Kiểm soát khách viếng thăm hay thành lập đội ngũ cảnh sát riêng là hai trong các cách bệnh viện tại Mỹ áp dụng nhằm đảm bảo an ninh.
Lực lượng cảnh sát bệnh viện hiện đã trở thành bộ phận không thể thiếu tại một số cơ sở y tế ở Mỹ. Ảnh: Medical Center Hospital.
Năm 2010, con trai một phụ nữ lớn tuổi đang điều trị ung thư tại bệnh viện Johns Hopskins ở Baltimore, Mỹ, đã nổ súng vào chính bác sĩ phẫu thuật cho mẹ anh này. Hành động diễn ra bất ngờ buộc bệnh viện phải phong tỏa khẩn cấp và các nhân viên không khỏi cảm thấy sợ hãi, sốc. Người bác sĩ phẫu thuật đã bình phục nhưng tâm lý hoang mang không bào giờ có thể xóa bỏ.
Năm ngoái, y tá Elise Wilson, 65 tuổi, bị một thanh niên 24 tuổi tên Conor O\'Regan đâm 11 nhát trong phòng cấp cứu tại bệnh viện Harrington thuộc thị trấn Southbridge, bang Massachusetts. Khai nhận trước tòa, Conor O\'Regan cho biết y chọn nạn nhân ngẫu nhiên để trả thù cho việc mình đã bị đối xử bất công trong một lần điều trị khớp cổ tay trước đó.
Đây chỉ là một vài trong rất nhiều vụ bạo lực tại bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng ở Mỹ. Dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ nhân viên bệnh viện bị cố ý gây thương tích khi đang làm việc cao hơn đáng kể so với các ngành nghề thuộc khu vực tư nhân khác.
Những sự việc trên làm bật lên câu hỏi về mức độ an ninh tại các bệnh viện Mỹ và làm thế nào để biến bệnh viện trở thành nơi an toàn hơn. Theo các chuyên gia, thực tế, không có quy chuẩn nào về an ninh đối các bệnh viện ở Mỹ bởi như lời ông Gabor Kelen, chủ nhiệm khoa cấp cứu tại bệnh viện Đại học Johns Hopkins, "bảo vệ bệnh viện là công việc rất khác biệt. Bệnh viện đáng nhẽ phải là nơi chào đón tất cả mọi người. Ý tưởng biến bệnh viện thành căn cứ quân sự Fort Knox không thực sự khả thi".
Tuy nhiên, trước thực trạng những vụ bác sĩ, y tá bị hành hung ngày càng trở nên phổ biến, các bệnh viện đều phải tự đưa ra những biện pháp đối phó của riêng mình.
Tại bệnh viện Đại học George Washington ở Washinton DC, bất kỳ ai vào bệnh viện cũng phải làm thủ tục đăng ký, nêu rõ lý do đến (nếu đến thăm bệnh nhân, người bệnh nhân đó phải được gọi để xác nhận) và xuất trình giấy tờ tùy thân. Bệnh viện lắp khoảng 130 camera an ninh ở các địa điểm khác nhau, ví dụ phòng chờ, quán cà phê, nhằm quan sát bao quát tình hình mọi lúc, mọi nơi, song không phải trong khu vực bệnh nhân lưu trú vì lý do riêng tư.
Bệnh viện Đại học George Washington không đặt máy phát hiện kim loại hay thuê các nhân viên an ninh có vũ trang bên trong khuôn viên như một số bệnh viện khác. Nhưng những khoa đặc biệt, chẳng hạn như khoa sản, cấp cứu, hồi sức tích cực hay thần kinh vẫn được tăng cường bảo vệ. Nếu muốn ra vào, cả người nhà, bệnh nhân lẫn bác sĩ, y tá đều phải quẹt thẻ.
Theo trang Fierce Healthcare, một số bệnh viện Mỹ hiện còn được phép tự thành lập đội ngũ cảnh sát riêng. Khác với các nhân viên an ninh, thành viên đội cảnh sát này hoàn toàn có quyền bắt giữ trong khuôn viên bệnh viện như các quan chức thực thi pháp luật khác.
Bệnh viện La Porte thuộc Đại học Indiana là một trong những cơ sở áp dụng mô hình trên. Lãnh đạo bệnh viện hy vọng nó sẽ giúp tăng cường độ an toàn khi các cảnh sát bệnh viện có thể hành động ngay lập tức khi có những sự việc bất ngờ xảy ra, không cần chờ tới sự can thiệp của lực lượng cảnh sát địa phương.
Trung tâm Y tế Khu vực Adena ở Ohio cũng đã thành lập phòng cảnh sát riêng vào năm 2014. Bộ phận này sẽ ưu tiên xử lý các hành vi tội phạm trong khuôn viên bệnh viện, để phân biệt với đội an ninh có nhiệm vụ tập trung vào những vấn đề thuộc về quy trình hoạt động như tiêu chuẩn an toàn hay luật lệ.
Y tá Elise Wilson với cánh tay chằng chịt vết khâu vì bị đâm dao. Ảnh: Massachusetts Nurses Association.
Sau vụ đâm dao nữ y tá Elise Wilson năm 2017, bệnh viện Harrington bắt đầu chú ý hơn tới công tác đảm bảo an ninh. Bệnh viện đã ban hành những quy định nghiêm ngặt hơn về an ninh, an toàn, đặc biệt tại phòng cấp cứu. Một số biện pháp được đưa ra, bao gồm hạn chế số lượng khách tới thăm đối với từng bệnh nhân hay tư trang của khách tới bệnh viện đều phải qua kiểm tra.
Bệnh viện Harrington đã lắp đặt hai máy phát hiện kim loại tại hai cửa ra vào khu vực cấp cứu. Thêm vào đó, mỗi bệnh nhân chỉ được phép tiếp không quá hai khách một lần. Dòng khách viếng thăm sẽ do các nhân viên an ninh kiểm soát. Bệnh viện còn có kế hoạch lắp thêm camera và hàng loạt nút báo động khẩn cấp ở nhiều địa điểm khác nhau trải khắp khuôn viên.
Một lượng lớn nhân viên tại bệnh viện Harrington sẽ phải trải qua các khóa huấn luyện kiểm soát khủng hoảng và chiến thuật phòng vệ. Các nhân viên an ninh giờ đây được trang bị thêm dùi cui, còng tay và bình xịt hơi cay để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Đội ngũ lãnh đạo hy vọng bệnh viện Harrington có thể trở thành "mô hình kiểu mẫu" về đảm bảo an ninh, an toàn cho các cơ sở y tế khác trên khắp nước Mỹ.
Vũ Hoàng
Chân dung tên côn đồ hành hung bác sỹ bệnh viện Xanh Pôn
Danh tính kẻ hành hung bác sỹ bệnh viện Xanh Pôn dã man được xác định là Trương Văn Thanh và tên này từng có ... |
Ai cứu bác sĩ?
Hàng loạt vụ bác sĩ bị hành hung ngay tại bệnh viện gây hoang mang dư luận thời gian qua càng làm bức tranh ngành ... |
Tâm sự gan ruột của bác sỹ BV Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhân đánh
Đó là những lời tâm sự khiến nhiều người trăn trở của BS Hồng Chiến - người bị hành hung khi đang giải thích với ... |