Mỗi ngày, báo chí phải nhận thêm thông tin về những cái chết đau lòng, những cái chết có nguồn gốc sâu xa là đến từ “miệng lưỡi thế gian”, từ đám đông và cả những thói quen có phần “man rợ”. Lời của đám đông có sức mạnh sát thương ghê gớm...
Những cái chết đau lòng
Cái chết trong tư thế treo cổ của một gia đình 4 người ở một xã miền núi Kỳ Anh, Hà Tĩnh mới đây khiến nhiều người bàng hoàng.
Một người đàn ông trộm chó bị đánh hội đồng đến chết.
Một người đàn ông trộm chó khác cũng bị dân làng bắt giữ và nhốt vào chuồng cùng với con chó đã chết.
Một thanh niên 33 tuổi ở Gia Lai bị nhiều người dân khu vực Nhà thờ Duy Hòa (phường Khánh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột) vây đánh vì bị nghi ngờ bắt cóc trẻ em.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cái chết của gia đình anh N.T.T (29 tuổi ở xã Kỳ Hợp, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mới đây, theo cơ quan chức năng, chính là “những lời ra tiếng vào của hàng xóm”. Sự việc bắt nguồn từ chuyện anh này lấy trộm điện thoại của một người khác, bị hàng xóm đồn đoán và lời ra tiếng vào.
Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, người đàn ông xấu số đã ghi những dòng đau xót: “Mong mọi người hiểu và cảm thông cho chúng tôi. Cuộc sống này chán lắm, mọi người à, bao nhiêu áp lực buồn phiền bế tắc dường như không có lối thoát với chúng tôi”.
Nhiều cái chết đau lòng chỉ vì sự đàm tiếu của dư luận. Ảnh minh họa |
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa, cái chết vì treo cổ của nạn nhân N.T.T là lời cảnh báo đối với xã hội. “Chúng ta có thể mất đi những người thân, người bạn tốt chỉ vì những lời nói vô tình. Con người, ai cũng có những sai lầm. Và vì thế mà cần đến sự rộng lượng, nhân văn của những người xung quanh. Nếu lúc nào cũng khắt khe, chúng ta có thể sẽ phải trả giá bằng những cái kết đau lòng”.
“Mạng chó, mạng người” là cách so sánh đau lòng về cái giá của những người trộm chó. Trong khi dư luận lên án gay gắt, giận dữ với những người trộm chó thì dư luận cũng chứng kiến những cái chết đau đớn vì trộm chó.
Nếu hành vi trộm chó đáng lên án thì việc đánh chết người trộm chó còn đáng bị phê phán hơn. Nó quá kinh khủng, man rợ và không thể chấp nhận được ở một xã hội văn minh!
Quyền lực đám đông
Đặt ra những câu hỏi về góc độ pháp luật, nhà văn Chu Lai - tác giả “Mưa đỏ” - nhấn mạnh, cẩu tặc hay bất cứ loại đạo tặc nào cũng là con người. Việc phạm luật thì phải được xử lý bằng pháp luật chứ không phải bằng “quyền lực đám đông” đầy cảm tính. Một xã hội pháp quyền không chấp nhận bất cứ hành vi nào nhân danh tập thể, nhân danh lẽ công bằng chung chung để tự xử, đoạt mạng người khác.
Cái chết của nam thanh niên 33 tuổi ở huyện Cư M’Gar, Gia Lai vì sự nghi ngờ tội bắt cóc trẻ em hiện vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Về vấn đề này, luật sư Minh Anh (Văn phòng luật sư Trí Minh) phân tích: “Đối với những người dân đánh hội đồng gây ra cái chết với người khác là rất khó xử lý. Đây là hành động bột phát do không kiểm soát được cảm xúc cộng với tâm lý đám đông.
Nếu người dân đã cố tình cùng nhận tội tập thể thì cơ quan chức năng càng khó xác định những người trực tiếp phạm tội. Đã không ít vụ đánh chết người đi trộm chó, cả làng từ người già đến trẻ em ký vào đơn xác nhận đánh chết kẻ trộm chó nên thường các vụ án này đều vào ngõ cụt”.
Theo Luật sư Minh Anh (Văn phòng luật sư Trí Minh): * Pháp luật hình sự quy định tài sản trộm cắp trị giá từ 2 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự. Nếu vi phạm, các đối tượng trộm chó chỉ bị xử phạt hành chính, vì thế việc tái phạm là hoàn toàn có thể xảy ra. * Đã đến lúc cần có một chế tài nghiêm khắc đối với những hành vi phạm tội như bắn, chém người truy đuổi, người truy đuổi tự xử kẻ trộm chó hay đám đông đánh người đến chết chỉ vì những nghi ngờ thiếu căn cứ. Những tội ác man rợ này đang xảy ra trong một xã hội văn minh, thế nên càng phải đáng báo động hơn. TS Nguyễn Ánh Hồng - Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Học viên Báo chí và Tuyên truyền: “Những bình luận qua lại mà phần lớn tôi cho là ác ý trên mạng xã hội cho thấy một nền văn hóa ứng xử đáng báo động. Sự tự do ngôn luận, bình phẩm, hùa theo đám đông một cách công khai trên mọi diễn đàn đang ở mức vượt tầm kiểm soát... Đưa ra quan điểm hay bình giống như con dao 2 lưỡi, có lợi thì tất sẽ có bất lợi. Về mặt tích cực, mọi người đều có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, còn ngược lại quan điểm thiếu tính xây dựng sẽ làm rối loạn, tạo nên một trào lưu của đám đông, ảnh hưởng đến chuẩn mực trong lối sống, cách hành xử lẫn văn hóa giao tiếp. Thiết nghĩ mọi việc đều cần phải có giới hạn, không thể lợi dụng vào quyền tự do ngôn luận, tạo “hiệu ứng” đám đông bằng cách thể hiện quan điểm cực đoan, thái quá, gây náo động dư luận là điều không nên. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức và có trách nhiệm, tránh lạm dụng quá đà, a dua theo số đông trong việc sử dụng ngôn từ một cách thiếu thiện chí khi tham gia mạng xã hội bởi có những chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng trước một vài bình luận tiêu cực, đôi phần ác ý lại trở thành nghiêm trọng, thậm chí thông tin bị “cắt dán” gây nhiễu loạn, vi phạm đến chuẩn mực của đạo đức...”. |
Lấy phiếu tín nhiệm các vị chức sắc để nhắc nhở, cảnh tỉnh
- Thông tin với cử tri quận Tây Hồ, Hà Nội chiều nay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, chương trình kỳ họp QH ... |
"Giang hồ" hoàn lương cảnh tỉnh hiệp sĩ đừng cận chiến "quái xế"
Tôi kể không phải để làm màu hay nhắc lại một thời tội lỗi của quá khứ mà chỉ muốn gửi tới các bạn một ... |