Cháy rừng và món beefsteak

Cả tiểu bang Victoria quê tôi có vẻ sẽ tan thành mây khói trong đám cháy rừng.

Cả tiểu bang Victoria quê tôi có vẻ sẽ tan thành mây khói trong đám cháy rừng.

Tôi từ Việt Nam về Melbourne để ăn một Giáng sinh lo lắng - vì phải chứng kiến bi kịch cháy rừng quy mô lớn ở quê mình. Sau khi tôi lên máy bay về lại TP HCM vài ngày, vụ cháy rừng thảm khốc lan tới ngoại ô Melbourne.

Những ngày này, tôi tiếp tục theo dõi ngọn lửa từ Việt Nam với cảm xúc phức tạp. Vừa băn khoăn tột độ, vừa bất lực vì mình chỉ nhìn thảm họa qua truyền thông mà không làm được gì.

Tôi còn thấy bất lực hơn khi tìm hiểu thêm về nguyên nhân chính tạo ra điều kiện thời tiết khắc nghiệt cho các đám cháy tai ác. Nó từng được gọi là hiệu ứng nhà kính, ngày nay người ta dùng thuật ngữ "biến đổi khí hậu".

Câu hỏi của mọi bi kịch thường là "tại sao". Mà ở đây, câu hỏi có thể được trả lời rõ ràng: lũ lụt ở Việt Nam, cháy rừng ở Australia, không phải thiên tai theo đúng nghĩa. Đó là thảm họa phần nào do con người gây ra. Vì chính chúng ta đây đang khiến cho trái đất nóng lên.

Trong quá trình sinh sống và sản xuất, con người thải ra khí carbon làm cho nồng độ CO2 trong bầu không khí tăng lên, do đó sức nóng mặt trời bị giữ lại và nhiệt độ trung bình của trái đất cũng tăng. Nguồn khí thải carbon lớn nhất sinh ra từ việc chúng ta đốt nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là than đá) để tạo năng lượng. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên đất kéo theo một số lượng khí thải carbon ngày càng tăng.

Nhìn rộng hơn về nguồn nhiên liệu chính của nhân loại, than đen và xăng dầu, có thể thấy biến đổi khí hậu đã ăn sâu vào mô hình phát triển kinh tế toàn cầu. Nhà máy nhiệt điện, quá trình sản xuất bê tông xây dựng, việc tiêu hao xăng dầu để mọi người di chuyển bằng máy bay, xe hơi, vận chuyển hàng hoá bằng xe tải hay bằng tàu từ nơi này đến nơi kia.

Nhưng vấn nạn còn có nguyên nhân khác không kém quan trọng. Đó là do lối sống cá nhân của mỗi chúng ta. Lấy ví dụ, việc ta ăn khoái khẩu món "bò Úc" hoặc đi lại bằng máy bay. Chăn nuôi bò thải ra lượng khí thải Methane khổng lồ - loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn khí carbon gấp hơn 50 lần. Việc ta đam mê đi du lịch xa kéo theo số lượng khí carbon khổng lồ từ máy bay, nó đặc biệt góp phần tăng hiệu ứng nhà kính bởi khí thải này được thả ra ngay ở phần trên của bầu khí quyển. Hoặc nói chung, cả việc ta tiêu dùng quá mức cũng đang gây hại. Tất cả các mặt hàng đều cần đến năng lượng để sản xuất và đa phần năng lượng đó là do quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Quần áo bạn đăng mặc được may bằng máy may dùng điện, mà điện lại được sinh ra từ các nhà máy nhiệt điện than.

Ai vẫn còn mê món bò beefsteak, hoặc bay về Australia chơi như tôi đã góp một phần nhỏ đến vấn đề lớn. Nếu ai cũng làm điều tương tự, tác động sẽ nhân lên gấp hàng triệu lần, làm trái đất nóng lên nhanh hơn. Lũ lụt hay cháy rừng tiếp tục trở thành vấn đề sống còn ở nhiều nơi, không chỉ Việt Nam và Australia.

Vậy tại sao đa số con người và đa số chính phủ lại không chủ động để giảm thiểu khí thải carbon do sản xuất công nghiệp và cuộc sống cá nhân gây ra?

Phần lớn trong số 25 triệu dân Australia cho là lượng khí carbon do Australia thải ra tương đối nhỏ so với tổng số khí thải toàn cầu, nếu họ giảm mạnh khí thải chưa chắc giúp gì nhiều để giải quyết vấn đề vốn có tầm vóc nhân loại. Còn nhiều người Việt vẫn cho rằng những thảm họa xảy ra là "do trời", không phải việc họ nên đứng ra chịu trách nhiệm. Cũng có thể vì mối đe dọa có tên "Biến đổi khi hậu" nó trừu tượng quá.

Tin tốt là với tư cách cá nhân, có nhiều việc mỗi chúng ta có thể làm. Từ việc hạn chế đi bằng máy bay đến bớt ăn thịt. Người Việt dùng sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, người Australia dùng sản phẩm "made in Australia". Cứ như thế, ta vừa giúp kinh tế tiếp tục tăng trưởng, vừa giúp giảm số lượng khí carbon do quá trình vận chuyển gây ra.

Có nguyên tắc đầy hứa hẹn có thể áp dụng ở đây. Mỗi người có thể tự đặt câu hỏi trước những việc mình chuẩn bị làm như: nếu mình và tất cả mọi người làm điều đó có góp phần làm trái đất nóng lên không? Nếu câu trả lời là có - đừng làm, hoặc cân nhắc có cách nào khác thay thể không. Việc trái đất có thể tiếp tục là nơi con người sinh sống được hay không là do chính mỗi chúng ta quyết định.

Ở cấp quốc gia, bước quan trọng nhất là chính phủ phải thật sự chuyển qua nguồn "năng lượng sạch", thay vì chỉ nói hoài mà không làm gì. Úc còn tiếp tục tạo năng lượng bằng cách đốt số lượng than đen lớn và thu lợi từ xuất khẩu than đen thì thiển cận quá. Việt Nam tại sao vẫn còn tiếp tục xây nhà máy nhiệt điện, mặc cho nó tiếp tục thải ra khí carbon. Cả hai chính phủ đều cần nhanh chóng nghĩ lại.

Những đám cháy rừng đỏ lửa bầu trời phía Nam địa cầu, đừng nghĩ nó chỉ xảy ra với Australia, mai mốt nó có thể xảy ra với chính ta. Nếu bạn cứ xúc động, rồi nhắm mắt cho qua, quay lại với cách sống cũ, tạo ra lượng khí thải Cacbon như cũ, thì đâu lại hoàn đấy. Bằng việc thay đổi lối sống của bản thân, cách chúng ta hành động, những điều ta mong muốn ở một chính phủ, sẽ giúp giảm rủi ro tiếp tục xảy ra ngày một trầm trọng hơn có thể với người khác hoặc chính mình.

Cameron Shingleton
(Nguyên tác tiếng Việt)

chay rung va mon beefsteak Australia bắt nghi phạm họ Truong phóng hỏa gây cháy rừng
chay rung va mon beefsteak Vì sao cháy rừng Australia tồi tệ nhất nhiều thập kỷ?
chay rung va mon beefsteak Người hùng giữa thảm kịch cháy rừng chưa từng có ở Australia
chay rung va mon beefsteak Bão nhiệt đới gây mưa lớn nhưng không giúp dập lửa ở Australia
/ vnexpress.net