Vũ Tiến Kinh là một trong 219 đứa trẻ mồ côi từ cô nhi viện An Lạc (Sài Gòn) được đưa sang Mỹ theo Chiến dịch Không vận trẻ em năm 1975.
Tháng 4/1975, sau khi được đưa vào trại trẻ mồ côi, Kinh cùng 219 đứa trẻ mồ côi khác của cô nhi viện An Lạc được đưa sang Mỹ theo "Chiến dịch Không vận trẻ em".
Chuyến hành trình di chuyển bằng máy bay đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống Los Angeles vì Kinh và gần 20 trẻ sơ sinh khác quá yếu, không thể tiếp tục cuộc hành trình đến nơi các em được thu xếp tìm cha mẹ nuôi.
Kinh được đưa ra khỏi máy bay để đến thẳng đến bệnh viện UCLA. May mắn sống sót, sau này, Kinh được một gia đình ở California mang về nuôi dưỡng và trở thành công dân Hoa Kỳ. Cha mẹ nuôi đặt tên Kinh là Joseph Palmeter.
Với tài năng âm nhạc thiên bẩm, Kinh đã chơi trong các dàn nhạc của trường trung học và các ban nhạc diễu hành. Nhận tấm bằng cử nhân Âm nhạc tại Westminster College, Kinh xin vào giảng dạy ở một trường công lập trước khi tiếp tục con đường cao học về Hòa âm tại ĐH bang Pennsylvania.
Kinh là một trong 219 đứa trẻ mồ côi của cô nhi viện An Lạc được đưa sang Mỹ theo Chiến dịch Không vận trẻ em.
Đối với Kinh, con đường này vô cùng ý nghĩa. Những trải nghiệm của tuổi thơ đã truyền cho Kinh cảm hứng vô tận và khiến anh muốn mang âm nhạc đến với mọi người trên thế giới.
“Tôi ao ước trở thành một chuyên gia về giáo dục âm nhạc. Giống như việc bác sĩ chữa bệnh về thể chất, âm nhạc và giáo dục sẽ chữa bệnh cho tâm hồn. Tôi mong mình có thể làm tươi sáng hơn cuộc đời của những người kém may mắn tại những vùng quê hẻo lánh”.
“Đó có thể là những người vô gia cư, những người trong cộng đồng LGBT hay những người đã bị ruồng bỏ. Họ bị cộng đồng xa lánh và không còn sự lựa chọn nào khác là phải rời khỏi nơi họ coi là nhà”, Kinh nói về hoài bão của bản thân.
Với khát khao ấy, Vũ Tiến Kinh đã dồn hết tâm huyết vào công việc giảng dạy âm nhạc. Ở ngôi trường anh đang công tác tại Connecticut, Kinh còn là giám đốc, huấn luyện viên ban nhạc jazz. Kinh cũng tiếp tục học lên tiến sĩ nghiên cứu về giáo dục âm nhạc tại Đại học Minnesota.
Mặc dù vậy, Kinh luôn cảm thấy trăn trở về nguồn cội của mình. “Từ khi biết mình bị bỏ rơi, lúc nào tôi cũng muốn tìm hiểu về gốc gác. Câu hỏi “Tôi là ai” và “Tôi từ đâu đến” cứ ám ảnh tôi mãi không thôi. Nhưng cha mẹ tôi không trả lời và họ cũng không muốn nói về chuyện đã nhận tôi làm con nuôi”, Kinh tâm sự.
Trong cuộc hành trình đi tìm gốc rễ, Kinh gặp được bà Betty Tisdale ở tiểu bang Seatle – người phụ nữ đã mang anh từ Việt Nam sang Mỹ - để biết thêm thông tin về cô nhi viện An Lạc (Sài Gòn), nơi anh từng ở vài tháng trước khi được đưa sang Mỹ.
Nhờ vậy, đến năm 2011, lần đầu tiên Kinh đã được đặt chân quay lại Việt Nam.
“Những cảm nhận về âm thanh, mùi vị nơi đây khiến nỗi nhớ trong tôi trào lên da diết. Tôi tự nhủ “Đây chính là nhà của mình”.
Kinh cũng đã đến cánh cổng nơi mình bị bỏ rơi và trại mồ côi nơi anh đã từng sống vài tháng, nhưng giờ đã trở thành nhà ở. Để thực hiện ước nguyện trở về nguồn cội, Kinh còn chính thức đổi tên từ Joseph Palmeter thành tên Việt Nam như được ghi trong giấy khai sinh của mình: Vũ Tiến Kinh.
Giờ đây, mỗi lần có dịp trở về, Kinh lại tham gia tình nguyện ở một trại trẻ mồ côi khác nhau và chơi nhạc cho trẻ em, những người tàn tật hay những người vô gia cư.
“Cho dù đó là những đứa trẻ được giáo dục bài bản hay những đứa trẻ ở một trung tâm chăm sóc tại TP.HCM thì chúng vẫn là những đứa trẻ cần được yêu thương và che chở”,anh nói.
Câu chuyện của 219 đứa trẻ mồ côi ở cô nhi viện An Lạc và bà Betty Tisdale – người phụ nữ từng mang những đứa trẻ Sài Gòn sang Mỹ - đã được quay thành phim với tựa đề “The Children Of An Lac” vào năm 1980.
Thúy Nga (Theo BU Today)