- Đã nối thông 653km cao tốc Bắc - Nam
- Lộ diện 4 nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc Mai Sơn- QL45 và Phan Thiết-Dầu Giây
Tỉnh Lâm Đồng vừa kiến nghị Chính phủ bổ sung 3.330 tỷ đồng ngân sách để đảm bảo phương án tài chính cho dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Hai dự án đang trong quá trình nghiên cứu khả thi, do UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh này kiến nghị bổ sung khoảng 2.410 tỷ đồng cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, nâng phần vốn ngân sách tham gia lên 8.910 tỷ đồng, chiếm 49% tổng vốn đầu tư.
Với dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung hơn 920 tỷ đồng, nâng tổng tiền ngân sách Nhà nước tham gia dự án hơn 8.680 tỷ đồng, chiếm 49%.
Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2022. Tuyến đường dài 66 km, bề rộng nền đường 17m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước 6.500 tỷ đồng, chiếm 37% tổng mức đầu tư; phần vốn của nhà đầu tư 10.700 tỷ đồng.
|
Hai tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có vốn đầu tư lớn, chưa hấp dẫn nhà đầu tư tham gia |
Ngoài ra, do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án tăng gần 1.700 tỷ đồng nên tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu khả thi tăng lên 18.120 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc tăng tổng mức đầu tư của dự án làm tăng thời gian hoàn vốn lên 28 năm 7 tháng, khá dài so với các dự án cao tốc khác và sẽ gặp khó khăn khi vay vốn tín dụng. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đề xuất phương án tăng thêm phần vốn Nhà nước lên chiếm 49% tổng mức đầu tư.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km, nền đường 17 m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc dự kiến cần bổ sung là 3.760 tỷ, vốn ngân sách cần thêm 920 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ kết nối với đoạn Dầu Giây - Tân Phú đang được đầu tư. Sau khi hoàn thành, tuyến đường dài hơn 200 km sẽ kết nối, rút ngắn thời gian từ TP HCM đi Tây Nguyên và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án còn cải thiện năng lực vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho quốc lộ 20 đang quá tải, đặc biệt là điểm đen tại khu vực đèo Bảo Lộc.