Các kịch bản định hình Trung Đông

Syria và Trung Đông đang đối mặt với những ngã rẽ định mệnh, nơi các xung đột nội tại và lợi ích cạnh tranh giữa các cường quốc có nguy cơ đẩy khu vực vào vòng xoáy bất ổn kéo dài. Liệu ngoại giao quốc tế có thể tìm ra con đường hòa bình, hay các chia rẽ chiến lược sẽ tiếp tục chi phối tương lai của một khu vực đầy biến động này?

Khu vực Trung Đông từ lâu đã trở thành điểm nóng của các xung đột địa chính trị, trong đó Syria hiện diện như một đấu trường trung tâm kể từ sau sự kiện Mùa xuân Arab năm 2011. Cuộc nội chiến tại Syria ban đầu bùng phát như một cuộc đấu tranh giữa chính quyền và các phe đối lập, xuất phát từ các bất đồng về chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt là yêu cầu cải cách trong bối cảnh chế độ tồn tại nhiều bất công kéo dài.

11_1_2025_hososukien.jpg -0
Hiện trường đổ nát sau một cuộc oanh kích của Israel vào khu vực phía Nam Thủ đô Beirut của Lebanon. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo thời gian, xung đột này đã trở nên phức tạp hơn với sự tham gia của nhiều lực lượng quốc tế và khu vực, bao gồm Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Iran. Tình hình càng thêm căng thẳng khi các lực lượng này không chỉ nhắm đến lợi ích trong nước mà còn cố gắng định hình cán cân quyền lực trong toàn khu vực.

Theo các số liệu từ Liên hợp quốc (LHQ), hơn 500.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, trong khi 6,8 triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Trong số đó, một lượng lớn người tị nạn đã phải di cư đến các nước láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon, tạo áp lực lớn lên hệ thống kinh tế và xã hội của các quốc gia này.

Tình trạng nhân đạo tại đây đang ngày càng nghiêm trọng, khi mà các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột vẫn chưa mang lại những kết quả đột phá. Quá khứ đẫm máu của Syria là lời cảnh báo mạnh mẽ về tương lai bất ổn nếu các bên liên quan không tìm được tiếng nói chung.

Một trong những khả năng có thể xảy ra là tình trạng nội chiến toàn diện sẽ bùng phát với cường độ cao hơn bao giờ hết. Điều này trở nên hiện hữu khi các cuộc tấn công gia tăng tại các khu vực chiến lược như Idlib và Aleppo, cùng với việc các phe phái vũ trang liên tục tìm cách mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. Thêm vào đó, sự hỗ trợ quân sự và tài chính từ các cường quốc bên ngoài như Nga và Iran càng làm phức tạp thêm tình hình, khiến các bên xung đột khó đạt được thỏa thuận hòa giải.

Sự hiện diện của nhiều lực lượng vũ trang đối lập với lợi ích cạnh tranh trong lãnh thổ Syria là một yếu tố then chốt khiến viễn cảnh này trở nên rõ ràng hơn. Trong bối cảnh đó, các nhóm thiểu số như người Shiite, Alawite và Druze có thể trở thành tâm điểm của các cuộc giao tranh. Đặc biệt, người Druze tại Suwayda, vốn nổi tiếng với lập trường phản đối các phe phái vũ trang, có nguy cơ bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực nếu tình hình leo thang. Sự leo thang này không chỉ tạo ra các thảm họa nhân đạo mà còn khiến cơ hội hòa giải trở nên xa vời.

Một khả năng khác là Syria sẽ bị phân chia thành nhiều quốc gia nhỏ, tạo ra một khu vực bất ổn kéo dài. Tình trạng này không chỉ làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn nội tại mà còn gây ra những tác động sâu rộng đến các nước láng giềng như Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon. Những quốc gia này sẽ phải đối mặt với các vấn đề như dòng người tị nạn gia tăng, áp lực kinh tế, và nguy cơ bất ổn lan rộng qua biên giới.

Trên quy mô khu vực, việc phân chia Syria có thể làm suy yếu hơn nữa cấu trúc địa chính trị Trung Đông, dẫn đến một chu kỳ xung đột mới khi các lực lượng khác nhau tranh giành ảnh hưởng trong các vùng lãnh thổ mới hình thành. Đây không phải là kịch bản xa lạ trong lịch sử Trung Đông, khi mà các lợi ích quốc gia và khu vực thường không song hành với nhau.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, hai cường quốc có tầm ảnh hưởng lớn tại Syria, đều đang có những chiến lược riêng. Trong khi Nga duy trì hiện diện quân sự để hỗ trợ chính quyền hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ lại tập trung vào việc kiềm chế ảnh hưởng của người Kurd. Thêm vào đó, Mỹ và Israel cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai Syria, với các mục tiêu chủ yếu nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran và đảm bảo an ninh khu vực.

Trong khi đó, xung đột lợi ích giữa các cường quốc có thể tiếp tục làm phức tạp thêm tình hình. Điều này đặc biệt đúng khi các chiến lược của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và các bên liên quan khác không đồng nhất. Ví dụ, thủ lĩnh Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), Ahmed Al-Sharaa, có thể phản đối chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ nếu lợi ích giữa hai bên mâu thuẫn.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất là tương lai của người Kurd, lực lượng đã trở thành một nhân tố then chốt trong việc định hình cấu trúc quyền lực tại Syria. Người Kurd, với những nỗ lực không ngừng để xây dựng một vùng tự trị, đã tạo ra sự lo ngại sâu sắc từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia xem sự trỗi dậy của lực lượng này là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia. Căng thẳng càng gia tăng khi Mỹ, một đồng minh quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO, lại hỗ trợ người Kurd trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố tại khu vực.

Hệ quả là, những bất đồng về chiến lược giữa hai cường quốc này có nguy cơ gây ra sự chia rẽ trong liên minh NATO, đồng thời kéo theo những hậu quả nặng nề cho cả Syria và khu vực Trung Đông rộng lớn hơn. Việc không thể giải quyết xung đột lợi ích một cách thỏa đáng sẽ tiếp tục đẩy Syria vào tình trạng bế tắc, đồng thời làm phức tạp thêm các nỗ lực ngoại giao quốc tế.

Tương lai của Syria và khu vực Trung Đông rõ ràng đang đối mặt với những thách thức lớn. Sự trỗi dậy của các nhóm Hồi giáo cực đoan tại Syria không chỉ làm suy yếu nền tảng quốc gia thống nhất mà còn đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn kéo dài. Những chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc và ý thức hệ trong nội bộ quốc gia đã trở thành những điểm yếu lớn, tạo điều kiện cho các lực lượng cực đoan và các cường quốc bên ngoài khai thác. Trong khi đó, lợi ích của các cường quốc toàn cầu tiếp tục là rào cản lớn đối với một giải pháp hòa bình bền vững. Việc các bên tham gia duy trì các ưu tiên chiến lược riêng biệt, thay vì đồng thuận trên các giá trị chung, đã làm tình hình thêm phức tạp.

Các bài học lịch sử từ Iraq và Afghanistan cho thấy rằng hòa bình chỉ có thể đạt được khi tất cả các bên liên quan cam kết thực hiện các thỏa thuận dựa trên lợi ích chung, thay vì theo đuổi các mục tiêu đơn phương.

Ở Iraq, dù đã có những nỗ lực tái thiết và ổn định sau chiến tranh, sự thiếu phối hợp giữa các phe phái đã dẫn đến các cuộc xung đột mới. Tương tự, tại Afghanistan, các nỗ lực quốc tế không thể duy trì hòa bình bền vững khi các yếu tố nội bộ và lợi ích ngoại bang không được dung hòa. Những bài học này là hồi chuông cảnh tỉnh, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một tiến trình hòa bình toàn diện và bền vững tại Syria.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực và hướng tới một giải pháp bền vững, vai trò của LHQ và các tổ chức quốc tế cần được tăng cường. Một ví dụ đáng chú ý là Hiệp định Hòa bình Oslo, mặc dù không hoàn hảo, đã mang lại tiến triển trong việc giảm căng thẳng giữa Israel và Palestine vào những năm 1990. Dù có nhiều trở ngại, những cuộc đàm phán này đã chứng minh rằng hòa bình có thể đạt được thông qua nỗ lực ngoại giao kiên trì và sự nhượng bộ chiến lược từ các bên.

Các nỗ lực khác, như hội nghị Geneva về Syria, dù chưa đạt được những thành tựu lớn, cũng minh chứng rằng các cơ chế ngoại giao, dù khó khăn, có thể là công cụ hữu hiệu để giải quyết xung đột nếu có sự đồng thuận từ các bên liên quan. Một nền tảng đối thoại vững chắc không chỉ giúp giảm bớt căng thẳng tiềm ẩn mà còn tạo ra cơ hội để các bên tìm được tiếng nói chung.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà không có kịch bản nào là lý tưởng, sự đoàn kết và cam kết quốc tế có thể mang lại hy vọng cho người dân Syria. Việc thiết lập các hành lang nhân đạo, cùng với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, sẽ là bước đầu tiên cần thiết để giảm thiểu đau khổ và xây dựng một nền tảng hòa bình lâu dài. Dù triển vọng trước mắt vẫn chưa rõ ràng, song một giải pháp hòa bình toàn diện vẫn là con đường duy nhất để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng lâu dài cho khu vực.

Đặng Hà / CAND