Nhiều người cho rằng trầm cảm là căn bệnh hiếm thấy của nhà giàu mà không biết rằng nó đang phổ biến trên toàn cầu, chỉ đứng sau bệnh mạch vành.
Mới đây, một nữ dược sĩ ở Thái Bình đã bất ngờ nhảy sông tự tử do bị trầm cảm khiến nhiều người chú ý tới căn bệnh tưởng như mơ hồ này.
Bệnh trầm cảm rất phổ biến ở Việt Nam và toàn thế giới
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch Mai, năm 2017 số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người, cao gấp 3-4 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông. Báo cáo cũng cho biết thêm, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn tâm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm.
|
|
Bệnh trầm cảm là căn bệnh phổ biến đứng thứ 2 trên thế giới. Ảnh minh họa |
Điều đáng nói là nhiều người vẫn còn mơ hồ về căn bệnh này, khiến việc chẩn đoán sớm và điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Một thống kê cho thấy có đến 6% dân số tại TP.HCM bị bệnh trầm cảm. Nếu trước kia người mắc trầm cảm đa phần nằm trong độ tuổi từ 60 - 65 tuổi, thì hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15 - 27 tuổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Ước tính trên thế giới có khoảng 350 triệu người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm.
Hậu quả nghiêm trọng nhất của bệnh trầm cảm chính là hành vi tự sát do người bệnh cảm giác buồn chán, mất hứng thú kéo dài dai dẳng. Sự rối loạn này không chỉ ảnh hưởng tới tâm trạng, cảm nhận, cách hành xử mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe, thể chất, gây khó khăn cho bệnh nhân trong giao tiếp, làm việc.
Đối tượng và nguyên nhân gây trầm cảm
Theo thống kê, đến 80% dân số sẽ bị trầm cảm vào một lúc nào đó trong cuộc sống của mình. Một số đối tượng sau có thể dễ gặp phải trầm cảm hơn:
- Trầm cảm ở phụ nữ: tỉ lệ mắc trầm cảm ở nữ giới cao hơn nam giới. Trung bình cứ 2 bệnh nhân nữ mới có 1 bệnh nhân nam bị trầm cảm. Trầm cảm thường gặp nhất là ở những phụ nữ sau sinh.
|
|
Phụ nữ dễ mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh con. Ảnh: Vietnamnet |
- Trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên: do áp lực học tập, hoàn cảnh gia đình thay đổi (bố mẹ ly hôn, bị bỏ rơi, thay đổi nơi ở), thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì…
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
- Trầm cảm ở những người làm các công việc có cường độ làm việc và áp lực lớn như y bác sỹ, người làm công việc quản lý, công nhân mỏ than…
- Trầm cảm ở người già: người già có tỉ lệ mắc trầm cảm cao (~16%) do một số yếu tố như bệnh lý mạn tính, do cảm giác cô đơn, mất người bạn đời,…
- Trầm cảm ở những người mắc bệnh nội khoa như: bệnh lý tim mạch, nội tiết, thần kinh, ung thư, bệnh truyền nhiễm… Bệnh cảnh dễ làm nảy sinh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm có thể làm cho bệnh có xu hướng nặng thêm và tăng nguy cơ tử vong.
Dấu hiệu trầm cảm
PGS.TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, trầm cảm là một rối loạn phổ biến, đây không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.
Trong đó phổ biến nhất ở độ tuổi từ 18-45, tỉ lệ ở phụ nữ lớn gấp đôi nam giới. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ, trầm cảm sẽ được chữa khỏi.
Dưới đây là 10 dấu hiệu phổ biến nhận biết trầm cảm:
- Cảm giác buồn chán, trống rỗng
- Khó tập trung suy nghĩ, hay quên
- Luôn cảm giác mệt mỏi, không muốn làm việc gì
- Cảm giác mình có tội lỗi, vô dụng, không xứng đáng
- Mất ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
- Hay cáu gắt, giận dữ
- Giảm thích thú trong các hoạt động hoặc sở thích hàng ngày
- Giảm cảm giác ngon miệng, sụt cân hoặc ăn quá nhiều
- Nghĩ về cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát
|
|
Người bị trầm cảm nặng thường có xu hướng tự sát rất cao. Ảnh minh họa |
TS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khoẻ tâm thần cho biết thêm, ngoài những dấu hiệu trên, bệnh nhân trầm cảm còn có 18-22 triệu chứng cơ thể khác như đau đầu, đau tức ngực, các rối loạn tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn, đau khớp…
“Tuy nhiên không phải cứ có một trong những dấu hiệu trên là mắc trầm cảm, cần phải có thêm tiêu chuẩn thời gian. Các triệu chứng này phải xuất hiện liên tục từ 2 tuần trở lên mới được chẩn đoán là trầm cảm”, TS Tâm chia sẻ.
Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm đến 3 biểu hiện chính: Đột ngột giảm khí sắc (ủ dột, u sầu, chán chường); giảm ham thích so với trước đây (trước đây thích shopping, buôn dưa lê, xem phim... nay không còn); giảm năng lượng (dễ mệt mỏi)... 7 biểu hiện còn lại là những biểu hiện phổ biến.
Ở giai đoạn trầm cảm nhẹ, bệnh nhân sẽ 1-3 biểu hiện chính nói trên và có từ 1-2 biểu hiện phổ biến.
Giai đoạn trầm cảm nặng, bệnh nhân có đầy đủ 8-10 biểu hiện.
Phương pháp chữa trị trầm cảm
|
|
Trầm cảm ngày càng có xu hướng trẻ hóa ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ảnh minh họa |
Trầm cảm có thể chữa khỏi được hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ. Hiện nay, các phương pháp điều trị chính là dùng thuốc, liệu pháp tâm lý, shock điện, kích thích từ xuyên sọ.
Do đó các bác sĩ khuyến cáo, nếu thấy có những dấu hiệu thực thể, khám nhiều nơi mà không tìm thấy bệnh thì nên đi khám chuyên khoa tâm thần.
Mọi người cần nhận thức rằng, trầm cảm là một bệnh lý, không phải là một sự yếu đuối về nhân cách hay thiếu ý chí và nó cần được nhìn nhận cũng như điều trị giống các bệnh lý thông thường khác. Đây là một bệnh lý mạn tính, cần điều trị lâu dài, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì cũng như cần có sự thấu hiểu, hỗ trợ, động viên từ người thân.
Minh Khôi (T/h)
Sau sinh, cô giáo tiểu học có biểu hiện đáng sợ khiến gia đình tá hỏa
Bị trầm cảm sau khi sinh 3 tháng, Lệ bất ngờ không ăn uống, không nói, vệ sinh không tự chủ khiến gia đình tá ... |
Cách điều trị trầm cảm do mạng xã hội
Mạng xã hội tiềm ẩn nguy cơ gây trầm cảm bởi nó khiến người dùng thường xuyên trải nghiệm cảm xúc tiêu cực. |
Stress kéo dài có thể dẫn đến mất trí nhớ
Giảm ham muốn, đột quỵ, rối loạn tiêu hóa, tự sát là hậu quả của căng thẳng kéo dài. |