Chạy án (Kỳ 9)

Hắn nuôi con Minh Phương từ lâu rồi. Cuộc thi hoa hậu vừa rồi, nó bỏ tiền ra chạy Ban Tổ chức cho con Phương được hoa hậu đấy chứ. Nghe nói mỗi tháng con Phương phải ngủ với hắn bốn lần và nó chỉ cho mười lăm triệu.

chay an ky 9 Chạy án (Kỳ 8)

Đàn bà thấy tiền mà mắt cứ sáng lên là hỏng. Con vợ tớ cũng là loại như thế. Đầu tiên cũng tưởng lấy cô ...

chay an ky 9 Chạy án (Kỳ 7)

Ai biếu bà ấy cái gì cách đây năm năm bà ấy vẫn nhớ, vào dịp năm hết tết đến, ai không biếu bà ấy ...

Bà Dung trong bộ áo vét sang trọng ân cần chào đón mọi người với vẻ mặt hết sức dịu dàng, lịch thiệp.

Những người khách đang ngồi ở các bàn tiệc thấy Trần Đức và Nam liền rất vui vẻ chào hỏi. Trong số đó, có nhiều người Đức và Nam đã quen thuộc. Họ là cán bộ cấp dưới của ông Cẩm; là giám đốc các doanh nghiệp, là cán bộ các Sở Thương mại.

Bà Dung nhận túi quà của Nam, của Đức rồi vẻ áy náy:

- Nhà tôi có lời xin lỗi các chú. Anh ấy vừa về, lại có mấy anh ở Hội Cựu chiến binh đến lôi đi thăm một người đồng đội, nhưng mà ở tận Hòa Bình cơ, chắc về muộn lắm.

Nam nói đưa đẩy:

- Chúng em xin chúc mừng anh chị.

- Chú Nam dạo này nom vượng nhỉ. Này, tổng công ty chú có chân phụ nào, cho tôi đi làm nhé, ở nhà mãi chán quá. Giá như có đứa cháu mà trông nom thì cũng đỡ buồn.

Trần Đức:

- Em nghe nói anh chị chuẩn bị làm thông gia với Giám đốc Công an tỉnh.

- Nhà tôi thì muốn lắm. Nhưng còn phải xem ý thằng Lâm. Con gái anh Hòa làm Phòng Cảnh sát điều tra. Con bé xinh gái, ngoan lắm... Kể lấy được người như thế là bố mẹ cũng yên tâm. Nhưng mấy hôm nay, hình như nó và con bé hoa hậu phải lòng nhau rồi.

- Thế thì hay quá. Người đẹp bây giờ là ra tiền ra bạc đấy.

- Tôi thì cũng chả mong kiếm tiền kiểu đó. Thôi, xin mời hai chú ra uống chén rượu mừng cho anh ấy.

Mọi người ở bàn tiệc nâng ly chúc cho phải phép với nhà chủ rồi nhanh chóng cáo từ. Nam định về thì Trần Đức giữ lại:

- Mình nên trở thành chủ nhà giúp bà chị tiếp khách.

Chờ lúc vắng người, Nam hỏi Đức:

- Thằng Lâm yêu con Minh Phương à?

- Nghe bà ấy nói thế, đã biết thế nào. Thằng Lâm thấy gái đẹp là mắt sáng lên. Nó thay người yêu như thay áo.

- Chuyện, nó đẹp trai, lại có tài, có tiền, có sự nghiệp. Mà này, anh biết thằng cha Thanh, Tổng Giám đốc Hoàng Quân không?

- Lạ gì cha Thanh ấy.

- Hắn nuôi con Minh Phương từ lâu rồi. Cuộc thi hoa hậu vừa rồi, nó bỏ tiền ra chạy Ban Tổ chức cho con Phương được hoa hậu đấy chứ. Nghe nói mỗi tháng con Phương phải ngủ với hắn bốn lần và nó chỉ cho mười lăm triệu.

- Cũng có nghe loáng thoáng là chúng nó bồ bịch với nhau theo hợp đồng... Mà kệ chúng nó, tình yêu thời... "cô-ta" mà lại. Chuyện như vậy là chuyện vặt. Cũ người mới ta. Nào, uống đi!

***

Tại căn nhà đối diện nhà ông Cẩm. Quang và Tuấn chụp ảnh từng chiếc xe, chụp ảnh từng người đi vào nhà. Quang quả là một phóng viên rất ghê gớm. Mỗi chiếc xe đến, anh ta lại giới thiệu:

- Con xe đầu bẹp đít phồng mang số gánh là của cha Giám đốc Công ty lắp ráp xe máy Toàn Lộc. Cha này đi đâu, thế nào cũng có một em thư ký chân dài đến nách theo hầu... Thấy chưa, tớ nói có sai đâu. Váy nó ngắn nhỉ, mà nó xách túi gì xem ra nặng lắm. Con bé xách phải hơi nghiêng người?

- Lại hai rượu "Jôn" xanh với vài hộp bánh chứ gì? - Tuấn nói, trong khi mắt vẫn nhìn vào máy.

- Vớ vẩn, túi nào cũng có phong bì đấy. Con xe "mắt nhắm mắt mở" kia là của Giám đốc Công ty Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàn Cầu.

Quang chỉ một xe đỗ phía xa:

- Chiếc Camry màu lòng tôm kia là của Giám đốc Nhà máy lắp ráp điện tử .

Lại một chiếc xe khác tới, Quang giật mình:

- Xe của sếp tao mày ạ.

- Có chụp không?

- Chụp tất. Ông này chắc đi tay không.

- Sao mày biết?

- Lâu nay chỉ có các doanh nghiệp với quan chức biếu nhà báo chứ nhà báo có đi quà cáp cho ai bao giờ - Quang nói với vẻ hiểu biết.

Trần Ngọc, Tổng Biên tập báo Kinh tế Mới khệnh khạng đi vào nhà. Trông anh ta như một diễn viên: Giày trắng, comple màu đỏ và đeo chiếc kính trắng không số gọng vàng choé.

Tuấn hỏi:

- Sếp mày trông trai lơ nhỉ?

- Còn phải nói. Tán gái thành thần và ăn tiền như cá rô phi ăn cám con cò.

Ông chủ nhà phá lên cười:

- Các cậu này, ai lại nói với sếp của mình như thế?

***

Trần Ngọc, hai tay đút túi quần, với vẻ mặt khinh khỉnh thủng thẳng đi vào nhà ông Cẩm. Bà Dung đon đả chạy ra đón:

- Chào anh Ngọc, lâu lắm mới lại được gặp anh.

- Chào bà chị. Thế nào, ông anh em đâu? Xem từ lúc lên Thứ trưởng đến giờ mặt mũi có khác gì không?

- Chú cứ đùa. Anh chú có lên đến Bộ trưởng hay về làm thảo dân thì sống với anh em chiến hữu cũng như thế thôi. Mời chú vào nhà.

Ngọc vào, nhiều người đang ngồi ở bàn tiệc, thấy vội đứng dậy chào với vẻ rất trọng thị, thậm chí có người còn lộ vẻ khúm núm, xun xoe. Ngọc cũng chào lại mọi người với vẻ kẻ cả và nếu có phải bắt tay ai thì cũng hờ hững. Nam và Đức đang ngồi cùng bàn với một số người quen khác, thấy Ngọc, Nam đứng dậy định lảng đi bởi lẽ giữa hai người có một mâu thuẫn rất lớn. Trần Đức biết chuyện và hiểu ngay thái độ của Nam nên vội kéo tay Nam lại và nói nhỏ:

- Kệ hắn ta, cậu phải coi như không có gì. Thế mới là cao thủ.

Nam nghe lời.

Nhưng khi trông thấy Trần Đức và Nam thì Ngọc lại tỏ ra nồng nhiệt:

- Chào ông anh! Hay quá, được gặp hai ông anh ở đây. Có đến hai tháng rồi không gặp nhỉ?

- Chú nhớ quá, đúng là từ hôm hội thảo về nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu đến giờ. - Trần Đức nói.

Nam cố nở nụ cười nịnh:

- Chào nhà báo lớn.

- Chào anh. Không dám nhận là nhà báo lớn - Ngọc kẻ cả - Nghe nói dạo này Tổng Công ty Toàn Thắng làm ăn phát tài lắm phải không.

- Cũng tạm ổn. Mời anh ngồi.

Thấy có Ngọc vào, nhiều người đang vui vẻ vội vã đứng dậy cáo từ.

Ngọc hỏi Đức:

- Ông Cẩm đi đâu rồi?

- Ông anh đi với mấy ông cựu chiến binh thăm đồng đội bị ốm.

Ngọc nhíu mày rồi cười khẩy:

- Nói thế mà các ông cũng tin. Chắc sếp muốn tránh tiếng nên học "anh hùng núp" thôi.

Nói rồi Ngọc lại kẻ cả chìa tay cho Trần Đức:

- Đến chúc mừng ông anh nhưng không có nhà, em phải đi có việc đây. Các anh ở đây nhé.

- Làm ly rượu mừng đã - Trần Đức nói. Ngọc xua tay:

- Em còn phải đi, vả lại bây giờ uống ít rượu thôi. Gan sắp mục rồi.

Trần Đức vội chạy ra nói nhỏ vào tai bà Dung, bà nói với Ngọc:

- Chú đến chơi mà lại về ngay, tôi áy náy quá. Đúng là anh ấy đi từ chiều.

- Có gì đâu bà chị. Lúc khác em lại chơi.

- Chú chờ chị một lát.

Nói rồi bà Dung chạy vội vào buồng và quay ra ngay. Bà tiễn Ngọc ra gần ngoài cổng rồi dúi cho Ngọc một phong bì:

- Chị gửi chú về mua quà cho thằng cu.

- Chị bày vẽ quá. Đến chúc mừng ông anh lại được quà thế này...

- Chú là người trong nhà, đừng câu nệ thế. Anh nhà còn phải có nhiều việc nhờ đến chú.

Từ bên kia đường, Quang và Tuấn thấy rõ cảnh bà Dung đưa tiền cho Ngọc. Quang nháy mắt với Tuấn với vẻ tinh quái.

Trong nhà, Nam nói với ông Đức:

- Em chơi với lại nhiều nhà báo, nhưng chưa thằng nào em ghê tởm như thằng này. Năm ngoái, em phải cho nó một cái quảng cáo gần năm chục triệu, ấy thế mà bọn em có một lô hàng kém chất lượng, nói thế nào nó cũng vẫn cứ choang lên báo.

Ông Đức:

- Với dân báo chí, ông phải biết giữ khoảng cách. Đừng thân quá, nhưng cũng đừng xa lánh họ.

Nam nhìn ông như chưa hiểu hết ý.

Ông Đức giảng giải:

- Cậu mà thân với họ quá, phóng viên đến quấy quả xin quảng cáo thì  cũng chết. Hàng trăm tờ báo, rải quảng cáo làm sao cho khắp. Báo này được, báo kia không... Chúng nó khó chịu,và rình sơ hở của cậu, thế là khổ rồi. Còn lạnh nhạt với họ quá cũng chết. Làm doanh nghiệp bây giờ, sờ chỗ nào chả có sai. Để họ rình thì có mà mang họa. Cho nên phải "kính nhi viễn chi".  Hãy coi nhà báo như quỷ thần, kính nhường mà xa lánh. Ông Hòe, Thứ trưởng  có câu nói rất hay "Không dây với bọn nhà báo, và không được gây gổ với nhà báo".

Nam gật gù:

- Em thấy đến như Tổng thống Mỹ còn sợ nhà báo chết cha chết mẹ.

- Đúng thế. Không có cơ quan nào cửa quyền như báo chí. Cậu cứ đọc những "nói lại cho rõ" thì biết báo chí hiện nay quyền uy như thế nào.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong