Chạy án (Kỳ 7)

Ai biếu bà ấy cái gì cách đây năm năm bà ấy vẫn nhớ, vào dịp năm hết tết đến, ai không biếu bà ấy chưa khi nào quên. Người ta bảo "chồng là cái đầu của vợ". Nhưng ở nhà ông Cẩm, vợ mới là cái đầu của chồng. Bà ấy mới là "thứ trưởng" thực sự.

chay an ky 7 Chạy án (Kỳ 6)

Ba ngàn đôla để đi chơi. Sao mà bà lắm tiền thế. Nó làm ở ngân hàng, lương có ít đâu. Hôm nọ, anh Trác, ...

chay an ky 7 Chạy án (Kỳ 5)

Tối nay rồi ngày mai là thứ bảy sẽ có nhiều người đến chúc mừng ông ấy được lên chức. Mà họ đến, nhất là ...

Trần Đức, Phó cục trưởng Cục Xây dựng cơ bản của Bộ Kinh tế là một người khá trẻ so tuổi 55 của mình. Đức có bộ mặt rất lạ. Lúc thì thật thà ngơ ngác, lúc lại tinh quái, xảo quyệt nhưng trên hết cả là một vẻ hào hoa pha chút lẳng lơ. Là cấp phó của ông Cẩm, từ bấy lâu nay, Đức chỉ mong cái ngày ông Cẩm rời khỏi chức Cục trưởng để mình thế chỗ. Trong việc đề bạt ông Cẩm lên Thứ trưởng, Trần Đức cũng là người có nhiều đóng góp. Là người từng trải, ăn nói có duyên, quan hệ rộng và biết chi tiền đúng lúc đúng chỗ, cho nên tiếng nói của Trần Đức khá có trọng lượng ở Bộ Kinh tế. Tuy nhiên, ông Cẩm thì đã được đề bạt lên Thứ trưởng nhưng Cục trưởng thì vẫn chưa có người thay. Ông Cẩm đề nghị Trần Đức tạm thời phụ trách cục, nhưng Bộ trưởng vẫn chưa quyết. Về lý do thì Bộ trưởng đã nói thẳng với ông Cẩm.

Trần Đức đứng trước tủ rượu đầy ắp các loại rượu sang trọng, quý giá và nhấc chai này, chọn chai kia. Thúy Bình, vợ thứ hai của Trần Đức mới hơn ba mươi tuổi ngạc nhiên:

- Anh làm gì mà chọn rượu ghê thế?

- Hôm nay đến chúc mừng anh Cẩm.

- Được đề bạt rồi à?

Trần Đức gật gù:

- Mới nhậm chức chiều nay.

Thúy Bình:

- Thế còn anh, có thế chỗ ông ấy không?

Trần Đức:

- Bộ trưởng còn đang cân nhắc. Nhưng anh Cẩm đã đề nghị tôi phụ trách Cục.

Thúy Bình thuỗn mặt ra rồi giở giọng:

- Này, tại sao ông Bộ trưởng cứ khó chịu với mình thế. Hay là... hay là "đạn" chưa bắn trúng.

Trần Đức lừ mắt nhìn vợ:

- Ông ấy và ông Cẩm là những mẫu người cuối cùng của chế độ bao cấp. Tư duy cũ lắm. Không đem quà biếu ông ấy thì còn có tình cảm. Chứ mang quà cáp đến, mà vô phúc lại có phong bì thì mang họa vào thân đấy.

Thúy Bình bĩu môi:

- Em không tin là thời buổi này còn có cán bộ như thế.

- Em thì biết gì ngoài mấy siêu thị. Cán bộ như ông Bộ trưởng, hay như ông Cẩm ấy còn nhiều, còn rất nhiều - Trần Đức lấy ra một chai rượu Trung Quốc - Đây, mang biếu chai này, em chuẩn bị cho anh hộp bánh thật sang và năm ngàn đô nhé.

Thúy Bình trợn mắt:

- Năm ngàn... anh việc gì phải... phải nịnh ông ấy. Cạn ao bèo thì đến đất, chẳng đề bạt anh thì còn đề bạt ai. Việc lên chức của ông ấy, anh tốn bao nhiêu rồi.

Trần Đức cười nhạt, đay nghiến:

- Đúng là đồ đàn bà. Bỏ ra đồng nào là cứ như cắt ruột. Thế tôi hỏi cô. Cô đã làm ra xu cắc nào chưa? Tiền các nơi họ biếu mình thì mình biếu lại cấp trên mình. Đó là nợ đồng lần, cô hiểu chưa.

Thúy Bình thấy chồng nổi nóng liền im thin thít và cung cúc đi mở tủ lấy tiền đưa cho Đức. Anh ta giảng giải:

- Ông Cẩm thì cơ bản đó là người tốt, không có mưu mô gì và sống cũng thoáng. Nhưng bà Dung thì là "quái phụ". Bà ấy học hành thì dốt nhưng trí nhớ rất siêu phàm. Ai biếu bà ấy cái gì cách đây năm năm bà ấy vẫn nhớ, vào dịp năm hết tết đến, ai không biếu bà ấy chưa khi nào quên. Người ta bảo "chồng là cái đầu của vợ". Nhưng ở nhà ông Cẩm, vợ mới là cái đầu của chồng. Bà ấy mới là "thứ trưởng" thực sự.

Thúy Bình lắc đầu:

- Em cũng nghe nói nhiều về bà Dung, nhưng làm gì mà bà ấy điều hành được ông Cẩm?

- Em hiểu họ sao bằng anh.Thật ra thì đúng là bà ấy không điều hành được ông Cẩm bởi vì ông ấy khá nguyên tắc. Tuy nhiên, chỉ cần đứng dưới cái bóng của ông ấy thì cũng đã đủ no ấm rồi. Rất nhiều việc làm ăn của bà ấy ông Cẩm không hề biết.

Thúy Bình nín lặng nghe chồng giảng giải rồi rụt rè:

- Anh cho em đi cùng nhé.

Trần Đức vẫn nói với giọng gay gắt:

- Đến để học cách ứng xử à? Để dịp khác. Mấy hôm nữa anh bố trí em đưa bà ấy đi lễ đền Trần ở Cửa Ông. Nhưng mà nói trước, chớ có học cái kiểu ăn nói coi người như rác của bà ấy.

Thúy Bình thở dài rồi nói với vẻ khó chịu:

- Em là em, bà ấy là bà ấy. Anh cũng chưa làm to lắm để em núp bóng đâu.

Có tiếng còi ôtô ngoài cổng. Bình chạy ra mở cổng và thấy Nguyễn Văn Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Dệt may Toàn Thắng. Nam mang một túi quà to vào và nói:

- Thằng em xin chúc mừng ông anh.

- Có gì mà mừng?

- Thì hôm nay ông anh phụ trách Cục, mai là Cục trưởng. Ông anh khỏe, em mừng... Bác càng phát, chúng em càng có chỗ dựa.

Trần Đức:

- Mày chỉ đếm cua trong lỗ. Thời buổi này, chả nói trước được điều gì. Thôi, ta đi đến nhà ông Cẩm nhỉ.

- Vâng, em chuẩn bị quà mừng ngoài xe rồi.

- Không, của chú là của chú, của anh là của anh. Với ông Cẩm thì chín bỏ làm mười được, nhưng với bà ấy thì chín thành... một trăm đấy!

Hai người ra xe. Thúy Bình mở túi quà và mắt sáng lên khi thấy có phong bì trong đó. Phong bì đề: "Kính biếu anh 10.000 USD". Thúy Bình cười sung sướng và nhún nhảy đi vào buồng cất tiền rồi gọi di động cho chồng:

- Anh à, anh cám ơn anh Nam nhé. Anh ấy đưa mười ngàn đấy.

***

Tại tòa soạn báo Kinh tế Mới. Phóng viên Quang gọi điện thoại di động cho Tuấn, một phóng viên ở báo của tỉnh:

- Alô, ông Tuấn đấy à? Chuẩn bị máy ảnh tối nay đi với tôi nhé.

- Có vụ gì à? Bắt ai thế?

- Không bắt ai cả. Chả là hôm nay ông Cẩm mới được đề bạt Thứ trưởng. Tối nay, và ngày mai, tôi cam đoan với ông sẽ có hàng chục doanh nghiệp đến chúc mừng và chắc chắn nhà ông ấy sẽ thành cửa hàng "bách hóa" ...

- Mày nói thế tao hiểu rồi. Tao đang đói quá, kiếm cho tao mấy cái quảng cáo được không?

- Chuyện vặt. Tối nay, nếu có được những bức ảnh đẹp thì thiếu gì quảng cáo.

- Mày nói bí hiểm như đi buôn hê-rô-in, tao chả hiểu gì cả?

- Có gì đâu, tối nay sẽ có rất nhiều doanh nghiệp thậm thụt đến chúc mừng ông Cẩm... Thôi, tao giải thích sau. Nửa giờ nữa mày đến đây. Nhớ là phải mang máy kỹ thuật số chụp được trong ánh sáng yếu đấy.

- OK.

(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong