Chạy án (Kỳ 5)

Tối nay rồi ngày mai là thứ bảy sẽ có nhiều người đến chúc mừng ông ấy được lên chức. Mà họ đến, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ với ông ấy, chả ai đi tay không cả. Chẳng nhẽ họ đến mình lại mời họ cốc nước chè. Cũng phải có chút rượu, rồi vài món để họ nhâm nhi, nói chuyện. Ông ấy vốn hiếu khách, có khi lại vui cả đêm.

chay an ky 5 Chạy án (Kỳ 4)

Hôm qua, C15 của Bộ mới bắt Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm AS về tội làm giả hợp đồng bảo hiểm, nhận ...

chay an ky 5 Chạy án (Kỳ 3)

Chiều nay, đi trao ở Quảng Ninh, có hoa hậu Minh Phương đi cùng. Chú giao cho cháu dẫn đoàn đi. Bởi lẽ trong đoàn ...

Mặc dù đã biết là chồng nhận quyết định đề bạt hôm nay, nhưng khi nghe anh Chánh văn phòng Bộ gọi điện thoại, bà Phan Thị Mỹ Dung, vợ ông Cẩm cũng thấy xốn xang trong lòng. Nghe điện thoại xong, khuôn mặt bà sáng bừng lên, khiến bà như trẻ ra.

Bà gọi người phục vụ trong nhà và bảo dọn bàn thờ. Rồi bà gọi thêm hai cô cháu gái tới để cùng bà tiếp khách. Bà biết hơn ai hết là chỉ ngay chiều tối nay thôi, khách khứa đến chúc mừng sẽ rất đông.

Bà Cẩm bảo một cô cháu gái:

- Cháu gọi điện đến nhà hàng Nam Hải tửu lầu đặt ba mâm tiệc. Mỗi mâm mười người và xin họ cho phục vụ.

- Thưa dì, đặt những món gì ạ?

- Cháu cứ gọi là họ khắc biết. Những món ăn nào của nhà hay dùng, họ lưu trong máy tính đấy.

Nói rồi bà giảng giải:

- Tối nay rồi ngày mai là thứ bảy sẽ có nhiều người đến chúc mừng ông ấy được lên chức. Mà họ đến, nhất là các doanh nghiệp có quan hệ với ông ấy, chả ai đi tay không cả. Chẳng nhẽ họ đến mình lại mời họ cốc nước chè. Cũng phải có chút rượu, rồi vài món để họ nhâm nhi, nói chuyện. Ông ấy vốn hiếu khách, có khi lại vui cả đêm.

Cô cháu gái nói:

- Nhà mình có dì là sướng nhất đấy.

Bà Dung cười rạng rỡ:

- Cuộc đời chả biết thế nào mà nói trước cả. Như nhà cháu đấy, ngày xưa, bố cháu lái xe đường dài, kiếm ra tiền, chả bao giờ biết miếng cơm độn... Mỗi lần bố cháu đi về, mang cho dì vài cân gạo là thấy quý như vàng.

Vừa lúc đó, một ông già có bộ râu tóc bạc phơ nom rất phúc hậu từ ngoài sân đi vào. Đó là cụ Cao Đức Cần, thân sinh của ông Cẩm, nay tuổi đã ngoại 90, nhưng đầu óc còn minh mẫn lắm. Cụ đi theo cách mạng từ trước năm 1945 và đã có 60 năm tuổi Đảng. Ngày xưa, cụ đã làm đến chức chủ tịch tỉnh, nhưng cả cuộc đời cụ sống rất thanh bạch cho nên ở tỉnh ai cũng quý trọng.

Bà Dung đỡ bố chồng ngồi xuống tràng kỷ. Cụ Cần hỏi:

- Chị chuẩn bị mở tiệc khao anh ấy nhậm chức thứ trưởng đấy à?

Lúc này vẻ mặt hãnh tiến pha chút kênh kiệu của bà Dung đã biến mất mà thay vào đó là bộ mặt đoan trang, hiền thục:

- Dạ, thưa thầy không ạ. Thầy lạ gì tính nhà con, mười nết tốt của thầy thì cũng học được một nửa. Cái gì cũng xuề xòa, giản dị... Con không dám bày vẽ gì. Vả lại, cái chức thứ trưởng có là gì ghê gớm mà đã phải mở tiệc tùng.

- Nếu nghĩ được như thế là phải, nhưng không cần kỹ quá. Cũng nên làm vài ba mâm, báo cáo với tổ tiên rồi gọi anh em con cháu về cho mọi người mừng. Một người có danh, cả họ cũng thơm lây.

- Dạ, con chờ nhà con về mới hỏi xem ý anh ấy định thế nào.

- Lát nữa, tôi theo đoàn cán bộ hưu trí của tỉnh đi thăm lại Khu căn cứ Việt Bắc rồi lại đi Điện Biên. Năm nay nhà nước kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên, tôi muốn đi một lần dối già.

- Thưa... thầy có thể lui lại vài ngày không. Thầy ở nhà, con làm vài mâm cơm... vắng thầy thì anh em, con cháu vui sao được.

- Không thể hoãn được. Mình phải đi theo đoàn. Vả lại vắng mình tôi thì có vấn đề gì đâu.

Cụ liếc nhìn đồng hồ rồi nói:

- Chị làm ơn gọi hộ tôi xe taxi. Đến giờ tập trung rồi?

Nói xong, cụ đứng dậy thong thả chống gậy đi về căn nhà cũ kỹ của mình. Đó là một ngôi nhà năm gian xây theo kiểu ngày xưa và trong nhà cũng vẫn đầy đủ hoành phi, câu đối. Ngôi nhà đó nằm trong khuôn viên chung với nhà ông Cẩm và thật không được tương xứng chút nào với căn nhà bốn tầng đẹp lộng lẫy của ông Cẩm.

Bà Dung nhìn theo bố chồng, thở dài ngán ngẩm rồi nói với cô cháu gái:

- Thật đúng là tuổi già lẩm cẩm. Con trai thì quyền cao chức trọng, giàu có như Thạch Sùng thì chưa, nhưng đâu đến nỗi nào. Vận động ông cụ phá bỏ ngôi nhà ấy đi, lên nhà trên ở với vợ chồng tôi nhưng ông cụ dứt khoát không nghe. Có khách khứa đến, họ không hiểu họ lại nghĩ vợ chồng tôi cư xử với bố làm sao.

Cụ Cần xuống căn nhà của cụ, tới bàn thờ rút một nén hương châm lửa cắm vào bát hương, cụ đứng khấn vái hồi lâu với nét mặt hết sức thành kính, trang nghiêm. Xong rồi cụ xách một chiếc túi du lịch, khóa cửa lại và đi ra cổng đợi xe taxi.

Đúng lúc đó, Cao Thanh Lâm, lái chiếc xe Toyota Camry loại 2.4 màu đen bóng về đỗ trước cổng.

Thấy ông nội đang đứng, Lâm mở cửa xe, nhanh nhảu chạy lại:

- Cháu chào ông ạ. Ông đi đâu thế này?

- Ông chờ xe taxi để đi đến câu lạc bộ cùng với các cụ hưu đi Điện Biên, Tân Trào. Sao giờ này cháu đã về?

- Cháu phải đi có việc đột xuất. Ông đi Điện Biên bằng ôtô à?

- Bằng ôtô.

- Ông đi ôtô, đường xa lại đèo dốc, mệt lắm. Ông để cháu lấy vé máy bay cho ông nhé.

- Ông cám ơn cháu. Ông thích đi ôtô để ngắm nhìn lại con đường 6 mà ngày xưa ông đã hành quân lên Điện Biên. Rồi cũng phải dừng lại đèo Pha Đin chứ. Cháu có nhớ câu thơ nào nói về đèo Pha Đin không?

Lâm lúng túng:

- Cháu không nhớ ông ạ.

Cụ Cần khẽ thở dài và cốc nhẹ lên đầu đưa cháu đích tôn:

- Bác Hồ đã dạy, "Dân ta phải biết sử ta". Không biết truyền thống đánh giặc, giữ nước của cha ông thì... Ông buồn vì cháu lại không biết đèo Pha Đin.

Lâm cười xí xóa:

- Ôi, hôm nay là ngày gì ấy nhỉ? Sáng nay, Tổng Giám đốc cũng nói với cháu là Bác Hồ dạy "Dân ta phải biết sử ta". Bây giờ về nhà, ông cũng lại... Ông ơi, ông đừng lại trách cháu. Nếu mà cháu ông giỏi cả tin học lẫn văn - sử - địa thì thành thiên tài mất rồi.

Thấy có xe taxi tới, Lâm lấy một cọc tiền loại 50 ngàn đồng nhét vào túi áo đại cán của ông:

- Cháu mới lĩnh tiền thưởng. Cháu biếu ông để tiêu dọc đường.

- Ông đã có tiền của tỉnh đài thọ. Cháu cầm về, đưa cho mẹ. Bố cháu mới nhận quyết định lên Thứ trưởng đấy.

- Cháu biết rồi. Mẹ cháu thiếu gì tiền hả ông. Mà từ trước tới nay, chưa bao giờ cần tiền của cháu.

- Mẹ không cần những cháu cũng phải đưa. Đó là trách nhiệm đấy.

Lâm nhét tiền vào túi áo ông rồi đỡ ông lên xe. Thái độ hiếu thảo của Lâm làm ông cụ vui hẳn lên, rạng rỡ.


(Còn tiếp)

Nguyễn Như Phong