- Châu Âu sẽ nhập khẩu khí đốt từ đâu?
- Nga quyết không bán dầu và khí đốt cho các nước áp giá trần
- LNG giúp Tây Âu sẽ 'cai' khí đốt Nga trong mùa đông?
Trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu và chi phí sinh hoạt tăng cao, người dân ở Ba Lan đang phải đốt các chất thay thế như than bùn, yến mạch và thậm chí cả rác.
Khi Paulina Mroczkowska nhận thấy sân của một xưởng thợ mộc bên kia đường chất đầy rác, “hồi chuông” báo động đã reo lên. Điều cô lo ngại không phải là việc đống rác gây mất vệ sinh vì không được thu gom, mà là cách họ sử dụng.
Ba Lan là nơi có 40 trong số 100 thành phố có chất lượng không khí tệ nhất Liên minh châu Âu (EU) vì sử dụng than để sưởi ấm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu hụt nhiên liệu và chi phí sinh hoạt tăng cao, người dân nước này đang phải đốt các chất thay thế, bao gồm cả rác thải của gia đình.
Mroczkowska – 35 tuổi, người mẹ 3 con sống ở Jablonna ở ngoại ô phía bắc Warsaw, cho biết: “Mùa này thật đáng sợ, khi bạn có thể ngửi thấy mùi đốt rác mỗi ngày. Hiếm khi tôi có thể ngửi thấy mùi của một loại nhiên liệu thông thường. Thật đáng sợ khi nghĩ về những ngày trời thực sự trở lạnh.”
Khi mâu thuẫn Nga – Ukraine cho thấy mức độ mong manh của an ninh năng lượng ở châu Âu, thì Ba Lan lại có một mối rủi ro mới. Đó là nỗ lực giải quyết tình trạng ô nhiễm sẽ bị thụt lùi, trong khi đây lại là một quốc gia có tỷ lệ tử vong ở độ tuổi còn trẻ cao nhất châu Âu do ô nhiễm không khí. Trong những năm gần đây, Ba Lan đã ghi nhận khoảng 40.000 ca tử vong sớm liên quan đến ô nhiễm không khí hàng năm, cao nhất ở châu Âu chỉ sau Bugardia.
Ba Lan hiện đã tạm ngừng kiểm soát chất lượng đối với than và đang xem xét việc phân phát mặt nạ phòng độc khi nhiệt độ giảm xuống. Tháng trước, Phó thủ tướng Jaroslaw Kaczynski đã đề nghị người dân làm mọi cách để giữ ấm. Phát biểu trước nhóm người ủng hộ ông ở một cuộc biểu tình tại Nowy Targ – miền nam Ba Lan: “Mọi người nên đốt mọi thứ, ngoại trừ lốp xe và những thứ có hại.”
Hiện tại, một số thành phố ở Ba Lan đã nới lỏng quy định hạn chế về môi trường được đưa ra trong những năm gần đây. Hội đồng khu vực tỉnh Małopolskie hồi tháng trước đã bỏ phiếu nhằm hoãn thời gian cấm sử dụng các lò nung, cho phép người dân đốt bất kỳ thứ gì từ than cho đến rác đến đầu năm 2024. Trước đại dịch, cảnh sát thành phố Krakow đã bắt đầu triển khai máy bay không người lái gắn camera để kiểm tra các ống khói để xem có dấu hiệu đốt rác trái phép hay không.
Việc đốt rác để sưởi ấm ở Ba Lan không được áp dụng quy mô lớn như khu vực Balkan. Tuy nhiên, việc quốc gia này sử dụng than đá khiến họ đi thụt lùi so với 27 thành viên EU, dù đã cam kết ngừng sử dụng nhiên liệu này để sản xuất điện vào năm 2050. Đất nước 38 triệu dân này chiếm tới 77% các hộ gia đình ở EU vẫn đang sử dụng than đá để sưởi ấm.
Dù Tổng thống Andrzej Duda tuyên bố Ba Lan có đủ than để sử dụng trong 200 năm, nhưng quốc gia này vẫn gặp rủi ro lớn khi thiếu nguồn cung từ Nga. Vào tháng 4, khi chính phủ ra lệnh cấm sử dụng than của Nga, hàng dài xe tải đã tập trung trước các mỏ để sẵn sàng khai thác.
Theo Piotr Siergiej – phát ngôn viên của nhóm các nhà hoạt động vì môi trường Polski Alarm Smogowy, các cuộc khảo sát cho thấy 60% số hộ gia đình hiện không có đủ nguồn cung than. Ông cho hay: “Mọi người sợ hãi và đang phải dùng bất cứ thứ gì có thể đốt.”
Người dân Ba Lan đã phải dùng đến than non, gỗ, than bùn, yến mạch và cả rác để sưởi ấm. Theo Thị trưởng thành phố Nowy Sacz - Ludomir Handzel, nơi này đang phải đối mặt với tình huống “chưa từng có” khi thành phố đang có lượng rác được thu gom ít hơn năm ngoái. Trong khi đó, đây là nơi được xếp hạng là thành phố ô nhiễm nhất trong số 34 thị trấn và thành phố do Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) theo dõi.
Handzel cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến hoạt động thu gom rác giảm đáng kể, đặc biệt là đối với các vật liệu dễ bắt lửa như giấy, bìa cứng và hộp các-tông.”
Trong khi đó, nhóm đại diện cho các công ty quản lý chất thải cho biết hiện vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận về số lượng rác được thu gom. Có thể, lượng tiêu thụ đã giảm xuống chứ không phải là người dân sử dụng để đốt bất hợp pháp.
Kamil Sukiennik – thành viên của nhóm Polski Alarm Smogowy, đang sống ở Nowy Dwor, cho biết khói trong khu phố anh sinh sống xuất phát từ việc mọi người đốt lò vào buổi tối. Khói có mùi rất khét và đây mới chỉ là đầu mùa thu.
Một số gia đình đã mệt mỏi vì chờ đợi những giải pháp của chính phủ. Trong năm nay, Brimmu – một startup ở Warsaw, đã quảng cáo về sản phẩm tấm che cho xe đẩy trẻ em, với hệ thống lọc không khí. Nhu cầu với mặt hàng này đã tăng lên nhanh chóng.
Katarzyna Mardeusz-Karpinski cùng chồng là nhà sáng lập của công ty này cách đây 5 năm. Khi đó, con trai họ mới chào đời và không thể đưa con đi dạo do chất lượng không khí quá tồi tệ. Cô cho hay: “Chúng tôi nhận thấy các bậc phụ huynh đang rất lo ngại về tình trạng khói đốt trong mùa đông này và muốn bảo vệ con mình. Trước đây, tình hình không căng thẳng như thế này và chúng tôi đã hy vọng mọi thứ sẽ tốt lên. Nhưng bây giờ, không khí ngày càng tệ đi.”