Các quốc gia tạo nên làn sóng lôi kéo doanh nghiệp khỏi Trung Quốc

Thế giới từ lâu đã phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Ngoài vai trò công xưởng của thế giới, dân số đông và ngày một giàu lên biến Trung Quốc thành thị trường tiêu thụ béo bở.

Covid-19 vô tình là cú hích giúp các nền kinh tế đẩy nhanh cuộc đua thu hút FDI khi nhiều công ty muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Từ trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, các công ty đa quốc gia đã phải cân nhắc lại chiến lược hoạt động tại Trung Quốc. Chi phí nhân công tăng, đối thủ địa phương ngày càng cạnh tranh khốc liệt và hệ thống quy định kém thân thiện khiến nhiều doanh nghiệp ngần ngại.

cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc

Covid-19 bùng phát lại càng phơi bày sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là các thiết bị y tế cần thiết. Ý thức được điều này, hàng loạt quốc gia đã tung chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Ấn Độ, với dân số xấp xỉ nhưng thu nhập bình quân chưa bằng nửa Trung Quốc, từ lâu đã được coi là địa điểm thay thế cho vai trò công xưởng thế giới. Dù vậy, việc này vẫn chưa xảy ra. Nhà đầu tư chần chừ một phần do việc sở hữu đất đai tại Ấn Độ còn khó khăn. Doanh nghiệp thỉnh thoảng còn phải đàm phán với nhiều chủ đất nhỏ cùng một lúc để có mặt bằng sản xuất.

Lần này, Ấn Độ quyết tâm thay đổi, trong bối cảnh Mỹ - Trung bất đồng và kinh tế trong nước trì trệ. Họ đã dành ra một quỹ đất có diện tích gấp đôi Luxembourg, tương đương hơn 460.000 hecta, nhằm thu hút các hãng sản xuất từ Trung Quốc chuyển về đây. Trong đó đã gồm hơn 115.000 hecta đất công nghiệp có sẵn ở các bang Gujarat, Maharashtra, Tamil Nadu và Andhra Pradesh. Chính quyền New Delhi cũng đang nghiên cứu khả năng cung cấp đất tại các vùng công nghiệp đặc biệt đang bỏ không cho nhà đầu tư.

Bloomberg trích lời một quan chức Ấn Độ cho biết trong tháng 4, chính phủ nước này cũng đã tiếp cận hơn 1.000 công ty Mỹ và đưa ra các ưu đãi với các doanh nghiệp đang cân nhắc chuyển khỏi Trung Quốc. Nước này ưu tiên các hãng cung cấp thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, dệt may, da và phụ tùng xe hơi.

Giới chức Ấn Độ đã thuyết phục các doanh nghiệp rằng dù tổng chi phí cao hơn Trung Quốc, họ vẫn còn rẻ hơn Mỹ hay Nhật Bản nếu xét về đất đai và lao động lành nghề. Họ cũng cam kết sẽ cân nhắc các yêu cầu cụ thể về thay đổi luật lao động. Chính phủ còn đang cân nhắc đề xuất hoãn áp thuế giao dịch trực tuyến của các hãng thương mại điện tử.

Bộ Thương mại Ấn Độ đang lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp Mỹ về các thay đổi cần thiết để luật lao động và thuế của nước này thân thiện hơn với các công ty, một quan chức cho biết. Chính phủ còn làm việc với các bang để đảm bảo có giải pháp lâu dài, đặc biệt là về vấn đề tiếp cận đất đai.

Trong khi đó, Nhật Bản lại chọn cách hỗ trợ bằng tiền, nhưng chỉ dành cho các công ty nước này muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Tháng trước, Nhật Bản công bố sáng kiến 2,2 tỷ USD hỗ trợ các hãng sản xuất muốn chuyển khỏi Trung Quốc. Trong đó, 2 tỷ USD để dành hỗ trợ các công ty chuyển về Nhật Bản. Phần còn lại hỗ trợ các doanh nghiệp dời sang nước thứ ba.

Sáng kiến này được đưa ra sau khi hàng loạt hãng xe và công ty Nhật Bản thiếu nguyên vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc do đại dịch bùng phát. Một khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research cho biết 37% trong số hơn 2.600 doanh nghiệp tham gia trả lời rằng họ đang đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc vì đại dịch.

"Sản phẩm phụ thuộc vào một quốc gia và có giá trị gia tăng cao sẽ quay về Nhật Bản", Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong một cuộc họp chính phủ hồi tháng 3, "Kể cả các sản phẩm không phụ thuộc vào một quốc gia và không có giá trị gia tăng cao, việc sản xuất cũng sẽ được đa dạng hóa sang ASEAN".

Mỹ từ lâu cũng đã muốn đưa sản xuất về nước. Vì thế, đại dịch càng khiến họ muốn đẩy nhanh quá trình này. Reuters tuần trước trích lời các quan chức Mỹ cho biết Bộ Thương mại, Ngoại giao và nhiều cơ quan chính phủ khác đang tìm cách thúc đẩy các công ty tìm nguồn hàng và chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Ưu đãi thuế và trợ cấp chuyển sản xuất là hai trong các biện pháp đang được thảo luận.

"Cả chính phủ đang vào cuộc", một quan chức cho biết trên Reuters. Họ cũng đang điều tra xem loại hình sản xuất nào là "thiết yếu" và làm cách nào để sản xuất chúng ngoài Trung Quốc. Trong một bài phỏng vấn trên Fox tháng trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow còn cho biết Mỹ nên hỗ trợ toàn bộ chi phí cho các công ty quay về từ Trung Quốc.

Không chỉ muốn các công ty rời Trung Quốc về Mỹ, Washington cũng hài lòng nếu họ chuyển sản xuất đến nước khác thân thiện hơn. "Chúng tôi đã nỗ lực việc này vài năm qua, nhưng giờ đang tăng tốc", Keith Krach - một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trên Reuters.

Mỹ đang thúc đẩy thành lập một liên minh "các đối tác tin cậy" có tên "Mạng lưới Kinh tế Thịnh vượng". Mạng lưới này sẽ bao gồm các công ty, tổ chức dân sự xã hội đang hoạt động với cùng tiêu chuẩn trong mọi vấn đề, từ kinh doanh số, năng lượng và hạ tầng đến nghiên cứu, giáo dục và thương mại. Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo cho biết Mỹ đang làm việc với Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam "để đưa kinh tế toàn cầu tiến lên phía trước" và bàn cách "tái cấu trúc các chuỗi cung ứng để ngăn tình hình hiện tại tái diễn".

Ngày 13/4, Ủy ban Đầu tư Thái Lan - cơ quan chịu trách nhiệm thu hút FDI của nước này - cũng công bố các chính sách ưu đãi thuế mới để thu hút vốn đầu tư vào ngành y tế và công nghệ cao. Một trong các biện pháp là giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm. Đây là các ngành đã được họ đẩy mạnh trong các năm qua.

cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc

Trong giai đoạn 2017 - 2019, BOI nhận 44 đơn xin cấp phép trị giá 12 tỷ baht (375 triệu USD) để sản xuất các máy chụp X-quang, chụp CT, vật tư y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân. "Chúng tôi tin rằng cuộc khủng hoảng này sẽ giúp quảng bá Thái Lan là trung tâm sản xuất thiết bị y tế trong khu vực và thậm chí trên toàn cầu", Tổng thư ký BOI Duangjai Asawachintachit cho biết trong cuộc họp báo sau đó.

Dù vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng cảm thấy thu hút bởi các ưu đãi trên. Tính đến ngày 21/4, chỉ một công ty nộp đơn xin trợ cấp theo chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quay về của Nhật Bản. Iris Ohyama - một hãng sản xuất hàng tiêu dùng - muốn mở nhà máy khẩu trang mới ở Nhật Bản. Họ hiện có các cơ sở ở Trung Quốc và cũng lấy nguyên liệu từ nước này. Nhà máy mới sẽ dùng nguyên liệu tại Nhật Bản. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu các nhà máy ở Trung Quốc có đóng cửa hay không.

Một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải tháng trước thì cho thấy khoảng 70% công ty không nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vì Covid-19. Phần lớn họ muốn ở lại đến bán hàng cho thị trường 1,4 tỷ dân. Số khác cho biết rất khó độc lập khỏi mạng lưới mà công xưởng thế giới đã tạo ra suốt 30 năm qua.

Chính sách hỗ trợ của Nhật Bản và Kudlow "chỉ giải quyết được chi phí cố định của việc chuyển sản xuất", Heiwai Tang - Giáo sư tại Đại học Hong Kong cho biết, "Còn chi phí biến đổi nữa, như nhân công và đất đai - vốn đắt đỏ hơn nhiều tại các nền kinh tế phát triển".

SCMP cho rằng những nền kinh tế muốn chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc có thể nhìn vào cách làm của Đài Loan. Từ đầu năm ngoái đến ngày 16/4, 180 công ty Đài Loan đã đầu tư khoảng 25 triệu USD để chuyển sản xuất từ Trung Quốc về.

Đây đều là các doanh nghiệp chịu tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và đã đầu tư vào Trung Quốc được hơn 2 năm. Chính quyền Đài Loan đã hỗ trợ họ về cả đất đai, nước, điện, vốn và thuế. Đây là các chi phí biến đổi mà nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phải cân nhắc.

Câu chuyện Nhật Bản

Trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam đoan với người bạn của mình rằng máy thở do Mỹ sản xuất sẽ luôn có sẵn để gửi cho Tokyo.

cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc

"Chúng tôi có thể gửi máy thở cho ông bất cứ lúc nào", ông Trump nói. Mỹ đã bắt đầu sản xuất hàng loạt và thành công trong việc giảm chi phí.

Đối với ông Abe, đây là một sự giải thoát. Nhật Bản đã phải vật lộn để tăng cường sản xuất trong nước. Nước này phụ thuộc vào Trung Quốc trong phần lớn nguồn cung khẩu trang khiến họ không thể đáp ứng nhu cầu tăng vọt, khiến nhà sản xuất thiết bị điện tử Sharp thậm chí đã bắt đầu sản xuất mặt hàng này.

Đảm bảo nguồn cung thiết bị y tế để ứng phó với đại dịch đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tình trạng thiếu trước hụt sau đã đưa trở lại cuộc tranh luận lâu nay ở Tokyo về việc dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Với cuộc khủng hoảng Covid-19 làm cho những rủi ro về an ninh kinh tế trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, chính quyền Abe đã bắt đầu hành động.

Nội các Nhật Bản hồi tháng 4 đã dành tới 248,6 tỷ yen (2,33 tỷ USD) để trợ cấp cho các doanh nghiệp đưa nhà máy trở về nước này, chi trả tới hai phần ba chi phí di dời.

Chính sách này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình ở Mỹ.

"Đã đến lúc tẩy chay Trung Quốc và xây dựng lại các nhà máy ở Mỹ", thượng nghị sĩ Tom Cotton viết trên Twitter vào giữa tháng 4.

"Trong bối cảnh đại dịch virus corona, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã đề xuất chính sách \'rời khỏi Trung Quốc\', xây dựng một nền kinh tế ít phụ thuộc vào Trung Quốc", Nikki Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nói trên Twitter, cho rằng Mỹ "nên coi việc này là ưu tiên".

Mặc dù số tiền chiếm chưa đến 1% trong gói kích thích kinh tế 108 nghìn tỷ yen, nhưng rõ ràng đã khiến Trung Quốc cảnh giác. Bắc Kinh không chỉ hối thúc giới chức Nhật Bản giải thích ý nghĩa của biện pháp này, mà còn thăm dò ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc về việc họ có kế hoạch rời đi hay không.

Chính phủ Nhật Bản chắc chắn đã làm mọi cách để tình trạng thiếu khẩu trang không lặp lại.

Song 2,33 tỷ USD không đủ để thúc đẩy một sự thay đổi có ý nghĩa. Hàng loạt câu hỏi của Bắc Kinh đối với Tokyo cũng lắng xuống.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã được thổi vào luồng gió mới khi Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, nhấn mạnh sự cần thiết phải tự chủ hơn.

"Nhìn vào khẩu trang chẳng hạn, 70 đến 80% được sản xuất tại Trung Quốc", ông cho biết. "Chúng ta phải tránh phụ thuộc quá mức vào một số quốc gia nhất định về sản phẩm hoặc nguyên liệu và đưa về nước các cơ sở sản xuất hàng hóa cần thiết cho cuộc sống hàng ngày".

Ông Suga là cánh tay phải của Thủ tướng Abe và là nhân vật chủ chốt trong chính phủ kể từ khi ông Abe trở lại làm thủ tướng năm 2012. Phát biểu của ông Suga phản ánh điều gì đó rộng lớn hơn nhiều so với một chính sách tạm thời để ứng phó cuộc khủng hoảng hiện tại.

Hồi tháng 4, Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản đã thành lập một nhóm chuyên gia kinh tế chuyên trách. Một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã được bổ nhiệm vào vị trí mới trong ban lãnh đạo hội đồng, cho phép bộ này hiện diện trong một cơ quan trước đây chỉ do hai bộ ngoại giao và quốc phòng làm chủ.

Nhóm mới sẽ lãnh đạo việc soạn thảo một chiến lược cơ bản về an ninh kinh tế dự kiến giới thiệu trong năm nay. Nhóm dự tính quy định dược phẩm và thiết bị y tế là hàng hóa chiến lược - rút ra bài học từ sự thiếu hụt khẩu trang - và đề ra các biện pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước và sử dụng các nhà cung cấp Nhật Bản.

Song đây không phải là trọng tâm duy nhất của nhóm.

Chính quyền Tổng thống Trump hồi cuối tháng 4 đã siết chặt việc hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm có tiềm năng ứng dụng trong quân sự, bao gồm các thiết bị sản xuất chip và cảm biến. Vì một phần vai trò của đội ngũ kinh tế Nhật Bản là phối hợp với các cơ quan của Mỹ, bao gồm Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, biện pháp này có thể định hình chính sách ở Nhật Bản.

"Kiểm soát chặt chẽ hơn việc xuất khẩu chip có thể trở thành chủ đề trong tương lai", một người trong chính phủ Nhật Bản cho biết.

Nhật Bản là nước đi đầu toàn cầu về thiết bị sản xuất chip và chất cản quang - những thứ phải có để sản xuất chip. Chính phủ dường như coi việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này là một con đường để buộc Trung Quốc và các nước khác tiếp tục hợp tác với Tokyo.

Hiện tại, đối phó với khủng hoảng y tế là ưu tiên hàng đầu của cả Nhật Bản và Mỹ, nhưng một khi dịch bệnh được kiểm soát, sự chú ý sẽ chuyển sang câu chuyện hậu đại dịch.

Những hạn chế xuất khẩu của Washington là một phần trong đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc mà Mỹ đã theo đuổi kể từ khi Phó tổng thống Mike Pence lên án Bắc Kinh trong một bài phát biểu vào tháng 10 năm ngoái. Việc xem xét lại chuỗi cung ứng do dịch bệnh nhất quán với mục tiêu lâu dài của Mỹ là hạn chế chuyển giao công nghệ sang Trung Quốc.

Và với việc hai cường quốc tranh cãi gay gắt về nguồn gốc của virus, thật khó để dự đoán trật tự thế giới sẽ xoay chuyển như thế nào sau đại dịch. Các cuộc thảo luận mới tại Nhật Bản về việc dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc có thể trở thành điểm nóng giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Phóng viên (t/h)

Theo Nghề nghiệp & Cuộc sống

cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc Hối thúc trào lưu rút khỏi Trung Quốc, Donald Trump tính nước cờ cao
cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc Liệu làn sóng dịch Covid-19 thứ hai có tấn công TQ?
cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc Nga chuẩn bị khai thông cây cầu đường bộ đầu tiên với Trung Quốc
cac quoc gia tao nen lan song loi keo doanh nghiep khoi trung quoc Nhật Bản phản đối tàu của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải