- Tổng thống Ecuador tuyên bố đất nước bước vào “cuộc xung đột vũ trang nội bộ”
- Ecuador ban bố tình trạng khẩn cấp vì tù nhân nguy hiểm biến mất
Việc cảnh sát Ecuador đột kích vào Đại sứ quán Mexico ở thủ đô Quito của nước này được xem là sự cố ngoại giao tồi tệ nhất tại khu vực Mỹ Latinh trong nhiều năm gần đây. Điều này không chỉ làm dấy lên làn sóng lo ngại về việc các quy tắc quan hệ ngoại giao quốc tế bị chà đạp, mà còn có nguy cơ tạo ra điểm nóng mới trong một thế giới vốn đã đầy bất ổn.
Việc đột kích vào Đại sứ quán Mexico ở Quito của cảnh sát Ecuador diễn ra tối 5-4 (giờ địa phương) nhằm bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas. Cựu chính trị gia 54 tuổi này bị chính quyền đương nhiệm Ecuador truy tố về nhiều tội danh, gần đây nhất là cáo buộc biển thủ các quỹ của Chính phủ nhằm tái kiến thiết sau trận động đất năm 2016. Ông Jorge Glas đã lưu trú tại Đại sứ quán Mexico kể từ tháng 12-2023 và được Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị trước đó chỉ vài giờ. Sau khi bị bắt, ông Jorge Glas được di lý đến thành phố cảng Guayaquil cách Quito 426km về phía Nam và bị giam giữ tại một nhà tù với mức độ an ninh tối đa.
Việc cảnh sát Ecuador đột kích Đại sứ quán Mexico được xem là một trong những sự cố ngoại giao tồi tệ nhất tại Mỹ Latinh trong nhiều năm gần đây. Vụ việc bắt nguồn từ những rạn nứt giữa hai quốc gia và leo thang nhanh chóng chỉ trong vài ngày. Tổng thống Ecuador Daniel Noboa lên nắm quyền vào cuối năm ngoái với cam kết sẽ trấn áp bạo lực do các băng nhóm ma túy gây ra, làm chao đảo quốc gia một thời yên bình. Tuy nhiên, Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã khiến Quito bất bình khi so sánh tình trạng gia tăng tội phạm ở Mexico trước cuộc bầu cử tháng 6 với bạo lực trong cuộc bầu cử năm 2023 ở Ecuador, trong đó ứng cử viên nổi tiếng Fernando Villavicencio bị ám sát. Trong phản ứng đáp trả, nhà lãnh đạo Ecuador đã ra lệnh trục xuất Đại sứ Mexico. Về phần mình, Mexico cấp quy chế tị nạn chính trị cho ông Jorge Glas, động thái mà phía Ecuador cho là "bất hợp pháp".
Ngay sau cuộc đột kích, Tổng thống Mexico Lopez Obrador tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Bộ Ngoại giao Mexico cũng tuyên bố sẽ khởi kiện Chính phủ Ecuador lên Tòa án Công lý quốc tế sau vụ việc. Sau Mexico, Nicaragua cũng tuyên bố đình chỉ quan hệ ngoại giao với Ecuador. Thông báo của Chính phủ nước này tái khẳng định cam kết đối với luật pháp và công ước quốc tế về mối quan hệ giữa các quốc gia và chính phủ trên khắp thế giới. Đến sáng 7-4 (giờ Việt Nam), các chính phủ trên khắp khu vực Mỹ Latinh đều đã lên án Ecuador một cách kịch liệt. Honduras kêu gọi Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean (CELAC) triệu tập một cuộc họp khẩn cấp; trong khi Tổng Thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almargo đề nghị Hội đồng Thường trực OAS họp khẩn trong thời gian sớm nhất để tìm ra phương hướng giải quyết căng thẳng ngoại giao giữa Mexico và Ecuador - hai quốc gia thành viên OAS.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận thế giới lo ngại không chỉ là mâu thuẫn giữa Ecuador và Mexico, mà còn ở hành động xâm phạm đại sứ quán nước ngoài của Quito. Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 quy định, khuôn viên các cơ quan ngoại giao là vùng bất khả xâm phạm, nhấn mạnh các lực lượng của nước sở tại không được phép vào nếu chưa có sự đồng thuận từ người đứng đầu phái bộ ngoại giao. Trong khi đó, sức nóng từ vụ tấn công gần đây nhằm vào Đại sứ quán Iran tại Syria còn chưa nguôi.
Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena nêu rõ, vụ đột kích của Ecuador vào Đại sứ quán Mexico tại Quito là hành động vi phạm thô bạo Công ước Vienna, thể hiện rõ sự coi thường “cao độ” các chuẩn mực về quan hệ quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington lên án mọi hành vi vi phạm công ước bảo vệ các cơ quan ngoại giao, đồng thời khuyến khích "hai nước giải quyết những bất đồng của họ theo cách phù hợp với các chuẩn mực quốc tế". Theo Bộ Ngoại giao Brazil, hành động của Ecuador "phải bị phản đối mạnh mẽ bất kể lý do biện minh cho việc thực hiện nó là gì".
Có thể thấy, ngay cả khi mâu thuẫn giữa hai quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh chưa thể hóa giải trong một sớm một chiều, việc ưu tiên đối thoại tìm giải pháp là cần thiết, tránh những hành động leo thang căng thẳng, thậm chí vượt qua các nguyên tắc luật pháp quốc tế, nguy cơ tạo ra điểm nóng mới trong một thế giới vốn đang đầy rẫy bất ổn.