khiến Tổng thống Nga đưa ra đề xuất vẫn là một bí ẩn. Như thường lệ, các động thái bất ngờ này luôn làm cho đối thủ của ông bất ngờ, bị động và dư luận tiếp tục phỏng đoán, đồn thổi, đúng như lời ông Putin nói vài năm trước đây: “Cuộc sống sẽ nhàm chán nếu không có những tin đồn”.

Theo một luật thông qua năm 2001, ông Putin sẽ được miễn truy tố và được lương hưu 9.500 USD/tháng khi nghỉ hưu. Theo bản khai báo tài sản năm 2018, ông chỉ có khoản tiết kiệm khiêm tốn là 1 căn hộ, 1 garage, 3 chiếc xe và 1 chiếc xe trailer dùng để cắm trại.

Yến Chi

Tổng thống Nga Putin trao Huân chương cho phi hành gia người Mỹ

Ông Putin đánh giá cao sự chuyên nghiệp mà phi hành gia người Mỹ đã thể hiện trong vụ phóng tên lửa thất bại.

Tổng thống Nga Putin ủng hộ ông Donald Trump trước cuộc điều tra luận tội

Theo ông Putin, tất cả những nỗ lực nhằm luận tội Tổng thống Donald Trump là hệ quả cho sự thất bại của Đảng Dân ...

Tổng thống Nga Putin đưa ra đề nghị sốc với ông Donald Trump

Mátxcơva đã đề xuất cho Washington cơ hội mua vũ khí siêu thanh của Nga thay vì tự phát triển, Tổng thống Vladimir Putin tiết ...

/ anninhthudo.vn