Chạy án (Kỳ 8)

Đàn bà thấy tiền mà mắt cứ sáng lên là hỏng. Con vợ tớ cũng là loại như thế. Đầu tiên cũng tưởng lấy cô vợ là giáo viên dạy triết học ở đại học là văn hóa cao... Ai ngờ trước đồng tiền cũng "vật chất có trước, ý thức có sau".

chay an ky 8 Chạy án (Kỳ 7)

Ai biếu bà ấy cái gì cách đây năm năm bà ấy vẫn nhớ, vào dịp năm hết tết đến, ai không biếu bà ấy ...

chay an ky 8 Chạy án (Kỳ 6)

Ba ngàn đôla để đi chơi. Sao mà bà lắm tiền thế. Nó làm ở ngân hàng, lương có ít đâu. Hôm nọ, anh Trác, ...

Lát sau, hai phóng viên Tuấn và Quang phóng xe máy đến khu vực nhà ông Cẩm. Họ đi qua đi lại hai vòng rồi Quang chọn một một ngôi nhà gần đối điện với nhà ông Cẩm. Đó là một ngôi nhà sập xệ, phía ngoài trưng biển "Dịch vụ thiến mèo, chó, lợn, gà". Tuy nhiên, nhìn căn nhà cũng đủ biết chủ nhà là người rất nghèo.

Tuấn hỏi:

- Sao mày chọn nhà này?

- Mày ngốc lắm. Nhà này "rách", chắc là dân đen. Mà dân đen thì có bao giờ thích quan chức giàu có đâu. Tao cam đoan với mày họ sẽ giúp chúng ta rất nhiệt tình.

Quả nhiên, khi hai người vào và Quang đặt vấn đề thì ông chủ nhà, một người hom hem có nét mặt khắc khổ nhiệt tình giúp đỡ ngay. Ông ta pha chè mời hai người:

- Các chú uống nước. Vì nhiệm vụ theo dõi những người có vấn đề, tôi sẵn sàng giúp đỡ. Các chú ở đây mấy ngày cũng được.

- Cám ơn bác, chúng cháu chỉ nhờ bác tối nay thôi.

- Nhà ông Cẩm này có thằng con bất hảo lắm. Nhưng nó được chiều quen xác rồi. Năm ngoái, nó vác cả xe ô tô của bạn đi cầm đồ, bà ấy phải mất hai chục ngàn đô đi chuộc về.

Quang đưa đẩy:

- Chắc người ta đồn thôi. Con ông Cẩm tên là gì nhỉ... Cao... Cao Thanh Lâm thì phải. Nó là cán bộ của Phòng tín dụng điện tử của Ngân hàng Phú Tài, nghe nói giỏi lắm. Nó từng đi Mỹ học cơ mà.

- Các chú không biết thôi. Con ông ấy đi học theo tiêu chuẩn "tẩy rửa tiền" đấy. Đúng là nó giỏi vi tính lắm. Tôi ở đây hàng chục năm, con tôi học cùng với nó, tôi lạ gì.

Tuấn ngơ ngác:

- Tiêu chuẩn "tẩy rửa tiền" là thế nào?

- Thế mà cũng là nhà báo? Đó là một cách hối lộ cho quan chức của các công ty nước ngoài. Biếu tiền, biếu nhà, biếu ô tô, biếu thẻ chơi sân gôn là xưa như Trái đất rồi. Bây giờ họ biếu tiền bằng cách cho anh một xuất học bổng và anh cứ việc đưa con ra nước ngoài học tập, bất chấp có chữ hay mù chữ... Thế rồi cứ vài tháng họ lại đưa cho con anh ít tiền và thằng con lại gửi về cho gia đình. Còn bố mẹ thì cứ việc ra ngân hàng lĩnh tiền và đi khoe "đó là tiền cháu nó làm thêm đấy".

Quang bật cười:

- Bác hiểu như trinh sát hình sự ấy?

- Trinh sát hình sự thì hiểu mấy thằng lưu manh. Còn hiểu được những quan chức như ông Cẩm thì phải có tầm cao hơn... ?

- Ngày xưa bác công tác ở đâu ?

- Chú nhìn kia - Ông chỉ tay lên tường nơi treo hàng chục tấm bằng khen, giấy khen các loại. Rồi nói với vẻ tự hào - Tôi, đường quan lộ gập ghềnh quá, nếu không thì cũng cỡ như ông Cẩm.

- Thế sao ngày xưa bác từng là bác sĩ phẫu thuật mà giờ lại đi thiến chó, mèo.

Ông ta cười hơ hớ :

- Bác sĩ phẫu thuật muốn có thu nhập cao thì phải đạp y đức xuống mà nhận tiền. Còn như tôi... Thiến một con chó, tiền công cao hơn một ca mổ ruột thừa. Thiến một con mèo Iraq, hay đỡ đẻ cho một con chó Nhật, tiền công cao hơn một ca đại phẫu. Mình không có gan ăn của bệnh nhân thì... thì đi ăn của súc vật!

Nói rồi ông ta lại cười rất vô tư. Ông lại tiếp:

- Nói thật với các chú, tôi có khổ như hôm nay cũng là vì đấu tranh chống tiêu cực đấy. Chỉ vì tố cáo ông Giám đốc Sở Y tế tham nhũng mà phải về hưu non.

Thế rồi trong lúc Quang ngồi nói chuyện với ông thì Tuấn lắp máy lên chân và chĩa qua cửa sổ. Từ góc này, bất cứ xe nào tới cũng chụp rõ từng biển số và ai vào cổng cũng không thoát.

***

Trên ôtô đến nhà ông Cẩm, Nam nói với ông Trần Đức:

- Vừa rồi, nhờ có ông anh mà em xuất trót lọt lô hàng hơn hai triệu đôla. Hiện em còn trong kho hơn bốn triệu tiền hàng nữa. Ông anh phải ra tay giúp em.

- Chú cứ yên tâm. Mấy hôm nữa, anh cho thu hồi "quota" của hơn chục doanh nghiệp, và giao lại cho chú thế là ổn chứ gì.

- Nếu được thế thì còn gì bằng. Nhưng em sợ các doanh nghiệp kia nó bán hết rồi.

- Chưa, nó chưa dám bán "quota", nhưng nếu có công văn của anh xuống thì buộc chúng phải tính. Họ không có khả năng sản xuất thì thà bán đi kiếm mấy đồng còn hơn là mất sạch. Công văn của anh chỉ là... chỉ đẩy thêm cho họ quyết định nhanh mà thôi.

Nam tán tụng:

- Ông anh quả là cao kiến.

Trần Đức:

- Anh nói thật với chú, anh chán ngấy cái cơ chế phân bổ hạn ngạch xuất khẩu hàng kiểu này. Lẽ ra phải khuyến khích những anh có tiềm năng, có tài chính, biết đổi mới để có hàng hóa chất lượng cao nhưng giá thấp. Còn thằng nào yếu kém, buộc nó phải chết hoặc nó phải tự nhập vào những anh khỏe... Cứ cào bằng kiểu này, thằng yếu cứ yếu mà thằng khỏe muốn vươn lên cũng khó.

Nam:

- Chúng em làm doanh nghiệp cũng vất vả lắm. Đã thế, bọn nhà báo lại cứ coi chúng em như mấy thằng ăn cắp.

Trần Đức xua tay:

- Cậu phải quen với thói chọc ngoáy của báo chí đi. Chịu khó cho chúng nó ít quảng cáo là im ngay thôi mà. Dịp báo tết vừa rồi, tôi đọc báo mà mới kinh hãi về báo chí. Có tờ báo nó bắt tòa án cũng phải quảng cáo "Kính chào quý khách"; rồi cả ủy ban nhân dân xã, phường cũng phải cho quảng cáo "Chúc mừng năm mới an khang thịnh vượng".

Nói rồi cả hai cười khoái chí. Bỗng Đức nghiêm mặt:

- Lúc nãy cậu cho quà, tớ cám ơn. Nhưng mà... nhưng mà lần sau chớ có đưa tiền cho bà ấy.

- Dạ!

- Đàn bà thấy tiền mà mắt cứ sáng lên là hỏng. Con vợ tớ cũng là loại như thế. Đầu tiên cũng tưởng lấy cô vợ là giáo viên dạy triết học ở đại học là văn hóa cao... Ai ngờ trước đồng tiền cũng "vật chất có trước, ý thức có sau".

Hai người đến nhà ông Cẩm thì trong nhà đã khá đông khách và rất nhiều lẵng hoa chúc mừng.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong