Sau 3 giờ tham gia hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp tại Paris theo lời mời của Tổng thống Pháp, các nhà lãnh đạo châu Âu không đưa ra được quan điểm chung về khả năng triển khai quân gìn giữ hòa bình tại Ukraine.

Đối mặt với viễn cảnh Mỹ sẽ thu gọn “chiếc ô” bảo đảm an ninh tại châu Âu, cuộc họp của các nhà lãnh đạo Lục địa già tập trung vào khả năng triển khai quân đội tới Ukraine và tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Trong một phát biểu trước báo chí sau hội nghị, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết: “Châu Âu phải đóng vai trò của mình và tôi sẵn sàng cân nhắc việc triển khai lực lượng Anh trên bộ cùng với các nước khác nếu có một thỏa thuận hòa bình lâu dài. Nhưng phải có sự bảo vệ của Mỹ, vì sự bảo đảm an ninh của Washington là cách duy nhất để ngăn chặn hiệu quả Nga tấn công Ukraine một lần nữa”.
Ngoài Pháp bày tỏ quan điểm ủng hộ Anh, một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối làm theo, trong đó có Ba Lan. “Ba Lan sẽ hỗ trợ Ukraine như đã làm từ trước đến nay, phù hợp với khả năng tài chính của chúng tôi cả về mặt viện trợ nhân đạo và quân sự. Chúng tôi không có kế hoạch gửi quân đến Ukraine. Chúng tôi sẽ hỗ trợ hậu cần và chính trị cho các quốc gia có thể muốn cung cấp những đảm bảo như vậy trong tương lai”, Thủ tướng Donald Tusk nói.
Trong khi đó, Thụy Điển, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha cho biết, họ vẫn chưa quyết định về vấn đề này và sẽ cần thêm sự đảm bảo trước khi cam kết điều quân.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, bất kỳ cuộc tranh luận nào về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine hiện nay đều "hoàn toàn vội vã" và "hoàn toàn không phù hợp" trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra.
Nhà lãnh đạo Đức nói thêm rằng, châu Âu và Mỹ phải luôn hành động cùng nhau về vấn đề an ninh. "Không được có sự phân chia an ninh và trách nhiệm giữa châu Âu và Mỹ. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dựa trên việc chúng ta luôn hành động cùng nhau và chia sẻ rủi ro".
Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, các câu hỏi trong tương lai về kiến trúc an ninh sẽ được giải quyết kịp thời, đồng thời nhấn mạnh rằng, nếu một khuôn khổ rõ ràng để đưa quân vào thực địa được thống nhất, Đức sẽ "không ngần ngại" thực hiện điều đó.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói chuyện với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sau hội nghị thượng đỉnh Paris, nhắc lại lời kêu gọi của ông về các đảm bảo an ninh "mạnh mẽ và đáng tin cậy" cho Ukraine.
Hội nghị kết thúc mà không có thông cáo chung hay cuộc họp báo nào. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trao đổi với các phóng viên cho biết, không có quyết định nào về Ukraine được đưa ra tại hội nghị này.